MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH

  1. Mọi người đều được mời gọi nên thánh. Nhưng điều này có ý nghĩa gì trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta?

Sự thánh thiện là gì? Sự thánh thiện thường bị nhầm lẫn với một nền luân lý hoàn hảo. Chúa Giêsu không chia con người ra làm hai, các thánh và những người khác. Sự thánh thiện là tự hoàn thành chính mình. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để làm điều này, một lời kêu gọi dành cho tất cả mọi người, việc đáp lại hay không là tùy thuộc vào mỗi người. Đối với thánh Phanxicô Salê, đáp lại lời mời gọi nên thánh dành cho tất cả mọi người này có nghĩa là ghi khắc Tin Mừng vào cuộc đời mình, một Tin Mừng được trao ban và nằm trong khả năng của tất cả mọi người, như Chúa Giêsu đã trao ban Tin Mừng ấy, cho cả những người đơn sơ nhất và những người tội lỗi. Tâm điểm của lời kêu gọi này là Thập giá, đỉnh cao của Tình yêu nhập thể. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô không phải là mang lấy một trọng trách quá nặng nề hay đi theo con đường đặc biệt mà chỉ một số người mới có thể đi theo, mà chỉ đơn giản là thực hiện cái “bản thể hơn nữa” mà Thiên Chúa đã mong muốn cho tất cả mọi người bằng cách sáng tạo ra họ “theo hình ảnh của Ngài”, bất kể điểm xuất phát của mỗi người và hành trình của người ấy là gì. Thánh Phanxicô Salê diễn đạt như sau: “Cũng như con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì tình yêu linh thánh của con người đối với con người cũng là hình ảnh chân thực của tình yêu linh thánh của con người đối với Thiên Chúa” (TAD XII 12), khi ngài lặp lại những lời này của thánh Irênê Lyon theo cách riêng của mình: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người đang sống và sự sống của con người là được diện kiến Thiên Chúa” (Adversus haereses, V, 20 6). Thánh Phanxicô đề nghị lối sống Kitô giáo này cho mọi người, giáo dân cũng như tu sĩ, trong cuốn sách Dẫn nhập vào Đời sống đạo được viết chủ yếu cho giáo dân. 

  1. Sự thánh thiện là một con đường như nhau cho mọi bậc sống.

Để sống thánh thiện, không nhất thiết phải rút lui khỏi thế gian, đi tu, như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ và sống. “Đời sống Kitô hữu”, hoặc theo cách nói hiện nay “đời sống đạo đức”, có thể tiếp cận được với mọi người nam và nữ, độc thân, góa bụa hay đã kết hôn, trong mọi hoạt động xã hội và nghề nghiệp, thuộc mọi tầng lớp xã hội. Không ai bị loại trừ. Việc đạt tới sự thánh thiện là một con đường như nhau để mỗi người đi theo trong tự do hoàn toàn, mở rộng cõi lòng và sống phù hợp với tình yêu này.

Đi theo con đường này, thánh Phanxicô Salê cũng cảnh báo chúng ta chống lại “tinh thần thế gian”. Không phải mọi sự đều là mẫu mực của sự thánh thiện! Có những giá trị dù được xã hội cổ vũ nhưng không đương nhiên là các giá trị Tin Mừng. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, khi Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài đã nhấn mạnh điều này: “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17:16). Một số luật lệ của thế gian dựa trên lạc thú, sức mạnh và quyền lực trái ngược với Tin Mừng. Người Kitô hữu phải hoán cải trái tim của mình để yêu thương và khắc ghi tình yêu đó khi hành xử theo đạo lý Tin Mừng nơi xã hội.

Chính nhờ thống nhất cuộc sống của mình mà con người lớn lên trong sự thánh thiện, cuộc sống hàng ngày “được biến hình”, cầu nguyện trở thành sự sống và cuộc sống cầu nguyện, tình yêu được nhập thể trong thái độ và hành động của con người. Một công việc thanh lọc lâu dài được thực hiện, vượt qua những đau khổ của sự tồn tại và cuộc sống. Thánh Giá Chúa Giêsu mở ra vào buổi sáng Phục Sinh. Sự thánh thiện chỉ đơn giản là đáp lại một cách kiên nhẫn hàng ngày những lời của Chúa Giêsu: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48)

Có bao nhiêu người trên trái đất để thể hiện sự thánh thiện thì sự thánh thiện có ngần ấy khuôn mặt. Mọi người, hàng ngày và cụ thể, trong giây phút hiện tại, được Chúa Kitô cư ngụ, nhờ công việc của đôi tay Ngài, hơi ấm của trái tim Ngài và sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa, có thể biến đổi cuộc đời của mình, cuộc sống của anh em mình và biến đổi công trình sáng tạo trở nên nhân đạo, khuôn đúc mọi sự theo tình yêu. 

  1. Sự thánh thiện là hiệp thông với nhau trong Thiên Chúa

Việc hiện thực hóa con đường tình yêu đi ngang qua Thập giá này được sống trong giây phút hiện tại, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và anh em mình, nơi tình liên đới trong tình yêu được thể hiện và sống động. Các mối phúc được sống trong các cuộc chiến đấu, trong các ước vọng, trong tình liên đới của nhân loại, để con người có thể được công nhận ở mọi nơi trong phẩm giá và tự do của mình. Các cộng đoàn của chúng ta, các gia đình của chúng ta, các hội nhóm của chúng ta, có thể và phải là những dấu chỉ của sự hiệp thông này trong tình yêu Thiên Chúa và con người. Các dự án cuộc sống của chúng ta phải thể hiện sự đặt cược vào tình yêu này bằng cách thể hiện nó trong cuộc sống hàng ngày. Sống đơn giản là cung cách sống các dự án này. Các hội nhóm của chúng ta, bất chấp những thất bại và sự bất toàn của những tội nhân là thành viên, phải làm chứng một cách nhiệt thành và triệt để cho cung cách sống giống Chúa Kitô này mà mỗi người phải trở thành nhân chứng, môn đệ và tôi tớ trong tình yêu, nhờ tình yêu và vì tình yêu. Mọi con đường nên thánh được xây dựng như thế. 

  1. Hãy sống thánh thiện trong hiện tại.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống thánh thiện ở đây và bây giờ, hôm nay, như chúng ta hiện là, và ở nơi chúng ta đang ở. Dĩ nhiên, cũng cần suy xét đến quá khứ, dựa vào đó để xây dựng hiện tại tốt hơn, nhưng sẽ không lành mạnh nếu đắm chìm trong quá khứ với hoài niệm hoặc nghiền ngẫm sự cắn rứt của chúng ta. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì những điều tốt đẹp, cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta, ném tất cả tội lỗi ấy vào ngọn lửa của lòng thương xót, và chú ý đến những gì đang có hơn trong hiện tại hơn là những gì đã xảy ra trong quá khứ. 

  1. Phó thác tương lai cho Thiên Chúa.

Chúng ta luôn có nguy cơ tự giam mình trong ảo tưởng về ngày mai tươi sáng, quên rằng ngày mai đang cần được chuẩn bị từ ngày hôm nay, hoặc kiệt sức trong lo lắng, sợ hãi và đau khổ, quên rằng nỗi sợ thập giá còn tệ hơn chính thập giá. “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Chúng ta đừng rơi vào cạm bẫy của ma quỷ, kẻ đang tìm cách khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa ngay hôm nay. Chúng ta hãy tìm kiếm sự thánh thiện ngày này qua ngày khác trong những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống hàng ngày của chúng ta!

  1. Hãy ưu tiên trách nhiệm của chúng ta.

Một người cha không có nghĩa vụ giống như một tu sĩ, một cậu học sinh hay một cụ bà, tuy nhiên, mỗi người trong đều bị ràng buộc bởi những trách nhiệm liên quan đến bậc sống của mình. Có lẽ Thiên Chúa sẽ không yêu cầu chúng ta những điều đặc biệt, như đôi khi Ngài đã yêu cầu một số nhân vật vĩ đại trong Giáo hội. Nhưng Ngài yêu cầu chúng ta trước tiên hãy làm những công việc bình thường của mình, đổ đầy chúng bằng tình yêu thương.

Làm bài tập, viết báo cáo, rửa bát, đổ rác… con đường nên thánh đều trải qua điều này. Khi một nhiệm vụ, dù đẹp đẽ và thú vị đến đâu, có thể khiến chúng ta xao nhãng khỏi trách nhiệm của bậc sống, khuyến khích chúng ta bỏ bê vợ/chồng, con cái, những người thân yêu, việc học hành hoặc nghĩa vụ nghề nghiệp của mình, thì chúng ta có thể suy ra rằng điều đó không xuất phát từ Chúa Thánh Thần.

  1. Sống trong lòng thương xót

Tìm cách thi hành ý Chúa mà không sống trong lòng thương xót thì chắc chắn sẽ có nguy cơ kiêu căng, hay tuyệt vọng: nếu tôi làm được những điều cao đẹp, rốt cuộc tôi sẽ tin rằng tự mình có khả năng trở nên thánh thiện; ngược lại, nếu tôi không cố gắng giữ vững những quyết tâm tốt lành của mình, tôi sẽ rơi vào sự chán nản. Nhưng thế nào đi nữa, nếu tôi không thấy mình cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi sẽ xa rời tinh thần nghèo khó vốn giúp tôi đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Sống trong lòng thương xót được thể hiện hàng ngày qua khả năng tha thứ và cầu xin sự tha thứ, qua lòng nhân từ giúp chúng ta không xét đoán người thân của mình, qua cách chúng ta biết nhận ra giới hạn của mình và nhờ người khác giúp đỡ, qua sự khiêm nhường lời cầu nguyện của chúng tôi…

Ngay cả khi sự thánh thiện đi qua những hành động yêu thương cụ thể, chúng ta đừng quên rằng đó không phải là công việc của con người, mà là một ân huệ cho không đến từ Thiên Chúa. Sống thánh thiện là sống trong lòng thương xót. Điều này được phản ánh hàng ngày trong sự tha thứ và xin được tha thứ của chúng ta, trong lòng nhân từ giúp chúng ta không phán xét những người bên cạnh mình, trong cách chúng ta biết nhận ra giới hạn của mình và nhờ người khác giúp đỡ, trong sự khiêm tốn trong lời cầu nguyện của chúng ta: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!” 

  1. Hãy trau dồi năng lực của chúng ta

Chúng ta hãy coi chừng sự khiêm tốn giả tạo, nó chỉ là vỏ bọc cho sự hèn nhát và lười biếng của chúng ta. Chắc chắn, “ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11), nhưng đôi khi ước mong được ở chỗ cuối để không phải thi hành những trách nhiệm đòi hỏi và phát triển những năng lực của mình lại là điều dễ dàng hơn. Khiêm tốn là chính là sống thật. Đó là nhìn thấy tất cả những kho tàng mà Thiên Chúa đã đặt để trong chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng Ngài đã trao phó chúng cho chúng ta để làm cho chúng sinh hoa trái.

Và sự thánh thiện chính là ở nơi Thiên Chúa muốn chúng ta ở: không quan trọng đó là đầu não của một công ty lớn hay đằng sau quầy thanh toán của một cửa hàng bách hóa, miễn là đó là nơi mà chúng ta được kêu gọi. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Chúng ta hãy hướng sự lựa chọn của chúng ta theo ơn gọi nên thánh của chúng ta. Chúng ta hãy thiết lập những ưu tiên, đặc biệt trong các vấn đề giáo dục: nếu mục tiêu của giáo dục là giúp con cái chúng ta nên thánh, thì nhiều mối quan tâm khác trở thành thứ yếu.

Chúng ta hãy chọn “phần tốt nhất”, không bận tâm đến những gì không đáng, đừng lo lắng về những gì trôi qua, đừng dồn sức lực vào những tham vọng trần thế: hầu hết các vấn đề đều có tầm quan trọng tương đối khi chúng ta xem xét chúng dưới ánh sáng của ơn gọi vĩnh cửu của chúng ta. Hãy đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta bằng cách ước muốn duy nhất một điều: làm theo Thánh Ý Thiên Chúa.

Phêrô Phạm Văn Trung,

tổng hợp theo ftp.diocese-annecy.fr và fr.aleteia.org.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts