Đối với dân chúng, Chúa Giê Su thường dạy họ bằng Dụ Ngôn và một trong những Dụ Ngôn ấy nói về “ Người Gieo Giống”: “ Các ngươi nghe đây, kìa có người gieo đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc bay đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, không có nhiều đất, lấp không sâu nên khi nắng lên nó liền bị cháy sém và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Hạt khác rơi nhằm bụi gai, gai góc mọc lên làm nghẹt đi nên không thể sinh hoa kết quả. Hạt khác rơi vào đất tốt, mọc và lớn lên kết quả, hạt thì được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm. Rồi Ngài nói: Ai có tai nghe, hãy nghe” ( Mc 4, 2 -9 ).
Khi Chúa Giê Su còn lại một mình thì các Tông Đồ đến gặp và hỏi về ý nghĩa của Dụ Ngôn. Ngài nói: “ Các ngươi không hiểu Dụ Ngôn ấy sao ? Vậy thì làm sao có thể hiểu được mọi Dụ Ngôn khác ?” ( Mc 4, 13 ).
Dụ Ngôn hay còn gọi là Thí Dụ. Đó là cách dùng câu chuyện hoặc hình ảnh cụ thể, quen thuộc trong đời sống hàng ngày để nói về Thực Tại có tính trừu tượng, siêu hình, ngôn ngữ không thể diễn đạt.
Thực tại siêu hình ở đây chính là Nước Trời mầu nhiệm, bởi đó Dụ Ngôn Người Gieo Giống cũng còn được gọi là Dụ Ngôn Nước Trời. Để ý sẽ thấy, mỗi khi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Ki Tô đều kết luận bằng câu: “ Ai có tai nghe, hãy nghe”.
Bình thường thì ai chẳng có …tai nghe ? Tuy nhiên cái…tai nghe Chúa muốn ám chỉ đó là cách để nghe Lời Chúa: “ Hãy coi chừng về cách mình nghe. Các ngươi đong đấu nào thì sẽ đong lại đấu ấy và còn được thêm hơn nữa. Vì ai có sẽ cho thêm. Còn ai không có dẫu điều họ đã có cũng sẽ bị cất đi nữa” ( Mc 4, 24 -25 ).
Đong đấu nào sẽ được đong lại đấu ấy, đó là Chúa nói về cách nghe. Nghe thế nào thì sẽ có kết quả thế ấy. Tất cả có ba cách…nghe. Một là nghe và không nghe. Hai là nghe mà không nghe và ba là nghe như không nghe mà lại nghe như thật.
1/- Nghe và không nghe
Tai là một Căn ( Cơ quan ) trong sáu căn: Nhãn căn ( Mắt ) Nhĩ căn ( Tai ) Tỷ căn ( Mũi ) Thiệt căn ( Lưỡi ) Thân căn ( Thân thể ) và Ý căn ( Ý ). Ngoại trừ những kẻ bị điếc hay lãng tai hoặc bị ngăn cách bởi tường vách. Tất cả đều có khả năng nghe và khả năng ấy đối với tất cả phàm phu là để phân biệt: Âm thanh trầm bổng hay chát chúa, tiếng còi xe hay tiếng hát, tiếng chửi hay lời khen v.v…
Do nơi sự phân biệt ấy thế nên con người chỉ thích nghe những gì…lọt lỗ tai, ngược lại thì ghét. Có những bản nhạc đối với người này thì thích thú nhưng với người kia thì…bịt tai không muốn nghe v.v…Mặt khác âm thanh có tác động rất lớn với người nghe. Nghe một bản nhạc vọng cổ buồn bỗng thấy lòng ủ ê, buồn rũ rượi. Trái lại nghe một khúc quân hành rộn rã, thấy lòng mình phấn chấn hăng say…
Nghe để mà phân biệt, yêu ghét đó là cái lẽ sự thường của người đời. Thế nhưng cũng vì cái lẽ …sự thường ấy mà đã gây nên biết bao tục lụy khiến con người phải sống trong khổ đau…
2/- Nghe mà không nghe
Người đời…nghe để phân biệt như thế nên phải triền miên sống trong khổ. Bởi đó cho nên có một pháp môn TU của hàng Nhị Thừa Thanh Văn ( Phật giáo ). Chủ trương ngăn ngừa không cho Nhĩ căn ( Tai nghe ) tiếp xúc với âm thanh bên ngoài. Do không phân biệt nên Tâm không nhiễm ô, vì vậy mà không tạo Nghiệp xấu. Thế nhưng do cách TU như thế nên họ đã cách ly với đời sống và vì thế cũng không bao giờ có thể giác ngộ Bản Tánh.
3/- Nghe như không nghe mà lại nghe như thật.
Mặc dù “Tướng” của âm thanh có thanh, thô khác nhau nhưng “ Tánh” của nó là chân không, bình đẳng, không thanh, không thô. Sở dĩ có thanh, thô là do bởi Tâm phân biệt. Đại Thừa có một pháp tu gọi là Nhĩ Căn Viên Thông, nghe tất cả mọi thứ âm thanh nhưng không khởi Tâm phân biệt. Mục đích của cái nghe như thế để trở về với Tánh Biết ( Giác Tánh ) ở nơi mình ( Phản Văn Văn Tự Tánh ).
Xoay cái nghe trở vào bên trong để nhận biết Bản Tánh mình. Đây chính là ý nghĩa nghĩa của Lời Chúa: “ Các ngươi đong đấu nào thì sẽ được đong lại đấu ấy” Nghe Lời Chúa với Tâm vô phân biệt thì Lời Chúa sẽ…lưu lại được ở trong Tâm ( Tạng Tâm ) để rồi sẽ sinh hoa kết quả, hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt một trăm…
Người ta có thể…nghe Thánh Thư, Phúc Âm hàng ngày, hàng tuần cho đến suốt đời nhưng Lời Chúa hầu như không…lưu lại ở nơi Tâm chút nào ( Hạt giống gieo bên vệ đường ). Hoặc có khi cũng có lưu lại nhưng khi gặp hoạn nạn, trở ngại này nọ trong cuộc sống thì Lời Chúa chẳng giúp ích gì ( Hạt giống rơi vào bụi gai ) v.v…
Lời Chúa chỉ có thể sinh hoa kết quả có nghĩa đem lại ích lợi trong cuộc sống một khi được lưu lại ở trong Tâm để ta có thể chống trả được những mưu chước cám dỗ của kẻ thù hoặc làm việc bác ái, tông đồ v.v…
Nghe Lời Chúa với Tâm vô phân biệt, nói cho dễ hiểu là không có sự chia lòng chia trí ( Phân tâm ) là điều rất khó. Bởi lẽ Tâm con người là cái Tâm phan duyên không một giây phút nào ngừng.
Dù khó như thế nhưng đó lại là cái việc không thể không làm nếu muốn trở về để nhận biết Đấng Cha Hằng Hữu ở nơi mình. Toàn bộ việc sống đạo đó chẳng phải là để trở về với Đấng Cha hay sao ? “ Hãy trở lại với Ta thì Ta sẽ trở lại với ngươi” (( Ml 3, 7 ).
Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha là để cho chúng ta được trở về. Ngược lại nếu không trở về thì việc Sống Đạo chỉ còn là một thứ hình thức trống rỗng chẳng ích lợi gì về mặt tâm linh có nghĩa giải thoát khỏi khổ.
Thực vậy, sống đạo tâm linh chỉ có một mục đích đó là…thoát khổ. Tuy nhiên muốn thoát khổ thì cần phải biết nguyên nhân của khổ và nguyên nhân ấy tất cả là do con người đã chất chứa ác tưởng ( Những tư tưởng xấu ác ). Có tư tưởng Tham tất sẽ đưa đến hành động tham ( Trộm cắp, cướp giật, tham nhũng, lừa đảo….) Một khi đã gây ra hành động Tham như thế thì không khỏi bị luật pháp trừng trị….
Lý do khiến con người cứ mãi sống trong khổ mà không biết đó là vì cứ chất chứa ( Huân Tập ) ở nơi mình những tư tưởng tham lam, vị kỷ, ác độc. Giờ đây để cho hết khổ thì cần phải gieo vào lòng những tư tưởng thiện lành, bác ái mang tính giải thoát là Lời Chúa: “ Vì Lời Chúa là lời hằng sống, linh động, sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh, khớp tủy. Biện biệt tư tưởng và ý định của lòng” ( Dt 4, 12 ).
Con người tưởng chừng như sống với thân xác nhưng thật ra thân xác chỉ là một thứ dụng cụ để tư tưởng phát huy. Do đó tất cả mọi khổ, vui của con người trong cõi đời này đều xuất phát từ nơi tư tưởng. Có tư tưởng thiện mới có thể làm được việc thiện mà làm thiện sẽ hưởng được quả vui. Trái lại có tư tưởng xấu ác sẽ làm điều xấu ác mà làm điều xấu ác sẽ phải chịu khổ.
Mọi việc đều được quyết định ở nơi tư tưởng, nhưng vì u mê nên con người không thể nhận biết điều ấy có nghĩa không phân biện được…tiếng nói của tư tưởng nó mang tính chất vui hay khổ ? Chỉ Lời Chúa mới có sức biện biện tư tưởng tức nhận biết ngay được đâu là tư tưởng an vui giải thoát, đâu là trói buộc, khổ não. Tại sao ? Bởi vì trong một thời ( Sat Na Tâm ) không thể khởi được hai tư tưởng khác nhau, có tư tưởng vui thì không thể có tư tưởng buồn và ngược lại.
Ác tưởng một khi nhờ Lời Chúa biện biệt thì nó không thể tác hại. Chính bởi lẽ đó mà chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa với Tâm vô phân biệt ( Không chia lòng chia trí ) để cho Lời Chúa trở nên như…gươm sắc bén tiêu diệt ác tưởng ở nơi Tâm mình.
Lại nữa, lắng nghe Lời Chúa đem lại vô vàn phúc đức.Lần kia, khi Chúa Giê Su đang giảng dạy thì có người phụ nữ trong đám đông lên tiếng: “ Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú nào đã cho Thầy bú mớm.Nhưng Chúa phán: Phải, dẫu vậy kẻ nghe Đạo và làm theo, kẻ ấy còn có phúc hơn” ( Lc 11, 27 -28 ).
Ở đây Chúa Giê Su tôn vinh Mẹ Maria tới hai lần. Một là Đức Maria đã có công sinh hạ và nuôi nấng Chúa Giê Su về phần xác. Hai là hơn ai hết Đức Maria đã vâng theo Thánh Ý Chúa cho đến trọn đời.
Có…nghe được Đạo thì mới có thể làm theo Đạo và Đạo ở đây chính là Đấng Cha do Đức Ki Tô mạc khải. Nghe Đạo có nghĩa là nghe được Tiếng Chúa ở nơi mình. Thiên Chúa như một Người Cha luôn nhớ mong những đứa con lưu lạc trở về. Sự nhớ mong ấy Thiên Chúa đã thể hiện bằng cách cho Người Con duy nhất của Ngài là Đức Giê Su Ki Tô xuống thế làm người: “ Chúng ta đã thấy và làm chứng rằng Cha đã sai Con làm Đấng Cứu Chuộc thế gian. Hễ ai thừa nhận Chúa Giê Su là Con TC thì TC cứ ở trong người ấy và người ấy cũng ở trong TC” ( 1Ga 4, 14 -15 ).
Nhận ra như thế để cho thấy: Nghe Đạo cũng có nghĩa là lắng nghe và thực hành những điều Đức Ki Tô truyền dạy trong chính đời sống mình. Yêu thương thì phải yêu thương cả kẻ thù nghịch cùng mình. Bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm trở vào bên trong mà cầu với Đấng Cha của mình v.v…
Những điều Chúa truyền dạy nếu chỉ …nghe mà không đem ra thực hành thì cũng chẳng ích gì. Nhưng dẫu sao việc lắng nghe Lời Chúa cũng là một việc hết sức cần thiết. Lý do là vì nghe và thực hành Lời Chúa đó không phải là hai việc khác nhau nhưng vốn dĩ là một. Tại sao ? Bởi vì nghe với Tâm vô phân biệt đó chính là biết ( Tri ) và Biết đó cũng chính là Hành. Vương Dương Minh ( 1472 – 1528 ) một danh nho đời nhà Minh đã đưa ra thuyết Tri Hành Hợp Nhất thế này: “ Người đời nay học vấn, nhân vì đã phân tri hành ra làm hai việc, cho nên khi có một cái niệm phát động tuy là bất thiện nhưng bởi chưa thi hành thì không tìm cách ngăn cấm. Ta nói cái thuyết Tri Hành Hợp Nhất là để người ta hiểu được chỗ nhất niệm phát động tức là hành rồi” ( T.T. Kim – Nho Giáo – Quyển Hạ ).
Nhất niệm phát động tức là hành và “ Hành” đây chính là tư tưởng. Bởi đó để ngăn chặn hành động xấu, ác thì phải nhận biết ngay khi nó vừa phát khởi. Nhận biết tư tưởng ngay khi nó móng khởi, đây chính là yếu chỉ của Thiền. Vì vậy tổ Lâm Tế nói: “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề ( Trí Tuệ Bát Nhã ). Chỗ ông không dừng được một niệm đó là Cây Vô Minh ).
Bồ Đề hay Vô Minh, tất cả chỉ hệ tại ở chỗ có lìa được Niệm hay không. Thiền nói Lìa Niệm còn nhà Đạo chúng ta nói là …bỏ ý riêng mình đi. Bỏ ý riêng đi để cho Ý Cha được thể hiện, đó là tất cả Con Đường của Đạo Chúa. Đức Ki Tô khi đến cõi thế này cũng là để bỏ ý riêng đi “ Vì Ta từ trời xuống chẳng phải để làm theo ý riêng Ta, bèn làm theo ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).
Để bỏ được ý riêng là điều rất khó, bởi vậy cần có phương pháp và phương pháp đó chính là kiên trì lắng nghe Lời Chúa bằng việc Lần Chuỗi Mân Côi. Lập đi lập lại Thánh Danh Giê Su và Mẹ Maria, đây chính là một cách gieo Lời Chúa vào trong Ruộng Tâm ( Đất Tốt ) tuy âm thầm lặng lẽ nhưng đem lại kết quả hết sức lớn lao: “ Ngài lại phán rằng Nước Thiên Chúa cũng như người gieo vãi hạt giống xuống đất. Tối ngủ, sáng dậy, giống nảy mộng, đâm chồi mà ta không hiểu thế nào. Vì đất tự sanh hoa trái, ban đầu là mạ, kế đến là bông. Đoạn bông kết hạt chắc. Khi hoa trái đã chín, người ta liền đưa lưỡi liềm vào vì mùa gặt đã đến” ( Mc 4, 26 -29 )./.
Phùng Văn Hóa