Tâm sự về người cha, người thầy, và người bạn rất thân thương
Đức Giám Mục Đaminh Mai Thanh Lương
Đối với giáo dân trong địa phận thì ngài là vị Giám Mục thánh thiện, hiền lành, nhân từ, và hòa đồng. Riêng đối với tôi thì ngài là người cha, người thầy, người bạn rất thân thương, rất gần gũi, và có thể tâm sự, cởi mở với nhau một cách tự nhiên, thân tình và thoải mái. Ngài chưa bao giờ xưng mình là giám mục, ngay cả tiếng “cha” với tôi. Ngược lại luôn luôn xưng là “mình”, một chữ mình hết sức gần gũi, chan hòa tình thân hơn cả ruột thịt. Ngài cũng rất ít khi hoặc chỉ lỡ miệng gọi tôi bằng tiếng “ông”, một tiếng gọi tuy thông thường nhưng nghe xa lạ trong mối tương quan giữa hai chúng tôi.
Ngài đến với tôi trong một dịp tình cờ. Năm 1993, tôi muốn xin “Imprimatur” cho một cuốn sách viết về đời sống đạo. Lúc đó, ngài còn là Đức Ông chính xứ Các Thánh Tử Đạo ở New Orleans, và mặc dù chưa một lần gặp mặt, ngài đã vui vẻ nhận lời và giúp tôi được chuẩn y của giáo quyền. Tình cảm của tôi dành cho ngài bắt đầu từ đó. Nhưng phải chờ đến dịp ngài được tấn phong Giám Mục, vị Giám Mục tiên khởi người Việt hải ngoại trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ.
Lịch sử đã ghi nhận, ngày 25 tháng 4 năm 2003, Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, một Giáo Phận có đông tín hữu Việt Nam. Ngài được tấn phong ngày 11 tháng 6 năm 2003. Hơn 10 năm trong thiên chức Giám Mục, ngài đã nghỉ hưu ngày 20 tháng 12 năm 2015. Và sau 2 năm sống trong âm thầm, khiêm tốn và chịu đựng chuẩn bị tâm hồn, lúc 10:20 sáng, Thứ Tư, ngày 6 tháng 12 năm 2017, ngài đã trút hơi thở cuối cùng về với Chúa như lòng ngài hằng mong ước tại bệnh viện St. Joseph, nơi mà ngài vẫn thường ra vào trong những tháng cuối đời vì bệnh tật, hưởng thọ 77 tuổi.
Ngài đi qua đời tôi như một cơn gió thoảng, như một hơi thở, và như một thoáng qua mau nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi dự định sẽ đến thăm ngài vào khoảng 1 hoặc 2 giờ chiều, thì lúc 10giờ 30 đã nhận được tin ngài qua đời. Đúng là ngài đã tới và đã đi mà không cần một lời báo trước hay từ giã!!! Nếu tôi có ân hận gì đối với ngài thì chỉ là trong giờ phút lâm chung của ngài tôi không có ở bên giường bệnh ngài. Ngoài ra, trong suốt thời gian hưu dưỡng và trong những tháng cuối đời của ngài tôi luôn luôn có mặt bên ngài, có thể nói là hằng tuần hoặc hằng ngày. Cũng chính vì ở bên ngài, tôi mới nhận ra một điều rất riêng tư, nhưng cũng rất đau lòng, đó là, ngài rất cô đơn, và bệnh tật cũng như những lần ra vào nhà thương đã làm cho ngài rất đau đớn và mỏi mệt.
Một trong những điều khiến tôi ghi nhớ về ngài, là không bao giờ tôi nghe ngài phê bình hoặc chỉ trích ai. Ngài có lòng yêu mến giới tu trì. Ngài hiền từ, nhân hậu, đối xử một cách công bằng, tôn trọng, cũng như rộng rãi với những ai sống bên ngài.
Những lần cha con đi ăn với nhau, ngài luôn cử xử một cách rất “galang”, có nghĩa là nay anh, mai tôi. Riêng những đồ vật gì ngài mua thì ngài tự tay trả tiền. Một lần hai cha con ghé vào một cửa hàng mua thức ăn, trong lúc bước ra khỏi cửa, có người ăn xin ngồi bên ngoài ngửa chiếc mũ ra xin tiền. Tôi có 4 đồng tiền lẻ và rút ra 2 đồng đưa cho người ăn xin. Ngài nhìn thấy vậy, nói ngay: “Sao không đưa hết cho ông ta?” Rồi ngài dùng tiếng Anh để nói với tôi một câu như vừa nhắc nhở, và cũng vừa trách khéo “stingy” có nghĩa là “cái thứ bần tiện”. Nhờ vậy, tôi đã học được đức bác ái và lòng rộng rãi của ngài để biết cách cư xử đối với những kẻ khốn cùng sau này.
Ai không quen biết ngài cứ tưởng ngài thiếu khôn ngoan hoặc quá dễ dãi, nhưng thật sự ngài hành động một cách rất quyết đoán và có suy nghĩ. Trong một lần chở ngài đi ăn trưa, thoạt đầu hai cha con đã quyết định đến một nhà hàng nọ, nhưng trên đường tôi muốn đổi ý, ngài liền nói ngay: “Đã quyết định cái gì thì phải làm. Thua thắng gì mình rút kinh nghiệm. Cứ tới nhà hàng mình đã chọn trước”.
Không chê ai và cũng không phê bình ai. Mỗi lần một vài anh em quây quần bên ngài, hoặc trong chỗ riêng tư, tôi muốn hỏi ngài điều gì mà có dính dáng đến người khác, ngài bao giờ cũng trả lời bằng một câu rất quen thuộc: “Mình biết ma gì!”. Tôi hiểu là ngài không muốn đề cập đến chuyện đó. Qua hành động đó, ngài đã dạy tôi bỏ được cái tính tò mò về người khác khi không thuộc trách nhiệm và quyền hạn của mình.
Chân thành, tôn trọng người khác, ngài còn có một đặc tính đáng yêu nữa là tính đơn sơ, trong sáng. Thỉnh thoảng cha con hay giả dạng trốn mắt thiên hạ để gọi là “đi bụi”, tức là đi chợ, đi vào các siêu thị mua bán mấy thứ đồ dùng lặt vặt. Nhưng đã có mấy lần bị bại lộ. Thí dụ, lần đó, cha con rủ nhau đi mua trứng vịt lộn, ai dè khi bước vào tiệm, ông chủ nhận ra ngài rồi chào thưa rối rít. Khổ nữa là trong tiệm ngày hôm đó lại có một linh mục mới từ Việt Nam qua cũng được gia đình cho đi tham quan một vòng Little Saigon, và đang có mặt ở đó. Ngài tỏ vẻ bình thản và đơn sơ không một chút quan ngại. Trên đường về ngài nói: “Giám mục thì cũng đi mua trứng vịt lộn có sao.” Rồi ngài trào phúng thêm: “Nhưng chắc ngày xưa thánh Phêrô muốn ăn trứng vịt lộn thì có bà Phêrô đi mua, chứ không như Giám Mục Lương”.
Nổi bật nhất là lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và lòng yêu mến Đức Mẹ. Chính ngài đã khuyến khích tôi dịch cuốn Đàm Đạo Với Chúa Bằng Thánh Kinh, và biên cuốn Maria Mẹ Việt Nam mà cả hai cuốn sách ngài đều bỏ tiền in ấn và phổ biến. Cảm tình đầu tiên về ngài lúc mới làm Giám Mục, đó là một buổi chiều khi đến thăm ngài, tôi thấy ngài đang quì một mình trong nhà nguyện, mắt nhìn lên nhà tạm. Một hình ảnh thánh thiện, thiêng liêng mà sẽ không bao giờ tôi quên về Ngài. Do lòng yêu mến Thánh Thể và Mẹ Maria, chính ngài đã soạn tác phẩm: Thánh Thể và Chuỗi Mân Côi (7 Mẫu chầu và Mầu Nhiệm Mân Côi) để giúp tín hữu tăng lòng yêu mến Thánh Thể và Phép Lần Hạt Mân Côi.
Trong những ngày tháng bệnh tật, ngài thường dâng lễ một mình, có hôm chỉ có tôi và ngài hai cha con cùng dâng lễ. Thật là cảm động vào những ngày tháng sau cùng khi ngài không dâng lễ được nhưng không bỏ rước Thánh Thể. Hôm đó, tôi đến thăm ngài vào buổi sáng và ngài nói tìm một phó tế mang Mình Thánh Chúa cho ngài. Tôi đã hỏi ngài có muốn ăn uống chút gì cho tỉnh táo trước khi rước lễ không? Ngài đã trả lời: “Không cần gì hết, chỉ cần Chúa Giêsu thôi!”. Lời nói này phản ảnh lòng đạo đức của ngài đã được chính Đức Giám Mục Kevin Vann nhắc lại trong thánh lễ đưa chân, 5:30 chiều, Thứ Tư, ngày 6 tháng 12 năm 2017, Đức cha nói: “Hôm thứ Ba khi ĐC Dominic Lương đã kiệt sức, ngài nói đi tìm cho ngài vị Tuyên úy nhà thương và tìm cho Ngài Chúa Giêsu ở đâu… Sr. Catherine đang ở đó với Ngài, và tòa giám mục biết tin… nên chính tôi đã tới đưa Mình Thánh Chúa trao ban cho ngài, và tôi nói với Ngài: Chúa Giêsu đến ở đây với Cha và ở với Cha luôn mãi đây…” (Vietcatholic.net).
Lòng yêu mến Chúa Giêsu gắn liền với lòng yêu mến Đức Mẹ. Khi ở nhà cũng như khi vào bệnh viện, tôi luôn thấy trên tay, trên giường bệnh ngài có cỗ tràng hạt. Mỗi lần đi đâu về món quà mà ngài tặng tôi thường là những cỗ tràng hạt đẹp, được Giáo Hoàng làm phép. Trong một clip ngắn do nữ tu Catherine Nguyễn, cựu thư ký của Đức Cha phổ biến, trước giờ lâm chung, Đức Cha và nữ tu Catherine đã cầu nguyện với Đức Mẹ, bằng với cả con tim và lòng yêu mến:
Mẹ ơi con yêu Mẹ.
Yêu từ hồi thuở bé,
yêu mãi đến tuổi già,
yêu tha thiết bao la.
Mẹ ơi con yêu Mẹ.
Yêu từ hồi thuở bé,
giờ chết Mẹ thương nhé,
chết trong tình yêu Mẹ.
Cả hai cha con đều hát một cách sốt sắng cho đến khi ngài chìm vào giấc ngủ…
Từ hôm nay, tôi không còn được nghe tiếng gọi thân yêu của ngài: “Mỹ Duyệt có bận gì không? Ghé qua đây, mình có chuyện muốn bàn.” Hoặc: “Duyệt có rảnh không, ghé ăn trưa với mình, ở đây có nhiều thức ăn ngon lắm.” Đơn sơ, khiêm nhường và hiền lành. Ngài đã qua đi trong đời tôi như một thiên thần, nhưng trên hết là một người cha, người thầy và người bạn mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Hãy nghỉ giấc bình an thưa cha! Trên cao xanh kia, bên Chúa và Đức Mẹ xin cha cầu cho chúng con, cho quê hương Việt Nam, cho hòa bình Việt Nam, cho Giáo Hội Việt Nam, và cho những người đang đau khổ, nghèo đói mà cha luôn dạy chúng con phải yêu thương họ.
Trần Mỹ Duyệt
7 tháng 12 năm 2017