Cứ mỗi độ Xuân về, vào những ngày cuối năm Âm lịch, nhìn bà con nhộn nhịp, rộn ràng mua sắm, dọn dẹp để chuẩn bị đón mừng năm mới, lòng tôi cũng cảm thấy nao nao, tràn đầy niềm vui, hy vọng và cũng mong cho Tết mau đến.
Như bao người Việt Nam khác, tôi cảm nhận Tết ở quê hương mình là một thời khắc tự nó đã có cái gì đó rất đặc biệt, rất linh thiêng, cao quý, hơn hẳn những thời khắc khác trong năm và hết sức có ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt. Ai cũng cảm thấy hồi hộp và mong đợi…
1. Tết chính là thời khắc của niềm vui sum họp, thuận lợi nhất trong năm để gia đình đoàn tụ. Đối với người Việt Nam, không được sum họp với những người thân yêu vào dịp Xuân về quả là một nỗi buồn không sao tả xiết. Vì cuộc sống, vì kế sinh nhai, vì công ăn việc làm, nhiều người phải xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân yêu, nhưng khi Tết đến, họ đều hướng mắt về quê cha đất tổ, hướng về quê hương Việt Nam thân yêu, hướng về gia đình và cố gắng hết sức có thể để được đoàn tụ trong ngày đầu năm, vì niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với một gia đình chính là sự đoàn kết yêu thương nhau. Cảnh cha me, con cái, anh chị em sum vầy, đoàn tụ, quây quần bên nhau, sống với nhau trong những ngày Tết quả là một niềm hạnh phúc vô biên mà mọi người đều mơ ước và cố gắng thực hiện, như lời Thánh Vịnh 133: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1)
2. Tết còn là thời khắc của niềm hy vọng, của mơ ước có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với mỗi người Việt Nam, Tết chính là giây phút dâng trào của niềm hy vọng đổi mới : đổi mới cuộc đời, đổi mới gia đình, đổi mới tương lai; bỏ lại cho năm cũ, cho quá khứ tất cả những gì không tốt đẹp, không vui hoặc không vừa ý. Năm mới phải là năm của những cái mới hơn, tốt hơn, chất lượng hơn. Ước mong Tết sẽ mang lại cho mình và cho gia đình mình một luồng gió mới, giúp cho cuộc sống được tốt hơn, hạnh phúc hơn và đáng sống hơn. Ước mơ này không chỉ có trong tâm trí, nhưng còn được thực hiện cách sống động và cụ thể qua cách thức người Việt Nam chuẩn bị đón Tết.
Vào những ngày giáp năm, người người, nhà nhà ai cũng hối hả lo sơn phết, tân trang lại nhà cửa hay ít ra cũng phải lau rửa cho sạch, các vật dụng trong nhà như tủ giường, bàn ghế, tủ thờ được quét dọn cho sạch sẽ, tươm tất hơn. Và những bông hoa đủ màu sắc, chủng loại được bày bán khắp nơi ngay tại các chợ hoa và cả ở những ngã đường – nơi có đông người qua lại. Thông dụng nhất và nhiều nhất có lẽ là cúc vàng, cúc mâm xôi, vạn thọ và các thứ cây cảnh như mai, tắc… Người Việt không ngại chi khá nhiều tiền cho việc mua hoa, mua cây cảnh, đặc biệt là cây hoặc cành mai, đào để chưng trong nhà với niềm ước mong được thần may mắn chiếu cố. Dù rất nghèo, người dân cũng cố gắng dành dụm mua cho bằng được vài chậu hoa cúc để chưng trước cổng nhà. Ngoài ra, nhu cầu mua sắm quần áo mới cho con cái cũng là một mối lo không nhỏ đối với các bậc làm cha mẹ trong thời điểm này. Những vị khách nước ngoài đến thăm Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán, sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam, nơi các ngã đường, từ lớn chí bé và đặc biệt là trẻ em, thanh niên, thiếu nữ, ai cũng xúng xính trong những bộ quần áo mới toanh, mặt mày hớn hở, tung tăng trong những ngày đầu Xuân.
3. Tết được coi là thời khắc để tỏ bày lòng hiếu thảo, tôn kính, mến yêu đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, đặc biệt với những người thân yêu đã khuất. Người giàu cũng như người nghèo, trong nhà đều có bàn thờ gia tiên được đặt nơi trang trọng nhất và dễ thấy nhất. Nơi đây thường được trưng bày, có khi các bài vị, gia phả của dòng tộc hoặc ít ra là các hình chụp chân dung ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã qua đời. Trong những ngày đầu năm, bàn thờ gia tiên luôn được thắp sáng như một cách kêu gọi và nhắc nhớ con cháu luôn nhớ đến cội nguồn của mình, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục và nhớ đến công lao của những bậc tiền bối để con cháu và mọi người cầu nguyện cho các ngài. Theo tục lệ cổ truyền, vào chiều 29 hoặc 30 Tết, người Việt thường có thói quen “rước ông bà về ăn Tết” với cháu con. Đối với người Công giáo thì thường quy tụ rất đông đến các nhà thờ để dự thánh lễ hoặc Phép lành Tạ ơn cuối năm, tạ ơn Chúa về những ơn lành Chúa đã thương ban.
4. Tết cũng là thời khắc việc thể hiện niềm tin tôn giáo diễn ra khá đậm nét. Việt Nam là một đất nước đa văn hóa và đa tôn giáo. Tuy thuộc nhiều tôn giáo khác nhau nhưng cùng có chung một niềm tin vào Đấng Tối Cao, Đấng đó đang an bài mọi sự, đang điều hành mọi sự và cũng đang ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi con người. Người Việt Nam luôn xác tín rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Nếu Trời không thương giúp thì dù có cố gắng hết sức, cũng chỉ luống công thôi. Do đó, ngay từ trước Giao thừa, rất đông những người Công giáo đến các nhà thờ để dự thánh lễ và “Mừng Tuổi Chúa”, cảm tạ ơn Chúa đã ban cho một năm mới nữa, xin Chúa chúc lành và ban cho năm mới được bình yên, được “Vạn Sự Như Ý”. Sau khi mừng tuổi Chúa, nhiều nơi còn tổ chức “Hái Lộc Đầu Năm” chính là những câu Thánh Kinh được chọn lọc, được trích dẫn và được rút thăm coi như điều mà Chúa muốn mỗi người phải sống như thế nào cho xứng đáng. Những tín đồ của các tôn giáo khác thì ngay từ sáng sớm mùng Một đã rủ nhau đến chùa, đến các thánh thất để cầu lộc, cầu phúc, cầu an…, xin mọi sự may lành và hoặc cho được tai qua, nạn khỏi.
5. Tết được xem như thời khắc của sự nghỉ ngơi, giãn xả để tìm lại sự an bình cho cuộc sống, để quên đi mọi nỗi nhọc nhằn, mọi lo âu chồng chất trong suốt năm qua, để tìm lại sự thư thái cho tâm hồn, tìm lại sự an bình nội tâm. Như vậy là rất hữu ích, là rất cần thiết cho tất cả mọi người. Người Việt Nam xưa nay nổi tiếng là những con người cần cù, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, siêng năng làm việc, có óc sáng kiến, sáng tạo và làm việc liên lỉ. Tuy nhiên, vào những ngày Tết, mọi công việc đều phải được xếp gọn sang một bên. Tết phải thực sự là thời gian nghỉ ngơi, bồi bổ cho cơ thể và cả tâm hồn bằng những bữa ăn thịnh soạn, đầy chất dinh dưỡng, bằng cách tạm ngưng mọi công việc, quẳng mọi gánh lo đi để tâm hồn tìm lại được sự trầm lắng và an nhiên. Để được như thế, những ngày trước Tết, các bà nội trợ phải lo chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các thứ cần thiết đủ dùng cho những ngày Xuân, đủ dùng không chỉ cho những người trong gia đình mà còn phải chuẩn bị cho khách đến thăm.
6. Tết còn là những ngày của tình thân ái, tình bạn bè và tình làng nghĩa xóm. Người Việt Nam tránh không làm việc, không lao động, ngoài việc để nghỉ ngơi, còn là dành thời gian để đi thăm viếng nhau và tiếp đón khách đến nhà. Lúc còn trẻ, chúng tôi thích nhất việc đi thăm viếng này. Ngay từ sáng sớm, sau khi đã mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúng tôi được cha mẹ dẫn đi thăm vú bõ, chú bác cô dì. Trước khi đi, đứa nào cũng được dạy cho một đôi câu chúc Tết để mong có được nhiều tiền “lì xì”. Việc viếng thăm nhau trong những ngày đầu Xuân mới quả là một tập tục quá đẹp của người Việt Nam. Trong những ngày này, người ta đã bỏ qua cho nhau hết những điều buồn phiền, mất lòng nhau, xí xóa chuyện cũ để sống thuận hòa, chân thành xin lỗi nhau nếu có gì phiền lòng trong năm cũ. Nếu vì lý do xa cách, không viếng thăm được, người Việt cũng không quên nhau qua việc gởi thiệp chúc Xuân để cầu chúc bằng hữu mọi sự tốt đẹp và may lành.
7. Tết cũng luôn mang đến những niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng đó không chỉ có trong ước mơ, nhưng còn được thể hiện cách cụ thể qua những bàn bạc, suy nghĩ, cân nhắc, tính toán để hoạch định những đường hướng cho tương lai : tương lai của gia đình, của mỗi người và nhất là của con cái. Những bữa cơm gia đình, những cuộc họp mặt, những buổi tối xum vầy, đoàn tụ trong nhà không những làm cho mối giây liên kết của mọi thành phần ngày một gắn bó hơn, bầu khí ngày một ấm áp hơn, mỗi phần tử trong gia đình biết nghĩ đến nhau hơn, lo cho nhau nhiều hơn, mà còn là dịp để chuẩn bị công việc và những toan tính cho những tháng ngày sắp tới.
*
Mỗi dịp Xuân về, mỗi người đều có những cảm nghiệm riêng tư về cái Tết truyền thống của người dân Việt. Trên đây chỉ là những suy tư vụn vặt, những phác thảo chân thành về những gì tôi cảm nhận được. Đối với tôi, Tết Việt Nam không chỉ là những ngày lễ hội để vui chơi, nhưng còn là dịp để cảm nghiệm, để tìm hiểu, để sống cách có ý nghĩa những truyền thống đã có từ rất lâu đời, và nhất là để cầu nguyện thật nhiều cho quê hương, cho đất nước, cho dân tộc, cho Giáo hội Việt Nam thân yêu.