Sáng nay trên đường đi cầu kinh, người ngồi bên cạnh bỗng nhiên hỏi:
-Năm nay là năm gì của Âm Lịch vậy anh?
-Năm Nhâm Dần.
Nghe vậy, nàng liền đáp:
-Năm nay ai mà sinh con gái thì không tốt. Con gái mang tuổi dần thường có tướng sát phu, đàn ông con trai ít ai dám bén bảng tới!
Những quan niệm như vậy không biết đã ăn sâu vào tâm trí và đời sống văn hóa người Việt từ bao lâu, nhưng thực tế nó đã đem lại những oan trái cho rất nhiều nạn nhân. Ngay trong số bạn bè quen biết của người viết, có ít nhất ba người phụ nữ giờ đây đang sống trong cái hối hận và thù ghét mấy ông bà thầy bói. Hai trong số đó bị thầy phán: “gái tuổi dần sát phu!” Kết quả là tình duyên đã không đến được với họ. Một người khác vì yêu người tuổi dần nên người yêu cũng gặp hẩm hiu, và cho đến giờ này ở tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi mà vẫn cô đơn, tôn thờ hình bóng người xưa.
“Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Biết vậy, nhưng tâm lý chung con người ai cũng muốn tò mò tìm biết về tương lai của mình. Đây cũng là cám dỗ mà ông bà Nguyên Tổ xưa đã phạm, họ muốn biết lành, biết dữ. Tóm lại, con người qua mọi thời đại, và mọi nền văn hóa đều muốn biết tương lai của mình như thế nào: sang, hèn, giầu, nghèo, thành công, thất bại, mạnh khỏe, yếu đau, yêu đương, hạnh phúc, chia lìa, chết chóc. Do đó mới nẩy sinh nghề “nói về tương lai” con người, tương lai thế giới. Đoán vận mệnh người khác qua những quân bài, chỉ tay, tướng số, ngày sinh tháng đẻ, chữ viết… Những kiến thức dự đoán tương lai này tuy có một vài trường hợp đúng, nhưng phần lớn là “không đúng”, “ba phải”, hoặc “nhảm nhí”. Chính vì vậy, từ xa xưa, trong ca dao tục ngữ người Việt đã có câu:
“Thày bói nói láo ăn tiền.”
Hoặc:
“Hòn đất mà biết nói năng,
Thì thày địa lý hàm răng chẳng còn.”
Riêng người viết cũng may mắn quen biết và có dịp trao đổi về tương lai, hậu vận, cát hung, sang hèn với ít ra là 6 vị trong số những thầy tử vi, tướng số, bói toán, và ngoại cảm. Tất cả họ đều mang những khía cạnh hiểu biết, thông minh, uyên bác và tự tin ở chuyên môn của mình. Nhưng hai trong số này đã qua đời, và những gì họ tiên đoán về tương lai, hậu vận của người viết đều không xảy ra như dự đoán! Còn lại 4 người vẫn thường ngày gặp gỡ, trao đổi, mà chính họ cũng không thấy khấm khá, không có gì may mắn hơn so với những bạn bè. “Tử vi xem bói cho người. Số thầy thì để cho ruồi nó bu!” là vậy.
Trong bài khảo luận “Ngày Xuân, thử tìm hiểu cách đoán số mệnh của người Tàu và người Việt,” ngày 25.1.2018, của tác giả Lữu Giang đã viết: “Trong Minh Tâm Bửu Giám, ở phần Tuân Mạng, Tử Hạ viết: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên.” Còn Mạnh Tử khẳng định: “Nhất ẩm nhất trác, sự giai tiền định”, tức một hớp uống, một miếng ăn, sự đều định trước. Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu có nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.” (Mt 10:29)
Theo Lữu Giang, các nhà khoa học thực nghiệm khảo sát về cấu tạo và biến động của vật chất, các nhà triết học cố gắng đưa ra những nhận thức về nhân sinh và vũ trụ, trong khi các nhà chiêm tinh, ngoại cảm, tử vi, tướng số lại nghiên cứu, tìm hiểu về vận mệnh của con người. Trong vô số phương pháp được dùng để tìm hiểu định mệnh của con người ấy, có thể gồm vào hai loại: Vấn Sự và Khảo Mệnh. Người Trung Hoa thường gọi là bốc và mệnh.
VẤN SỰ
Vẫn theo Lữu Giang, chủ đích chính của việc làm này là xin thần linh mách bảo, cho biết ý kiến, hoặc vấn kế thần linh về những gì đã, đang và sẽ xẩy ra cho một người qua hai yếu tố ký hiệu giao ước và linh ứng. Vấn kế thần linh thường được thực hiện bằng những nghi thức trang trọng như đốt nhang đèn và đọc lời khấn trước khi bói hoặc gieo quẻ.
- a) Các ký hiệu:
Ký hiệu giao ước là những dấu hiệu do chính con người tự đặt ra để qua đó có thể đọc và hiểu được câu trả lời của thần linh. Thí dụ: Trong bói bài, 8 chuồn là báo hiệu một người đàn bà đang mang thai con gái. Hoặc trong bói Dịch, khi hỏi về gia đạo mà được quẻ Hỏa Trạch Khuê hay Trạch Hỏa Cách là dấu hiệu vợ chồng có chuyện lục đục gây gỗ, v.v.
- b) Linh ứng thần linh:
Những ai được coi là có khả năng linh thị cao, bói dễ trúng? Các thầy tướng số thường dùng tâm lý để đoán, nên trong những trường hợp này người thiên về khoa học thực nghiệm hay các môn học duy lý… bói không linh bằng những người nặng niềm tin vào thần thánh. Theo cách nói dân gian, những kẻ ngây thơ, tin tưởng, và mê tín thì “Tâm động quỷ thần tri”. Và chúng ta thử nghe tiếng hát Như Quỳnh qua nhạc phẩm “Câu Chuyện Đầu Năm” của Hoài An xem sao:
“Trên đường đi lễ Xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo nổ rượu hồng.”
Rõ ràng là nàng đang nôn nóng không biết năm mới hên xui, may rủi như thế nào, đặc biệt trong đường tình duyên. “Vui cùng pháo nổ rượu hồng” đối với nàng chắc chắn phải là pháo nổ và rượu hồng ngày cưới. Còn chàng thì mong:
“Duyên vừa đẹp ý đắp say
Ôm nàng Xuân đẹp vào tay.”
“Ôm nàng Xuân đẹp vào tay” tức là ôm người đẹp trong tay. Thần linh mách bảo rõ ràng như thế mà thầy nào bói không ra thì kể như tay nghề chưa được cao. Sau đây là một màn bói được vợ của hai tác giả (Trang Dũng Phương (Hoài An) – Nguyên Lễ (Hoài Linh) qua nhạc phẩm Thiên Duyên Tình Định:
Nàng:
“Đầu năm hoa lá xôn xao nở như đón chào
Nhờ anh tiên đoán năm naу duуên nợ thế nào
Phận nghèo chẳng dám ước cao
Ϲhỉ cần tình nghĩa với nhau
Nếu ai tâm đầu ngỏ lời là nên giai ngẫu.”
Chàng:
“Mười hai con giáp em đây cầm tinh quý mùi
Cầm tay anh đoán năm nay duyên lành đến rồi
Gặp chồng hiền đức dễ thương
Tuổi này thì số lắm con
Muốn cho vuông tròn thì anh mối giới mối mai đưa tình.”
Nàng:
“Người ấy quê quán nơi nào giàu nghèo
Tuổi tác bao lớn sang hèn thế nào?”
Kết quả đúng như đã tiên liệu từ trước, chàng:
“Anh ta khoảng chừng ba mươi mấy
Quen lắm nhìn xem em biết ngay
chẳng ai xa lạ chàng là, là anh đây.”
- c) Giải đoán vấn sự:
“Tâm động quỷ thần tri”. Tâm có động quỷ thần mới biết được. Đây là vấn đề quan trọng nhằm tìm hiểu quá khứ, hiện tại và một tương lai gần. Quỉ thần là loài thiêng liêng, chúng biết rõ quá khứ và hiện tại của từng người. Các ông bà thầy bói cũng biết điều này nên qua sự mách bảo của thần linh thường phủ đầu người đến xin bói, xin xâm, xin quẻ…bằng những cắt nghĩa, lý giải về quá khứ. Sau đó, dựa vào tâm lý người nghe mà nói thêm về tương lai, hậu vận.
Điểm đáng nói ở đây là khi bị mê hoặc bởi sự thông suốt quá khứ, người nghe thường cũng dễ thần thánh hóa và bị cuốn hút vào những gì được nghe nói về tương lai, hậu vận. Dù biết hay không biết về tương lai của người khác, nếu để ý ta thấy lúc này có ít thầy nào nói về những điều xấu, điều bất lợi, mà chỉ nói “cho vừa lòng” thân chủ. Thí dụ, năm mới cô cũng gặp chút lận đận về tình duyên, gia đạo, nhưng cuối cùng nhờ quý nhân phù trợ, mọi việc cũng êm xuôi, gia đình đoàn viên, con cái hiếu thảo.
Trong số những cách để đoán vận mệnh của đời người, ngoài Bói Dịch hay Bói Bài, còn có Bốc Dịch, Dịch Số, Kỳ Môn Độn Giáp, Thái Ất, Lục Nhâm, Cảm Xạ, Cầu Cơ, Thiên Linh Cái, Gọi Hồn, Bói Bài Cào hay Bài Tarot… Tất cả đều thuộc môn vấn sự.
KHẢO MỆNH
Cũng trong bài “Ngày Xuân, thử tìm hiểu cách đoán số mệnh của người Tàu và người Việt,” tác giả Lữu Giang diễn giải: “Khảo Mệnh là môn tìm hiểu định mệnh của con người căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài. Trong bài “Văn hóa bói toán dân gian” phát xuất từ Trung Hoa, ngày Tết tại nhiều chùa, tăng sĩ và dân chúng đã biến đạo Phật thành một tôn giáo thờ thần linh và coi đó là “đạo dân tộc.” Các lễ “dâng sao giải hạn”, “cắt tiền duyên”, “xin bùa”, “xin bát hương”… đều được cử hành tại chùa do các tăng sĩ chủ lễ. Tiếng tụng kinh gõ mõ không ngớt, khói hương nghi ngút.”
A.- Các dấu hiệu bên ngoài:
Bao gồm nhân tướng, chỉ tay, chữ viết và chữ ký…
1.- Nhân tướng học
Nhìn vào diện mạo, cách nói năng, đi đứng, cư xử của một người để đoán về số mệnh. Ca dao tục ngữ của Việt Nam cũng thấy có nhiều câu nói về cuộc đời của con người qua tướng mạo bên ngoài, chẳng hạn như:
“Những người thắt đáy lưng ong,
Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.”
Hay:
“Những người ti hí mắt lươn,
Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người.”
Đó là những câu đoán mệnh một cách đơn giản do kinh nghiệm dân gian. Cách đoán này căn cứ vào tất cả mọi thứ trên con người rồi suy ra tính tình, tuổi thọ, bệnh tật, địa vị xã hội, họa phúc an nguy… của một người. Nhưng đoán như vậy rất dễ bị lầm! Thời nay các bà, các cô chỉ cần bước vào viện thẩm mỹ nửa tiếng, bước ra là có ngay “đôi mắt lá răm, đôi mày lá liễu” hai mí chớp chớp đưa tình rất lãng mạn.
Hoặc như câu: “Đàn ông không râu bất nghì. Đàn bà không vú lấy gì nuôi con.” cũng vậy. Râu hay không râu, vú hay không vú, cứ qua bàn tay chuyên môn là cỡ nào cũng có. Chỉ tiếc là ngày nay con người sợ đẻ, ít đẻ nên kinh nghiệm xưa kể như đã lỗi thời!
2.- Xem chỉ tay
Chỉ tay là sở trường của các ông bà thầy bói. Cứ xè bàn tay ra để thầy ngắm nghía, sờ sờ, bóp bóp rồi nghe phán: Đường hôn nhân cô chẻ đôi thì không tránh khỏi ly dị. Trí đạo của anh dài quá mức là dấu hiệu của bệnh đau đầu hay thần kinh tâm trí chứ không phải học giỏi. Sợ nhất là đàn bà mà đường hôn nhân có hình cù lao thì không tránh khỏi ngoại tình. Người có cù lao trên đường sinh đạo thì sẽ bị bệnh về bao tử hay bệnh lao phổi, và trên đường tâm đạo thì hoặc là bị thất vọng về tình hoặc là bị đau tim, v.v. Biết sao đây, lỡ mà trong lòng bàn tay có hai hoặc ba cái cù lao thì kể như tiêu đời! Cũng may đó chỉ là đoán mò, còn trúng trật tùy vào hên xui, may rủi.
Tuy nhiên, với cái nhìn khoa học, môn chỉ tay gần đây đã được một số đại học nghiên cứu, không phải dùng trong bói toán mà còn áp dụng vào việc chẩn đoán bệnh tật. Nhiều sinh viên y khoa tại Pháp hay Hoa Kỳ đã mở nhiều cuộc nghiên cứu về chỉ tay để định bệnh và làm luận án tiến sĩ y khoa bằng môn này.
3.- Chiết tự
Xem những nét của chữ viết và chữ ký để biết được tính tình, bệnh tật và con đường công danh sự nghiệp của một người. “Le style, c’est l’homme.” – Văn là người. Đọc văn của một người, ta có thể biết tính tình và phong cách của người đó. Không biết chữ của ai chứ như riêng người viết đây khi còn bé đã bị thầy giáo phê rằng: “Chữ viết như gà bới, suốt đời chỉ đi ăn mày!” Do vậy, thời trai trẻ không dám viết thư tình, sợ lộ thân phận “cái bang” của mình mà bị ế!
B.- Dịch lý, Tử vi, Xem tuổi
Trong các cách thức do con người đặt ra dựa vào Dịch Lý còn có một số môn khác như Địa Lý, So Tuổi, Bát Tự, Tử Bình, Tử Vi, v.v. Trong đó, hai môn Tử Bình và Tử Vi được cho là thông dụng nhất. Tử Bình thông dụng ở Trung Hoa, còn Tử Vi được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.
Tuy môn Khảo Mệnh không đòi hỏi sự linh ứng của thần linh, nhưng đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của người thầy. Theo Cụ Trần Đoàn, khoa Tử Vi bao gồm: Thiên Văn, Lịch Phổ, Ngũ Hành, Ngũ Sự (nhân tướng học), Tạp Chiêm và Hình Tượng. Từ xưa đến nay, Tử Vi được coi là môn học bí truyền. Theo cụ Đoàn, lúc đầu môn này được lập ra để triều đình chọn người làm quan, nên không cho sử dụng trong nhân gian. Do đó, các sách bán trên thị trường chỉ là tạp thư, tam sao thất bổn. Hơn nữa, khoa Tử Vi được nghiệm theo cấu trúc của xã hội Trung Hoa ngày xưa. Như vậy nó có cần được hiệu đính lại theo cấu trúc mới dựa vào sự thay đổi của xã hội hay không? Và nếu dùng Tử Vi để áp dụng cho môi trường xã hội Việt Nam càng phải thận trọng hơn.
Một môn khác được người Tàu cũng như người Việt ưa thích là môn so tuổi của hai người khi kết hôn hoặc làm ăn chung với nhau. Đây cũng là một khoa nghiệm lý, khá phức tạp.
Xem tuổi có nghĩa là căn cứ vào “tam hợp” Thân-Tý-Thìn, Tỵ-Dậu-Sửu hay Hợi-Mão-Mùi và “tứ hành xung” Tý-Ngọ-Mão-Dậu, Dần-Thân-Tỵ-Hợi hay Thìn-Tuất-Sửu-Mùi theo ngũ hành của năm sinh. Tuổi hai người nằm trong tam hợp thì tốt, trái lại, nếu ở trong tứ hành xung thì xấu. Tuy nhiên, theo Lữu Giang, cách xem trên khác với cách xem tuổi của người Trung Hoa. Người Trung Hoa xem tuổi của hai bên như xem địa lý, căn cứ vào “cung phi” thuộc tuổi. Cung phi được thiết lập theo hàng Can của tuổi chứ không phải theo hàng Chi. Thí dụ: người nam tuổi Canh Dần thuộc cung Khôn, lấy vợ tuổi Ất Mùi thuộc cung Càn là gặp Phước Đức, sẽ ăn nên làm ra và giàu có. Trái lại nếu lấy vợ tuổi Quý Tỵ là gặp Ngũ Quỷ, trong gia đình sẽ luôn có chuyện cãi cọ bất hòa,v.v.
Tóm lại, nếu ông hay bà thầy Việt Nam dựa vào tam hợp phán: “hôn nhân tốt”, mà sau đó hai vợ chồng khắc khẩu, cãi vã và đổ vỡ, thì đó là tam hợp của người mình, còn hậu vận kia là vì không hợp cung phi như cách so tuổi của người Trung Hoa! Lôi thôi chưa?!
NÊN HAY KHÔNG NÊN TIN BÓI TOÁN
Trong phần kết của bài khảo luận, tác giả Lữu Giang đã nêu lên một câu truyện có trong Cổ Học Tinh Hoa đời Đông Chu:
Hiền tài Khuất Nguyên bị bọn nịnh thần dèm pha nên bị Sở Vương loại ra và không cho gặp mặt. Ông thấy đời kẻ sĩ như thế này thì quá vô dụng, không còn làm được việc gì ích quốc lợi dân, nên tâm buồn ý loạn, không biết phải hành động như thế nào, bèn đến gặp quan Thái bốc Trịnh Thiềm Doản, chuyên về bói cỏ thi, mà vấn kế. Thiềm Doản phủi mu rùa và sửa lại cỏ thi cho ngay ngắn rồi hỏi :
– Ông muốn dạy tôi việc chi?
Khuất Nguyên ôn tồn đáp:
– Tôi có nên giữ mãi lòng trung hay nên đưa đón theo đời để kiếm miếng ăn? Tôi có nên tiếp tục giữ lòng chính trực hay trơn tru tròn trĩnh như mỡ như da để được như cây cột? Tôi có nên cứ ngang tàng như con thiên lý mã hay bắt chước con vịt nước theo sóng mà nhấp nhô? Trước tình thế này tôi có nên giữ phong thái của loài hoàng hộc hay tranh ăn với nhóm gà vịt?
Thiềm Doản đặt cỏ thi xuống rồi tạ rằng:
– Ở đời, thước có khi ngắn mà tấc có khi lại dài, vật có chỗ không đủ và trí có chỗ không sáng. Số có chỗ đoán không tới và thần có chỗ cũng không thông. Vậy ông cứ theo lòng mà làm. Cỏ thi và mu rùa quả không biết được những việc ấy.
Nghe những lời ấy, Khuất Nguyên đã theo lòng mình mà làm, trở về vui thú điền viên, viết tập Ly Tao nêu cao chí khí mà để lại cho đời.
Giáo lý Công Giáo coi việc sử dụng bói toán, xin xâm, rút quẻ để đoán mệnh là vi phạm điều răn thứ nhất “thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự.” Phật Giáo coi đoán mệnh là trái với luật nhân quả.
Một điều mà có lẽ kinh nghiệm người xưa để lại được cho là đúng: “Đức nhân thắng số”. Hoặc “Ở hiền thì gặp lành”. Biết thế nhưng việc muốn biết lành dữ, tương lai, hậu vận lại luôn là một cám dỗ.
Đầu năm, xin chúc quý độc giả một mùa Xuân vui vẻ, bình an, và hạnh phúc.
Xuân Nhâm Dần
2022