Dù muốn dù không với thời gian chúng ta cũng sẽ trở thành người già nua hơn trước. Mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm được điều nầy: thời gian đi rất mau. Mới ngày nào chúng ta bước chân vào chủng viện, miệng còn hôi sữa, mặt mày ngơ ngác, đêm đêm nhớ nhà nằm khóc thầm. Thế mà bây giờ lớp chúng tôi đã là những ông cụ già lẩm cẩm, nhiều người đã ra đi. Chúng ta không thể là đứa con nít suốt đời, chúng ta không thể lúc nào cũng chỉ tay về phía cha để đổ tội cho những thất bại của đời mình. Chúng ta phải dám giương vai để gánh lấy trách nhiệm. Chúng ta phải dám giơ hai tay ra để đón tiếp với lòng thương xót bao la các con chúng ta dù chúng nó nghĩ gì về chúng ta và thấy chúng ta như thế nào đi nữa.
Khi những người pharisiêu lẩm bẩm càm ràm Chúa Giêsu đi ăn uống, giao tiếp những người tội lỗi. Chúa kể dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền bị mất. Rõ ràng Chúa Giêsu muốn chứng tỏ Thiên Chúa của Ngài là Thiên Chúa của lòng nhân hậu, vui mừng đón tiếp các con ăn năn trở về. Do đó việc gần gũi với những người không đàng hoàng và ăn chung với họ không đi ngược lại với giáo huấn về Thiên Chúa, nhưng trái lại làm cho lời Chúa thấm nhập trong đời sống hằng ngày chúng ta. Nếu Chúa tha thứ cho những người tội lỗi, thì những người theo Chúa cũng phải biết tha thứ, cũng phải có lòng nhân hậu như vậy.
Bao lâu chúng ta còn thuộc về thế gian nầy, chúng ta buộc phải sống theo cách cạnh tranh, với hy vọng được trả công những gì chúng ta làm, nhưng khi chúng ta thuộc về Thiên Chúa, là Đấng yêu thương chúng ta không điều kiện thì chúng ta nên sống giống như Ngài. Một khi trở về nhà cha và như là con của Ngài, chúng ta có thể giống như Ngài, yêu thương như Ngài, săn sóc như Ngài. Chúng ta được kêu gọi để yêu thương lẫn nhau với một tình yêu đại lượng và nồng ấm. Chúng ta phải yêu thương với lòng trắc ẩn, lòng trắc ẩn không dựa trên cạnh tranh, đây là lòng trắc ẩn tuyệt đối ở đó không có dấu vết hơn thua.
Đức Giêsu cho chúng ta thấy thế nào là tính chất làm con thật sự. Ngài là con út không nổi loạn. Là người con cả không hận thù. Ngài vâng phục hạ mình, nhưng không phải như người nô lệ. Ngài nghe những gì Cha nói nhưng không như một người làm công. Ngài làm tất cả những gì cha yêu cầu, nhưng vẫn hoàn toàn tự do. Đó là tính chất làm con Thiên Chúa và chúng ta được mời gọi để sống ơn gọi làm con ấy.
Năm tháng càng trôi qua, chúng ta càng nhận thấy rằng việc lớn lên trong địa vị làm cha thiêng liêng thật cam go và đầy thách thức. Dù ước muốn theo đuổi những ước muốn tốt đẹp, chúng ta cũng vẫn bắt gặp chúng ta thường xuyên làm việc để chiếm đoạt quyền bính, và một khi đã có được quyền bính trong tay rồi, thay vì dùng để phục vụ, chúng ta lại thích dùng để tỏ quyền uy để thỏa mãn cái cảm giác tâm lý cho mình là quan trọng. Đó chính là lý do đã khiến nhiều chuyện không mấy tốt đẹp đã xảy ra trong nhiều giáo phận hiện nay trên toàn thế giới mà lẽ ra nếu có chút tinh thần phục vụ và khiêm tốn, chúng ta có thể tránh được. Cũng chính vì lý do đó, một khi chúng ta cho lời khuyên, chúng ta muốn lời khuyên phải được theo. Khi chúng ta giúp đỡ, chúng ta muốn được cảm ơn. Khi chúng ta cho tiền của, chúng ta muốn họ dùng như ý chúng ta. Khi chúng ta làm một chuyện tốt, chúng ta muốn họ nhớ đến. Chúng ta luôn luôn lo lắng làm sao để khỏi bị quên lãng, làm sao để tiếp tục một cách nào đó sống trong tâm tư và hành động của những người khác.
Nhưng người cha của người con hoang đàng không lo lắng điều đó. Một cuộc đời dài đầy đau thương đã vét hết mọi ước muốn kiểm soát của ông. Mối ưu tư chính của ông là các con. Ông muốn trao ban hoàn toàn chính mình cho các con và muốn cho các con tất cả những gì ông có. Có thể nào chúng ta cho mà không mong nhận lại, yêu thương mà không đặt điều kiện không? Đây là một cuộc chiến đấu suốt cuộc đời nhưng chúng ta phải cố gắng để vượt thắng vì nếu không chúng ta vẫn mãi mãi là những đứa trẻ con suốt đời không trưởng thành nổi.
Trong dụ ngôn NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG không những người cha cho tất cả những gì anh đòi khi rời nhà mà khi anh trở về, người cha còn cho thêm không biết bao nhiêu tặng phẩm khác. Ông cũng nói với con cả: tất cả những gì của cha là của con. Ông không giữ gì cho riêng mình. Ông dành tất cả những gì mình có cho các con mình. Đối với ông 2 người con là tất cả. Cách đối xử của ông với 2 người con cho thấy rằng những gì ngăn cách giữa địa vị làm cha và làm con bị bỏ lui đằng sau. Đó là hình ảnh một Thiên Chúa mà lòng tốt, tình yêu thương, lòng tha thứ, lòng thương xót, niềm vui, lòng trắc ẩn đều vô bờ. Để trở thành như người cha, chúng ta cũng phải quảng đại như vậy: trao ban tất cả ngay cả chính mình. Trao ban những cái khác tuy khó nhưng vẫn còn dễ hơn, nhưng trao ban chính mình là một điều không dễ, đòi một sự từ bỏ cao hơn. Con cái bóng tối thường dùng sợ hãi, quyền lợi cá nhân, tham lam và quyền lực để thống trị nhưng tình yêu toàn hảo đuổi tan sợ hãi để họ có thể cho người khác tất cả những gì họ có. Mỗi lần chúng ta tiến bước trên con đường quảng đại là chúng ta bước từ sợ hãi qua tình yêu. Đây là một bước rất khó khăn bởi vì có nhiều tình cảm và cảm xúc kiềm giữ chúng ta lại không cho chúng ta trao ban cách tự do. Nhưng chữ quảng đại tiếng anh là generosity, tiếng la tinh là genus: cùng thuộc một giống nòi. Lòng quảng đại là một ơn đến từ sự nhận biết mối liên hệ mật thiết nầy. Vậy đau khổ, tha thứ và quảng đại là 3 con đường, nhờ đó hình ảnh người cha có thể lớn lên trong chúng ta.
Là người cha, chúng ta phải tin rằng tất cả những gì quả tim con người ước muốn đều có thể tìm được ở nhà. Là cha, chúng ta phải thoát khỏi ước muốn tìm kiếm lại những gì mà chúng ta nghĩ chúng ta đã thiếu trong tuổi thơ. Là cha, chúng ta phải biết tuổi trẻ của chúng ta đã chấm dứt và tìm cách trẻ lại là một cám dỗ lố bịch che dấu chúng ta sự thật nầy: chúng ta đã già rồi. Là cha, chúng ta phải dám mang trách nhiệm của một người trưởng thành và dám tin rằng niềm vui chân chính, sự phát triển thật sự chỉ có thể đến khi chúng ta đón tiếp về nhà những ai đã từng bị tổn thương trong cuộc sống, và yêu thương họ bằng một tình yêu không chờ đáp trả. Trong trạng thái hoàn toàn không phán xét, chúng ta sẽ làm nẩy sinh một lòng tin tưởng có sức giải phóng hơn nơi những đứa con của chúng ta.
Đến đây, chúng ta đã nhìn thấy tình yêu, tha thứ, hòa giải và chữa lành. Chúng ta cũng nhìn thấy sự vững tâm, sự bình yên của cuộc trở về. Chúng ta cũng đã cảm thấy xúc động sâu xa trước hình ảnh người cha ôm con mình cách sống động này. Vì thế, trong chúng ta cũng dấy lên một ước muốn nồng nhiệt được đón tiếp như người con hoang. Chính cuộc gặp gỡ nầy khơi nguồn cho sự trở về của mỗi người chúng ta.
Để kết thúc, tôi muốn mượn câu chuyện CÂY ROI TRONG MỤC VỤ của linh mục Ngô phúc Hậu một lần nữa xác tín rằng: chỉ có Tình Thương mới có một sức mạnh lớn lao thay đổi con người từ xấu thành tốt, từ tội lỗi trở nên thánh thiện, từ con người chai đá trở nên con người mềm yếu, từ con người khô khan nguội lạnh trở nên con người hăng hái nhiệt thành.
– Sáng nay mình dâng lễ tại nhà ông Hai Hiếu. Ông Hai ở giữa lương dân, thậm chí cả vợ và con cháu của ông cũng là lương dân. Ông “nghỉ đạo” 70 năm rồi. Trong chuyến viếng thăm lần trước, mình đã tìm hiểu nguyên nhân nghỉ đạo của ông.
– Tại sao ông Hai nghỉ đạo lâu thế?
– Hồi xưa con ở Trà Lồng. Có một lần con đi lễ trễ, bị ông Cố Quimb-rôtz bắt nằm xuống, đánh một trận chảy máu đít. Con sợ, con giận, con bỏ đạo luôn cho tới bây giờ. Hồi ấy con mới có 19 tuổi.
– Tại sao ông Hai đi lễ trễ vậy?
– Thì nhà con ở sâu trong ruộng, con đi sớm không được.
– Bây giờ ông Hai còn giận không?
– Hết rồi.
– Bây giờ ông Hai trở lại nhá.
Ông Hai xưng tội nhệu nhạo cùng với dòng nước mắt.
Cha Quimb-rôtz là một linh mục có tài kinh bang tế thế. Chính cha đã từng có mặt trên mảnh đất Cái Rắn này vào cuối thập niên hai mươi và đầu thập niên ba mươi. Chính cha đã mua lại căn nhà lầu của ông Tòa Sửu để làm nhà xứ Cà Mau, nơi mình đã ở 19 năm trời. Cuộc đời của cha được thế hệ đàn anh đúc kết như sau: năng nổ và nóng nảy như ông Lỗ Trí Thâm trong “Thủy Hử”. Chính vì thế, cha Quimb-rôtz đã cai trị bằng ngọn roi. Với ngọn roi mây, cha tạo được những họ đạo nề nếp, trật tự, rất đẹp mắt.
Nhưng cũng với ngọn roi mây ấy, cha đã đánh bật một tin đồ ra khỏi nhà thờ. Người tín đồ ấy đi lang bạt kỳ hồ từ năm 19 tuổi cho tới năm 89 tuổi mới có cơ may trở về với Chúa. Ngọn roi mây có điểm ưu và khuyết, nhưng bên nào nặng, bên nào nhẹ, thì mình chưa dám khẳng định. Mình liên tưởng đến những công trình lớn như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc và Kim Tự Tháp của Ai Cập.
Ngày nay khách du lịch trầm trồ khen ngợi những công trình vĩ đại của thời xưa ấy, mà quên phắt đi rằng: để đạt được công trình vĩ đại, các công trình đã phải trả giá bằng hằng triệu lần vi phạm nhân quyền và chà đạp nhân phẩm. Người ta đã phải dùng tới hàng triệu ngọn roi, để xây Vạn Lý Trường Thành và Kim Tự Tháp. Vậy thì lời hay lỗ?
Nếu lấy sự nghiệp làm trọng, thì thế là lời, lời lớn.
Nếu lấy con người làm trọng, thì thế là lỗ lớn, là phá sản.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy rõ: Tội lỗi được cứu chữa bằng tình thương chứ không phải lên án. Chính vì thế trong đời sống mục vụ, chúng ta hãy lấy tâm tình của một người cha nhân hiền đối xử với những đứa con mình, cho dẫu chúng có xấu xa hư đốn thế nào thì tình thương của Thiên Chúa vẫn luôn rộng mở đôi tay để chờ đợi chúng trở về.
Một đêm cúp điện, trời tối. Người chồng đem chiếc đèn dầu ra để thắp sáng. Chiếc đèn đã quá cũ. Bóng đèn bám đầy khói. Tim đèn không còn nhạy. Người chồng bực bội quăng chiếc đèn dầu vào xó, và tìm một cây nến thay thế.
Tuần sau lại cúp điện. Người vợ châm lửa vào một chiếc đèn dầu xinh đẹp. Ánh sáng tỏa ra rất ấm cúng.
Người chồng ngạc nhiên hỏi vợ: “Em mới mua chiếc đèn này hả? Bao nhiêu tiền?” Người vợ cười đáp: “Chẳng tốn bao nhiêu cả, vì đó là chiếc đèn cũ. Chỉ tốn thời giờ thôi. Em đã lau chùi bóng đèn, vuốt lại tim đèn. Thế là nó có thể sử dụng tốt lại như trước”.
Quẳng đi món một đồ hư thì dễ hơn sửa nó lại. Đối với con người cũng thế. Dán lên con người lầm lỗi một nhãn hiệu rồi quẳng họ đi thì dễ. Nhưng làm thân với họ, tìm hiểu họ, rồi giúp họ thay đổi là một việc khó hơn. Nhiều người không tin rằng con người có thể sửa đổi, vì thế họ không cho kẻ tội lỗi có cơ hội sửa đổi. Một nền văn minh không tin vào sự cứu rỗi là một nền văn minh không có hy vọng và đưa đến chỗ chết. Tội lỗi chỉ có thể được cứu chữa bằng yêu thương. Kết án không mang lại sự cứu thoát mà chỉ đẩy con người đi đến chỗ diệt vong mà thôi.
REV. PETER LÊ VĂN QUẢNG, TIẾN SĨ TÂM LÝ.
THẢO LUẬN
- HÔN NHÂN LY DỊ (Chưa tái hôn)
- VẤN ĐỀ TỰ TỬ (Thánh lễ an táng)
Câu hỏi gợi ý:
- Đối với những người tội lỗi, thái độ xa tránh để trừng phạt họ và thái độ gần gũi yêu thương họ, với bạn thái độ nào có tác dụng cảm hóa họ nhiều hơn? Vậy phải làm gì?
- Với bạn, sức mạnh của tình thương hay sức mạnh của cây roi (hình phạt) cái nào mang lại ảnh hưởng tốt đẹp hơn trong vấn đề mục vụ? Vậy phải làm gì?