NĂM TÂN SỬU 2021 – CHUYỆN CON TRÂU

Năm 2001, năm Tân Sửu, năm Con Trâu, chúng tôi mạn phép góp đôi chuyện vặt tản mạn về trâu, “ngưu tầm ngưu” – trâu tìm trâu, như là “lời quê chắp nhặt dông dài’ góp vui Xuân Con Trâu cùng mọi người.

Vị thế của  con trâu

Trong số 12 Con Giáp, có 7 con vật thuộc gia cầm/gia súc: Sửu (Trâu), Mão (Mèo), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Dậu (Gà), Tuất (Chó) và Hợi (Heo/Lợn).

Trâu tuy xếp vào con giáp thứ hai, sau Chuột (Tý) nhưng Trâu lại là đầu đàn trong nhóm gia súc, gia cầm!  Về cơ duyên giữa trâu với người, con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp”, tạo nên thịnh vượng cho nhà nông Việt Nam.

Con trâu hàng ngày sát cánh cùng anh nông phu nơi ruộng đồng. Mọi công việc nặng nhọc đồng áng từ cày bừa, chuyên chở đến kéo gỗ súc dựng nhà xây đền đều nhờ vào sức trâu cùng sự tận tụy của nó. Thế nên, người nông dân Việt Nam luôn cậy vào trâu, coi trâu là bạn thân tín, dành cho trâu tình cảm yêu thương:

Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cấy cày vốn nghiệp nông gia.

Ta đây trâu đấy, ai mà quản công!

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng dễ dàng tậu (mua) được trâu và giữ được trâu.

Giá trị của con trâu

Việc tậu trâu đã từng là một trong ba gánh nặng của cuộc sống nông thôn Việt Nam:

Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay

Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà thật là khó! Cần con mắt tinh anh và cả khả năng tài chánh cũng như khả năng “tâm phục, khẩu phục” mới lấy được vợ. Còn việc mua trâu, cất nhà thực ra chẳng cần khả năng tâm lý, nhưng con mắt và tài chánh là điều kiện tiên quyết… Nếu lấy vợ xem tông, cất nhà xem hướng, thì “mua trâu, phải xem vó,” săm soi kỹ bộ móng (vó) của con trâu cũng như túi rủng rỉnh tiền mới chọn mua được con trâu giỏi, khỏe, chịu nghe, chịu làm. 

Trâu lăn xả vào việc ruộng đồng, tận tụy giúp chủ nó ăn nên làm ra. Thậm chí đến cái phân của trâu cũng góp phần tăng màu mỡ cho ruộng đồng, sinh nhiều hoa trái. Nên trong dân gian có câu:

Trời mưa trời gió đùng đùng

Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu

Gánh về trồng bí trồng bàu

Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà. 

Thân phận con trâu

Oái oăm thay! Con người khi phê phán nhau thì lại đưa ra cái ví von thật lạ khi bảo rằng  tật xấu ganh tị nhau là hiện tượng “trâu cột (buộc) ghét trâu ăn!” Trong đời sống “bầy đàn” của trâu, chẳng biết có không cái cảnh ganh tị giữa trâu với trâu vì miếng ăn mà lại bảo thế?

Mặt khác, có lẽ cũng nên xem lại có hay không chuyện trâu trắng gườm trâu đen khiến con người mỉa mai nhau bằng câu “trâu trắng, trâu đen”?

Lại tội nghiệp biết mấy cho trâu cả đời lao nhọc phụng sự con người, để rồi cuối đời khi không còn sức phục vụ nữa, lại bị con người đối xử thâm tệ như cái kiểu sau đây

Con trâu có một hàm răng

Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao

Thời sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết, tao cầm dao xẻ mày

Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa

Sừng mày tao tiện con cờ,
Cán dao, cán mác, lược dày, lược thưa!

Gia súc, gia cầm trở thành bia miệng

Các loại gia cầm, gia súc ở nông thôn Việt Nam – trong đó có TRÂU luôn tận lực phụng sự chủ mình. Nhưng nghiệt ngả thay! Mỗi khi có chuyện bất bình giữa người với người thì con người lại mang mấy con con vật quý trong nhà ra mà ví von, xỉa xói, chửi mắng, chê bai nhau kiểu “chửi chó, mắng mèo”, nào là đồ chó chếtchó đẻ, nào là ngu như bò, khù khờ như trâu,  nuốt dây thun, vv…

Trai gái lén lút tình tự với nhau thì lại mắng là “mèo mả gà đồng”, “trò con heo”, “lợn lòng”. Chê ai ăn bẩn ở dơ thì nặng lời “trâu tắm bùn”. Mắng mỏ sự ngu muội của ai đó thì bảo là “đàn gảy tai trâu”. Làm lụng vất vả cực nhọc thì lại ví với kiếp “trâu ngựa, ngựa trâu” Tranh nhau mà không đạt được theo ý vì chậm chạp thì lại chê bai là “trậm chậmuống nước đuc!”

Nhưng đáng thương nhất cho thân trâu khi người ta đem nó ra mà ví với lũ người đầu trộm đuôi cướp, mắng mà là thứ “đầu trâu, mặt ngựa”!

Chúng ta còn nghe cả những lời so sánh “ngu như trâu”, “lỳ như trâu” xem ra không công bằng chút nào đối với loài gia súc suốt đời ngoan ngoãn cặm cụi phục vụ người nông dân.

Cuối cùng, chúng tôi không quên Đấng Đáng Kính Hồng Y Nguyễn Văn Thuận khi cai quản Giáo phận Nha Trang (1967-1975) từng nhắc nhở các nhà lãnh đạo Công Giáo về thuật lãnh đạo: “Trâu chứng là trâu giỏi”.

Lê Thiên (Năm Tân Sửu 2021)

Chia sẻ Bài này:

Related posts