NĂNG  LỰC  CỦA  TÂM

          Với hai câu chuyện, một của Công Giáo một của Phật Giáo khiến ta không khỏi suy nghĩ về năng lực của Tâm. Chuyện kể rằng cách đây gần 300 năm, có một đám người Công giáo Nhật Bản phải chạy trốn  sự bách hại của quan quân đến một vùng hẻo lánh hoang vu, rừng sâu nước độc để  tiếp tục giữ đạo. Tại đó họ dựng một ngôi nhà lá tạm bợ, ngày ngày tụ tập lần Chuỗi Mân Côi với lòng tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt. Việc tôn sùng này  tiếp tục được lưu truyền cho con cháu trải qua  hết thế hệ này sang thế hệ khác dù rằng chẳng có Linh Mục hay kinh sách gì cả…

          …Thời gian trải dài như thế đến một ngày kia, đời sống đã trở lại bình thường, một  nhóm  khoảng  mười người  có dịp về thăm thành phố Nagasaki . Khi đến viếng một nhà thờ mới xây, được đức cha Petijean đón tiếp, họ hỏi ngài đây có phải là nhà thờ Công giáo hay không, đức cha chỉ tay lên Gian Cung Thánh, có tượng Đức Mẹ…đeo Tràng Chuỗi Mân Côi thì họ đồng thanh kêu lên: Đây đúng là Đức Mẹ mà cha ông chúng tôi  đã sùng kính từ bao đời nay” ( Tổng Hội Hiệp Sĩ  Fatima & Mân Côi ).

          Câu chuyện thứ hai nói về “ Những Hạt Đậu Biết Nhảy”. Giữa biên giới Tây Tạng  và Tây Khương có một bà lão nghèo sống đơn côi trong túp lều tranh bên sườn đồi sống với việc trồng ngô khoai. Tuy rất nghèo nhưng tâm hồn bà luôn hướng về Đức Phật với tâm nguyện sẽ thoát khỏi kiếp sống khổ đau. Ngày kia bà gặp một khách hành hương  và được truyền thụ  câu thần chú ngắn với sáu chữ “ Om Ma Ni Pát Mi Hôm”. Bà hết sức vui mừng  và cứ lẩm nhẩm câu thần chú suốt trên quãng đường về nhà nhưng lại quên. Thay vì  nhẩm: “ Hôm” lại thành “ Khuya”.

          Để giữ cho Tâm yên tịnh, không có tạp niệm, bà để hai cái bát trước mặt, một bát đầy đậu nành, một bát không. Mỗi lần niệm thần chú bà nhặt một hạt đậu bỏ vào cái bát không, khi hết bà lại làm ngược lại và cứ thế cho đến hết thời công phu. Không biết vì năng lực vô song của câu thần chú hay vì sự thành tín của bà  nên sau một thời gian khá lâu, các hạt đậu  cứ nhảy từ bát có đậu sang bát không một cách tự nhiên, thấy vậy bà càng hết lòng tin tưởng.

          Ngày nọ, vào lúc chiều tà có vị cao tăng đi qua thấy có vầng hào quang tỏa ra bao quanh túp lều và chợt nghĩ hẳn phải có thiền sư đang nhập đại định tại đây. Thế nhưng khi bước vào lều chỉ thấy có một bà lão đang công phu, lắng nghe một lát thì nghe bà niệm câu “ Khuya” thay vì “ Hôm” . Vị cao tăng ấy ngăn lại và nói bà đã niệm sai rồi, phải là “ Hôm” mới đúng, bà lão nghe theo và đọc lại.

           Nhưng rồi điều kỳ lạ xảy ra, vị cao tăng ấy đi được một quãng, ngoái đầu thấy túp lều tối om om. Ông biết mình đã lầm nên quay lại nói tôi sai rồi bà cứ niệm “ Khuya” như trước… là đúng. Bà lão chân thật nghe theo  và thấy lòng mình  tràn đầy hoan hỉ như trước,  thế rồi  ánh hào quang lại bao trùm túp lều.

          Đọc qua hai câu chuyện trên, chắc có người tự hỏi cái gì đã làm nên điều kỳ diệu như thế ? Phải chăng do năng lực của Kinh Mân Côi, của  Câu Thần Chú ? Nếu  quả  như vậy thì chẳng lẽ giờ đây hễ ai  cứ lần Chuỗi Mân Côi  hoặc tụng Câu Thần Chú  ấy cũng sẽ được kết quả lớn lao như vậy sao ? Thực tế không phải như vậy, Kinh Mân Côi hiện nay đã không còn được hâm mộ ngay tại Lộ Đức vốn trước đây được coi là…thủ đô của kinh nguyện này. Còn về  Câu Thần Chú cũng vậy cũng chỉ để dành cho Phật Giáo Tây Tạng xưa kia.

          Như vậy, bản thân Kinh Mân Côi hay Câu Thần Chú chẳng qua chỉ là một thứ phương tiện, ăn thua là do cái Tâm của người thực hành. Cái tâm trạng của những người Nhật Bản hay của những tín hữu Việt Nam chạy loạn Văn Thân  đến vùng rừng núi La Vang lần Chuỗi Mân Côi  cầu xin Đức Mẹ cứu chữa thật là khẩn thiết. Chính trong cái hoàn cảnh bi thương đó  đã khiến cho lời cầu nguyện trở nên hiệu lực.

          Thế nhưng lại có một câu hỏi khác được đặt ra: Tại sao trong những hoàn cảnh khốn khó ấy, người ta không đọc kinh hoặc câu thần chú nào  khác ? Đó là vì cả Kinh MC lẫn Câu Thần Chúa Om Ma Ni Bát Mi Hom  đều có năng lực đưa đến giải thoát. Kinh MC hay Câu Thần Chúa ấy một khi đã được…tụng lên thì nó chứa đựng một thứ âm thanh khiến cho tâm con người được hoan hỉ.

          Mỗi loại âm thanh đều có một loại năng lực khác nhau có thể khiến cho lòng người phấn khởi, tin tưởng hay buồn rầu, chán nản. Nghe một bản hùng ca, ai cũng thấy lòng mình phấn chấn hăng hái. Trái lại nghe một câu ca vọng cổ lại thấy lòng mình ủ ê, não nuột v.v…

          Mặt khác, âm thanh của Kinh MC khi được đọc lên có năng lực giải thoát là vì chứa đựng hai Danh Thánh Giê Su và Maria. Hai Danh Thánh được cất lên không những khiến cho người nghe có được lòng cậy trông mà còn kiến  ma quỷ run sợ: “ Cũng vì cớ đó, Thiên Chúa đã nhắc Ngài lên rất cao vượt trên hết mọi danh. Hầu cho mọi đầu gối trên trời, dưới đất đều nhơn Danh Giê Su mà quỳ gối xuống” ( Pl 2, 9 -10 ).

          Lại nữa, Kinh MC hoặc Câu Thần Chú chỉ có thể phát huy năng lực với một cái Tâm thuần phác, mong muốn thoát khỏi khổ đau, nhưng Tâm này sẽ mất đi khi có sự can thiệp của ý thức. Chính bởi lẽ đó khi bà lão gặp vị cao tăng …sửa sai thì năng lực đó không còn.

          Đức Ki Tô rao giảng Nước Trời và đòi hỏi những ai…muốn vào thì cần có một  cái Tâm thơ trẻ: “ Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ ai chẳng mặc lấy Nước Trời như một con trẻ thì hẳn chẳng vào đó được” ( Lc 18, 17 ). Phải…mặc lấy Nước Trời như một con trẻ nghĩa là không còn chấp trước vào những thiên kiến, không bám giữ vào của cải, danh vọng, chức quyền ở nơi trần gian. Tuy vậy để…nên như con trẻ là điều rất khó, bởi con người không ai lại không chấp cho mình có một cái “Tôi”. Đang khi đó chính cái “Tôi” ảo tưởng này mà đã khiến  con người phải trôi lăn trong sinh, tử khổ đau.

          Vì u mê, ám chướng, con người rất sợ phải bỏ đi cái tính chấp ngã vốn có từ nguyên thủy, nhưng nếu không bỏ thì không cách chi vào được Nước Trời. Vì vậy Đức Ki Tô luôn trấn an các môn đệ  Ngài: “ Bầy nhỏ ơi, đừng sợ vì Cha các ngươi  vui lòng ban nước cho các ngươi. Hãy đem bán hết của cải mà bố thí. Hãy sắm cho mình  túi tiền không cũ mòn, của báu không hề hết  ở trên trời là nơi kẻ trộm không thể đến gần, sâu mọt cũng không thể làm hư nát. Vì chưng của báu các ngươi ở đâu thì lòng các ngươi cũng ở đó” ( Lc 12, 32 -34 ).

          Nếu theo đạo và sống đạo thì…của báu của chúng ta chính là Nước Trời. Tuy nhiên như Chúa nói của báu ở đâu thì lòng cũng ở đó tức cần phải hết lòng tìm kiếm và việc tìm kiếm ấy chẳng phải là tìm cái chi ở bên ngoài nhưng là tìm sự hiện hữu của Nước Trời ngay trong tâm khảm mình. Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội sở dĩ ngày càng trầm trọng là vì đã không tin lời Chúa về một Nước Trời mầu nhiệm nội tại ( Lc  17, 8  ).

          Với Nước Trời…nội tại này thì việc tìm kiếm chỉ có thể là…quay vào bên trong mà tìm. Vua Trần Nhân Tông khi còn là thái tử đã hỏi ngài Tuệ Trung: Chỗ chủ yếu của việc tu hành là gì, ngài đáp: “ Phản quan tự kỷ, bổn phận sự bất tùng tha đắc” ( Xoay lại nhìn mình đó là việc chủ yếu ).

          Tìm Tâm là việc chủ yếu của việc Tu, thế nhưng tại sao  phải tìm ? Bởi vì Tâm là cội gốc  mọi sự: “ Tâm mang thế gian đi, Tâm dẫn thế gian lại. Tâm là căn bản của các pháp. Tâm sai khiến mọi sự vật, Tâm nghĩ thiện thì hành động thiện, Tâm nghĩ ác thì hành động ác. Hạnh phúc theo Tâm như bóng theo hình” ( Kinh Trường A Hàm ).

          Tất cả việc làm thiện, làm ác đều được quyết định ở nơi Tâm. Làm thiện thì được hưởng quả lành, làm ác thì phải chịu quả ác, bởi đó cho nên biết được Tâm là điều vô cùng quan hệ trong việc làm lành lánh dữ. Ngược lại không biết Tâm thì cứ làm ác để rồi gánh chịu mọi nỗi khổ đau mà không hề  biết !

          Tuy vậy để …biết được Tâm thì cần có Tâm Xuất Thế: “ Vô Tâm Xuất Thế học đạo vô ích. Bất minh tự tánh, vấn thiền vô ích” ( Người không có lòng mong mỏi xuất thế thì không thể học đạo. Người tu thiền mà không rõ tự tánh thì cũng chẳng thể tu ).

          Bản chất của Đạo Công Giáo là đạo siêu xuất thế gian như lời Đức Ki Tô truyền dạy: “ Con đã ban Đạo Cha cho họ  mà thế gian ghét bỏ họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian  nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian, xin Cha lấy lẽ thật để khiến họ nên Thánh. Đạo Cha là lẽ thật” ( Ga 17, 14 -17 ).

          Đạo Chúa là đạo thật nhưng đã bị cái nạn…Duy Lý  làm cho  mất đi tính chánh đạo một khi đã bác bỏ mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con  và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Thần học bác bỏ  mạc khải của Đức Ki Tô để ra sức chứng minh cho sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa thuần túy chỉ là một thứ khái niệm chết khô, giá lạnh chẳng có chi quan hệ đến Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê Su cũng là Cha của mỗi một người trong chúng ta.

          Đấng Thiên Chúa là Cha ấy trong kinh nguyện cũng như toàn bộ Kinh Thánh vẫn gọi là Đức Chúa Trời  nhưng ĐCT ở đây hoàn toàn không phải là Thượng Đế theo quan niệm  Phật giáo cho là Đấng Phạm Thiên hay Trời Đế Thích. “ Trời” hay bầu trời  ở đây không nên hiểu như là một thứ không gian vật lý…ở bên ngoài con người  mà đích thực  nó là Tâm ta. Khi người ta nhìn ngắm bầu trời và gọi là…trời hay một quyền năng nào đó ( Chúa Trời ) thì trên thực tế đã đánh thức cái năng lực ở nội tâm được phóng xuất xem như ở ngoài không gian trong bầu trời hay vũ trụ. Khi phóng  cái nhìn vào nơi sâu thẳm, bí hiểm và xanh ngắt của bầu trời  chúng ta cũng …ngắm vào chiều sâu của bản thể  chúng ta.

          Lục Tượng Sơn ( 1139 -1192 ) là hiện tượng rất ư kỳ đặc của Nho Giáo Trung Hoa. Năm mới 13 tuổi khi đọc sách thấy định nghĩa về  Vũ Trụ: Bốn phương trên dưới là Vũ, từ xưa đến nay là Trụ, cậu ta  hốt nhiên tỉnh ngộ nói rằng: Nguyên lai là vô cùng. Người và trời đất vạn vật đều ở trong khoảng vô cùng vậy. Nói rồi liền cầm bút viết: Vũ trụ nội sự mãi kỷ phận nội sự. Kỷ phận nội sự mãi vũ trụ nội sự ( Việc trong vũ trụ là việc trong chức phận mình, việc trong chức phận mình  là việc trong vũ trụ ). Kể từ đó ông để chí học  về đường nghĩa lý chứ không học về từ chương” ( Trần Trọng Kim – Nho Giáo Q. Hạ ).

          Nếu vũ trụ đã ở trong ta thì Thiên Chúa cũng…nội tại trong ta, làm sao có thể khác ? Nếu có một…đấng nào đó…ở bên ngoài Tâm thì đó thuần chỉ là khái niệm. Lục Tượng Sơn khi đã nhận ra sự thật đó  thì không còn học theo lối từ chương mà chỉ học về nghĩa lý. Cái lối…từ chương ấy chính là triết/thần học tức học về những kiến thức do sách vở hoặc người khác…nhồi nhét cho. Cái học ấy hoàn toàn vô bổ.

          Thiền sư Cổ Linh Thần Tán hành khước gặp tổ Bách Trượng và được khai ngộ. Khi trở về chùa Đạo Trung gặp lại bổn sư, bổn sư hỏi: Ông khi xa ta, tìm học có được đạo lý gì không ? Sư thưa: Hoàn toàn không sự nghiệp.

          Một hôm thấy bổn sư đang ngồi bên song cửa xem kinh, bỗng có con ong chui đầu vào trong tấm giấy dán nơi cửa sổ vo ve muốn tìm lối ra. Sư xem thấy bèn làm bài kệ:

                             “ Cửa không chẳng chịu ra

                               Quá ngu chui cửa sổ

                               Giấy cũ trăm năm dùi

                               Bao giờ mới ra khỏi ?”

          Triết/thần học từ bao thế kỷ nay chỉ là một thứ…văn tự làm cho chết không thể đưa đến Thiên Chúa như thực tại…Ngài Là. Đang khi đó để có thể đến được Thiên Chúa của thực tại  thì nhất thiết cần thông qua Giao Ước của Đức Giê Su Ki Tô: “ Ngài đã khiến chúng tôi có đủ tư cách để làm chấp sự của Giao Ước Mới ( Tân Ước ) chẳng phải giao ước bằng văn tự bèn là bằng thần khí. Vì văn tự làm cho chết, chỉ thần khí mới làm cho sống” ( 2C 3, 6 ).

          Thần khí làm cho sống ở đây ám chỉ cho Tâm. Mọi hành vi, lời nói đều phải xuất phát từ nơi Tâm thiện lành mới có được kết quả lành và Tâm thiện lành ấy không chi bằng đó là Tâm Vô Phân Biệt. Khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Khi yêu người thì phải yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình ( Mt 6, 2 -6  ) v.v…

          Toàn bộ những lời dạy cũng như việc làm của Chúa Giê Su đều phát xuất từ nơi Tâm Vô Phân Biệt tức thực thi Thánh  Ý: “ Bởi Ta chẳng tự mình nói điều gì, bèn là Cha Ta đã  truyền lịnh cho Ta phải nói điều chi. Ta biết mạng lịnh của Ngài là sự sống đời đời. Vậy lời Ta nói thì nói theo như Cha Ta đã truyền” ( Ga 12, 49 -50 ).

          Điều kiện tất yếu để có được Sự Sống Đời Đời  trên Thiên Đàng là vâng theo Ý Cha. Việc “ Xin Vâng” ấy Đức Mẹ đã thực hiện để khởi đầu cho Công Cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô. Về phần mỗi người chúng ta cũng cần thực hiện Tiếng Xin Vâng ấy bằng cách cố gắng siêng năng lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày.

          Các tín hữu xưa kia khi chạy trốn vào chốn rừng thiêng nước độc  nhưng nhờ Kinh Mân Côi mà có được lòng cậy trông hết sức cần thiết cho phần rỗi đời đời. Ngày nay trước hiện tình thế giới cả Đạo lẫn Đời đang trong tình thế nguy ngập hơn bao giờ hết. Không thế lực nào có thể giải cứu chúng ta ngoài lòng cậy trông nơi Chúa và Đức Mẹ. Thánh Teresa Hài Đồng Giê Su đã nói một lời thấm thía thật đáng suy ngẫm:“ Ta càng khốn nạn bao nhiêu thì càng đáng cho Tình Yêu hay thiêu hóa bấy nhiêu” ( Truyện Một Tâm Hồn )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts