Thiên chúa để mặc mọi việc diễn ra hay sao?
Vì sao Thiên Chúa cho phép sự dữ tồn tại? Ý nghĩa của đau khổ là gì? Mặc dù đây là những mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ hiểu hết, nhưng chí ít, ánh sáng đức tin cho phép chúng ta nắm bắt phần nào ý nghĩa của nó.
Một trong những lý do khiến người ta thường từ bỏ đức tin là sự tồn tại của sự dữ trên thế gian này, nhất là khi chúng xảy ra một cách đau đớn và khó hiểu. Khi xảy ra, chúng dường như bất công và vô nghĩa; chúng ta đối mặt với những tình huống bi thảm, khiến chúng ta bất lực và tự nhiên câu hỏi này xuất hiện: Tại sao Thiên Chúa lại cho phép điều đó xảy ra? Vì sao Thiên Chúa toàn năng và tốt lành lại để những điều tồi tệ ấy xảy ra? Tại sao những người hiền lành vốn mang gánh nặng cuộc sống lại phải đối mặt với những thảm kịch không mong muốn như thảm họa thiên nhiên? Tại sao Thiên Chúa không can thiệp? Chúng ta không đặt ra những câu hỏi này cho dư luận hay cho những người quanh ta, nhưng cho chính Thiên Chúa, bởi chúng ta ý thức được Ngài là Đấng Tạo Hoá và là Thiên Chúa của thế giới. [1]
Ở một mức độ nhất định, những câu hỏi này nằm ngoài phạm vi của Mặc Khải và đi vào mầu nhiệm của chính Thiên Chúa, vì cuối cùng, không có gì trong công trình tạo dựng nằm ngoài sự khôn ngoan và thánh ý của Thiên Chúa. Cũng giống như chúng ta không thể hiểu thấu sự thiện hảo vô biên của Thiên Chúa, hay lĩnh hội trọn vẹn kế hoạch của Ngài. Vì thế, khi đối diện với sự dữ và đau khổ, thái độ tốt nhất là tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn “biết rõ” điều gì là tốt nhất và có thể “mang đến điều tốt nhất”.
Nhưng cũng thật tự nhiên khi chúng ta cố gắng làm sáng tỏ mầu nhiệm sự dữ khó hiểu này, như thế đức tin của chúng ta sẽ không bị dập tắt bởi những thực tại khó khăn mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống, nhưng tiếp tục là ánh sáng chỉ đường ta đi (Tv 119,105).
Sự dữ bắt nguồn từ tự do được tạo thành
Thiên Chúa không dựng nên một thế giới khép kín mà chỉ có Ngài mới thay đổi được, Ngài cũng không tạo thành một thế giới hoàn hảo. Nhưng Ngài tạo nên một thế giới mở ra cho nhiều khả năng và trở nên hoàn hảo hơn theo thời gian. Ngài tạo nên người nam và người nữ để sinh sống trong thế giới và làm cho nó ngày càng hoàn thiện hơn bằng các sáng kiến cá nhân của họ. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta thông minh và tự do, và ban cho chúng ta các phương tiện để phát triển tài năng của mình.
Bằng cách cho chúng ta hiện hữu, Thiên Chúa “thử thách chúng ta”, giao cho chúng ta nhiệm vụ làm tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể. Và đó thường là nhiệm vụ với yêu cầu cao: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (Lc 19,13), Chúa Giêsu nói trong một dụ ngôn nổi tiếng, cho thấy rõ rằng tài năng của chúng ta không phải để chôn vùi hay che dấu. Mỗi chúng ta được mời gọi để sinh hoa trái bằng cách phát triển các khả năng mà chúng ta đã lãnh nhận. Nhưng chúng ta thường xuyên không làm như vậy, hoặc thậm chí làm ngược lại: chúng ta tự do lựa chọn làm điều sai trái, và thường hay phạm sự dữ.
Nhân loại đã làm như vậy ngay từ đầu, kể từ quyết định của ông bà nguyên tổ của chúng ta, từ đó bắt nguồn mọi sự dữ khác. Mọi sự dữ trên thế gian đều do chúng ta sử dụng tự do cách sai lầm, từ khả năng chúng ta hủy hoại công trình của Thiên Chúa nơi bản thân, nơi người khác và trong thiên nhiên. Khi làm vậy, chúng ta tách mình ra khỏi Thiên Chúa và cõi lòng chúng ta trở nên u buồn. Thậm chí, chúng ta có thể biến đời mình hoặc đời tha nhân thành “địa ngục” trần gian. Tội lỗi là sự dữ đích thực mà chúng ta phải biết sợ hãi. Tất cả mọi sự dữ khác trên thế gian, cách này hay cách khác, đều bắt nguồn từ tội lỗi.
Đau khổ như một thử thách hoặc thanh luyện
Phải chăng sự dữ luôn là hậu quả trực tiếp của tội lỗi con người? Trước tiên, chúng ta cần làm rõ khái niệm sự dữ. Tự bản chất sự dữ đơn giản là sự “ngược lại” với sự tốt lành, sự dữ là cái mà thế giới trưng ra khi sự tốt lành vắng mặt. Khi vắng bóng sự tốt lành mà lẽ ra phải có mặt, thì sự dữ sẽ xuất hiện. Sự dữ đích thực là một tình trạng thiếu thốn, và không sở hữu một thực tại tích cực. “Sự dữ không phải là một thứ gì đó tồn tại độc lập với bản chất của nó, nhưng đơn thuần chỉ là sự phủ định. Vì thế, khi tôi bước vào sự dữ, tôi rời bỏ lãnh vực phát triển tích cực của bản thân, để nghiêng về tình trạng ký sinh, tình trạng bị gặm nhắm và phủ định bản thân”. [2]
Chúng ta đau khổ khi trải nghiệm sự vắng bóng của điều tốt lành. Chắc chắn, bất kỳ hành vi tội lỗi nào (dù là của chúng ta hay ai khác) đều luôn gây hại. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta đau khổ cũng đều là do chúng ta phạm tội.
Trong Kinh Thánh, sách Gióp nói về điều này rất sâu sắc. Những người bạn của ông Gióp thuyết phục ông rằng những tai họa mà Thiên Chúa gửi đến cho ông là do tội lỗi của ông, do sự thiếu công chính của ông. Mặc dù thường thì có lẽ đúng như vậy, bởi vì hành vi sai trái thì đáng bị trừng phạt (cả ở cấp độ con người lẫn cấp độ thiêng liêng), nhưng trường hợp của ông Gióp cho chúng ta thấy rằng người vô tội và công chính cũng bị đau khổ. Đề cập đến quyển sách thánh này, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Mặc dù quả thực đau khổ mang ý nghĩa trừng phạt khi nó gắn liền với một sai phạm, nhưng không phải tất cả đau khổ đều là hậu quả của sai phạm và không phải đau khổ nào cũng có tính cách sửa phạt.” [3] Đau khổ của ông Gióp là phép thử lòng tin của ông, một thử thách mà qua đó ông được nên mạnh mẽ hơn. Đôi khi Thiên Chúa thử thách chúng ta, nhưng Ngài luôn ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta vượt thắng và biết cách lớn lên trong tình yêu, vốn là ý nghĩa tối hậu của sự tốt lành.
Ở một số trường hợp khác, đau khổ mang ý nghĩa của sự thanh luyện. Như những gì xảy ra cho dân Israel thời ông Môsê, khi dân chúng thay lòng đổi dạ và thất thường. Thiên Chúa đã thanh luyện họ qua một hành trình kéo dài nhiều năm trong sa mạc, hướng dẫn và dạy bảo họ cho đến khi họ được trang bị sẵn sàng để bước vào Đất Hứa và nhận ra Thiên Chúa trung tín trong mọi lời Người phán. Nhờ vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, đau khổ thường có giá trị thanh luyện như vậy. Nhiều người bị cuốn vào bộn bề cuộc sống, có thể quên mất những câu hỏi quan trọng trong đời mình, cho đến khi một cơn bệnh hoặc một thất bại tài chính hoặc trong gia đình đưa họ đến những tìm kiếm nội tâm sâu sắc hơn. Và điều này thường dẫn đến một sự thay đổi, một cuộc hoán cải, đi kèm với việc mở lòng ra cho những nhu cầu của tha nhân. Khi ấy, đau khổ cũng trở nên một phần trong “phương pháp sư phạm” của Thiên Chúa. Ngài không muốn chúng ta lạc đường, lãng phí thời gian theo đuổi những thú vui chóng qua và những mục tiêu thế tục. Mặc dù sự dữ tồn tại trong cuộc sống của mỗi người ở một mức độ nào đó, nhưng nếu chúng ta phó thác cho Thiên Chúa, sự Quan Phòng của Người có thể biến sự dữ thành phương thức giúp chúng ta đạt đến những điều tốt đẹp đích thực.
Đau khổ được ghi khắc trong tự nhiên
Điều này cũng làm sáng tỏ ý nghĩa của cái mà chúng ta gọi là “những đau khổ tự nhiên” – đau khổ dường như được “khắc dấu” trong thế giới quanh ta. Chẳng hạn, sự mệt nhọc đồng hành với sự phát triển khi chúng ta cố gắng để hiểu biết thế giới rõ hơn và làm cho nó tiến bộ; bản tính phù du của tất cả tạo vật, già đi và chết; sự thiếu hài hòa trong thiên nhiên, có thể thấy qua động đất và sóng thần xé toang trật tự của muôn vật. Đó là những đau khổ mà chúng ta không thể né tránh hay kiểm soát; chúng đã và đang tồn tại, được ghi khắc sẵn trong tự nhiên.
Đôi khi, những sự dữ này là cần thiết để những điều tốt đẹp hơn sẽ đến. Thánh Tôma Aquinô đưa ra ví dụ như sư tử, để có thức ăn, phải săn đuổi nai hoặc những con vật khác. [4] Nhưng nhiều khi, chúng ta không thể nhìn thấy được sự tốt lành đến từ các tai họa thiên nhiên. Không dễ dàng để hiểu tại sao Thiên Chúa cho phép thiên tai xuất hiện, hoặc tại sao Thiên Chúa lại tác tạo một vũ trụ nơi mà sự hủy diệt có thể tự do thống trị, hoặc đôi khi vũ trụ dường như không được vận hành bởi Đấng là Thiện Hảo và Yêu Thương.
Một cách lý giải hợp lý là, trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa, những hủy diệt của sự dữ trong tự nhiên và thiên tai có liên quan tới ý chí tự do của ta và khả năng ta chối từ Thiên Chúa, như là hình ảnh của tai họa đến từ việc chúng ta tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa.
Thế giới vật chất mà chúng ta đang sống và thường lôi cuốn chúng ta bằng vẻ đẹp của nó cũng có thể trở thành một nơi đáng sợ và hủy diệt, giống như tâm hồn chúng ta vậy, vốn được tạo ra để yêu mến Thiên Chúa và chứa đựng cả thiên đàng, nhưng cũng có thể trở thành một nơi buồn thảm và tăm tối – nếu chúng ta ngừng cố gắng và để cho ma quỷ tự do thống trị và gieo rắc hạt giống của chúng.
Do đó, khi suy ngẫm về một thiên nhiên nổi loạn và huỷ diệt trên bình diện rộng lớn, chưa kể đến công lý, chúng ta cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của một thế giới từ chối Thiên Chúa, không để Thiên Chúa ngự trị và hình ảnh một tâm hồn chối bỏ tình yêu và công bằng của Thiên Chúa. Mối liên hệ khăng khít giữa thế giới và con người, vốn được đặt để để cai quản thế giới (St 2,15), cũng có thể được phản ánh trong sự hỗn loạn này.
Cùng với con người, cho đến bây giờ: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.” (Rm 8,22), vì muôn loài cũng chia sẻ kế hoạch sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Muôn loài cũng chia sẻ niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ “được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8,21)
Đau khổ cứu chuộc
Chắc chắn, ý nghĩa của sự dữ chỉ được sáng tỏ trọn vẹn nhờ Thập Giá của Chúa Kitô. Và cùng với Thập Giá, là sự Phục Sinh. Thập Giá Chúa Kitô cho chúng ta thấy đau khổ có thể là dấu chỉ và bằng chứng của tình yêu. Hơn nữa, đó còn là con đường để tiêu diệt tội lỗi. Vì chính nơi Thập Giá Chúa Giêsu mà tình yêu Thiên Chúa đã rửa sạch tội lỗi thế gian. Tội lỗi không đủ sức chống lại tình yêu tự hạ và khiêm nhu để các tội nhân được nên trọn lành. Như một nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoevsky nói: “Tình yêu khiêm hạ là một sức mạnh đáng kinh ngạc, mạnh hơn tất cả, không gì có thể sánh bằng.” [5]
Nơi Thập Giá, sự đau khổ của Chúa Giêsu mang ý nghĩa cứu chuộc vì tình yêu Ngài dành cho Chúa Cha và cho nhân loại đã không bị chùn bước trước sự chối từ và bất công mà nhân loại dành cho Ngài. Bằng việc dâng hiến trọn vẹn chính mình, Chúa Giêsu đã trao ban sự sống của mình cho tội nhân. Vì thế, Thập Giá của Ngài trở nên nguồn mạch sự sống cho họ.
Những đau khổ của chúng ta cũng có thể mang ý nghĩa cứu chuộc, khi chúng bắt nguồn từ tình yêu và được biến đổi nhờ tình yêu. Khi ấy, chúng sẽ được thông phần vào Thập Giá Chúa Kitô. Như Thánh Josémaría dạy: Đau khổ là nguồn mạch của đời sống: đời sống nội tâm và ân sủng cho bản thân ta và mọi người. [6] Đau khổ tự nó không thể cứu chuộc ai cả, nhưng chính đau khổ thắm đượm tình yêu mới có giá trị cứu chuộc.
Ở cấp độ nhân loại, tình yêu vốn đã có khả năng biến đổi đời sống: một người mẹ không tiếc công sức để con mình được hạnh phúc; một người anh hy sinh bản thân cho đứa em đang cần đến mình; một người lính liều mạng sống vì đồng đội. Khi những tình yêu như thế được thúc đẩy và đặt nền tảng trên đức tin, thì không những chúng thực sự đẹp đẽ mà lại còn thánh thiêng nữa. Tình yêu ấy chia sẻ Thập Giá và là kênh thông truyền ân sủng mà Chúa Kitô đã dành được cho chúng ta. Nơi Thập Giá ấy, sự dữ được biến đổi thành điều tốt lành nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng là Quà Tặng đến từ Thập Giá của Chúa Giêsu.
“Quân át chủ bài”
Bên cạnh mọi thứ đã trình bày cho đến lúc này để làm rõ hết mức có thể ý nghĩa của sự dữ, chúng ta có thể thêm vào ở đây một yếu tố mang tính quyết định. Mặc dù sự dữ là một thực tại hiển nhiên trong đời sống chúng ta trên trần gian này, song Thiên Chúa là người nắm giữ “quân át chủ bài”; Thiên Chúa là người đi bước cuối cùng trong mọi thứ liên hệ đến cuộc đời mỗi người. Tình Yêu toàn năng của Ngài là niềm hy vọng thật sự cho thế giới này – một Tình Yêu cũng được thể hiện nơi Sự Phục Sinh của Đức Kitô.
Cho dù những bi kịch của cuộc sống có bi đát và khó hiểu đến đâu đi nữa, thì quyền năng sáng tạo và tái tạo của Thiên Chúa vẫn vĩ đại hơn rất nhiều. Cuộc đời là thời gian để thử thách; khi cuộc đời này qua đi, cuộc sống vĩnh hằng mới bắt đầu. Thế giới này chóng qua. Nó giống như một cuộc tập dợt trước buổi trình diễn hòa nhạc. Một vài người có thể quên nhạc cụ, một số khác chưa thuộc phần diễn của mình, một số khác nữa có thể chơi lạc điệu. Đó là lý do tại sao cần tập dợt. Đó là thời gian để chỉnh sửa, để căn chỉnh nhạc cụ, để học theo người nhạc trưởng. Rồi ngày quan trọng nhất cũng đến khi tất cả đều đã sẵn sàng. Buổi hòa nhạc diễn ra, vui tươi và xúc động, trong một khán phòng tuyệt vời.
Cuộc đời của Chúa Kitô không chỉ cho ta thấy tình yêu Thiên Chúa mà cả quyền năng của Ngài: quyền năng Ngài dùng để đền bù bội phần cho chúng ta vì những bất công chúng ta phải chịu, vì những khi dường như Thiên Chúa vắng mặt, vì những lúc Ngài cho phép sự dữ chiến thắng và đau khổ áp đảo, chúng ta vẫn còn có thể thấy ý nghĩa của chúng. Chính Chúa Giêsu cũng đã trải nghiệm sự bỏ rơi này (Mc 15,34). Nhưng sự đau khổ yêu thương của Ngài trên Thập Giá được tiếp nối bằng vinh quang vĩnh hằng. Sách Khải Huyền, quyển sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh, nói về một Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt (Kh 21,4). Vì Ngài sẽ đổi mới mọi sự (Kh 21,5), với một niềm hạnh phúc viên mãn.
Chúng ta có thể làm gì để giúp những người đau khổ?
Thông thường chúng ta cảm thấy bất lực khi đối mặt với nỗi đau của người khác và chỉ có thể cố gắng bắt chước những gì người Samaritanô nhân hậu đã làm (Lc 10, 25-37). Chúng ta có thể bày tỏ tình cảm, lắng nghe một cách cảm thông và đồng hành với họ; nghĩa là, chúng ta chối từ việc “tránh sang bên kia đường mà đi” và không thèm quan tâm. Một vài bức tranh nổi tiếng vẽ người Samaritanô nhân hậu và người đàn ông bị cướp có cùng một khuôn mặt. Ở đó, chúng ta có thể nhìn thấy Chúa Kitô vừa là Đấng chữa lành vừa là người được chữa lành. Mỗi người chúng ta cũng là hoặc có thể là người Samaritanô nhân hậu, người chữa lành những vết thương của tha nhân; khi ấy, chúng ta trở nên Chúa Kitô cho tha nhân. Nhưng đôi khi chúng ta cũng cần được chữa lành vì bị thương tích, vì chúng ta chua ngoa, trả lời ai đó cộc lốc, hay vì bị một người bạn bỏ rơi… Chúng ta cần được một người Samaritanô chữa lành, đó có thể là chính Chúa Kitô khi ta tìm đến cầu nguyện với Ngài, đó có thể là một ai đó bên cạnh ta trở nên Chúa Kitô khi họ lắng nghe chúng ta. Chúng ta có thể trở thành Chúa Kitô cho tha nhân, vì mỗi chúng ta được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Đau khổ luôn ẩn chứa một mầu nhiệm, nhưng mầu nhiệm đó, thông qua hành động cứu chuộc của Thiên Chúa, đã mở lòng chúng ta ra cho những nhu cầu của tha nhân: “Ở đâu cũng có những đứa trẻ bị bỏ rơi, có thể bị bỏ rơi ngay lúc sinh ra hoặc bị bỏ rơi trong cuộc sống nơi gia đình, nơi cha mẹ…, không nhận được tình yêu trong gia đình. Làm sao các em có thể thoát khỏi kinh nghiệm bị bỏ rơi quá tiêu cực này, quá xa lạ với tình yêu? Chỉ có một phương thuốc duy nhất cho những trải nghiệm bị bỏ rơi này: đó là cho đi cái mà bạn không hề nhận được. Nếu bạn không được thấu hiểu, hãy thấu hiểu người khác. Nếu bạn không được yêu thương, hãy yêu thương người khác. Nếu bạn cảm thấy đau đớn vì cô độc, hãy đến bên những người cô đơn. Mình và máu được chữa lành nhờ Mình và Máu Chúa Kitô; Thiên Chúa đã trở nên xác phàm để chữa lành chúng ta. Hãy làm như vậy cho người khác.” [7]
Rất nhiều người đã thực sự cảm nhận được Thiên Chúa chăm sóc trong những thời khắc khó khăn nhất của mình. Những người phong hủi được Mẹ Têrêsa Calcutta tận tình chăm sóc; những bệnh nhân lao phổi đau đớn được Thánh Josémaría an ủi về thể chất lẫn tinh thần; những người hấp hối được Thánh Camillô de Lellis đối đãi bằng yêu thương và tôn trọng. Những ví dụ này cũng cho chúng ta biết một điều về mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời con người. Đó là đau khổ còn là cơ hội để tình yêu được nhân lên mạnh mẽ, nếu chúng ta biết đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, và nó sẽ phục hồi chân giá trị của chúng ta trong cả những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,
theo Antonio Ducay, opusdei.org.
Chú Thích:
[1] Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris (Đau khổ Cứu độ), số 9.
[2] Jospeh Ratzinger, Thiên Chúa và Trần thế, Tin và Sống trong Thời đại chúng ta, Barcelona, 2005, tr. 128.
[3] Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris (Đau khổ Cứu độ), số11.
[4] Tổng luận Thần học , I, q 19 a. 9 c.
[5] Dostoievsky, Anh em nhà Karamazov.
[6] Thánh Josemaria, Đường Thánh Giá, Chặng XII.
[7] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài phát biểu tại Sân Vận động Kerasani, Nairobi, 27/11/2015.