Lý duyên khởi và giá trị cầu nguyện

Chương bốn

Một lý do mà theo tôi là chủ yếu khiến người ta bỏ chẳng thiết tha gì đến cầu nguyện nói riêng và sống Đạo nói chung đó là bởi đã không biết đến giá trị thực của nó. Đọc kinh xem lễ làm việc tông đồ bác ái rút cục để được gì, có lợi chi cho bản thân gia đình xã hội hay không? Bao lâu còn chưa nhận ra giá trị cầu nguyện đối với cuộc sống là thế nào thì bấy lâu người ta vẫn cứ thờ ơ với việc ấy hoặc có làm thì cũng chỉ miễn cưỡng cho phải phép có lệ.

 Như Đức Cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận nói Hội Thánh khủng hoảng là do đã hạ giá cầu nguyện thì nguyên nhân cũng bởi tại người ta vẫn chưa nhận ra giá trị của cầu nguyện. Sự hạ giá này có thể diễn ra dưới hai hình thức, một như trên vừa nói người ta cầu nguyện cách miễn cưỡng chiếu lệ, thật ra chẳng đáng được gọi là cầu nguyện chút nào và hai là đã biến cầu nguyện thành ra suy niệm thần học.

 Biến cầu nguyện thành triết học việc này xét ra còn nguy hại hơn cả hạ giá mà phải nói rằng nó hạ sát thì mới đúng. Bản thân của suy niệm đã không phải cầu nguyện rồi. Nó còn khiến người ta coi rẻ việc đọc kinh lần hạt cho đó chỉ là công việc của đàn bà trẻ con.

 Tuy vậy xét cho cùng cái việc người ta hạ giá cầu nguyện bằng cách suy niệm như thế cũng là điều tất nhiên. Bởi lẽ thần học làm sao mà thoát ra khỏi được duy lý? Cầu nguyện cũng giống như Thiền nó không thể đi đôi với suy lý có cái này thì không thể có cái kia giống như mặt trời với mặt trăng vậy.

 Để có thể giải quyết cơn khủng hoảng cầu nguyện thì việc tìm hiểu và đến với Thiền là điều đáng nên được hoan nghênh. Tuy nhiên khi làm việc này thiết nghĩ cũng cần phải biết ta biết người, ta ở đây cố nhiên là Đạo Công giáo còn người nếu là Phật giáo thì cũng cần phải xác định đó là thứ “Thừa” nào – Nhân – Thiên – Tiểu hay Đại Thừa. Trong số những “Thừa” này ta có thể tương đồng với loại nào bởi lẽ mỗi “Thừa” đều có loại Thiền khác biệt riêng cho mình. Nếu không xác định được tính chất “đồng” của nhau thì khi đến với Thiền chắc chắn sẽ gặp trở ngại có nghĩa sẽ chỉ thấy toàn là những bất đồng.

 Trường hợp điển hình nhất cho thấy có sự bất đồng giữa “ta” và “người” đó là của một tu sĩ (ĐVT) thuộc Dòng Tên (?)vị này nhân đọc tập thông tin lưu hành nội bộ nhan đề Hội Nhập Văn Hóa v / Đối thoại Tôn Giáo. Trong đó nữ tu TS viết để lượng giá sau ba ngày tu tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt có đoạn “Khi rời Thiền viện tôi cảm nhận thấy mình đã tích lũy được thêm một kinh nghiệm để đưa cầu nguyện vào cuộc sống khiến cầu nguyện thành một cầu nguyện triền miên bằng cách lắng nghe bằng thân xác cũng như tâm hồn mình”.

 Căn cứ trích đoạn này vị tu sĩ đưa ra mấy nhận định có ý nêu lên sự khác biệt triệt để giữa Thiền và cầu nguyện.

 Trước hết khi chị nữ tu kia nói rằng mình chỉ sau vỏn vẹn có ba ngày tập tu tại một Thiền viện mà đã đưa được cầu nguyện vào cuộc sống khiến cầu nguyện thành một thứ cầu nguyện triền miên… thì đó giống như một phép mầu tức có nghĩa điều mà các tu sĩ linh mục kể cả những vị thuộc dòng Chiêm Niệm có khi trải qua hai ba mươi năm chưa đạt mà chị lại chỉ cần có ba ngày?

 Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với vị tu sĩ ĐVT kia rằng đó chỉ có thể là một “phép mầu” một phép mầu mà chị muốn “tỏ ra” như thế chứ thật sự chẳng có màu mè gì hết. Dẫu vậy cũng cần nói thêm rằng chỉ ngồi để mà chống chỏi với cái đau nhức khi mới tập ngồi thế hoa sen kiết già vừa thở ra hít vào, vừa để tâm nghe… chim hót thì đó chẳng phải Thiền cũng chẳng phải cầu nguyện gì đâu mà chỉ là vọng tưởng đó thôi. Thiền như thế thì chẳng có can dự chi đến cầu nguyện là đúng – rất đúng.

 Tiếp đến cũng nhân việc phê phán cái sự lượng giá của chị nữ tu kia, tu sĩ ĐVT đã nêu lên quan điểm của mình về Thiền nói riêng và về Phật giáo nói chung cho nó hoàn toàn khác biệt với Kitô giáo ở chỗ Phật giáo là vô thần chủ trương tự lực còn Kitô giáo hữu Thần dựa vào tha lực. Cái vô thần của Phật giáo tuy nói rằng KHôNG nhưng lại “xác quyết rằng có cái gọi là Chân Tâm cũng gọi là Chân Như hay Phật Tánh” .

 Một đàng thì nói không – đàng khác lại nói có như vậy theo vị tu sĩ thì đáng lẽ Phật giáo cũng phải công nhận cái mà luân lý học gọi là “Những nguyên tắc của lý trí” thì mới đúng. Nguyên tắc của lý trí đó là công nhận mâu thuẫn = cùng một cái đó không thể đồng thời có đó và không có đó hoặc A không thể đồng thời là A và không là A.

 Sau khi đã trình bày một cách khá dài dòng cùng với những dẫn chứng cụ thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, vị tu sĩ đi đến kết luận “chúng ta là những con người hữu hạn chúng ta sống trong thế giới hữu hạn và tương đối” vì thế chúng ta chỉ có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ tương đối và hữu hạn”.

 Chấp nhận “con người là hữu hạn và vì thế chỉ có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ tương đối và hữu hạn”. Quan điểm này xuất phát bởi Hữu Thể học (on tologic). Nó cho thấy tính cách nhị nguyên trong nhận thức rằng có một thực tại siêu việt ở bên ngoài hoàn toàn tách biệt khỏi con người. Chỉ thực tại ấy mới vô hạn còn con người thì hữu hạn. Quan niệm có một thực tại siêu việt ở bên ngoài và tách biệt khỏi con người thoạt đầu như đã biết đó là của Platon với “Thế giới Những Lý Tưởng” nhưng sau này nó đã bị Aristote dứt khoát bác bỏ vì cho rằng một khi tách biệt thì không thể trở thành nguyên nhân sinh thành vạn vật. Tuy nhiên cũng chính bởi không thể dứt bỏ được cái quan niệm cho rằng tất yếu vạn vật cần phải có một nguyên nhân. Vì thế cuối cùng Aristote lại cũng vẫn chấp nhận có sự tách biệt và lần này cùng với sự tách biệt ấy ông đã tạo ra một vị Thần mà theo triết sử gia will Durant nói đó là một ông vua ngọa triều tức chỉ có ngự ngai vàng nhưng không hề cai trị.

 Tách biệt yếu tính ra khỏi hiện hữu là một sai lầm hết sức nghiêm trọng của Hữu Thể học. Chính bởi điều này mà triết Tây phương kể từ Platon cho mãi đến tận E. Kant (1724–1804) vẫn bị coi là một thứ triết phóng thể nghĩa là tất cả mục đích chỉ là để tìm biết cái chi là nguyên nhân tối cao của vạn vật mà hoàn toàn quên đi con người với thân phận và định mệnh của nó. Cứ xem câu định nghĩa của Kinh Viện thì đủ rõ “Triết học là khoa học về vạn vật – lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” (la philosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes).

 Tìm cho biết cái chi là nguyên nhân vạn vật để rồi lại tách biệt cái nguyên nhân ấy khỏi vật – đó là một sai lầm và sự sai lầm này chính là bởi đã thấy (vật có) như thể tự thân nó có. Đang khi ấy muôn sự muôn vật sở dĩ có tất cảđều do bởi nhân duyên điều kiện mà có “Do cái này có mặt (hiện hữu) cái kia có mặt. Do cái này không có mặt cái kia không có mặt. Do cái này sanh. Cái kia sanh. Do cái này diệt cái kia diệt” (Thử hữu cố bỉ hữu thử Vô cố bỉ vô – Thử sanh cố bỉ sanh – Thử diệt cố bỉ diệt – Kinh Phạm Võng).

 Có KHôNG để nói về không gian – còn sinh diệt là về thời gian – không gian thì ngang (hoành) thời gian thì dọc (tung). Tất cả muôn vật muôn sự chỉ là biến hóa – có không sinh diệt đều nằm trên hai cái trục Tung và Hoành này đây. Một hạt giống gieo xuống đất nếu có đủ điều kiện độ ẩm ánh sáng không bị côn trùng cắn phá… thì sau một ít ngày sẽ nảy mầm thành cây. Thiếu bất kỳ điều kiện nào đó thì hạt giống không thể nảy mầm thành cây.

 Nói muôn vật muôn sự đều biến hóa điều ấy nào có khác chi với triết học Đông Tây. Heraclite nói “Tất cả đều trôi chảy. Người ta không ai tắm được hai lần trên cùng một dòng sông” còn Kinh Dịch thì nói “Sinh sinh chi vi dịch”.

 Đúng là tất cả đều thay đổi biến dịch thế nhưng sự biến dịch (Hiện tượng giới) ấy lại bắt buộc phải tựa trên một cái nền tảng vững chắc bất dịch (Bản thể giới) mà nếu thiếu nó thì cũng chẳng thể có bất cứ một biến dịch nào xảy ra. Nói cách khác Biến Dịch không thể dời Bản Thể mà riêng nó.

 Về mối tương quan không thể tách rời giữa Biến Dịch và Bản Thể ta có thể ví nó giống như nước với sóng. Sóng không thể rời nước riêng có sóng cũng là một với nước nhưng nó khác với nước ở chỗ là nó có hình có tướng. Sóng có thể có sóng lăn tăn, sóng bạc đầu hoặc sóng thần. Nước là bản thể không thay đổi còn sóng là hiện tượng có thay đổi và sở dĩ từ nước là bản thể không thay đổi mà thành ra sóng có hình tướng thay đổi là vì có gió, gió ở đây chính là duyên. Do duyên gió mà nước thành ra sóng.

 Cái mối quan hệ giữa Bản Thể và Hiện Tượng như vậy sở dĩ thiết lập được là nhờ ở Duyên hay Duyên khởi và đây cũng chính là điểm then chốt khiến cho Phật giáo khác biệt hẳn với tất cả các loại triết học khác. Nhưng mặt khác nó lại đích thị là tôn giáo.

 Có những quan điểm cho rằng Phật giáo không phải tôn giáo với lý do chỉ vì Đạo này đã không chấp nhận một Đấng thần linh Hữu Ngã. Quả đúng Phật giáo chưa bao giờ chấp nhận Đấng thần linh ngoại tại nào, thế nhưng chẳng phải thế mà Phật giáo xét từ hình thức đến nội dung không ai mà có thể chối bỏ tính chất tôn giáo của nó. Hình thức đo là những tăng đoàn, chùa chiền ảnh tượng thờ cúng dâng hương vái lạy còn nội dung đó là đức tin điều mà triết học không cần mà cũng chẳng thể có. Trong Đại Trí Độ luận Bồ Tát Long Thọ nói “Phật pháp như biển cả phải có lòng tin mới vào được”.

 Lòng tin là điều trọng yếu nhất để có thể vào được Đạo và đức tin ấy cần phải được phát khởi duy trì và truyền thừa. Thế nhưng làm sao phát khởi nếu không có đấng giáo chủ – tiếp đến đức tin ấy cần phải duy trì để rồi truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế nhưng làm sao mà thực hiện điều ấy nếu không có một tổ chức quy cũ chặt chẽ vững bền mà ta gọi là giáo hội? Có Đấng giáo chủ – có giáo hội thì đó là tôn giáo chứ còn gì nữa? Mặt khác lại còn có quan điểm sai lầm cho rằng tôn giáo đồng nghĩa với tha lực – Bởi đó mà thành ra có sự khác biệt lớn giữa Phật giáo và Kitô giáo như nhận định cảu chị nữ tu T.S thế này “Cái khác biệt rất lớn giữa Kitô giáo và giáo lý các tôn giáo bạn. Các tôn giáo đều nhằm sự cứu độ nhưng Kitô giáo còn nói ơn cứu độ. Kitô giáo coi cứu độ hoàn toàn là ân sủng. Con người không thể tự sức cứu mình được” (ĐVT-Thiền với vấn đề cầu nguyện và HNVH).

 Qua cách hiểu của chị nữ tu trên ta thấy ý của chị muốn nói các tôn giáo khác cũng nhắm tới sự cứu độ nhưng sự cứu độ ấy chỉ tự mình cứu mình chứ không có Đấng nào cứu được mình cả. Điều ấy kể ra cũng đúng bởi như trên đã nói Phật giáo không chấp nhận bất cứ Đấng thần linh ngoại tại nào. Tuy nhiên nếu nói Phật giáo chỉ hoàn toàn dựa vào tự lực và không kể chi đến tha lực. Vậy thử hỏi có Phật tử nào lại không quy y mà ý nghĩa của nó là nương về và nương về tức đó là tha lực vậy.

 Vấn đề quan trọng ở đây là cần phải hiểu tha tức tự và tự tức tha. Không ai có thể tự cứu nếu con người có thể tự cứu thì chẳng cần chi đến tôn giáo – đến mười phương chư Phật phải ra đời để cứu nhân độ thế. Thế nhưng nếu bảo tôn giáo hoàn toàn là ân sủng và vì thế con người chẳng cần phải tu tập sống Đạo làm gì cả mà vẫn cứ được cứu độ thì thật là lầm.

 Tôn giáo cũng gọi là Đạo và Đạo có thể hiểu là một con đường – một phương pháp được đề ra nhằm đạt đến giải thoát tối thượng cho con người. Một khi đã hiểu tôn giáo là đường đi là phương pháp thì ắt phải lên đường – phải nắm lấy phương pháp thì mới có thể đạt được tới đích chứ có đường dù tốt đến đâu – có phương pháp dù hay ho đến mấy nhưng nếu không lên đường – không biết áp dụng thì làm sao mà mục đích có thể đạt?

 Còn một nguyên nhân quan trọng khác khiến Phật giáo không được coi là tôn giáo đó là do người ta tưởng Đạo này chủ trương giải thoát là nhập Niết Bàn mà Niết Bàn lại là chốn không không tịch diệt – Nhập vào cái chốn không không dù cho có giải thích cách nào đi nữa thì chắc chắn đó cũng không phải là đích mà tôn giáo nhắm tới. Nên nhớ Đạo Phật không hề chủ trương nhập Niết Bàn như là một chốn nào đó có thể đến mà đó chỉ là tự tánh ở nơi mỗi người. Tự tánh gọi là Chân Tâm Phật Tánh, hoặc Bổn Lai Diện mục… vốn dĩ là một thực tại không thể gọi tên (Vô niệm) cũng không hề có tướng mạo (Vô tướng) gì cả. Mặc dầu cái vốn dĩ ấy là Không (chân không) thế nhưng hiện giờ nó có đủ các tướng (sơn hà đại địa – con người – vật này vật khác…) như vậy là rốt ráo Có rồi. Một khi đã Có rồi thì không thể trở về Không. Tuy nhiên ở đây ta thấy có sự khác biệt lớn lao giữa hai quan niệm về cái Có – một của Hữu Thể học một của Phật giáo – cái Có của Hữu Thể học là cái Có chết đọng trơ trơ đó hay nói đúng hơn đó chỉ là một khái niệm chết – còn cái Có trong Triết học Phật giáo là cái Có duyên sinh vô ngã. Duyên sinh là vô ngã biểu thị ở mặt Thể Tính (nước) và vô ngã tức là duyên sinh biểu thị ở mặt Hiện Tượng (sóng).

 Muôn sự muôn vật từ những sự việc nhỏ nhoi tầm thường diễn ra hằng ngày cho đến lãnh vực tâm thức sâu kín mịt mờ. Tất cả đều diễn ra trong tính chất duyên khởi. Do cái này duyên với cái kia mà thành. Một ly nước lã pha (duyên khởi) chút đường vào thành ra nước đường, ly nước đường này lại vắt (duyên khởi) chút nước chanh vào thành ra nước chanh đường…

 Tính chất duyên khởi như vậy xét ra thật vô cùng uyên áo phức tạp chẳng có sự gì việc gì thoát ra ngoài kể cả lãnh vực tâm thức. Học lý Duyên khởi thì có nhiều chẳng hạn như “Nghiệp cảm Duyên khởi – Lục đại duyên khởi – Chân Như duyên khởi…” nhưng trong phạm vi thiên luận này chỉ xin nói đến Tạng Tâm duyên khởi để dẫn chứng cho thấy lý do cũng như giá trị của việc cầu nguyện có quan hệ mật thiết đến tính chất duyên khởi là như thế nào.

 Tạng hay Tàng là cái kho. Là nơi để cất giữ. Tạng Tâm là cái kho để chấp chứa tất cả mọi loại hạt giống (chủng tử) hữu lậu – vô lậu cũng như tạp nhiễm.

 Làm sao mà biết có Tạng Tâm?

 Tất cả những gì đã làm, đã thấy đã nghe, đã nghĩ tưởng gọi chung là nghiệp. Mỗi người trong chúng ta thường hay nhớ lại nghiệp của mình. Cái sự hay nhớ đó chứng tỏ có sự việc được chấp chứa. Mà đã có sự việc được chấp chứa thì ắt là phải có nơi để chấp chứa – nơi ấy gọi là Tạng Tâm.

 Một niệm nhớ lại những gì đã làm đã thấy đã nghe – đã nghĩ tưởng như vậy là một niệm của Tạng Tâm duyên khởi. Một niệm duyên khởi nơi Tạng Tâm là sanh Thức.

 Thức được nói tới ở đây tức là Thức thứ sáu, một trong bát thức Tâm vương (Nhãn – Nhĩ – Tỷ –Thiệt – Thân – ý – Mạtna và Alại gia thức). Trong tám cái Thức này nếu hiệp lại thì còn có ba đó là Tâm – ý và Thức.

 Tâm chỉ cho thức thứ tám Alại gia. Nghĩa của chữ Tâm là nhóm lại (Tập) và sanh ra (Khởi) bởi thế nó hay chứa nhóm tất cả hạt giống (Chủng tử) của các pháp để sanh ra hiện hành.

 Ý chỉ cho Thức thứ bảy Mạtna. Thức này chỉ chuyên chấp lấy Thức Alại gia làm ta (tôi – mình).

 Thức chỉ chung cho sáu thức còn lại nhưng trong sáu thức này lại phân ra làm hai đó là ngũ câu ý thức và độc đầu ý thức. Khi năm căn (mặt tai mũi lưỡi thân) tiếp xúc với năm trần (sắc thanh hương vị xúc) mà có sự phối hợp với ý thì gọi là ngũ câu ý thức còn khi ý không có sự phối hợp với năm căn nhưng vẫn khởi nghĩ suy thì đó gọi là độc đầu ý thức.

 Thức tức là cái biết mang tính phân biệt – con người có năm giác quan = mắt tai mũi lưỡi và thân để thông với thế giới vạn vật. Thế giới dù đa đoan đến đâu cũng không ngoài năm thứ trần cảnh = sắc (màu sắc – hình thể – trong lượng…) Thanh (âm thanh) Hương (thơm thúi) vị (ngọt – đắng) Xúc (mềm cứng). Khi mắt trông thấy (duyên khởi) một vật gì đó thì phát sanh cái biết phân biệt của mắt (nhãn thức) như vuông tròn dài ngắn. Khi tai nghe thấy (duyên khởi) một âm thanh gì đó thì phát sanh cái biết phân biệt của tai (nhĩ thức) như tiếng trầm bổng – réo rắt inh ỏi…

 Tất cả năm cái biết có tính phân biệt trên đây phát sanh khi vừa duyên khởi với trần cảnh. Trần cảnh còn thì cái biết phân biệt ấy còn – Nếu trần cảnh không còn thì cái biết ấy cũng mất theo. Mắt nhìn thấy vật – Vật còn thì cái biết phân biệt của mắt (nhãn thức) còn. Mắt nhắm lại hoặc rời vật đi chỗ khác thì cái biết ấy không còn – Tai nghe tiếng động (tiếng sấm – tiếng nhạc) tiếng động còn thì cái biết còn – tiếng động không còn thì cái biết ấy cũng không còn.

 Những cái biết có tính phân biệt trên đây khi duyên khởi với trần cảnh. Trần cảnh còn thì cái biết ấy còn – trần cảnh mất thì cái biết ấy cũng mất theo nhưng không phải là mất tiêu mất hẳn nhưng lại được đem vào (Duyên khởi) chấp chứa ở nơi Tạng Tâm.

 Chính vì tất cả những gì ta đã thấy – nghe – ngửi – nếm… không mất hẳn mà được chấp chứa ở nơi Tâm thế nên mới có thể phát sinh lòng nhớ tưởng (duyên khởi) phân biệt – giả thử như những cái biết của mắt – của tai mà mất hẳn không được đem vào chứa ở trong tâm thì chúng ta chẳng thể sống như những con người. Tại sao? Bởi như thế thì sẽ lẫn lộn hết chẳng còn biết phân biệt đâu là thơm thúi đâu là cao thấp là ngọt đắng… – Mặt khác nếu không có việc đem vào chấp chứa gìn giữ ở nơi tâm thì con người cũng chẳng thể lao động học hành cũng như đọc kinh cầu nguyện gì hết. Bởi như đã nói tất cả những gì đã thấy nghe ngửi nếm xúc chạm nghĩ suy được đem vào chấp chứa nơi tâm gọi là nghiệp và nghiệp chẳng qua là sự huấn tập duyên khởi đã thuần thục để phát khởi ra hiện hành. Học mà không nhớ thì làm sao mà học? Học đâu nhớ đấy gọi là học giỏi.

 Với những gì vừa được trình bày ta thấy vai trò của ý thức thật vô cùng quan hệ – Mặc dầu vậy chính ý thức cũng lại là tên tội đồ đáng bị nguyền rủa. Bởi đó đánh giá về Thức này Duy thức học cho nó là “Công vi thủ tội vi khôi” (công đứng đầu mà tội thì cũng là số một). Vậy đâu là tội của ý thức?

 Những cái biết có tính phân biệt (Thức) được đem vào chất chứa ở nơi TâM vậy cái việc “đem vào” này do… cơ quan nào đảm nhiệm? Đó là Mạt na thức. Sở dĩ Duy Thức để nguyên chữ Phạn là Mạt na ám chỉ cho thức thứ bảy Mạt na vì sợ lầm lộn với ý thức là thức thứ sáu – Mạt na thức chỉ có một công việc đem vào chấp chứa tất cả những gì đã thấy nghe… ở trong tâm. Để rồi sau đó khi có cơ duyên lại đem ra hiện hành tức là khởi thành ra Thức – cái công việc của Mạt na thức chỉ là chỉ để đem vào đem ra thế nhưng đó lại là nguồn gốc của muôn giống tội. Lý do là bởi tất cả những gì đem vào chấp chứa ở nơi Tâm nó đều chấp đó là Talà của TA hết – vì vậy Mạt na thức vừa có tên là truyền Tống thức vừa là thức chấp ngã.

 Do đâu mà quyết định rằng có thức thứ bảy Mạt na?

 Nói đến TâM thường người ta vẫn cho đó là ý thức – thế nhưng không phải vậy. Lý do là vì ý thức lúc có lúc không – Một khi ý thức đã bị gián đoạn như thế thì tất nhiên phải có một bộ phận không phải là ý thức để làm nền cho nó – Nếu không có cái nền tảng này thì mỗi khi ý thức gián đoạn chẳng hạn như khi ngủ – hoặc hôn mê hoặc nhập định… thì làm sao? Điều này cũng giống như một người đã chết sao mà sống lại được?

 Nguyên do khiến ý thức có thể sanh khởi mặc dầu có những khi bị gián đoạn như thế đó là bởi nhờ có thức Mạt na luôn luôn (hằng thời) chấp lấy thức Alại gia làm ngã (ta –tôi). Điều này cũng như sóng và nước – sóng có nổi lên được cũng nhờ ở nước mà nổi – không có cái nền tảng nước ấy thì lấy đâu mà có sóng?

 ý thức khởi là do nơi nền tảng Tạng Tâm Alại gia và Tạng Tâm như đã biết cũng chính là nghiệp của mỗi người – từ ở nơi Tạng Tâm mà nghiệp sanh thức – đây là một vấn đề hết sức quan trọng yếu đối với người tu. Tại sao?

 Bởi vì tất cả khổ hay vui của con người đều nằm trong phạm vi của mỗi cái THứC đương thời.

 Như đã nói Thức là cái biết có tính phân biệt đồng thời cái biết ấy cũng chính là cái sự Nhớ – con người thường hay nhớ lại những gì mình đã thấy đã nghe đã làm – nghĩ suy… Nếu những gì mà mình đã thấy nghe… ấy là những việc tốt lành thì cái sự Nhớ ấy sẽ là Thức vui (lạc). Sau khi dắt tay một người tàn tật qua đường với tất cả tấm lòng yêu thương – về nhà Nhớ lại thấy hài lòng với mình – đó là Thức vui được khởi – Trái lại đi nhậu nhẹt về Nhớ đến những lời lẽ tục tằn nóng nảy khi tranh cãi với kẻ này người kia liền bực bội khó chịu – đó là Thức khổ khởi.

 Dù khổ hay vui cũng có nhiều loại khác nhau nhưng dù có khác đến đâu thì cũng không ngoài hai lãnh vực vật chất và tinh thần. Mặt khác những khổ vui về vật chất xác thân nếu đem so với nỗi khổ vui tinh thần thật không đáng kể gì. Quả vậy chính cái nỗi khổ vui tinh thần này mới nói được là thật khổ thật vui. Trong cái thật khổ ấy không có gì khổ vì mê lầm. Trong cái thật vui ấy không có gì vui bằng giải thoát.

 Như trên vừa nói tất cả khổ vui của con người nằm trong phạm vi của mỗi cái Thức đương thời. Mục đích của tôn giáo nói chung và cầu nguyện nói riêng phải chăng chính là để chuyển mê khai ngộ – biến Thức khổ thành Thức vui trong cả đời này và đời sau vô cùng?

 Cầu nguyện sẽ biến Thức khổ thành Thức vui – điều ấy tthật dễ hiểu bởi như đã biết từ ở nơi Ngiệp mà sanh Thức. Chấp chứa nghiệp nào thì sanh loại Thức đó – cầu nguyện là một phương thế để chấp chứa loại nghiệp lành tối thượng thì ắt sẽ sanh khởi được Thức vui tối thượng gọi là cực lạc.

 Chấp chứa nghiệp lành tối thượng sẽ khởi được Thức vui tối thượng. Vấn đề ở chỗ đâu là nghiệp lành tối thượng? Trong tất cả mọi việc như là bố thí – giữ giới luật. Kể cả những việc lớn lao như chữa bệnh – làm phép lạ cứu kẻ chết sống lại hoặc nói tiên tri… đều không thể sánh bằng biết vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Giê Su đã nói “Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được nước Trời đâu nhưng chỉ những kẻ biết vâng theo thánh ý Cha Ta mà thôi” (Mt 7-21).

 Vâng theo thánh ý Thiên Chúa đó là một thứ nghiệp lành tối thượng mà ta có thể tạo lập được thông qua con đường cầu nguyện. Xưa nay vẫn có người quan niệm cầu nguyện để xin Chúa ban cho ơn này ơn khác và họ đã làm đủ cách để cho Chúa nhậm lời nào là dâng hiến máu chiên bò – nào là dâng cúng nến hoa tiền bạc… thế nhưng việc cầu nguyện đích thực cần phải được thực hiện theo chiều hướng ngược lại. Có nghĩa không phải Chúa nghe ta mà ta nghe Chúa.

 Soren Kierkegaard (1813 – 1855) ông tổ khai sáng triết học hiện sinh đã nêu lên một quan niệm hoàn toàn xác đáng về cầu nguyện thế này “Trong những gì liên quan thực sự với cầu nguyện – không phải Thiên Chúa nghe những gì người ta xin Ngài nhưng kẻ cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho đến lúc chính anh ta lại là kẻ nghe được những gì Thiên Chúa muốn”.

 Để có thể nghe những gì Thiên Chúa muốn thì cầu nguyện cần phải có phương pháp và một trong những phương pháp hữu hiệu nhất đó là phép lần chuỗi Mân Côi. 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts