Năm mới tâm linh

Năm hết, Tết đến, ai cũng lo “đổi mới” bề ngoài, vậy cũng cần lắm đối với mọi người về việc “canh tân” đời sống tâm linh trong năm mới. Hãy tập thói quen canh tân đời sống tâm linh, và hãy dạy trẻ em đổi mới tâm hồn ngay từ tuổi nhỏ.

Một năm mới bắt đầu, một khởi sự mới cũng bắt đầu. Do đó, đừng chỉ đặt ra các quyết định bình thường như giảm cân, bỏ hút thuốc, bớt say xỉn, bớt lải nhải, bớt độc đoán, bớt chuyên quyền, bớt ích kỷ, cố gắng ngoan ngoãn, cố gắng học tập,… Cũng đừng đặt ra các mục đích quá lớn hoặc xa vời, mà hãy đặt ra các mục đích đơn giản và thiết yếu, nhất là cố gắng cải thiện mối quan hệ với Thiên Chúa. Đây là vài cách khả thi:

1. Canh tân đời sống cầu nguyện

Cầu nguyện luôn cần thiết, vì Chúa Giêsu dạy: “Hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41). Có thể đó là việc đơn giản, cũng có thể phức tạp, nhưng không dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Hãy cố gắng siêng năng hơn trong việc cầu nguyện hằng ngày. Nhiều người có quyết định này nhưng lại mau thất bại, vì họ muốn nhảy vọt ngay từ bước đầu tiên. Nếu bạn đã từng không thường xuyên cầu nguyện, bây giờ muốn cầu nguyện nhiều ngay thì rất khó. Hãy bắt đầu tập bằng cách cầu nguyện mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy, dù là bạn cầu nguyện khi bạn đang đánh răng. Hãy bắt đầu dành cho Chúa mỗi sáng 5 phút. Rồi dần dần bạn cố gắng thêm 2, 3 hoặc 5 phút nữa. Bạn sẽ mau cảm thấy thích thú tâm sự với Chúa trước khi làm bất cứ điều gì. Đừng lo phải nói gì với Ngài, cứ hướng tâm hồn lên với Ngài, bạn cứ nói chuyện với Ngài bất cứ điều gì, hoặc có thể chỉ im lặng chiêm ngưỡng Ngài. Bạn sẽ thấy kết quả kỳ diệu.

2. Đọc trọn bộ Kinh thánh

Tập cho quen đọc Lời Chúa cũng là một quyết định quan trọng trong năm mới đối với mỗi Kitô hữu. Có nhiều kế hoạch cho việc đọc Kinh thánh để có thể đọc trọn bộ Kinh thánh trong một năm. Hãy quyết định đọc Kinh thánh mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Có thể bạn không đọc hết bộ Kinh thánh, nhưng có thể dùng cả năm để tập trung vào các chủ đề đặc biệt hoặc các vấn đề liên quan đời sống mà bạn muốn Thiên Chúa giúp bạn cải thiện. Hãy lập một “kế hoạch” về Kinh thánh, và quyết tâm thực hiện trong năm mới.

3. Giúp đỡ người khác

Qua Kinh thánh, Thiên Chúa mời gọi chúng ta làm việc thiện. Có nhiều cách giúp đỡ người khác, nhất là giúp đỡ người nghèo: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12:8). Chi tiêu là việc cần thiết, nhưng đừng lãng phí. Tiết kiệm có lợi cho bản thân và gia đình, đồng thời cũng để có thể giúp người khác một cách thực tế. Hãy coi việc giúp đỡ người khác là một phần trong hoạt động của cuộc đời bạn trên cuộc lữ hành trần gian. Đa số các giáo xứ đều có các hoạt động “ngoại khóa”, hoặc bạn có thể tham gia các hoạt động từ thiện của giáo xứ, của hội đoàn, của trường học, của xã hội,… Có rất nhiều người cần sự giúp đỡ của bạn, việc giúp đỡ người khác là cách tốt để sống đức tin, sống yêu thương, làm gương sáng, và chúng tỏ mình là người có niềm tin vào Thiên Chúa.

4. Sinh hoạt giáo xứ

Đa số các giáo xứ đều có các hội đoàn hoặc nhóm sinh hoạt việc đạo đức (Dòng Ba Đa-minh, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Hội Con Đức Mẹ, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Hội cầu nguyện, Hội các Bà mẹ Công giáo, Ca đoàn, Lễ sinh, Thiếu nhi Thánh Thể, Giáo lý viên, lớp Giáo lý, lớp Kinh thánh,…). Hãy tham gia các sinh hoạt chung trong giáo xứ dành cho lứa tuổi của mình. Nhiều nhóm sinh hoạt gặp nhau hằng tuần hoặc hằng tháng, các cuộc họp mặt này là cách tốt để tạo sự thân thiện với nhau, tạo sự hỗ trợ lẫn nhau trong sinh hoạt hằng ngày và sinh hoạt tâm linh.

5. Khiêm nhường phục vụ

Một trong các vấn đề khó khăn đối với các Kitô hữu là chuyện phục vụ, đó là quá trình rất cần thiết: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Ai cũng được người khác phục vụ, bằng cách này hoặc cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, vì thế chúng ta cũng phải biết phục vụ người khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu dạy là phải phục vụ, nhưng phục vụ trong khiêm nhường: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10).

6. Đọc sách thiêng liêng

Hãy dùng cách nào đó có lợi cho bạn, có thể là việc đọc sách thiêng liêng như đọc các sách đạo đức hoặc hạnh các thánh, miễn sao cách đó giúp bạn phát triển trên đường nhân đức. Các dòng tu thường có giờ đọc sách thiêng liêng, giáo dân ít có người có thói quen tốt lành này. Tốt nhất vẫn là đọc Kinh thánh. Đọc Kinh thánh là giao tiếp với Thiên Chúa, là phần thiết yếu của mọi người trong đời sống Kitô hữu, vì Kinh thánh là Lời Chúa, mà Lời Chúa thì chính xác đến độ “một chấm, một phẩy cũng không sai” (x. Mt 5:18). Đọc sách là thời gian tĩnh lặng, giúp tâm hồn lắng đọng, có thể thấy rõ mình hơn.

7. Sống Đức Tin

Bạn đã loan truyền Phúc âm bao nhiêu lần cho bạn bè hoặc gia đình? Truyền giáo không phải đi xa tới nơi này, nơi nọ, mà có thể là truyền giáo ngay trong gia đình, cho bạn bè, cho láng giềng, thậm chí là tái truyền giáo cho chính mình bằng cách sống thể hiện đức tin. Nếu có điều kiện thì làm như Thánh Phanxicô Xaviê, không thì hãy bắt chước “bông hoa nhỏ” Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Sống đức tin là gieo hạt yêu thương, làm nảy mầm bác ái, bảo vệ công lý, tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Cứ hiểu nhân quyền một cách đơn giản là “quyền sống của con người” để cảm thấy không “nặng nề”. Cứ hành động, đừng lo đến kết quả, như Thánh Phaolô nói: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” (1 Cr 3:6-7).

8. Hiểu và cảm thông lẫn nhau

Trong hàng tỷ chiếc lá chẳng có hai chiếc lá giống nhau. Con người cũng vậy. Mỗi người là một cá thể với trình độ và hoàn cảnh sống khác nhau, như tục ngữ nói: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”. Vì thế người này cần chịu đựng người kia, cảm thông lẫn nhau, hiểu và tha thứ cho nhau. Đó là Luật Yêu Thương của Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34; Ga 15:12). Còn Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8). Cuộc sống nhiêu khê, nhiều vấn đề phức tạp, khó tránh khỏi xung đột. Ngay cả cha mẹ và con cái cũng vẫn xung khắc, ngay cả vợ chồng cũng vẫn bất đồng ý kiến, ngay cả trong các dòng tu cũng vẫn xảy ra tranh chấp. Vấn đề là khiêm nhường, hiểu biết và cảm thông.

9. Giúp người khác sống đạo đức hơn

Nghe chừng đơn giản nhưng lại cần nhiều can đảm mới có thể giúp người khác sống đạo đức hơn – nói chung, và siêng năng tham dự các giờ phụng vụ tại nhà thờ – nói riêng. Giúp người trong gia đình hoặc bạn bè cùng tôn giáo đã là khó, huống chi với người khô khan đạo hạnh. Thậm chí có những người sẽ cho là bạn “lên mặt đạo đức” hoặc “lên lớp” họ. Khó lắm, thế nên phải tế nhị và khéo léo lắm. Tuy nhiên, việc giúp người khác sống đạo đức hơn là nhiệm vụ truyền giáo chung: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).

Năm Quý Tỵ, năm con Rắn, xin chúc mọi người năm mới hạnh phúc và thánh thiện, khôn ngoan như con Rắn chứ đừng xảo quyệt như con Rắn. Việt ngữ khó diễn tả “hết ý” như Anh ngữ: HAPPY NEW YOU and HOLY NEW YOU. Thiết nghĩ đó là một cách nói và là lời chúc hay với bất kỳ ai.

 

Viễn Đông
Giao thừa Tết Dương lịch 2013

Nguồn: Lam Hồng

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment