NGẪM NGHĨ…

Ngẫm nghĩ nhân Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi đến Ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) – Tổng Giám Đốc Tổ chức Nông Lương – FAO – của Liên Hiệp Quốc – nhân Lễ kỷ niệm 77 năm thành lập và cũng là Ngày Lương Thực Thế Giới 2022, Ngày vì người nghèo Việt Nam…

Bức ảnh minh họa người viết lượm được trên mạng đưa người viết về lại với kỷ niệm sống ở thập niên 1975 – 1985 với những đêm trăng cùng người anh em câu ếch ở một làng Dân Tộc vùng Phước Hòa – Ninh Thuận…Bà con thường từ nương trở về rất muộn…và khi thấy anh em làm ếch để chuẩn bị bữa tối…thì họ lân la xin bộ lòng, cái da…để chế biến cho bữa ăn tối của gia đình…trong bóng chiều nhập nhoạng…Dĩ nhiên từ thủa ấy đến ngày nay thì – dù muốn hay không – cũng đã có những thay da đổi thịt rất rõ…Cô bé với xâu ếch và bùn đất, bụi bặm trong ảnh biết đâu lúc này đã là một thiếu nữ má hồng môi son – thậm chí còn có thể là ứng viên của những cuộc thi nhan sắc Việt nam hoặc quốc tế nữa…không chừng…

Tuy nhiên cái nghèo và cái đói…vẫn còn là một nỗi đau thắt ruột, bởi nó nói lên quá nhiều điều trong bất cứ một xã hội con người nào – dù là ở những nước phát triển hoặc những quốc gia chậm tiến…Khẩu hiệu là thế đấy “Không để ai ở lại đàng sau”, nhưng thực tế …thì – nhiều hay ít – đối với con người chúng ta, đấy vẫn còn là khẩu hiệu !!!

Trong Sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại mục đích của FAO là để đáp lại nhu cầu của rất nhiều người bị vùi dập bởi đói nghèo trong bối cảnh Chiến Tranh Thế Giới lần II, “thế nhưng, thật không may – Đức Thánh Cha nhận định – chúng ta lúc này cũng đang sống trong bối cảnh chiến tranh… mà chúng ta có thể gọi là ‘chiến tranh thế giới thứ ba’ ”…

Từ bối cảnh này, Đức Thánh Cha mời gọi những “ngẫm nghĩ”…

  • Ngẫm nghĩ số 1 :Cùng làm việc và đồng hành với nhau

Đức Thánh Cha nhắc lại chủ đề Ngày Lương Thực Thế Giới 2022 này là : “Không để ai bị bỏ lại đàng sau. Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người”…Và để có thể thực hiện được điều mà chủ đề nêu lên thì – theo Đức Thánh Cha – chúng ta phải cùng làm việc và cùng đồng hành với nhau, giúp nhau đối mặt với muôn vàn những khó khăn và khủng hoảng ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại

Cho nên điều cần thiết là “chúng ta phải xem những người khác như anh chị em của chúng ta, như những thành viên tạo nên cùng một gia đình nhân loại, và những đau khổ và nhu cầu của một người hay một nhóm người ảnh hưởng đền tất cả chúng ta, bởi vì ‘nếu bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau’ (x.1Cr 12,26)…

Và trong bài phát biểu nhân “Ngày vì người nghèo – 2022” – Vị đứng đầu Chính Phủ Việt Nam  cũng rất mạnh mẽ :

Ngay trong những ngày vừa qua, biết bao người dân ở các tỉnh miền Trung phải đối mặt với lũ lụt, sạt lở đất, chia cắt do ảnh hưởng của 02 cơn bão số 4 và số 5. Chúng ta rất đau xót khi nhiều gia đình mất mát về người và của. Trong khi đó, cơn bão số 6 lại đang  ập đến. Cũng chính trong lúc này, chúng ta đang chứng kiến biết bao tấm lòng tỏa sáng để giúp đỡ những người nghèo gặp khó khăn, kém may mắn. Đó là đạo đức, là nhân văn cao cả của tấm lòng Việt.

Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau’  không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc của trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, nâng niu và cảm thông sâu sắc”…Đấy phải chăng cũng đồng nghĩa với Ngẫm nghĩ số 1 trên đây : Cùng làm việc và đồng hành với nhau…

  • Ngẫm nghĩ số 2 :Con người không phải là những con số

Dĩ nhiên khi đề cập đến những chuyện làm được và chưa làm được của một tổ chức, vấn đề đói nghèo trên thế giới, vấn đề giải quyết việc làm, vấn đề an sinh xã hội, vấn đề an ninh lương thực…thì các tổ chức sẽ có những con số thống kê, những phần trăm về mặt này hay mặt khác…Nhưng Đức Thánh Cha lại muốn nhắc chúng ta rằng : Trước hết đừng quên rằng “trọng tâm của bất kỳ chiến lược nào cũng là con người, với những câu chuyện và khuôn mặt cụ thể, sống ở một nơi nhất định; không phải là những con số, dữ liệu hay thống kê vô tận”…

Vị đứng đầu Chính Phủ Việt Nam – trước câu hỏi “Cho cần câu hay cho con cá?”  trong quan điểm xóa đói giảm nghèo ? – đã có câu trả lơi rất hay : “Chúng ta cần nhận thức và hành động rõ ràng, đó là cả hai. Chúng ta cần giúp đỡ vật chất để người nghèo giải quyết được cuộc sống trước mắt. Nhưng ở tầm nhìn xa, chúng ta cần tạo cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả được ví như “cần câu” để người nghèo thoát nghèo bền vững”… Cả hai giải pháp này cũng là để nhắm đến con người : con người nạn nhân của lũ lụt…thì ngay lập tức phải có màn chiếu, mì tôm, nước uống…và về lâu về dài là chiến lược sản xuất vững bền, vấn đề số hóa nông nghiệp cùng với chiến lược quảng bá sản phẩm của nông thôn…

  • Ngẫm nghĩ số 3: Tình yêu

Ở số 3 này, chúng ta ngẫm nghĩ về đề xuất phải đưa “phạm trù tình yêu” vào ngôn ngữ hợp tác quốc tế…Đức Thánh Cha  giải thích : “Chúng ta được kêu gọi hướng cái nhìn của mình tới những gì cốt yếu” , “hướng tới những gì đã được trao cho chúng ta một cách nhưng không bằng cách tập trung công việc của chúng ta vào việc chăm sóc người khác và cho tạo vật”…

Vị đứng đầu Chính Phủ Việt Nam tâm tình : “Ai cũng muốn có cuộc sống tốt đẹp, nhưng ‘Mỗi cây mỗi hoa – Mỗi nhà mỗi cảnh’, có những số phận kém may mắn rất cần tấm lòng của cộng đồng…Mỗi sự giúp đỡ không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là suối nguồn tinh thần để giúp họ vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống”…

  • Ngẫm nghĩ số 4 :Sự dấn thân của Giáo Hội

Kết thúc Sứ điệp, Đức Thánh Cha tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo “đồng hành cùng với FAO và các tổ chức liên chính phủ khác làm việc vì người nghèobằng cách đặt tình huynh đệ, sự đồng thuận và hợp tác với nhau lên hàng đầu, để khám phá những chân trời sẽ mang lại những lợi ích thực sự cho thế giới, không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ tương lai”…

Về phần mình, Vị đứng đầu Chính Phủ Việt Nam cũng phấn khởi thông báo: “Trong hơn một năm qua, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 86 tỷ nghìn tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ cho khoảng trên 56 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch và trên 730 nghìn người sử dụng lao động.

Cùng với sự quan tâm đó và sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, công tác giảm nghèo còn nhận được sự hổ trợ to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoai nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Chúng ta luôn trân trọng các “tấm lòng vàng” đã hổ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn một cách thầm lặng nhưng kiên trì, bền bỉ và hiệu quả. Đây là những nét đẹp truyền thống, văn hóa tốt đẹp “thương người như thể  thương thân”, “lá lành đùm là rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc ta”…

Và ngẫm nghĩ của người viết là : thế đấy, Đạo cũng như Đời – tất cả đều vì sự no ấm và niềm hạnh phúc của con người – đặc biệt là của những thành phần kém may mắn do nghìn muôn những hoàn cảnh khác nhau – để “ không một ai bị bỏ lại phía sau”…

Riêng với những người tin Chúa…thì bầu trờ xám xịt của những ngày mưa gió cận kề với thời gian cuối năm Phụng Vụ lại như muốn nhắn gửi lời Chúa khá là rõ ràng với mỗi cá nhân chúng ta : “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, cac ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”… Bấy giờ những người công chinh sẽ thưa rằng : “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, có bao giờ  đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu? Đức Vua sẽ đáp lại rằng : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”  (Mt 25, 35 – 40)…

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts