Cuối năm người ta có phải gửi những lời cầu chúc không? Người ta có cơ hội để quan tâm đến những người ở xa hơn, và làm sâu sắc thêm mối tương quan với những người thân yêu của chúng ta không? Nhân dịp năm mới, chính Đức Thánh Cha đã trình bày những lời chúc mừng của mình bằng nhiều thứ tiếng nhất có thể để mọi người có thể đón nhận. Một cuộc điện thoại hay một tấm thiệp đơn giản gồm vài chữ được viết một cách tế nhị có thể làm dịu đi nỗi cô đơn, ngay cả khi nó không thể thay thế một cuộc thăm viếng. Đặc biệt là vì sự quan tâm này có thể là một trong số ít những sự quan tâm nhận được trong năm.
Đầu năm mới người ta thường không đi chệch khỏi những câu chúc Tết quen thuộc muôn thuở. Nhưng làm thế nào để không rơi vào những công thức có sẵn như “chúc mừng năm mới” và “chúc những gì tốt đẹp nhất”?
Sau đây là một vài cách để làm cho phong tục này đơm hoa kết trái nhiều hơn.
Anne nói, “Đối với tôi, đó là một cách để hiện diện trong cuộc sống quá nhiều công việc của chúng ta. Chúng ta có thể làm điều này mỗi năm một lần, phải không?”
Nhận thức được rằng không thể giới hạn mong muốn của mình dành cho một nhóm bạn bè khép kín, năm nay Stéphane đã chọn ngỏ lời với “kẻ thù tốt lành” của mình.
Còn Julie thì quyết định viết thư cho chồng, cha mẹ và các con của mình: “Chúng tôi dành quá ít thời gian để nói với họ rằng chúng tôi yêu thươnghọ, và đôi khi điều đó còn khó khăn hơn vì ở gần nhau”.
Vì vậy, năm nay, tại sao bạn không dành thời gian để tự hỏi mình sẽ gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến ai trước hết?
1/ Nói điều tốt lành – dẫn tới làm điều tốt lành.
Nhà tâm lý học Yves Boulvin viết: “Mối quan hệ của chúng ta với nhau thường bị chi phối bởi cãi vã, chỉ trích, phán xét, lên án hơn là chúc phúc, cởi mở cõi lòng.” Tìm lại ý nghĩa sâu xa của lời chúc, có nghĩa là mong ước điều tốt lành cho người kia, nói về điều tốt lành của người khác (benedicere trong tiếng Latinh, nghĩa mặt chữ là “nói tốt”). Đó là đi vào lý lẽ của tình yêu, trong đó ta nhìn thấy những điều tốt, những điều đẹp đẽ, mặt tốt của mỗi người và cảm ơn nhau vì điều đó.
Đề cập đến phẩm chất hoặc bày tỏ lòng biết ơn đem lại những kết quả chắc chắn: “Những lời chúc phúc đem lại tốt lành cho tâm hồn”, tu sĩ dòng Biển Đức Anselm Grün đảm bảo như thế.
2/ Hãy chúc phúc cho nhau
Đức Trinh Nữ Maria, trong cuộc viếng thăm, được chúc phúc trước hết bởi bà Êlidabét, là người đã nhìn thấy nơi Mẹ mầu nhiệm của người phụ nữ và người con mà Mẹ đang mang trong mình. Một cách diễn tả không chỉ dành riêng cho một người phụ nữ ưu tuyển về mặt tâm linh, vì mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa ban phúc lành. Nếu Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta cách hoàn toàn nhưng không, thì tất cả chúng ta đều có thể chúc phúc cho nhau. Và do đó, chúng ta trở thành một nguồn phúc lành, cũng nhiều như những người khác dành cho chúng ta.
“Trong truyền thống Kitô giáo, lời chúc phúc luôn đi kèm với một lời nói. Qua lời nói của mình, tôi bày tỏ với người này những gì Thiên Chúa có thể ban cho người ấy, cách Thiên Chúa nhìn người ấy và ý nghĩa của người ấy đối với Ngài. Phúc lành vượt xa lời nguyện giúp cầu thay, phúc lành đó là để khẳng định “Bạn được Thiên Chúa yêu thương, bạn là quý giá đối với Ngài”.
3/ Sử dụng từ ngữ cá nhân
Dũng nói: “Khi tôi viết thư hoặc gọi điện vào thời điểm tôi muốn, tôi cố gắng ghi nhớ điều mà người nhận thư của tôi mong muốn nhất.” Sử dụng từ ngữ cá nhân ảnh hưởng nhiều hơn so với các công thức làm sẵn, với điều kiện là những từ này được lựa chọn cẩn thận, bởi vì những từ này tạo ra mối tương quan với người kia.
Cách thức mà các từ được xây dựng cũng quan trọng như nội dung của chúng. Không cần phải viết dài, mà chỉ cần, càng gần càng tốt với những gì người kia mong đợi, mà không cần biết mục tiêu đã đạt được hay chưa. Một cách để học từ bỏ, một hành vi trao ban nhưng không. Điều gì sẽ đem lại sự tốt lành cho người khác? Đâu là khát mong của người ấy? Vì vậy, những lời chúc, ngoài công thức lịch sự, sẽ thể hiện một tình cảm dành cho người ấy.
Đôi khi, một câu trả lời xác nhận tính chính xác của những nhận xét, “như người bạn này đã gửi cho tôi một lời ngắn ngủi mà tôi không ngờ tới, Sophie giải thích: “Những gì bạn nói với tôi khiến tôi hạnh phúc và do đó làm sáng tỏ những điều mà tôi cảm thấy tôi không biết làm thế nào để nói chúng thành lời”.
Thật không may, những lời chúc chứa đầy ý định tốt có thể không thành công, hoặc thiếu tế nhị. Để tìm ra những từ thích hợp, Stéphane tâm sự, “Tôi cầu nguyện trước Thánh Thể, và xin Chúa Thánh Thần soi dẫn tôi bằng cách nghĩ đến từng người một”.
4/ Đồng ý bày tỏ cảm xúc của bạn
Lời cầu chúc chân thành đòi hỏi phải mạo hiểm để bày tỏ cảm xúc sâu sắc của mình, sao cho bản thân mình nhìn ra sự thật, nhờ đó bản thân mình được yêu thương. Những cảm xúc này có thể được thể hiện trong các ghi nhận khác nhau: tình bạn, lòng biết ơn đối với những khoảnh khắc ân sủng, sự cảm thông đối với những người đang trải qua thử thách, nối lại mối ràng buộc đã bị cắt đứt, cầu xin sự tha thứ, trong mọi trường hợp, đều là dịp để bày tỏ và sống tình bác ái. Chúng thúc đẩy một cuộc gặp gỡ đích thực.
Đối với Anne-Charlotte, một người mẹ sống ở miền Đông nước Pháp, xa với bạn bè của mình, “Đó là một cách chia sẻ những gì chúng tôi đang sống cùng nhau mà vẫn để cho bạn mình sống trọn vẹn cuộc sống họ, tôn trọng những gì họ đang sống”.
5/ Cầu chúc sự thật
Việc tạo ra những lời cầu chúc không đồng nghĩa với chuyện một năm mới sẽ thoát khỏi mọi đau khổ, mọi khó khăn. Chúng ta chỉ có thể hy vọng chấp nhận tất cả những gì sẽ xảy ra với sự tin tưởng, và tin rằng Chúa đang chờ đợi chúng ta sống những điều đó cùng với Ngài. Anne-Charlotte nói: “Đối với chúng tôi, những Kitô hữu, đây có thể là một cơ hội để coi năm mới này như một sự chào đời mới, như một đứa trẻ mong đợi mọi thứ”.
Ước gì chúng ta bày tỏ ước muốn của mình không theo kiểu của những người chủ trương duy thắng lợi, nhưng trong an bình, như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói, “Chúng ta cũng được linh hoạt bởi ý thức rằng chỉ có Chúa Kitô mới có thể thỏa mãn những khao khát sâu xa của mỗi trái tim con người, và trả lời những câu hỏi nan giải nhất về đau khổ, bất công và sự dữ, về cái chết. và thế giới bên kia ” (1)
6/ Làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa
Để quay trở lại những ngày đầu của truyền thống, chúng ta phải quay trở lại xa hơn thời Cổ đại, nơi người La Mã ném những con chim lên đỉnh Điện Capitol để mang theo mong muốn của họ đến biên giới của Đế chế. Vào ngày đầu năm, phụng vụ Thánh lễ nối lại lời chúc lành của Thiên Chúa trên Aaron của hơn ba nghìn năm trước, kết thúc bằng câu: “Nguyện Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Thiên Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Dân số 6: 22-27). Trong bản văn nguyên thủy, việc kêu gọi ba lần danh Thiên Chúa bảo đảm cho dân Israel về sự hiện diện của Thiên Chúa của Giao ước, là nguồn cội mọi phúc lành.
Khi chúng ta chúc lành cá nhân cho riêng ai đó, lời nói của chúng ta phải thể hiện sự dịu dàng của người mẹ dành cho chúng ta, là điều cần phải tiếp tục cho đến tận cùng thời gian.
Phêrô Phạm Văn Trung,
chuyển ngữ từ famillechretienne.fr.
[1] Bài giảng tại sân vận động Bentegodi ở Verona, Ý, thứ năm, ngày 19 tháng 10 năm 2006, nhân chuyến thăm mục vụ của ĐGH Biển đức XVI tới Verona nhân dịp Đại hội Toàn quốc Giáo hội Ý lần IV.