- Những người hành hương của hy vọng
Hy vọng không chỉ là sự lạc quan. Đôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trước khi sự biến đổi thực sự xảy ra. Tuy nhiên, khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta biết rằng thời gian tới sẽ không phải là sự lặp lại của quá khứ.
Nhìn lại năm 2024, có nhiều lý do để người ta cảm thấy chán nản: các cuộc chiến tranh dữ dội giữa Nga và Ukraine, Israel và Palestine, khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo, số lượng người di cư tiếp tục chết vì nỗ lực hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, thiên tai, cùng nhiều lý do khác. Tuy nhiên, chúng ta không đầu hàng trước tuyệt vọng. Chúng ta là những người hành hương của hy vọng trong sự hiệp thông. Nguồn hy vọng của chúng ta là gì? “Chúa Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Ngài làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr. 3:15)
Trong Mầu nhiệm Vượt qua, Thiên Chúa cho thấy rằng sự sống cuối cùng sẽ chiến thắng cái chết, và điều thiện sẽ chiến thắng điều ác. Sự đau khổ, cái chết, sự phục sinh, sự lên trời của Chúa Giêsu và việc Chúa Thánh Thần được sai đến đóng vai trò như một mô hình cho tất cả các Kitô hữu. Cũng như Chúa Giêsu đã trải qua những thử thách này, mọi Kitô hữu trong suốt lịch sử cũng vậy. Mặc dù hiện tại chúng ta có thể đang chịu đựng đau khổ và mất mát, nhưng chúng ta hiểu rằng những điều này không thể có tiếng nói quyết định cuối cùng. Không có cuộc chiến nào và bạo lực nào có thể mang lại hòa bình thực sự. Cuối cùng, sự sống mới sẽ xuất hiện ngay cả từ vực sâu của cái chết.
Khi chúng ta nhìn vào đường chân trời của năm mới 2025, hy vọng sẽ nảy nở trong trái tim chúng ta. Hy vọng không chỉ là sự lạc quan. Đôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trước khi sự biến đổi thực sự xảy ra. Tuy nhiên, khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta biết rằng thời gian tới sẽ không phải là sự lặp lại của quá khứ. Một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ sẽ diễn ra, vì chúng ta đang hướng tới kế hoạch thiêng liêng cho tương lai. Mong rằng chúng ta không ngừng phấn đấu vì công lý và sự hòa giải giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, để Shalom – hòa bình – có thể ngự trị.
Chúng ta hướng về Mẹ Maria, Nữ Vương ban sự bình an, xin Mẹ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta bước theo mẫu gương của. Mẹ là Đấng mang Thiên Chúa trong cung lòng, Theotokos, nên trong cuộc đời mình Mẹ biết thế nào là chờ đợi Thiên Chúa hành động. Đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã chứng kiến con mình chết. Ba ngày sau, Mẹ biết con mình là Đấng Phục Sinh.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta khi chúng ta bắt đầu năm mới. Xin khuôn mặt Ngài tỏa sáng trên chúng ta và thương xót chúng ta. Và xin cho chúng ta tiếp tục bước đi như những người hành hương của hy vọng trong sự hiệp thông. [1]
- Cuộc hành hương của hy vọng
Hy vọng, còn gọi là đức cậy, cùng với đức tin và đức mến, tạo nên bộ ba “nhân đức đối thần” diễn tả cốt lõi của đời sống Kitô hữu (1 Cr 13:13; 1 Tx 1:3). Trong sự hiệp nhất không thể tách rời của ba nhân đức này, đức cậy là nhân đức, có thể nói như vậy, mang lại định hướng và mục đích bên trong cho đời sống của các tín hữu. Vì lý do này, Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta “hãy vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn trong đau khổ và bền chí cầu nguyện” (Rm 12:12). Chắc chắn chúng ta cần “tràn trề hy vọng” (Rm 15:13), để chúng ta có thể làm chứng một cách đáng tin cậy và hấp dẫn cho đức tin và tình yêu ngự trị trong lòng chúng ta; để đức tin của chúng ta có thể vui tươi và đức mến của chúng ta có thể nhiệt thành; và để mỗi người chúng ta có thể trao tặng một nụ cười, một cử chỉ nhỏ của tình bạn, một cái nhìn tử tế, một đôi tai lắng nghe, một việc làm tốt, với sự hiểu biết rằng, trong Thần Khí của Chúa Giêsu, những điều này có thể trở thành những hạt giống hy vọng phong phú đối với những ai đón nhận chúng. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sắc lệnh công bố Năm Thánh thông thường 2025, số 18).
Giáo hội Công giáo cử hành Năm Thánh vào năm 2025, mời gọi mọi người hành hương đến Rôma và cầu nguyện tại mộ của các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn chủ đề hy vọng để hướng dẫn lời cầu nguyện của các tín hữu: “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5:5).
Hy vọng là một từ chúng ta thường dùng, nhưng chúng ta có thể không hiểu hết ý nghĩa của nó. “Hy vọng là mong muốn chắc chắn đạt được một điều tốt đẹp trong tương lai mà khó đạt được. Do đó, hy vọng là một mong muốn, hàm ý tìm kiếm và theo đuổi một điều tốt đẹp trong tương lai mà vẫn chưa có được… Hy vọng tin chắc rằng điều mong muốn chắc chắn sẽ đạt được… Hy vọng là nhận ra rằng mục tiêu mong muốn không dễ dàng đạt được và cần phải nỗ lực để vượt qua bất cứ trở ngại nào cản đường” (John A. Hardon, SJ, Modern Catholic Dictionary, tr. 257).
Niềm hy vọng cho phép chúng ta vượt qua viễn cảnh hạn hẹp của những thụ tạo sống trong thời gian. Chúng ta không thể nhìn thấy tương lai, chứ đừng nói đến cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên đàng. Niềm hy vọng dạy chúng ta phải kiên nhẫn phấn đấu, ngày này qua ngày khác, để đạt được lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu, đó là món quà của Thiên Chúa dành cho những ai duy trì tình bạn sống động với Ngài. Niềm hy vọng của chúng ta nằm ở Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và kêu gọi chúng ta ở bên Ngài mãi mãi.
Những người hy vọng là ngọn hải đăng của niềm vui và thanh thản vì họ sống với sự xác tín rằng bất kể điều gì có thể xảy ra, Thiên Chúa là Đấng tốt lành và sẽ ân thưởng cho những ai trung thành với Ngài. Có hy vọng có nghĩa là tin vào lời Chúa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Sự đảm bảo này cho phép chúng ta vượt qua những giông bão của cuộc đời với sự tin tưởng.
Chúng ta sống và hoạt động trong niềm hy vọng: Thiên Chúa sẽ chúc phúc và ủng hộ những nỗ lực của chúng ta để bảo vệ sự sống của người vô tội bất kể sự phản đối dữ dội đến mức nào. Sự phản đối và rào cản sẽ đến, nhưng chúng ta không mất đi niềm hy vọng vững chắc rằng những gì chúng ta đang làm là xứng đáng, rằng việc đó làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Việc hành hương tôn giáo hầu như luôn là một trải nghiệm thay đổi cuộc sống. Nhưng dù cho kế hoạch hành hương trong tương lai của chúng ta là gì, hãy hướng suy nghĩ của chúng ta đến Đấng chúng ta đặt niểm hy vọng của chúng ta: Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Ngài yêu thương chúng ta và Ngài ân thưởng cho chúng ta vì những điều tốt đẹp mà chúng ta làm nhân danh Ngài. [2]
Phêrô Phạm văn Trung chuyển ngữ
[1] LM Raymond Mwangala, https://oblates.ie
[2] LM Gerald E. Murray, https://humanlifereview.com