Một Mùa Chay nữa lại đến trong cuộc đời tín hữu và rồi phải chăng nó lại sẽ qua đi như bao…mùa khác ? Con người cũng như muôn vật đều phải qua đi và đó chính là quy luật của đời sống. Có sống thì phải có chết. Có ra đi thì cũng có lúc trở về.
Cứ thử nghĩ xem, trong giáo xứ đã có mấy người không còn sống với chúng ta trong Mùa Chay năm nay, họ là cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè thân quen…Họ không còn sống trên cõi đời này nữa và linh hồn họ ở đâu bây giờ ?
Có suy tư về cái chết như thế, chúng ta mới thấy ý nghĩa của Mùa Chay quả thật là thời gian hồng ân cho sự trở về: “ Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành, từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối cải về tai họa” ( Ge 2, 12 -13 ).
Tại sao phải trở về trong chay tịnh, nước mắt và than van ?
Nói đến trở về thì đó chỉ có thể là trở về cái nơi mà mình đã ra đi. Chẳng phải người con, sau khi đã tiêu xài hoang phí hết tài sản được chia cho đã lên đường trở về nhà cha mình hay sao ? Lại nữa người con ấy chỉ tỉnh ngộ quay về khi gặp cảnh khốn khổ: “ Nó rất mong lấy vỏ đậu của heo mà thồn cho đầy bụng nhưng người ta cũng chẳng ai cho. Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng: Biết bao người làm thuê cho cha ta được bánh ăn dư dật còn ta thì lại sắp phải chết đói” ( Lc 15, 16 -17 ).
Điều này cho thấy con người chỉ tỉnh ngộ muốn quay về khi đã lâm vào hoàn cảnh quá ư đau khổ. Thế nhưng còn một nỗi đau khác da diết hơn đó là khổ mà không có nơi có chốn để…về. Một người dù cho đời sống vật chất có đủ đầy nhưng chẳng biết cha mẹ mình là ai, vì vậy cũng chẳng có ngày giỗ chạp để tưởng niệm đó chẳng phải là khổ tâm lắm sao ?
Biết đến nguồn cội để trở về đó là nỗi khát khao muôn thuở của con người. Thi sĩ Tản Đà bày tỏ nỗi niềm ấy bằng những lời thơ trác tuyệt:
“ Nước non nặng một nhời thề
Nước đi, đi mãi không về củng non
Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại, non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ, chờ mong tháng ngày”
Lời thề của nước với non cũng là lời Giao Ước của Đức Chúa Giehova: “ Hãy trở lại với Ta thì Ta sẽ trở lại với các ngươi” ( Ml 3, 7). Sự trở lại không những là của tâm linh, tôn giáo nhưng cũng là của minh triết đông phương. Càng khổ nhiều thì càng cần trở về mau bấy nhiêu: “ Thệ viết viễn, viễn viết phản” ( Lão Tử ĐĐK chương 25 ).
Phản ở đây là…phản phục tức trở về. Con đường tâm linh là con đường trở về để nhận biết mình là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa. Quả thật là Con nhưng chỉ vì …mê nên không biết. Mùa Chay được gọi là Thời Hồng Ân chính là để cho ta co thể bước đi trên con đường Bỏ Mình theo Chúa: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Sở dĩ Chúa nói…Bỏ Mình bởi…cái mình ấy chỉ là…giả hợp không thật có: “ Sự sống anh em là chi ? Chẳng qua chỉ như một chút hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan mất” ( Gc 4, 14 ).
Tuy chỉ là một thứ hơi nước hiện ra trong chốc lát rồi lại tan mất nhưng mỗi người lại được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Quả thật là Con thế nhưng chỉ vì mê nên đã…Quên mất chân bản tính vô cùng cao quý ấy. Mùa Chay được gọi là thời gian của Ơn Cứu Độ chính là để cho ta có thể…Nhớ lại hầu sống với phẩm giá cao quý đó mà thôi.
Trong Mùa Chay Thánh có ba việc cần yếu để giúp chúng ta Nhớ đến Đấng Chúa ở nơi mình đó là: Ăn Chay, Cầu Nguyện và Bố Thí. Người Công Giáo chúng ta hay nói ăn chay, kiêng thịt nhưng thật ra phải nói là Giữ Chay mới đúng. Tại sao ? Bởi nếu chỉ hạn hẹp trong việc kiêng thịt trong hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh như luật GH buộc thì thật chẳng hiểu gì về tinh thần chay tịnh như lời Chúa phán: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi”.
Ăn chay nếu chỉ hiểu như là việc…kiêng thịt và có thể ăn các loại tôm, cá, lươn, ếch v.v…thì thật ra đâu có gì là chay ? Đã gọi là…chay thì phải kiêng không sát sinh tất cả những loài hữu tình. Nên nhớ chẳng những những loài gia súc như chó, heo, bò, gà…là loài hữu tình mà cả các loài như cá, tôm, lươn, ếch, nhái… cũng đều là hữu tình, không thể giét hại !!!
Ăn chay mà cứ tìm khoái lạc bằng cách giết hại như thế thì làm sao có thể …tịnh hóa tâm hồn ?. Mục đích ăn chay để tịnh hóa tâm hồn cũng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Còn như chỉ kiêng thịt thì con trâu, con bò cả đời không ăn thịt chỉ ăn cỏ thôi chẳng lẽ nó cũng…ăn chay ?
Con người cũng là loài động vật nhưng có điều khác biệt hoàn toàn đó là ngoài đời sống giác quan, nó còn có nhu cầu về tâm linh hướng thượng siêu việt ngoài bản thân. Bởi đó cho nên việc giữ chay ở đây cần phải hiểu trên cả hai phương diện Thân và Tâm. Chay tịnh thể xác đó là kiêng bia, rượu, thuốc lá, hát xướng karaoke, bài bạc v.v…trong suốt Mùa Chay.
Xác thân có chế ngự được thì mới điều phục được tâm hồn. Nói đúng hơn trong sự điều phục này, tất cả hệ tại ở nơi Tâm. Sở dĩ có sự phân hai, Thân và Tâm như thế để cho dễ hiểu chứ thật ra chính là cái Tâm điều khiển thể xác trong tất cả mọi việc.
Mặc dầu Tâm là cai quyết định nhưng vì u mê, đắm chước thế nên con người đã buông lung theo dục vọng, lấy xác thân làm mình nên ngày càng xa rời Chân Bản Tính Con Thiên Chúa mà không hề hay biết.
Chân Bản Tính ấy minh triết Đông Phương gọi là: “Đạo” mà “ Đạo” thì không thể xa rời trong phút giây: ( Đạo bất viễn nhân. Nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân – Sách Trung Dung ).
Có hiểu “ Đạo” như là Chân Bản Tính là Đấng Chúa ở nơi mình thì khi ấy mới hiểu mục đích việc chay tịnh chính là để Trở Về. Từ bao lâu nay, chúng ta giống như người con hoang đàng, xa rời Nhà Cha và nay đã tỉnh ngộ trở về. Người ta chỉ thực tâm trở về với Chúa Đấng Hằng Sống một khi đã nhận ra cái hoàn cảnh khốn khổ: Sinh, già, bệnh, chết, muốn gần gũi người thân yêu lại phải xa lìa, không muốn gặp gỡ những kẻ xấu, ác thì lại cứ gặp…!
Nhận ra khổ và muốn thoát khổ. Đây chính là ý nghĩa chân chính của việc cầu nguyện. Lý do bởi vì trong Cầu Nguyện có hai yếu tố. Một là cầu, hai là Nguyện. Chỉ có cầu xin ơn này, ơn khác mà không Nguyện thì không phải là cầu nguyện đich thực.
Nguyện ở đây là nguyện về với Chúa, nguyện sám hối, lìa bỏ con đường tội lỗi đã chót phạm trong bấy lâu nay…Bao lâu còn cho chốn thế gian này là thực có là để xây dựng cơ đồ, tham vọng này nọ thì bấy lâu việc cầu nguyện chỉ là hình thức chẳng giá trị gì trước Chúa.
Để ý sẽ thấy trong Mùa Chay, từ việc xức tro trên đầu đến việc trang trí Gian Cung Thánh không có hoa tươi, phẩm phục của cha chủ tế là màu tím….Đều có ý nhắc nhở chúng ta về thân phận tội lỗi, yếu hèn cũng như tính chất vô thường chóng qua của đời này.
Có nhận biết thế gian là vô thường, khổ não chúng ta mới ước mong nguyện về chốn trường sinh bất tử là Nước Thiên Đàng: “ Chớ thương yêu thế gian cũng đừng thương yêu những vật ở thế gian nữa. Nếu ai thương yêu thế gian thì tình thương yêu của Cha chẳng ở trong người ấy. vì mọi sự trong thế gian như tư dục của xác thịt, tư dục của mắt và sự kiêu căng của đời sống này chẳng phải từ Cha bèn là từ thế gian mà ra. Vả thế gian với tư dục của nó đều qua đi. Song ai làm theo ý chỉ của ĐCT thì tồn tại đời đời” ( 1Ga 2, 15-17 ).
Đừng yêu thương thế gian và những sự thế gian bởi vì lòng yêu thương đó chính là lòng tham ái và chính cái lòng tham ái ấy mà đã khiến cho con người phải khổ. Tại sao ? Bởi vì lòng tham, ái như Thánh Gioan nói không phải từ Cha nhưng là do thế gian. Đang khi đó thế gian tất cả chỉ là hư vọng, dối gian
Thế gian vốn dĩ chỉ là hư vọng, không thật nhưng con người vì u mê, ám chướng lại cho nó là thật có. Mùa Chay là thời gian của Ơn Cứu Độ theo nghĩa Chúa đến để giải thoát con người ra khỏi vòng trói buộc của mê lầm, điên đảo, giả lại cho là thật, thật lại cho là giả.
Chinh vì sự mê lầm ấy con người mới ham mê ăn uống, tham đắm sắc dục, tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền thế v.v…Lòng tham chỉ có thể được tiêu trừ bằng việc bố thí. Tuy nhiên việc bố thí chỉ thực sự mang lại ơn ích khi được xuất phát từ ở nơi Tâm nếu không, tất cả chỉ là sự ..giả hình: “ Vậy khi ngươi bố thí thì đừng thổi kèn trước mặt mình như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường phố để được vinh hiển nơi người ta. Quả thật Ta nói cùng các ngươi họ đã được phần thưởng của thế gian rồi. Còn ngươi khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm, hầu cho việc bố thí của ngươi được ẩn mật vì Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 2 -4 ).
Thường người ta vẫn hiểu bố thí là hành vi của người…cho đến với kẻ nhận. Của người…có cho người không có v.v…Thế nhưng đó không phải là tinh thần bố thí của Mùa Chay và sẽ không sao tránh khỏi sự giả hình. Lý do bởi vì vẫn còn thấy…. “ Có Ta” và như thế thay vì để tiêu trừ thì lại làm cho “ Cái Ta” ngày càng…nống lên hơn.
Mỗi Mùa Chay là một chặng đường trong cuộc hành trình tâm linh. Hành trình ấy Thánh Phao Lô nói nó là… cuộc chạy đua và cuộc…đua ấy không phải để đến đích điểm nào khác bên ngoài nhưng là để trở về với Đấng Cha Hằng Hữu vẫn từng giây từng phút chờ đợi mình:
“ Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non, nước nước không nguôi lời thề”
Phùng Văn Hóa
“