MƯỜI CÁCH CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐỂ RƯỚC LỄ

 

Cho đến nay, hành động quan trọng nhất trong cuộc sống là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Việc đó diễn ra như  thế nào? Là một người Công giáo sống đạo, mỗi ngày bạn có thể rước Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, khi Rước Lễ – Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Ngài.

Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.” Một cách chú giải theo Bí tích cho cụm từ này trong Kinh Lạy Cha có nghĩa là ban cho chúng ta Rước Lễ hôm nay trong khung cảnh của Thánh Lễ.

Nói không ngoa, tất cả cuộc sống đời đời cũng không đủ để chúng ta chuẩn bị đầy đủ cho dù chỉ một lần Rước Lễ. Ngoài ra, tất cả cuộc sống đời đời cũng không đủ để tạo ra một lời tạ ơn xứng đáng cho một lần Rước Lễ. Lý do cho sự khẳng định mạnh mẽ này là sự thật đơn giản rằng Rước lễ thực sự là rước lấy chínhThiên Chúa; đó là Chúa Giêsu, Ngôi Hai của Ba Ngôi Cực Thánh trong Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Ngài!

Vì vậy, chúng tôi đưa ra mười gợi ý ngắn với mục đích giúp tất cả chúng ta nâng tầm, cải thiện và hoàn thiện tâm hồn mình khi đón nhận Chúa GiêsuThánh Thể. Một lần Rước Lễ có thể biến chúng ta thành các vị thánh. Thần học vững chắc dạy chúng ta rất rõ ràng về khái niệm ơn riêng ban. Lỗi sai không phải ở Bí tích vốn là chính Thiên Chúa, mà đúng ra là lỗi ở chúng ta, ở các công cụ của con người và sự thiếu chuẩn bị xứng hợp của chúng ta. 

  1. Lời cầu nguyện nhiệt thành và khiêm nhường: “Lạy Chúa, xin củng cố đức tin của con!”

Niềm tin có thể được so sánh với một hạt giống; nó phải được tưới nước và chăm bón. Nó cũng có thể được so sánh với việc phát triển cơ bắp khi nâng tạ. Nếu không được thực hiện thường xuyên và bài bản, cơ bắp rất dễ bị thoái hóa thành các mô nhão. Cuối cùng, nó có thể được so sánh với nghệ thuật và kỹ năng ngôn ngữ. Bỏ bê thực hành một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ được nói sẽ trở nên hỏng và không hoàn chỉnh.

Như người ta nói: “Nếu bạn không sử dụng, bạn sẽ mất.”  Đức tin của chúng ta cũng thế; nếu chúng ta không thực hành đức tin và thực hành, thì dần dần đức tin bị mất. Nói như vậy, chúng ta phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng Thánh Thể là “Sự Hiện Diện Đích Thực”, thực sự và bản thể của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Một lời cầu nguyện ngắn gọn nhưng nhiệt tâm được nói thường xuyên có thể đạt được mục tiêu này là: “Lạy Chúa, xin củng cố đức tin của con”.

  1. Thanh luyện khung cửa nội tâm của bạn

Thánh Inhaxiô thành Loyola, cũng như các vị thánh khác, tạo nên mối liên hệ mật thiết và chặt chẽ giữa hai Bí tích – Giải tội và Bí tích Thánh Thể. Bí tích Giải tội hoặc Hòa giải tẩy rửa và thanh tẩy ô cửa nội tâm của chúng ta khỏi những bụi bẩn xấu xa và vết nhơ tội lỗi. Rồi thì, sau khi nhận được ơn tha tội, khi đó linh hồn được rửa sạch và trở nên trong suốt nhờ ân sủng, việc rước lễ sẽ có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ hơn nhiều đến linh hồn.

Khi mặt trời ló dạng rạng rỡ qua khung cửa sổ được làm sạch bằng chất tẩy rửa Windex, thì ánh sáng của Chúa Kitô cũng có thể chan hòa với những ân sủng toàn năng trong tâm hồn trong sạch. Chúa Giêsu diễn tả điều đó một cách cô đọng: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch; vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.”  (Mt. 5: 8)

Dĩ nhiên, nếu đang trong tình trạng tội trọng, người ta phải xưng tội trước khi Rước lễ.

  1. Đừng bao giờ nhận ân huệ của Chúa như là chuyện đương nhiên!

Một cám dỗ rất phổ biến đối với những ai dễ dàng tham dự Thánh lễ hàng ngày và Rước lễ hàng ngày là đơn giản coi Chúa là điều đương nhiên. Trong phòng thánh chuẩn bị lễ thường có một tấm bảng ghi một lời nhắc nhở các linh mục: “Hãy cử hành Thánh lễ này như thể đó là thánh lễ đầu tiên, cuối cùng và duy nhất của con.”  Cũng có lời khuyên hữu ích cho giáo dân: mỗi lần Rước Lễ hãy coi đó như thể là lần đầu tiên, lần cuối cùng và duy nhất của con!

  1. Đến đúng giờ hoặc sớm

Bạn có đến trễ một cuộc hẹn cực kỳ quan trọng — với Đức Giáo Hoàng, Tổng thống, hoặc sếp mới để bàn về công việc mới của bạn không? Dĩ nhiên là không!

Do đó, theo một nghĩa tương tự, chúng ta không nên đến Nhà của Thiên Chúa muộn để tham dự sự kiện trọng đại nhất trên hành tinh — cử hành Thánh lễ Hy sinh. Nếu bạn là người luôn trễ giờ, thì ít nhất để tham dự Thánh lễ hãy cố gắng đến sớm. Như Thánh Inhaxiô đã nhắc nhở chúng ta: “Hãy cố gắng sắp xếp mọi chuyện trong cuộc sống của bạn sao cho có giờ có giấc.”

  1. Có ý chỉ riêng của bạn

Thông thường trong các Thánh Lễ của Giáo Xứ, linh mục sẽ đề cập đến ý chỉ của Thánh Lễ khi bắt đầu Thánh Lễ — thường là cho một người đã qua đời, một ngày kỷ niệm, hoặc theo như ý của một người vẫn còn sống. Tuy nhiên, điều này không loại trừ việc bạn đưa ra những ý chỉ riêng của mình. Bạn có thể dâng lên bàn thờ bao nhiêu ý chỉ tùy thích. Thiên Chúa không có giới hạn và Ngài yêu thương những tâm hồn hào phóng, những người cầu xin Ngài nhiều điều. Thường thì chúng ta nhận được ít từ Chúa bởi vì chúng ta cầu xin ít.

Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”  (Mt. 7: 7-8)

  1. Những ý chỉ được đề nghị

Như đã đề cập ở trên, những ý chỉlà vô giới hạn. Bạn có thể cầu xin hoặc van nài Chúa ban cho bất cứ ý chỉ nào trong tâm trí và trái tim của bạn. Tuy nhiên, những ý chỉ thực sự được đề nghị là ba ý chỉ sau đây:

a) cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục;

b) cầu nguyện cho sự hoán cải của tội nhân;

c) cầu nguyện cho sự hoán cải trái tim của chính bạn!

Như Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina: “Hãy mạnh dạn cầu xin… ‘Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Chúa!

  1. Tham dự đầy đủ

Hiến chế Tín lý về Phụng vụ từ các văn kiện của Công đồng Vaticanô II,  Sacrosanctum  Concilium (1963)  khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh lễ đầy đủ, tích cực và ý thức. Trong Thánh Lễ, chúng ta không được là những người tham dự thụ động, như thể chúng ta đang ở trong rạp chiếu phim, mà là những thành viên tích cực của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Nói cách khác, chúng ta nên trả lời một cách rõ ràng và nhiệt tình, chăm chú lắng nghe Lời Chúa, và đồng hóa giáo lý được rao truyền qua việc rao giảng Lời Chúa. Chúng ta không được kêu gọi để chỉ trở thành những người dự bị trong việc thánh thiêng, nhưng là để tham gia vào Thánh lễ cách tích cực.

  1. Rước lễ với lòng tôn kính

Giờ phút quan trọng nhất của Thánh lễ là việc rước Mình Thánh Chúa. Hãy đến gần Mình Thánh Chúa với lòng khiêm hạ, tôn kính, tin tưởng và xin Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria ơn đón nhận Chúa Giêsu với tình yêu lớn lao, tin cậy, tin tưởng và khao khát sự thánh thiện.

  1. Lễ tạ ơn

Nếu bạn không có bổm phận gì sắp phải làm thì hãy ở lại sau thánh lễ để tạ ơn Chúa đã đến thăm mình là tội nhân đáng thương này. Tất cả sự đời đời còn không đủ để chúng ta chuẩn bị tâm hồn mình đón rước Chúa của các Chúa và Vua của các Vua. Ngoài ra, tất cả sự đời đời cũng không đủ để chúng ta dâng lên Chúa Giêsu sự tạ ơn đầy đủ. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI gợi ý việc lần hạt Mân Côi sau Thánh lễ như một cách tuyệt vời để tạ ơn Chúa Giêsu khi Rước Lễ, qua Trái Tim Đức Mẹ.

  1. Trở thành Nhà Truyền Giáo Thánh Thể Như Mẹ Maria

Sau khi chúng ta đã rước lấy Chúa Giêsu khi Rước Lễ, và tạ ơn, thì hãy noi gương Mẹ Maria, người sau khi đón rước Chúa Giêsu vào Cõi lòng mình trong Lễ Truyền Tin, đã vội vàng đem Chúa Giêsu đến cho người chị họ Elizabeth đang cần. Do đó, chúng ta hãy mang sự hiện diện của Chúa Giêsu đến với người khác! Ngoài ra, hãy cố gắng đưa nhiều con chiên bị lạc và lang thang trở lại với đàn chiên, trở lại với Vị Mục tử nhân lành, trở lại với Giáo hội Công giáo và trở lại với các Bí tích của Giáo hội.

Ôi Bí Tích Chí Thánh! Ôi Bí Tích Thánh Thiêng! Mọi Lời Ngợi Khen Và Mọi Lời Tạ Ơn Con Xin Dâng Lên Chúa Từng Giây Phút!

Phêrô Phạm Văn Trung

phỏng theo LM Ed Broom, OMV, catholicexchange.com.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts