Nghiệp và tái sanh

        Lời Chúa là Lời Hằng Sống  đồng thời cũng là lời giải thoát, bởi vậy người đời rất khó để tin. Chúa nói với Nicodemo, một trí thức hàng đầu Do Thái: “ Ví bằng Ta nói với các ngươi việc thuộc về đất các ngươi còn chẳng tin thay, huống chi Ta nói việc thuộc về trời thì các ngươi tin thế nào được ?” ( Ga 3, 12 ).

          Việc thuộc về trời đây chính là sự tái sanh: “ Trong vòng người Pharisieu có người tên là Nicodemo,  một vị quan của Do Thái ban đêm đến cùng Chúa Giê Su mà nói rằng: Rabi, chúng tôi biết Thầy  là giáo sư đến từ ĐCT. Vì nếu không có ĐCT ở cùng thì chẳng ai có thể làm được những dấu lạ mà Thầy đã làm. Chúa Giê Su đáp: Quả thật, quả thật Ta nói cùng  ngươi, nếu người nào chẳng tái sanh thì không thể thấy được Nước ĐCT. Nicodemo thưa rằng; Người đã già thì làm sao  sanh ra được ?  Có thể nào vào lòng mẹ lần thứ hai mà sanh ra nữa sao ? Chúa Giê Su nói cách rõ ràng hơn: Quả thật, quả thật Ta nói cùng ngươi: Nếu người nào chẳng  bởi nước và Thánh Linh mà sanh thì không thể vào Nước ĐCT được. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt. hễ chi sanh bởi thần khí mới là thần khí. Chớ lấy làm lạ  vì cớ Ta đã nói với ngươi: Các ngươi cần phải tái sanh. Gió muốn thổi  đâu thì thổi. Người nghe tiếng nó  nhưng chẳng biết nó đến từ đâu và đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thần Khí thì cũng như vậy” ( Ga 3, 1 -8 ).

          Lời Chúa cho thấy có hai …thứ sanh. Một là sanh bởi xác thịt và hai là sanh bởi Thần Khí. Là người, chúng ta không ai lại không sanh bởi xác thịt có nghĩa do  sự cấu hợp của cha mẹ mà  sanh ra. Ngoài việc sanh bởi xác thịt  ấy, còn có việc sanh khác đó là sanh bởi thần khí và để được sanh bởi thần khí thì cần  lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Ơn Chúa Thánh Thần.

          Vạn vật sinh ra, tồn tại và mất đi đó là quy luật muôn thuở của sự sinh diệt. Hễ có sống thì ắt có chết. Có sinh thì ắt có diệt. Mặc dầu vậy riêng với con người vì là loài tánh linh nó lại muốn thoát ra khỏi cái quy luật sinh diệt, diệt sinh ấy để vượt thoát  đến cõi bất sinh bất diệt và đây chính là lý do sự có mặt của tôn giáo.

          Tôn giáo có mặt là  để  thực hiện cái ước vọng  thoát ly sinh tử, bởi đó  cho nên nó không thể bị …đồng hóa với triết học. Giữa triết học và tôn giáo có sự khác biệt triệt để  thế này. Một đàng muốn thâu đoạt tri thức, vì thế đã đánh mất Thực Tại. Một đàng chủ trương loại bỏ tri thức để…đi vào Thực Tại bằng con đường đức tin.

          Bởi không nhận ra sự khác biệt sâu xa ấy, nên các triết gia dù là Duy Lý hay Hiện Sinh   cũng đều miệt thị Đạo Công giáo cho đó là một nền luân lý hủ bại cần  loại bỏ.” Nietzche ( 1844 – 1900 )  cho rằng  các nền luân lý cổ truyền  không nhằm những giá trị hiện sinh nghĩa là không nhằm phát triển những đức tính  của con người tại thế mà chỉ nhắm phát triển những mục đích chê chối và ghét bỏ cuộc hiện sinh. Tóm lại các tôn giáo cũng như nền luân lý cổ truyền  mắc vào tội “ yếm thế”, không biết chân nhận những giá trị của cuộc sống hiện tại   tức cuộc sống tại thế. Đối với những người “  yếm thế” đó, Nietzche bảo rằng thà họ đừng sống nữa vì  sống  để chờ chết như thế là sống thừa:

          “ Tôi muốn nói một lời với những người khinh chê thân xác. Họ không cần thay đổi lời giảng dạy. Nhưng họ nên từ biệt thân xác họ và như vậy họ đã thành câm” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).

          Sự phê phán của Nit thật ra  không phải  không có lý, bởi vì  trước đây do ảnh hưởng của Thuyết Nhị Nguyên ( Dualisme ), người Công giáo vẫn có quan niệm cho  rằng chỉ có linh hồn là…giống thiêng liêng chẳng hề chết. Còn thân xác  là thứ hư hèn, xác đất vật hèn, nay còn mai mất. Chẳng những thế, thân xác còn là nguồn gốc của mọi tội lỗi: Ham mê ăn uống, dâm dục này nọ…

          Thế nhưng sự thật thì thân xác có phải  cái gốc của tội hay không ? Hoàn toàn không phải, bởi như Chúa nói cái gốc của tội ấy chính là tư tưởng: “ Vì từ lòng mà ra những ác tưởng, giết hại, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, chứng dối và lộng ngôn” ( Mt 15, 19 ).

          Tư tưởng chẳng những là cái gốc của tội của phúc mà nó còn chi phối toàn bộ đời sống con người. Đang khi đó thân xác chỉ là dụng cụ để tư tưởng phát huy. Khi ta đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, rửa bát, quét nhà, lái xe  v.v…Tưởng như đó là hành vi của thân xác nhưng thật sự tất cả  đều do nơi tư tưởng. Ta có…nghĩ  đi, đứng, nằm, ngồi  thì  mới… đi, đứng, năm, ngồi  v.v…

          Toàn bộ hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm …đều được quyết định bởi tư tưởng  và đây chính là nguyên lý  Duy Tâm Tạo: “ Tâm là chủ, Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm tạo tác, nói hay làm với Tâm ô nhiễm thì sự khổ sẽ kéo  đến  như bánh xe con vật kéo” ( Kinh Pháp Cú ).

          Có nhận ra nguyên lý “ Duy Tâm Tạo” ấy thì mới có thể hiểu được Lời Chúa khi Ngài nói với Nicodemo về việc Tái Sanh qua Phép Rửa và Ơn Chúa Thánh Thần để…vào Nước Trời. Lý do là vì  Nước Trời ấy là…nước  mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước Trời chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước Trời không đến cách mắt thấy được.  Người ta cũng sẽ không nói được, đây này hay đó kia vì này Nước Trời ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Vấn  đề Nước Trời…ở trong hay…ở giữa hiện nay đang là đề tài nhức nhối của thần học. Theo cách chú giải  TK  Tân Ước  (  Lc  17 từ câu 20 đến 21 ) của Nhóm PVGK  thì họ không chấp nhận Nước Trời…ở trong: “ Có người dịch…ở trong các ông. Nhưng dịch như thế làm người ta hiểu lầm rằng Triều Đại TC chỉ là việc nội tâm và riêng tư. Đối với  Đức Giê Su, Triều Đại TC dành cho toàn dân Chúa và đã là một thực tại đang hoạt động  để cứu độ loài người. Các ông có thể đạt tới   được” ( TK Tân Ước – Tòa TGM giáo phận TP HCM 1994 ).

          Nếu Nước Trời là thực tại đang hoạt động  để cứu độ loài người, các ông có thể đạt tới được  thì cần chi phải…tái sanh như lời Chúa nói ? Thật đúng như  lời Chúa: Ví bằng Ta nói với các ngươi việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin nổi huống chi Ta nói việc thuộc về trời thì các ngươi tin thế nào được ?

          Những việc thuộc về trời thì thế gian trong đó có cả thần học không cách chi hiểu nổi. Tuy nhiên những việc thuộc về trời ấy không phải là những cái chi huyền hoặc, xa rời đời sống. Trái lại nó rất thiết thân với từng mỗi  người bởi chưng đây là lãnh vực của…Tâm.

          Chúa nói mỗi người cần…sanh lại mới vào  được Nước Trời  thì sự sanh lại ấy là sanh trong Chúa Thánh Thần tức vâng theo Thánh ý Chúa mọi nơi mọi lúc “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào Nước Trời được đâu. Nhưng chỉ kẻ nào biết làm theo Thánh Ý Cha Ta mà thôi. Trong ngày đó nhiều người sẽ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà đuổi quỷ sao ? Nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy Ta sẽ công bố với họ rằng: Ta chẳng hề biết các ngươi. Hãy lìa khỏi Ta, hỡi những kẻ làm ác kia” ( Mt 7, 21 -23 )

          Những việc như nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ…đối với người đời đều là những việc lớn lao cả thể. Nhưng với chúa đó lại là…ác. Tại sao vậy ? Bởi vì  những việc ấy đã chỉ được làm bởi “ Cái Tôi”, vì “ Cái Tôi” mà làm.

          Người  đời không ai lại không chấp và làm theo sự dẫn dắt của “ Cái Tôi” và vì thế đã gây nên đủ mọi thứ tội tham lam, dâm dục, si mê, điên  loạn…Bao lâu còn chấp giữ có một  “ Cái Tôi” thì còn gây tội mà đã gây tội  thì không cách chi tránh khỏi khổ đau.

          Mục  đích  xuống thế của Đức Ki Tô là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời  đồng thời truyền dạy con người cần tái sanh để vào nước ấy. Như  đã biết tái sanh là sanh lại trong Chúa Thánh Thần và sự …sanh lại ấy không chỉ diễn ra một lần khi chịu Phép Rửa tội nhưng là trong suốt  cả cuộc đời ngay từ trong  từng niệm tưởng.

          Niệm theo Hán Tự nghĩa là…Nhớ. Nhà Thiền phân ra có ba thứ Nhớ. Một là chánh niệm ( Sati ) tức nhớ nghĩ những điều chân chính mang tính giải thoát. Hai là tà niệm tức nhớ nghĩ những điều tà vạy, bất chính và ba là tạp niệm tức nhớ nghĩ về những điều không thiện, không ác….

          Nhớ cũng có nghĩa là Tâm tạo.Tâm luôn  nhớ nghĩ cái gì sẽ tạo thành ra Nghiệp đó. Nghiệp nhà giáo là do  đã chất chứa những kiến thức về sư phạm. Nghiệp bác sĩ là do đã chất chứa những kiến thức về y khoa v.v…

          Trong lãnh vực tâm linh có hai thứ nghiệp. Một là nghiệp thiện, hai là nghiệp ác. Nghiệp lành do đã chất chứa nơi Tâm những tư tưởng thiện lành. Nghiệp ác do đã chất chứa những tư tưởng xấu, ác. Do đó Nghiệp không phải là cái chi bên ngoài đưa đến mà là do mình tự tạo. Một thiếu niên ban đầu không biết hút thuốc, uống rượu nhưng nghe theo bạn bè xấu rủ rê lôi kéo lâu ngày thành ra nghiện ngập  để rồi thân tàn ma dại mà không biết.

          Vấn đề đặt ra là nếu Nghiệp là do mình tạo. Vậy tại sao không tạo lấy cho mình một thứ Nghiệp lành để hưởng hạnh phúc ?. Đó là vì con người từ muôn thuở đã  bị tấm màn vô minh là Tội  Nguyên Tổ che lấp. Đức Ki Tô đến để phá vỡ tấm màn vô minh ấy hầu cho con người được sống trong sự công chính đích thực: “ Vì bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người  bị định tội thế nào  thì bởi sự vâng phục của một  người  mà mọi người  đều sẽ  được nên công chính cũng thể ấy” ( Rm 5, 19 ).

          Sự vâng phục của Đức Ki Tô  chính là thực thi Thánh Ý Chúa Cha  và đó  là  cái căn nguyên để mỗi chúng ta được nên công chính tức nên Thánh. Tuy nhiên để nên  được Thánh bằng việc thực thi Thánh Ý Chúa  đó, chúng ta không thể không tạo lấy cho mình một…cái Nghiệp.

          Nghiệp  như đã biết chẳng qua được tạo thành là do thói quen được lập đi lập lại. Thế nhưng trong lãnh vực tâm linh  để tạo ra Nghiệp Lành tối thượng thì không thể bằng tập quán thói quen mà cần có sự tỉnh thức trong lời nói, việc làm cũng như trong từng mỗi  niệm tưởng.

          Đời sống của người Công Giáo Việt Nam chúng ta  bề ngoài xem ra vẫn còn…sầm uất, lễ lạc  đầy đủ. Thế nhưng rất có thể  đó chỉ là một thứ ….Đạo Nhà Thờ, ra khỏi nhà thờ là…hết  đạo ?  Mặt khác sống đạo theo kiểu…nhà thờ như thế  thì khó thể tạo cho mình một thứ Nghiệp Lành đúng theo Ý Chúa là Tái Sanh trong Chúa Thánh Thần.

          Để Nghiệp Lành được tạo trong sự tỉnh thức thì nhất thiết cần có phương pháp và kiên trì thực hiện. Phương pháp ấy chính là Phép Lần  Hạt Mân Côi  do  Đức Mẹ truyền dạy. Giá trị của phương pháp này là do nơi  cấu trúc đặc biệt của nó khiến ta có thể nhớ đến Chúa cách liên lỷ nhờ lập đi lập lại Kinh Kính Mừng là lời chào của sứ thần Gabriel mở đầu  Hồng Ân Cứu Độ.

          Nhớ đến Chúa tức là yêu mến Chúa. Luôn nhớ đến Chúa  có nghĩa là yêu mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết ý chí ( Mt 22, 37 ). Chính cái việc kiên trì  suốt đời trong việc thực hành Kinh Mân Côi như thế  đã tạo cho ta  nghiệp lành tối thượng  để  ta được Tái Sanh trong nước Thiên Đàng vinh phúc đời  đời./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts