Mục đích của Bí tích Hôn Nhân Công Giáo

          Mới đây có câu chuyện mà nghe xong chúng ta không thể không suy nghĩ “ Chỉ một tháng sau khi trở thành Robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân của Saudi  Arabia, Robot Sophia tiếp tục gây sốc khi tuyên bố muốn lập gia đình. Sự thông minh đến bất ngờ của Robot xinh đẹp như người mẫu này đang khiến nhiều người phải giật mình nghĩ về tương lai của loài người và của Robot” ( Nguồn Đời Sống và Pháp Luật số 49 ngày 5/12/2017 ).

          Với việc một con…Robot được cấp quyền công dân và rồi lại đòi lập gia đình đã cho chúng ta thấy cuộc khủng hoảng gia đình trong cái thời gọi là Trí Tuệ Nhân Tạo này đã đến  hồi gay gắt. Thật vậy hôn nhân hiểu như sự kết hợp giữa  Âm và Dương, giữa đực và cái giữa nam và nữ là nền tảng làm nên sự bền vững của chủng tộc, giống nòi. Ở nơi loài vật gọi là bản năng còn ở nơi loài người nó đã được xây dựng bằng những triết thuyết cao thâm.

          Triết  Đông phương chủ trương thuyết Âm Dương hòa hợp mà thành ra trời đất muôn vật. Thuận với lẽ biến hóa đó là thiện còn trái với nó là ác. Người đời tuy vẫn sống với cái đạo Âm Dương  hòa hợp ấy nhưng không biết. Chỉ có hạng nhân giả mới biết và đó là đạo của người quân tử “ Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện giả, thành chi giả tính giả. Nhân giả kiến chi vị chi nhân, trí giả kiến chi vị chi tri, bách tính nhật dụng nhi bất tri cố quân tử chi đạo tiễn hỷ” ( T.T. Kim Nho Giáo Q. Thượng ).

          Áp dụng nguyên lý Âm Dương hòa hợp vào trong đời sống gia đình đó là một thứ  đạo lý ngàn đời không riêng gì cho Đông phương mà cho toàn nhân loại. Chính bởi lẽ đó Đức Ki Tô khi có người Pharisieu hỏi thử Ngài rằng: Người ta có được phep ly dị bất cứ về lý do gì hay không thì Ngài đáp: Các ngươi há chưa nghe rằng Đấng Tạo Hóa từ ban đầu đã dựng nên người có nam có nữ và phán rằng vì cớ đó người nam phải  lìa cha mẹ mà keo sơn gắn bó với vợ mình và cả hai nên một xương một thịt với nhau. Như vậy họ không còn là hai nhưng chỉ là một. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được  phân ly” ( Mt 19, 3 -6 ).

          Theo cách giải nghĩa của Chúa Giê Su dường như cho thấy Đấng Tạo Hóa ngay từ thuở tạo thiên lập địa đã  dựng nên có người nam người nữ. Người nam là ông Adong còn người nữ là bà Eva. Từ bấy lâu nay có lẽ ai cũng hiểu theo nghĩa này. Tuy nhiên cần nên nhớ Chúa Giê Su khi nói với người Pharisieu như thế đó chỉ là vấn đề….tùy thuyết. Có nghĩa  tùy  trường hợp của người lãnh hội  mà có câu trả lời thích hợp thì người ta mới có thể chấp nhận. Đang khi đó để hiểu được Sách Sáng Thế, thiết nghĩ chúng ta cần theo nghĩa biểu tượng. Người nam tượng trưng cho nguyên lý Dương còn người nữ cho nguyên lý Âm. Từ nơi Thái Cực tức Đấng Tạo Hóa mà đã sinh ra lưỡng nghi tức là Âm và Dương. Lại do nơi hai nguyên lý Âm và Dương ấy thúc đẩy nhau, điều hòa với nhau mà biến hóa thành ra thiên hình vạn trạng “ Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa” ( Dịch. Hệ Từ Thượng ).

          Phải chăng cuộc khủng hoảng toàn diện và khủng hoảng gia đình nói riêng chủ yếu là do đã giải nghĩa  Kinh Thánh, đặc biệt là Sách Sáng Thế  về  một  Đấng Tạo Hóa thần linh ngoại tại ? Với cách giải nghĩa ấy thì câu chuyện nơi Vườn Địa Đàng với ông Adong bà Eva cùng với việc dựng nên con người bằng bùn đất còn người phụ nữ được lấy ra từ xương sườn cụt của Adong chỉ là một câu chuyện …hoang đường  và thời đại duy lý này không sao có thể chấp nhận.

          Một khi  người ta đã không chấp nhận cách giải  theo nghĩa đen  như thế thì chúng ta cũng chẳng lạ gì  với cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay đương nhiên nó phải như thế. Có điều chắc chắn là ở đây  trong cuộc khủng hoảng này đã có bàn tay của Sa Tan cũng là con rắn xưa nơi Vườn Địa Đàng nhúng vào.

          Đức hồng y Carlo Caffara Tgm giáo phận Bologna ( Ý ) khi xin chị Lucia một trong ba thị nhân Phatima ( 1917 ) cầu nguyện cho thì ngài đã nhận được lá thư của chị cho biết về cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay “ Trong lá thư mà chúng tôi nhận được viết rằng trận chiến sau cùng giữa Thiên Chúa  ( Có lẽ là Đức Maria mới đúng ? tg bài viết ) và bè lũ Sa Tan sẽ là về lãnh vực hôn nhân gia đình. “ Đừng sợ” Chị nói thêm, bởi vì bất kỳ ai làm việc cho sự linh Thánh của hôn nhân và gia đình sẽ luôn có phương cách để chiến đấu chống lại và phản kháng nó bởi vì đây là vấn đề quyết định. Sau đó chị kết luận “ Tuy vậy Đức Mẹ đã đập nát đầu của Sa Tan rồi” ( Nguồn Congiao.Info – 12/7/2017 ).

          Gia đình là nền tảng của xã hội cũng như của Giáo Hội. Gia đình tan vỡ thì  xã hội  khủng hoảng và Giáo Hội cũng vậy. Để giải quyết bất cứ cuộc khủng hoảng nào thì cần phải tìm ra  cái nguyên nhân gây ra cho nó. Tìm được nguyên nhân thì coi như đã giải quyết được một nửa. Trái lại bao lâu chưa tìm ra nguyên nhân thì bấy lâu vẫn còn chìm sâu trong khủng hoảng  không có ngày ra.

          Nguyên nhân cơn  khủng hoảng về Gia Đình này là gì ? Theo tôi đó là do đã không biết đến mục  đích của hôn nhân  dù là của đời hay của đạo. Đối với người thế gian thì mục đích ấy là sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường. Thế nhưng ngày nay mục đích ấy dường như  không còn …hợp thời nữa. Người ta hoặc là  muốn từ chối việc sinh con hoặc tệ hơn nữa là công nhận bằng luật pháp việc kết hôn đồng tính  và như  thế thì việc sinh con cái không đặt thành vấn đề gì nữa,  tất cả   mục đích  chỉ  là  đề thỏa mãn  dục vọng mà thôi.

          Việc nối dòng nối dõi  đó là bản chất của hôn nhân. Tuy vậy với  hôn nhân Công giáo  vấn đề  đặt ra lại khác, đó không phải là nối dòng dõi  xác thịt  nhưng là dòng dõi tâm linh. Lệnh truyền của Thiên Chúa ban ra sau khi  đã tạo dựng con người “ Đức Chúa Trời dựng nên loài người giống hình ảnh mình. Người dựng nên người nam và người nữ. ĐCT ban phước cho loài người và phán: Hãy sanh sản thêm nhiều làm cho rẫy đầy mặt đất” ( St 1, 27 -28 ).

          Căn cứ vào câu Kinh Thánh này người ta đã phê phán kịch liệt Đạo Chúa cho là đã cổ xúy cho việc sinh sản vô tội vạ để rồi đưa đến nạn nhân mãn này nọ….Chúng ta không thể trách cứ sự kết án ấy được nếu vẫn còn giải nghĩa KT theo …nghĩa đen. Việc Thiên Chúa chúc phúc cho loài người là để  sinh sản ra thật nhiều con cái là Hình Ảnh Thiên Chúa chứ không phải con cái …xác thịt.

          Mục đích của hôn nhân Công giáo là để sản sinh thật nhiều con cái là Hình Ảnh Thiên Chúa tức Con Thiên Chúa. Sự thật là như thế và đây chính là lời nguyện của Tobia trước khi thành thân  với nàng Sara    “Lạy Chúa là Thiên Chúa  của cha ông chúng tôi. Trời đất bể khơi khe suối sông ngòi và mọi loài Chúa đã dựng nên. Ở những nơi đó hết thảy chúng hãy ca tụng Chúa. Chúa đã dùng bùn đất tác tạo Adam và ban cho ông được Eva là người nội trợ. Và giờ đây thân lạy Chúa. Chúa biết rằng không phải vì lý do sắc dục mà tôi cưới cô em đây làm vợ. Song chỉ vì mến yêu dòng dõi những người biết ca tụng Danh Chúa tới muôn đời” ( Tob 8, 5 -10 ).

          Chính vì mục đích của hôn nhân Công giáo là để sản sinh những người Con Chúa thế nên Chúa Giê Su và sau đó Giáo Hội của Người mới ra điều luật cấm ngặt việc ly dị. Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân  ly. Để cho sự kết hợp ấy được bền chặt thì điều kiện trước hết là cần phải được sự ưng thuận tự do của hai bên. Tiếp đó là lời hứa trung thành, săn sóc yêu thương, tôn trọng nhau cho đến trọn đời, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan v.v…

          Lời hứa giữ lòng trung tín với nhau suốt đời  là hết sức quan trọng bởi vì nó đã được tiến hành trong Thánh Lễ không những chỉ trước mặt cộng đoàn mà còn có sự hiện diện của Chúa Giê Su Thánh Thể. Tuy nhiên để có thể giữ trọn lời hứa ấy vẫn rất chi là khó. Lý do là vì hôn nhân thực chất là một khế ước được ký kết giữa hai con người có nhiều điểm khác nhau về hoàn cảnh về trình độ nhận thức cũng như về tâm sinh lý…Thế nhưng chính cái sự khác biệt ấy  lại đưa đến sự hòa hợp bổ sung cho nhau chứ không phải ngược lại.

          Theo nguyên lý sinh hóa của Âm Dương thì phàm cái gì…lẻ một  thì không sinh  được. Phải có cái chẵn đôi để tương đối, tương điều hòa với nhau thì mới có sự sinh sinh. Vạn vật sinh sinh đều do ở cái gốc tương đối ấy mà ra. Cơ là lẻ, ngẫu là chẵn. Một  cái Cơ lại phải tìm một cái Cơ khác để thành ra Ngẫu thì mới sinh được ( Xem T.T. Kim Nho Giáo Q. Thượng ).

          Vạn vật sinh sinh đều do ở cái gốc tương đối tương hòa. Nói cách khác không có cái gì một mình mà có thể sinh được. Một mình ở đây chính là  sự chia phân giữa Ta và Người ( Nhân – Ngã ) Phân tích cái lẽ tương thôi Âm Dương ấy áp dụng vào sự kết hợp hôn nhân Công giáo  thì phải tuân theo đạo lý Bỏ Mình của Đức Ki Tô “ Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo” ( Mt 16, 24 ).

          Trong hôn nhân  có biết Bỏ Mình đi thì  vợ chồng mới có thể sống yêu thương  nhau trọn đời được. Trái lại không bỏ được mình tức bỏ Cái Tôi đi  thì dù có đủ những điều kiện vật chất ước mơ đến đâu thì sớm muộn cũng phải lìa tan thôi.

          Đạo lý Bỏ Mình là để dành cho tất cả những ai theo Chúa dù là trong bậc tu trì hay bậc hôn nhân gia đình. Mục đích Bỏ Mình ấy  là để cho ta được nên Thánh còn nên Thánh trong bậc hôn nhân là để sản sinh những người Con Chúa bằng sự yêu thương  săn sóc giáo dục chúng  cách xứng hợp. Tấm gương tuyệt vời của sự nên Thánh  ấy được thể hiện rõ nhất nơi cha mẹ của Thánh Teresa HĐ Giê Su.

          Sau ba tháng quen nhau, ông Louis Martin và bà Zelie Guerin đã thành hôn ( 13/7/1858 ).Họ sống độc thân gần một năm nhưng cả hai nhận ra Thánh Ý Chúa muốn họ sống nghĩa vợ chồng và họ có chín người con. Bốn người chết trong thời thơ ấu, trong khi năm cô con gái còn lại lần lượt vào Dòng Kín và Đòng Thăm Viếng. Cả cha lẫn mẹ của Teresa đều được phong Thánh ngày 15/10/2015 tại Vatican.

          Đúng là một gia đình Thánh trong thời đại hôm nay, một thời đại mà hôn nhân Công giáo  đang bị đe dọa nặng nề nhất. Nên Thánh là một lý tưởng  và lý tưởng này chỉ có thể thành tựu bằng giới răn Yêu Thương “ Đừng mắc nợ ai chi hết trừ ra sự thương yêu lẫn nhau mà thôi. Vì ai yêu thương kẻ lân cận như mình thì đã làm trọn luật pháp” ( Rm 13, 8 ). Yêu thương kẻ lân cận như chính mình là ai nếu đó chẳng phải là vợ là chồng ? Bởi khi kết hôn thì như Chúa nói cả hai đã …nên một với nhau./.

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts