Mạc Khải của Đức Kitô cho Thời Đại Mới

          Theo lời tựa cuốn “ Tiếng Thì Thầm” thì đây là sứ điệp của chính Thiên Chúa đã …nói trong lòng của Aileen Caddy vào năm 1953. Nội dung Sứ Điệp được phân chia từng ngày trong suốt mười hai tháng. Mỗi ngày một đề tài khác nhau. Tất cả các đề tài này được  thể hiện  dưới hình thức nhắn nhủ của một người cha đối với đứa con thân yêu của mình. Người Cha đó là Chúa Giê Su, còn người con là Aileen Caddy. Mặc dầu trong suốt tác phẩm không một lần xưng danh Giê Su nhưng chắc hẳn ai cũng hiểu đó là Ngài. Tuy nhiên vấn đề ai là tác giả ở đây thực ra chẳng có chi quan hệ, điều cần là phải tìm ra ý nghĩa nội dung Sứ Điệp muốn  cho ta thấy điều gì. Có mang lại ích lợi  chi  trên con đường thực hiện tâm linh hay không ? Mặt khác có thể nói chỉ khi nào xác định đúng được nội dung thì khi ấy mới có thể khẳng định đây là Lời của Đức Ki Tô hay chỉ là những suy tư thần học của Aileen Caddy.

          Giữa nội dung Sứ Điệp hay còn được gọi là Tin Mừng và Đức Ki Tô có một sự liên hệ không thể tách rời. Nếu đúng là Đức Ki Tô thì nội dung Tin Mừng phải là như thế. Ngược lại nội dung Tin Mừng là như thế thì ắt hẳn đó phải là Đức Ki Tô. Sở dĩ cần xác  lập cách rõ ràng như  vậy bởi chưng Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng “ Chẳng có một Tin Mừng nào khác nữa đâu” ( Gal 1, 7 )Đồng thời cũng chỉ có một Đức Ki Tô duy nhất  cho tới muôn đời “ Đức Ki Tô hôm qua hôm nay và cho đến muôn đời vẫn chỉ là một” ( Dt 13, 8 ).

          Đức Ki Tô  cho tới muôn đời vẫn  là một và Ngài cũng chỉ rao giảng có một Tin Mừng  đó là Tin Mừng về Nước Trời “ Rạng ngày Người ra đi đến  nơi vắng vẻ. Đám đông tìm gặp  và muốn giữ Ngài ở lại với họ. Nhưng Ngài nói: Ta còn phải ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác bởi Ta  được sai đến là để làm công việc đó” ( Lc 4, 42 -43 ). Hễ khi nào nhận biết đúng được Tin Mừng mà Ngài rao giảng thì đương nhiên cũng sẽ nhận ra Ngài. Trái lại không nhận ra Tin Mừng của Ngài thì cũng chẳng thể nhận biết đúng về Ngài. Nhận biết đúng về Tin Mừng của Đức Ki Tô là điều vô cùng hệ trọng. Bởi lẽ ngay từ thuở sơ khai Giáo Hội,  Thánh Phao Lô đã cảnh giác  điều này “ Tôi ngại rằng tâm tư của anh em bị bại hoại mất sự đơn thuần thanh khiết đối với Đức Ki Tô cũng như xưa kia con rắn đã dùng quỷ kế mà dụ hoặc Eva vậy. Vì nếu có  người đến rao giảng cho anh em một Giê Su khác  với Giê Su mà chúng tôi rao giảng. Hoặc anh em nhận một Thánh Linh khác mà anh em đã nhận. Hoặc nhận một Tin Mừng khác mà anh em đã nhận thì anh em chắc cũng chấp nhận. ( 2C 11, 3 -4 ).

          Vao  đương thời các Tông Đồ khi  bầu khí Phục Sinh còn đang bao trùm mà Thánh Phao Lô  còn ngại cho sự bại hoại tâm trí con người dẫn đến sai lạc như thế huống chi ngày nay sau hai ngàn năm Chúa giáng trần, khi mà não trạng Duy Lý hầu như thống lãnh toàn thể nhân loại thì nguy cơ ấy còn lớn biết chừng nào. Thế nhưng như lời Thánh Phao Lô nói “ Nơi nào tội lỗi đã thêm lên thì ân sủng càng dư dật muôn phần” ( Rm 5, 2 ).

          Ân sủng của Thiên Chúa dành cho thời đại ngày nay mà cơn khủng hoảng đã lên tới đỉnh điểm của nó là gì ? Theo tôi đó chính là Mạc Khải của Đức Ki Tô  qua Tiếng Thì Thầm dành cho những con người bé mọn  mà Ngài muốn. Ngoài Aileen Caddy chúng ta còn thấy có 05 con người khác đó là:

          1/- Josepfa Menandez ( 1914 – ? )

          2/- Martha Robin  ( 1902 – 1981 )

          3/- Consolata Betrone ( 1903 -1946 )

          4/- Magarita ( 1914 – ? )

          5/- Briege MC Kenna ( 1946 – ? )

          Gọi “ Tiếng Thì Thầm” là ân sủng của Thiên Chúa bởi vì thông qua những con người này, mỗi người mỗi vẻ mà Đức Ki Tô đã biểu lộ Tình Yêu vô biên của Người bằng cách thiết lập nên những cộng đoàn đông đảo các tín hữu phụng sự Thiên Chúa.

          Chị Josepfa Menandez, Dòng Trái Tim Chúa Giê Su với tác phẩm Tiếng Gọi Tình Yêu làm nên cơ sở siêu nhiên của Phong Trào Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giê Su.

          Chị Martha Robinh tuy chỉ là một giáo dân bình thường nhưng đã tận hiến đời mình để sáng lập nên các Trung Tâm Ánh Sáng Bác Ái và Tình Thương ( Foyer de Charite ).

          Chị Consolata Betrone dòng Capucine với tác phẩm Con Đường Nhỏ Của Tình Yêu là động lực và sáng lập nên các Hội Tận Hiến.

          Chị Margarita với Thông Điệp Tình Yêu  Nhân Hậu được xưng tụng là Nhã Ca của thời đại mới là nguồn cảm hứng và ánh sáng soi đường của hàng triệu tâm hồn đạo đức.

          Chị Briege Mc Kenna Dòng Thánh Nữ Clara  đã được ca ngợi là chưa có phụ nữ nào lại làm cho đời sống của các linh mục chuyển biến tốt đẹp như vậy,

          Chị Aileen Caddy với tác  phẩm “ Tiếng Thì Thầm” là nguồn mạch và cảm hứng kiện toàn cho cộng đoàn Findhom Trung Tâm Thánh ở miền  Bắc Tô Cách Lan.

          Đặc điểm chung của  những con người…thụ khải này là:

          1/- Tất cả đều là phụ nữ, trong số có 4 nữ tu và 2 giáo dân.

          2/- Họ đều có lòng ngưỡng mộ sâu xa đối với Thánh Nữ Teresa HĐ Giê Su.

          Cả hai sự kiện này cho ta thấy điều gì ?

          Nếu “ Tiếng Thì Thầm” là ân sủng của Thiên Chúa thì ân sủng ấy chỉ có thể  tiếp nhận bởi phụ nữ tức những người không bị ảnh hưởng của não trạng Duy Lý. Mặt khác do bởi không bị tiêm nhiễm duy lý thế nên việc có trực giác mau lẹ  đồng thanh tương ứng với Thánh Nữ Teresa HĐ Giê Su là điều không lạ.

          Lý do khiến Thánh Nữ với tác phẩm Một Tâm Hồn được  hàng triệu người say mê tìm đọc hầu noi gương là bởi chính chị Thánh là người đàu tiên đã phát minh và áp dụng thành công Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng. Con đường này  vừa hết sức cần thiết cho thời đại khủng hoảng hôm nay lại vừa bảo đảm chắc chắn đi đúng chân lý Thánh Kinh vì nó là điều tất yếu để thực hiện mạc khải của Đức Ki Tô.

          Không biết đến  Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng thì chẳng những không có thể thực hiện mạc khải của Đức Ki Tô mà còn không nhận ra nó. Tại sao ? Bởi vì mạc khải của Đức Ki Tô là về một thứ Nước Trời nội tại và Nước Trời  ấy chỉ có thể  dành cho những kẻ đơn sơ bé mọn “ Cha ơi ! Cha là Chúa Trời Đất, con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu những điều này ( Tin Mừng Nước Trời )với những kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải Cha ơi ! Vì như vậy là đẹp lòng Cha. Cha đã giao mọi sự cho con, ngoài Cha không ai biết Con, ngoài Con và người nào Con muốn  mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 25 -27 ).

          Ở đây ta thấy Đức Ki Tô  xác quyết rất rõ ràng hai điều.Một là chỉ những tâm hồn trẻ thơ mới có thể nhận lãnh Nước Trời và hai là duy chỉ có Ngài và những kẻ nào Ngài muốn mạc khải thì mới có thể nhận biết Đấng Cha. Đức Ki Tô chỉ mạc khải cho những kẻ bé mọn nhưng lại…giấu những kẻ khôn ngoan thông thái. Điều này cho thấy sự bất lực rõ ràng của lý trí tức sự khôn ngoan thế gian trước mầu nhiệm Thiên Chúa.

          Lời Chúa là lời chân lý hằng sống “ Sắc hơn gươm hai lưỡi….” ( Dt 4, 12 ). Một khi Chúa đã nói Nước Trời chỉ bày tỏ cho con trẻ còn giấu kín với những kẻ thông thái thì hẳn hoàn toàn đúng như thế, có nghĩa tất cả các triết gia các nền thần học xưa nay đều không thể nhận biết Nước Trời mầu nhiệm mà Đức Ki Tô rao giảng. Một đàng Đức Ki Tô rao giảng Nước Trời …ở trong các ngươi ( Lc 17, 21 ) một đàng thần học lại bảo không phải “ Có người dịch “ Ở trong” nhưng dịch như thế có thể làm cho người ta hiểu lầm ( sic ) rằng Triều Đại Thiên Chúa chỉ là một việc nội tâm và riêng tư. Đối với Đức Giê Su, triều đại Thiên Chúa dành cho toàn thể Dân Chúa và đã là một thực tại đang hoạt đ65ng để cứu độ loài người, các ông có thể đạt tới được” ( Xem chú giải ( b )Lc 17, 20 -21  của KT Tân Ước Tòa TGM TP HCM ).

          Cũng chính bởi không hiểu thế nên thần học mới đòi xét lại Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng của Thánh Nữ Teresa HĐGS và cuốn Một Tâm Hồn thế này “ Linh mục Jean Francoix Six thuộc hội Mission de France từ lầu đã cho xuất bản cuốn sách nghiên cứu vế Thánh Nữ. Ông tiết lộ: Chính bà Agnes de Jesus vì sợ những cách tân táo bạo của Teresa làm chướng tai người đương thời nên đã sửa các trang viết của nữ Thánh lại và làm thành cuốn truyện Một Tâm Hồn. Bà đã biến chất muối mặn  mòi cách mạng của Teresa thành thứ đường vô vị nhạt nhẽo. Linh mục Six rất lấy làm tiếc là những cuốn tiểu sử Teresa gần đây vẫn cứ in kèm cái gọi là Novissima Verba ( Những lời nói sau cùng ) do bà mẹ Agnes ghi chép,linh mục cho đây là một sự lừa dối tinh thần. Ông nói tiếp: Những sửa đổi thêm thắt của bà sở dĩ trở thành vấn đề vì nó đem lại kết quả ngược tức là phản tác dụng. Nhiều người đi tìm một linh đạo đích thực Teresa lại chán ngán vì gặp phải một thứ linh đạo giả rẻ tiền về Teresa” ( Tb CG&DT số 1078 ).

          Giữa quan điểm cho rằng Nước Trời…ở  giữa thay cho…ở trong và việc đòi xét lại Con Đường Thơ Ấu có một thứ Logique thế này: Đường Thơ Ấu chỉ cần thiết đối với Nước Trời…ở trong. Còn với Nước Trời…ở giữa thì  Đường Thơ Ấu trở nên nhạt nhẽo vô vị. Theo họ thì làm sao có thể xây dựng Nước Trời công bằng xã hội ở nơi trần gian bằng cách…nên như trẻ nhỏ ? Mặt khác cũng không phải như thần học  nói vấn đề Nước Trời…ở trong hay …ở giữa không đơn thuần chỉ liên quan đến một cách dịch nào đó mà nó xuất phát từ một quan điểm rõ ràng  là Duy Lý. Với Duy Lý thì không thể có Nước Trời nội tại và lẽ dĩ nhiên cũng không sao có thể chấp nhận  đó là một việc nội tâm và riêng tư. Đang khi ấy, ngược hẳn với nhận định của thần học, mạc khải của Đức Ki Tô đòi hỏi đây phải là việc nội tâm của từng mỗi cá nhân.

          Nước Trời thật sự…ở trong hay…ở giữa ? Vấn đề đặt ra thật hết sức gay go, có đúng là chân lý Thánh Kinh nói Nước Trời…ở trong hay không ? Chúng ta biết  phải ngả theo quan điểm nào ? Với Tiếng Thì Thầm  Đức  Ki Tô  sẽ cho ta câu trả lời và câu trả lời thứ nhất cho thấy Nước Trời tất yếu phải là việc riêng tư của mỗi  người./.

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts