Về nguyên nhân cơn khủng hoảng trong Giáo Hội hiện nay, đức hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận đưa ra câu hỏi và tự trả lời: “ Tại sao Hội Thánh khủng hoảng ? Đó là do đã hạ giá việc cầu nguyện” ( ĐHV 134 ).
Sở dĩ có sự…hạ giá ấy là vì người ta đã không nhận ra giá trị việc cầu nguyện. Đang khi đó Cầu Nguyện luôn bao hàm hai yếu tố. Một là Cầu, hai là Nguyện. Chỉ có Cầu mà không Nguyện thì đó không phải là cầu nguyện đích thực.
Cầu có nghĩa là cầu xin ơn này ơn khác, thường chỉ mang tính vị kỷ hoặc vu vơ như cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia biết quan tâm đến điều này điều khác v.v…
Còn Nguyện là nguyện vâng theo Thánh Ý Chúa, nguyện làm các việc lành, phúc đức để về hưởng Nhan Thánh Chúa trên Nước Thiên Đàng…Chỉ Cầu mà không Nguyện thì không thể đẹp lòng Chúa. Tại sao ? Bởi vì Ý Chúa khi xuống cõi thế là để cứu thoát con người ra khỏi biển khổ sinh tử. Ấy vậy mà ta lại cứ cầu hết ơn này ơn khác để mong sống mãi ở nơi cõi trần ô trọc này thì đó chẳng phải là đã phụ rẫy công ơn cứu chuộc của Ngài sao ?
Trận dịch covid 19 kéo dài đã hơn một năm, chưa biết ngày nào sẽ chấm dứt, gây ra cái chết cho cả triệu người, thiệt hại về kinh tế không sao kể xiết. Tính chất nguy hại cho thế giới không phải chỉ là dịch bệnh hoặc thiên tai đủ loại nhưng là trong lãnh vực tâm linh. Có thể nói chính con người cùng với dục vọng tham tàn của nó mà đã…vời tai họa đến cho mình chứ chẳng có Đấng thần linh nào gây ra ( Tự chiêu kỳ họa ).
Thay vì cầu nguyện hầu mong thoát khỏi cảnh khổ trần gian thì người ta lại cầu cho cơn đại dịch mau qua để có công ăn việc làm: “ Trong tình trạng thất nghiệp hàng loạt vẫn còn cao khi đại dịch Coronavirut kéo dài. Hai linh mục học giả Kinh Thánh khích lệ người Công Giáo tìm đến Thánh Giu Se như một đấng bầu cử đặc biệt. Trích dẫn cuộc chạy trốn của Thánh Gia sang Ai Cập, cha Donald Calloway, một nhà văn chuyên viết các sách thiêng liêng về việc sùng kính các Thánh cho biết Thánh Giu Se: Rất đồng cảm đối với những người đang chịu cảnh thất nghiệp” ( Nguồn Vietcatholic News – 27/12/2020 – Đặng Tự Do – Thánh Giu Se đã từng thất nghiệp. Ai không có công ăn việc làm hãy chạy đến với ngài ).
Thật là mỉa mai ! Đến với Thánh Giu Se để cầu xin Ngài ban cho có công ăn việc làm…? Đúng là ý tưởng của thời Tục Hóa. Thay vì đến với Thánh Giu Se hầu noi gương bắt chước để nên được Thánh như Ngài thì lại xin thoát khỏi tình trạng thất nghiệp. Ôi ! Sao mà thảm hại đến thế ? Cứ giả thử như lời cầu ấy được nhậm lời đi nữa thì có ích lợi chi cho phần linh hồn: “ Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? ( Mt 16, 26 ).
Đối với người…có đạo thì lo liệu phần Linh Hồn mới là điều tối ư quan hệ, ngoài ra tất cả chỉ là phù phiếm. Thánh Giu Se vừa là tấm gương sáng chói nhưng cũng lại rất gần gũi cho những ai muốn theo đuổi việc nên Thánh.
Con đường Nên Thánh dành cho hết thảy mọi người bất kể hàng giáo sĩ hay giáo dân chỉ với một điều kiện là biết vâng theo Thánh Ý Chúa. Thánh Giu Se được Giáo Hội xưng tụng là Thánh Cả là Đấng Công Chính, mặc dù Ngài rất ít xuất hiện, dường như vỏn vẹn chỉ có bốn lần, lại chỉ toàn là trong những giấc chiêm bao ?.
Lần một: “ Sau đây là gốc tích của Chúa Giê Su. Bà Maria, Mẹ Người đã thành hôn với ông Giu Se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống thì bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ông Giu Se là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy thì kìa, sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giu Se, con cháu Da Vit đừng ngại đón bà Maria vợ ông về vì Người Con bà cưu mang là do quyền năng CTT. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Giê Su vì chính Người sẽ cứu Dân người khỏi ách nô lệ tội lỗi” ( Mt 1, 18 -21 ).
Lần hai: “ Thời ấy hoàng đế Augusto ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời ông Quirinio làm tổng trấn xứ Si Ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu Se từ thành Nazareth miền Galille’ lên thành vua Đa Vit tức là Belem miền Giu Đê vì ông thuộc dòng tộc vua Đa Vit. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn là bà Maria, lúc ấy đang mang thai.Hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi đặt trong máng cỏ vì hai người không tìm được chỗ trong nhà trọ” ( Lc 2, 1 -7 ).
Lần ba: “ Khi các nhà chiêm tinh đã ra về thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu Se: Này ông, hãy chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ người trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi được báo lại vì vua Herode sắp tìm giết Người. Ông Giu Se bèn chỗi dậy và đang đêm đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập” ( Mt 2, 13 -14 ).
Lần bốn:” Sau khi Herode băng hà. Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu Se bên đất Ai cập báo mộng cho ông: Này hãy dậy đem hài Nhi và Mẹ Người về đất Itsraen vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. Ông bèn chỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Người về lại đất Itsraen.” ( Mt 2, 19 -21 ).
Tin, nghe dù chỉ trong giấc chiêm bao để rồi mau mắn thực hiện lòng tin ấy không chút nghi nan đã khiến Thánh Giu Se được xưng là người công chính và cũng chính vì lòng tin ấy, Thánh Giu Se đã được Thiên Chúa quan phòng nâng đỡ trong suốt quãng đời phục vụ Đức Nữ Trinh Maria và Chúa Giê Su, Đấng Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người.
Chúng ta có thể tưởng tượng một người đàn ông như Thánh Giu Se đón rước Đức Maria, một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần về sống chung trong một mái nhà thì điều gì sẽ xảy ra nếu Ngài không thực lòng tin Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế ?
Cũng với lòng tin mạnh mẽ của người công chính Giu Se ấy, khi loanh quanh tìm chỗ trọ không có phải vào trong hang bò lừa để sinh con. Thử hỏi nếu không có lòng tin Con Trẻ ấy chính là Đấng Cứu Độ muôn dân thì làm sao Thánh Giu Se có thể vượt qua được cảnh thiếu thốn, khốn cùng ấy ?.
Sự nhẫn nại trong thinh lặng của Thánh Giu Se có thể nói là phi thường. Tính chất thinh lặng ấy đã nói lên chân lý cao cả của bậc Thánh Nhân: Làm mà như không làm “ Vi vô vi. Sự vô vi. Vị vô vi. Đại, tiểu do thiểu. Báo oán dĩ đức” ( Làm mà không làm. Lo mà không lo. Nếm mà không mùi. Xem lớn như nhỏ. Coi nhiều như ít. Lấy đức báo oán – Lão Tử ĐĐK – chương 63 ).
Sở dĩ…làm mà như không làm là bở không còn thấy “ Có Ta” có “ Vật” ở ngoài ta. Ngược lại còn thấy “ Có Ta” thì tất cả mọi việc làm dù với tất cả thiện chí cũng vẫn còn là ô nhiễm. Sở dĩ Thánh Giu Se không còn chấp giữ một “ Cái Tôi” như thế là vì Ngài đã phó thác tất cả cho Thiên Chúa, thay vì mình làm thì để cho Chúa…làm.
Cha Jacques Phillip trong một cuốn sách nhỏ mang tên “Tự Do Nội Tâm” nói: Điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta không phải là những gì chúng ta có thể làm được mà là nhường chỗ cho những gì Thiên Chúa có thể làm. Bí quyết lớn lao của tất cả hoa trái và tăng trưởng thiêng liêng là học biết cách để cho Thiên Chúa hành động” ( Nguồn ĐBĐM – 23/12/2020 – Phero Phạm Văn Trung – Thánh Giu Se mạnh mẽ và tĩnh lặng )
Nếu hiểu việc Nên Thánh chỉ hệ tại ở việc biết cách để cho Thiên Chúa hành động thì cần phải …TU. Xưa nay người Công Giáo chúng ta vẫn có quan niệm cho rằng chỉ các cha, các thầy, các dì mới cần phải…TU còn người thế gian không cần phải Tu, chỉ cần vâng lời các cha, giữ đạo là đủ rồi. Quan niệm như thế không thể chấp nhận bởi vì mệnh lệnh của Đức Ki Tô dành cho hết thảy mọi người: “ Vậy thì các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng Toàn Thiện” ( Mt 5, 48 ).
Đức Ki Tô nói: “ Cha các con trên trời” thì cần phải hiểu: Đấng Cha trên trời ấy chỉ là một thứ…tùy thuyết để dành cho những người chưa được giáo hóa có thể dễ dàng trong việc quy hướng. Còn sự thật, Đấng Cha ấy chỉ có thể là Đấng …nội tại. Có như thế chúng ta mới hiểu được lời Chúa: Các con hãy nên hoàn thiện. Hoàn thiện có nghĩa là trở về với Bản Tính Thiện vốn sẵn đủ ở nơi mỗi người. Bản tính Thiện ấy, Thánh Gioan gọi là Thiên Chúa Tình Yêu ( 1Ga 4, )
Để có thể TU tức sửa đổi con người cũ của mình hầu trở nên con người mới trong Tình Yêu Thiên Chúa thì nhất định cần phải có phương pháp và phương pháp đó là noi gương Thánh Cả Giu Se vì Ngài đã sống trọn vẹn trong bậc hôn nhân, gia đình.
Người đời có câu tục ngữ nói lên quá trình tu tập: Khó nhất là …tu tại gia, thứ hai …tu chợ, thứ ba…tu chùa ( Nhà dòng, tu viện….) Lý do Tu Tại Gia khó nhất bởi gia đình là một môi trường vừa khiến người ta bị lôi cuốn trong vòng kiềm tỏa của dục vọng lại vừa phải lo lắng, ưu tư về cuộc sống. Giàu thì càng tham muốn giàu hơn nữa. Nghèo thì tất bật lo việc mưu sinh cùng với những phiền lụy đưa đến nào là bệnh hoạn, nợ nần đủ thứ….
Phải chăng chính vì những cái khổ ấy nên mới có câu: “ Tu là cõi phúc. Tình là giây oan”. Thế nhưng thử hỏi cái…giây oan ấy ở đâu mà có ? Chẳng phải tự mình đã buộc lấy cho mình sao ? Nếu đã tự mình buộc thì cũng chỉ có mình mới…gỡ ra được.
Cái mối giây buộc ràng của hôn nhân Công Giáo chính là lời hứa trung thủy với nhau cho đến trọn đời: Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau để yêu thương và tôn trọng nhau suốt cuộc đời.
Nhờ ơn Chúa, cố gắng thực hiện lời hứa trung thủy ấy chính là Tu chứ chẳng phải điều chi khác. Ơn Chúa đổ xuống trên Thánh Giu Se thế nào thì cũng trên chúng ta như vậy miễn sao đặt hết lòng tin, trung thành phó thác trọn cuộc đời cho Ngài.
Với Thánh Giu Se thì sự trung thành đó là trung với ơn gọi cao cả làm bạn thanh sạch với Đức Maria để rồi chịu đựng hết gian nan này đến gian nan khác mà không hề nghi ngại.
Với Đức Maria thì cưu mang, sinh hạ, chăm sóc Chúa Giê Su, Đấng Cứu Thế với tất cả lòng yêu mến, tôn thờ. Đồng thời cộng tác với Ngài cho đến khi đứng dưới chân Thánh Giá nhận lời phó chúc nhận Tông Đồ Gioan là con: “ Này là con Bà” ( Ga 19, 26 ).
Với Chúa Giê Su thì luôn vâng phục cha mẹ Ngài: Sau khi giảng dạy tại đền thờ cho các luật sư, kinh sĩ, Chúa Giê Su theo cha mẹ ra về và hết lòng tùng phục các ngài” ( Lc 2, 51 ).
Hạnh phúc lớn lao nhất, con người có được đó chính là lòng trung thủy với nhau trong bậc hôn nhân. Bởi chưng lòng trung thủy ấy chứng tỏ thực sự Thiên Chúa Tình Yêu hiện hữu ở…trong ta và cả …trong người: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau vì Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì sinh ra bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa” ( 1Ga 4, 7 )./.
Phùng Văn Hóa