NGÀY NAY ĐỨC TIN CÒN CÓ THỂ CHUYỂN NÚI DỜI NON ĐƯỢC KHÔNG?

Các Giáo phụ giúp chúng ta thấy cách Chúa Kitô khuyến khích và khuyên nhủ chúng ta làm điều mà các môn đồ ngay từ đầu đã dự định làm – nhưng đã thất bại vì họ thiếu đức tin.

Trước câu hỏi của các môn đệ về lý do tại sao họ không thể đuổi quỷ khỏi một cậu bé, Chúa Giêsu trả lời: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17:20). Đó là một trong những câu nói lạ lùng nhất mà Chúa Giêsu thốt ra.

Chúa Giêsu có ý nói gì ở đây? Có phải Ngài muốn nói đến ngọn núi, theo nghĩa đen? Đức tin có thể thực sự tạo ra những phép lạ về thể chất không?

Nhiều học giả Kinh thánh hiện đại, nặng nề với những phương pháp duy lý, xem những lời của Chúa Giêsu như một phép ẩn dụ kỳ quặc: Các môn đồ “ít đức tin” vì họ không đủ tin cậy Chúa Giêsu. Nếu họ thực sự tin cậy Ngài, ngay cả với một đức tin nhỏ bằng hạt cải, thì họ có thể làm “những điều vĩ đại” – như nguyện vọng “chuyển núi dời non” của họ. Đẹp làm sao!

Nhưng nếu chúng ta quay sang các Giáo phụ, chúng ta sẽ tìm thấy những cách giải thích sống động hơn, nói lên cõi lòng hơn là lý thuyết duy lý. Vào thế kỷ thứ ba, giáo phụ Ôrigiênê (khoảng 185 – 253), nhà chú giải Kinh thánh vĩ đại đầu tiên, đã viết:

“Theo ý kiến ​​của tôi, những ngọn núi được nói đến ở đây là những quyền lực thù địch tồn tại trong một cơn lũ các điều ác to lớn, ví dụ như cư ngụ … trong một số linh hồn của những người khác nhau. … Khi đó một người có đức tin trọn vẹn sẽ nói với ngọn núi này – ý tôi trong trường hợp này là tên quỷ câm điếc trong cậu bé bị cho là động kinh – “Hãy di chuyển từ đây đến một nơi khác.” Nó sẽ di chuyển. Điều này có nghĩa là nó sẽ chuyển từ người đau khổ xuống vực thẳm.”

Như thế, giáo phụ Origiênê tuyên bố rằng với đức tin trọn vẹn, với sự tin cậy hoàn toàn nơi Chúa, chúng ta có thể đuổi thần dữ – tức là “những ngọn núi” mà Chúa Giêsu ám chỉ – ra khỏi con người. Nghĩa là, nhờ đức tin, chúng ta tham dự vào sứ mạng cứu độ do Chúa Kitô thực hiện. Bước đầu tiên trên con đường dẫn đến ơn cứu độ là từ bỏ sự dữ, một sự kiện được truyền đạt qua nghi thức lặp lại lời hứa khi chịu phép rửa tội: trước tiên chúng ta từ bỏ Satan, sau đó chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.

Là môn đệ, chúng ta tham gia vào công việc của Chúa Kitô cho đến tận ngày nay là đuổi thần dữ. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể được kêu gọi để chiến đấu chống lại các ác thần có thực, bằng lời cầu nguyện, ăn chay và sự giúp đỡ của các linh mục và giám mục. Thường xuyên hơn, chúng ta phải đối đầu với các ác thần trong các biểu hiện xã hội của chúng: nói xấu Thiên Chúa, trục xuất Thiên Chúa ra khỏi những địa điểm công cộng, bác bỏ luật đạo đức của Thiên Chúa, tin tưởng sai lầm rằng việc thờ phượng Thiên Chúa là không cần thiết. Nếu chúng ta truyền giáo thành công cho ai đó, nếu chúng ta đưa ai đó vào Giáo hội, hoặc trở lại Giáo hội, từ một nơi nào đó bên ngoài Giáo hội, thì chúng ta đã đuổi được ác thần ra khỏi người đó và đẩy ác thần xuống vực thẳm.

Tất cả những gì chúng ta cần là đức tin to bằng hạt cải. Rồi thì, chúng ta bước đi trên con đường của mình với tư cách là những người thợ trong mùa gặt, mặc dù rất dồi dào, nhưng đầy rẫy cỏ dại cần phải nhổ tận gốc.

Cách giải thích của giáo phụ Origiênê về ngọn núi như một ác thần phù hợp với các phép lạ của chính Chúa Giêsu, chủ yếu liên quan đến việc chữa lành vô số người mắc bệnh và bị quỷ ám. Chỉ trong một vài trường hợp, các phép lạ của Ngài ảnh hưởng đến các đối tượng vật chất và trật tự tự nhiên: khi Ngài hóa bánh ra nhiều, khi Ngài quở trách cơn gió, khi Ngài nguyền rủa cây vả, khi Ngài đi trên mặt nước.

Tuy nhiên, tất cả những điều này đều hướng đến một mục đích thiêng liêng: gia tăng đức tin mà các môn đệ của Ngài có nơi Ngài. Chúa Giêsu không bao giờ can thiệp vào thiên nhiên để “phô trương” quyền năng thánh thiêng của Ngài. Ngài không nhấc cao những tảng đá khổng lồ để thể hiện sức mạnh của Ngài, cũng không vật lộn với thú dữ, cũng không chơi đùa với lửa và nước, Ngài cũng không tạo ra một con chim bằng đất sét, như được mô tả trong Tiền Phúc Âm của Tôma, một bản văn theo thuyết ngộ đạo vào thế kỷ thứ hai.

Vì lý do này, Thánh Giêrônimô, đồng ý với giáo phụ Origiênê trong cách giải thích đoạn văn này, đã tiến thêm một bước: “Những ai cho rằng các tông đồ và tất cả các tín hữu không có một chút đức tin vì chẳng dời được ngọn núi nào cần phải bị phản đối. Vì việc dời ngọn núi từ nơi này sang nơi khác không mang lại nhiều lợi ích và chỉ là một màn trình diễn sáo rỗng khi so sánh với lợi ích mà tất cả mọi người có được từ việc dời ngọn núi mà nhà tiên tri Dacaria đã nói là sẽ hủy diệt cả xứ: “Ngươi là ai, hỡi núi lớn kia ? Trước mặt Dơrúpbaven, ngươi hãy trở nên đồng bằng. Nó sẽ lấy ra viên đá chóp đỉnh giữa tiếng reo hò” (Dc 4: 7) và

Bấy giờ, trên toàn xứ, – sấm ngôn của Chúa –

hai phần ba sẽ bị huỷ diệt, bị tiêu vong,

còn một phần ba sẽ được để lại” (Dc 13: 8).

Ở đây giáo phụ Giêrônimô đề cập đến lời hứa của Chúa, qua Dacaria, rằng ngọn núi phía trước Dơrúpbaven sẽ trở thành một đồng bằng “Không phải nhờ thế lực, cũng chẳng phải nhờ sức mạnh mà nó hoàn thành công việc Ta giao phó, nhưng là nhờ thần khí của Ta” (Dc 4:6).

Nghĩa là, khi nói với chúng ta rằng đức tin của chúng ta có thể chuyển núi dời non, Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta đóng “một vở diễn trống rỗng”. Chắc chắn những người dời núi như vậy sẽ hướng sự chú ý ra khỏi nơi lẽ ra phải ở: đó là hướng về Thiên Chúa. Chúa Giêsu khuyến khích và khuyên chúng ta làm điều mà các môn đệ đã dự định làm ngay từ đầu: trục xuất ác thần ra khỏi một cậu bé, nhưng thất bại vì họ thiếu niềm tin: “Khi Chúa Giêsu và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. Thấy Chúa Giêsu, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Ngài. Ngài hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế? ” Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi” (Mc 9: 14-18).

Trong lịch sử, Thiên Chúa đã thực hiện các phép lạ trong tự nhiên thông qua các vị thánh của Ngài, nhưng phần lớn các phép lạ được ghi lại là sự chữa lành về thể chất. Những điều này theo khuôn mẫu của việc Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt: chữa lành thể xác hướng đến chữa lành tâm linh. Phép lạ của Thiên Chúa không bao giờ để biểu diễn, nhưng để cứu độ.

Khi giải thích núi non là ác thần, giáo phụ Ôrigiênê và thánh Giêrônimô giúp chúng ta thấy rõ hơn bản chất của đức tin. Đức tin không phải là một bài tập sử dụng quyền năng thô nguyên, như trường hợp nhấc cao một ngọn núi bằng thể chất. Thay vào đó, các ngài dạy chúng ta rằng đức tin là phương tiện để chúng ta bước vào ơn cứu độ của Thiên Chúa, và việc mang sự cứu độ đó đến cho những người khác đang gặp nguy hiểm là một thành phần thiết yếu của đức tin này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong bài giảng ngày 9 tháng Giêng, năm 2014: “Sức mạnh của đức tin đã chiến thắng thế giới! Đức tin của chúng ta có thể làm được mọi sự! Đó là chiến thắng!”

“Đức tin làm cho mọi sự trở nên khả thi, nhưng chúng ta phải đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Đức tin đích thực không phải là một điều gì đó phiến diện, mà là trọn vẹn, và được thể hiện bằng việc cứ ở trong Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Bất cứ ai ở trong Thiên Chúa, bất cứ ai được sinh ra bởi Thiên Chúa, bất cứ ai ở trong tình yêu, đều chiến thắng thế giới, và chiến thắng này là đức tin của chúng ta – về phần chúng ta, đó là đức tin. Về phần Thiên Chúa, chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho việc này: cứ ở lại trong Thiên Chúa, trong chiến thắng này – có thể thực hiện được nhờ đức tin…thật là quyền năng!”

Thừa nhận rằng thường “Giáo hội đầy rẫy những Kitô hữu bị đánh bại, những người không tin rằng đức tin là chiến thắng”, Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm rằng sẽ là chuyện“tốt đẹp” khi lặp lại với chính chúng ta về sức mạnh của đức tin, “bởi vì nếu bạn không sống đức tin này, bạn sẽ thất bại, thế gian sẽ chiến thắng, hoàng tử của thế gian này sẽ chiến thắng.”

Nhắc lại lời khen ngợi mà Chúa Giêsu đã dành cho đức tin của người đàn bà băng huyết, người đàn bà Canaan, và người mù bẩm sinh trong Tin Mừng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngay cả đức tin nhỏ bé như hạt cải cũng có thể chuyển núi dời non.

Đức Thánh Cha nhận xét, “Đức tin này khẳng định và đòi hỏi chúng ta hai thái độ: tuyên xưng và tín thác. Đức tin có nghĩa là tuyên xưng Thiên Chúa – Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta, từ thời cha ông chúng ta cho đến nay: Thiên Chúa của lịch sử.”

Đức Thánh Cha lưu ý rằng đây là điều chúng ta đọc hàng ngày khi tuyên xưng Kinh Tin Kính, nhưng cần phân biệt rằng “đọc Kinh Tin Kính một cách chân thành là một chuyện, còn chỉ lẩm nhẩm thuộc lòng là một chuyện khác, phải không?” Ngài nói thêm rằng “Tôi tin, tôi tin vào Thiên Chúa, tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô, tôi tin – nhưng tôi có tin những gì tôi đang nói không? Đây có phải là một lời tuyên xưng đức tin một cách thực sự hay đó là điều tôi phải nói theo nghi thức, một cách nào đó, bởi vì đó là điều cần nói? Tôi chỉ tin nửa vời sao?”

Đức Thánh Cha thúc giục: “Hãy tuyên xưng đức tin, tất cả, không phải một phần! Hãy bảo vệ đức tin này, như nó đã đến với chúng ta qua truyền thống: toàn bộ Đức tin!” Đức Thánh Cha giải thích, một dấu hiệu giúp chúng ta biết mình có tuyên xưng đức tin thực sự hay không, đó là “người tuyên xưng đức tin thực sự – toàn bộ Đức tin – có khả năng thờ phượng Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa: “Người có đức tin đều trông cậy vào Thiên Chúa: phó thác chính mình cho Thiên Chúa! Tin tưởng vào Thiên Chúa là điều dẫn chúng ta đến hy vọng. Giống như việc tuyên xưng đức tin dẫn chúng ta đến sự thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa, thì sự tin cậy nơi Thiên Chúa cũng dẫn chúng ta đến thái độ hy vọng.”

Đức Thánh Cha lưu ý thực tế là nhiều Kitô hữu có “một niềm hy vọng quá yếu ớt, không mạnh mẽ: một niềm hy vọng mờ nhạt.” Ngài giải thích rằng điều này là do “họ không có sức mạnh và can đảm để tin tưởng vào Chúa. Nhưng nếu chúng ta, những Kitô hữu tin tưởng, tuyên xưng đức tin, và bảo vệ đức tin, nắm giữ đức tin đó, và phó thác mình cho Chúa, chúng ta sẽ là những Kitô hữu chiến thắng. Và đây là chiến thắng đã chiến thắng thế gian: là đức tin của chúng ta.”

Tổng hợp: Phêrô Phạm Văn Trung,

từ catholiceducation.org và aleteia.org

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts