MÙA CHAY CÓ PHẢI CHỈ LÀ MÙA ĂN NĂN SÁM HỐI?

Nói đến Mùa Chay, người công giáo ít nhiều đều biết rằng, đó là mùa “ăn chay, sám hối”. Thật vậy, ngay trong ngày thứ nhất Mùa Chay, tức là thứ tư lễ Tro, các tín hữu khi được xức tro đã nghe vị chủ tế nói : Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”; hay khi nghe các bài thánh ca về Mùa Chay, ta nhận thấy đại đa số nói về việc ăn năn sám hối, về thân phận yếu đuối của con người và cầu xin ơn Chúa thứ tha.

Tuy nhiên, ngoài việc khuyến khích các tín hữu ăn chay, hãm mình, đền tội, Giáo Hội còn giúp chúng ta đi xa hơn trong việc sống tinh thần Mùa Chay. Vì lẽ đó, chúng ta cùng tìm hiểu giáo huấn của Giáo Hội để nhận biết rõ hơn những đặc tính và ý nghĩa của Mùa Chay.

Trước hết, từ “Mùa Chay” được dịch từ tiếng La-tinh Quadragesima, nghĩa là Bốn Mươi (được hiểu là bốn mươi ngày). Con số này gợi nhớ quãng thời gian mà Chúa Giêsu ăn chay trong hoang địa, nhưng cũng là biểu tượng con số 40 năm dân Do Thái trải qua trong sa mạc trước khi vào đất hứa. Thời gian bốn mươi ngày, Giáo Hội mời gọi các tín hữu chuẩn bị cho đại lễ Phục Sinh, tưởng niệm lại cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, giúp giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và mọi người được sống trong tình yêu – ân sủng của Thiên Chúa. Công đồng Vaticano II, trong Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 109, nói rõ đặc tính của Mùa Chay như sau :

“Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép rửa tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, bằng sự nhiệt thành nghe Lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ.” (Bản dịch của Giáo hoàng Học viện Đà Lạt)

Như thế, Mùa Chay có hai đặc tính :

Đặc tính thứ nhất : việc tưởng niệm bí tích Thánh Tẩy đối với tất cả các tín hữu hoặc việc chuẩn bị lãnh bí tích Thánh tẩy cho những người dự tòng. Mùa Chay là thời gian chúng ta sống lại ân sủng bí tích Thánh Tẩy của chúng ta, nghĩa là thời gian chúng ta sống và tham dự vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã nói : “Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Chúa Kitô, vì một khi cũng chịu đau khổ với Ngài, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài” (Rm 8, 17). Mùa Chay là đường đi đến Phục Sinh theo gương Chúa Kitô, để chịu đóng đinh với Ngài và phục sinh với Ngài.

Đặc tính thứ hai: việc sám hối. Giáo Hội mời gọi các tín hữu nhìn nhận tội lỗi của mình, ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người và trở về với Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, là Đấng thánh hóa và ban sự sống.

Như thế, qua hai đặc tính trên, chúng ta thấy rõ được mục đích chính của Mùa Chay mà Giáo Hội nhắm tới, đó là mời gọi các tín hữu dọn lòng chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh. Chính trong tinh thần này mà Giáo Hội khuyên các tín hữu nên nhiệt thành lắng nghe Lời Chúa, chuyên chăm cầu nguyện, lãnh nhận bí tích hòa giải, giữ chay và thực hành các việc bác ái.

Ngoài Hiến chế về Phụng Vụ thánh, một số bản văn và thực hành phụng vụ cũng xác định, nhắc nhở ý nghĩa và mục đích của Mùa Chay :

  1. Kinh Tiền tụng Mùa Chay Icó nhấn mạnh mục đích của Mùa Chay : “Vì Chúa ban cho các tín hữu hằng năm được hân hoan đón chờ mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn đã được thanh tẩy, để khi nhiệt tâm thi hành việc đạo đức và bác ái, nhờ năng chịu các bí tích mà được tái sinh, thì các tín hữu đạt tới sự viên mãn của ơn làm con Chúa.”
  2. Lời nguyện nhập lễ của thứ năm sau Chúa nhật III Mùa Chaycũng nhắc lại mục đích của Mùa Chay : “Lạy Chúa uy linh cao cả. Nay đã gần đại lễ vượt qua, cúi xin Chúa cho lòng chúng con thêm sốt sắng nhiệt thành để đón mừng mầu nhiệm cứu độ. Chúng con cầu xin…”
  3. Chính vì muốn nhắc nhở các tín hữu mục đích của Mùa Chay – đó là chuẩn bị chờ đón niềm vui Phục Sinh –Giáo Hội dùngmầu hồng vào Chúa nhật IV Mùa Chay để diễn tả niềm vui kín đáo và thanh bình này: màu tím sáng lên thành màu hồng, tuy nhiên vẫn không chuyển hẳn sang màu trắng là màu của lễ Phục Sinh (mầu hồng được dùng vào Chúa nhật III Mùa Vọng cũng với mục đích này: nhắc nhở một cách kín đáo sự chờ đợi niềm vui Giáng Sinh).
  4. TrongTin Mừng ngày thứ năm sau lễ Tro, Đức Giêsu nói:“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Ngay ngày thứ hai của Mùa Chay, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta điều cốt yếu và mục tiêu của Mùa Chay: con đường đi tới sự Phục sinh, tới đời sống sung mãn. Điều Chúa muốn cho mọi người là được hưởng sự sống và hạnh phúc. Phục sinh ở cuối con đường, nhưng con đường là thập giá, là đau khổ và từ bỏ. Sự hy sinh tự nó không có giá trị gì cả. Từ bỏ không phải chỉ để từ bỏ, mà là để yêu Chúa hơn và yêu tha nhân hơn.

Cuộc đời Chúa Giêsu được hoàn thành với hy tế Thập Giá, và đồng thời với sự Phục Sinh, cả hai không thể tách rời nhau. Chúa Kitô mời gọi chúng ta đi theo Ngài trên con đường như con đường đã dẫn Ngài đến Phục sinh, con đường dẫn đến sự sống. Thánh Phaolô có viết: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Ngài.” (2 Tm 2, 11-12)

Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng, Mùa Chay không chỉ là khoảng thời gian ăn năn, sám hối, nhưng trước nhất, chúng ta được mời gọi chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh. Việc hãm mình, khổ chế xác thịt, chuyên chăm cầu nguyện… đó là phương tiện giúp chúng ta theo gương Chúa Giêsu trên con đường khổ giá để đạt đến sự Phục Sinh vinh hiển. Thập Giá không phải là đích chúng ta nhắm tới, nhưng là sự Phục Sinh, sự sống vĩnh cửu mà Chúa Kitô đã hứa ban cho mỗi người.

Ước mong rằng, những suy tư trên đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những đặc tính cũng như mục đích của Mùa Chay để sống những ngày chay thánh thật ý nghĩa và mang lại lợi ích cho mỗi người trên hành trình theo Chúa.

Để kết thúc, tôi xin trích dẫn một số bài thánh ca mà nội dung diễn đạt rất sát ý nghĩa của Mùa Chay :

– Bài “Vinh dự của chúng ta” của Lm. Kim Long :

ÐK. Vinh dự của chúng ta là Thập Giá Ðức Kitô, nơi Ngài ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta.

  1. Ai thuộc về Chúa Kitô thì đóng đinh thân mình cùng mọi tính hư vào thập giá.
  2. Ai nguyện theo Chúa Kitô thì hãy quên thân mình và nhận vác thập tự theo Chúa.

– Bài “Vinh quang của Ta” của Lm. Hoàng Kim :

ĐK. Vinh quang của ta là Thánh Giá Ðức Kitô, nơi Ngài ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta. Nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát (ư).

– Bài “Con đường Chúa đã đi qua” của Lm. Văn Chi:

ĐK. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi (đường đời con đi). Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Chia sẻ Bài này:

Related posts