Người Công Giáo sống niềm hy vọng

          Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng không thể  không có cho mình niềm hy vọng. Người ốm đau bệnh hoạn hy vọng gặp thầy gặp thuốc  được khỏi bệnh. Người mua sổ số hy vọng…trúng độc đắc để được giàu có sung sướng. Thậm chí người bị án tử hình cũng hy vọng  ân xá v.v….

          Có thể nói hy vọng làm cho đời sống trở nên…đáng sống. Ngược lại không có hy vọng thì đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Những người tìm đến cái chết chính là vì họ đã  không còn có hy vọng  chi  ở đời sống này !

          Mặc dầu con người không thể sống mà không có hy vọng. Thế nhưng vấn đề cần đặt ra đó là… đối tượng của niềm hy vọng. Nếu người bệnh chỉ hy vọng hết bệnh thì rồi sẽ ra sao. Hết bệnh có hết khổ hay không ? Người mua sổ số dù có trúng độc đắc thật nhiều tiền, liệu chừng  có thể sống sung sướng hạnh phúc hay không ? Kẻ tử tù  được ân xá  như vậy  rồi có thoát khỏi cái chết hay không ?        Hy vọng một khi không được đặt đúng chỗ thì chẳng những khổ vẫn…hoàn khổ mà còn…khổ thêm bởi chưng khi ấy người ta  đã để mất đi niềm hy vọng.

          Báo chí, truyền thông mấy ngày qua cho thấy cảnh những người dân Honduras khốn khổ, bằng đủ mọi phương tiện, kể cả …đi bộ vượt hàng ngàn cây số quá cảnh  Mexico với hy vọng có thể vào nước Mỹ mặc cho tổng thống Donald Trump đã phải đóng cửa biên giới và đe dọa sử dụng biện pháp mạnh kể cả…bỏ tù.

          Vào được nước Mỹ đó không phải chỉ là hy vọng của những người Honduras nghèo đói, thất nghiệp, đất nước bị nạn tham nhũng hoành hành mà là của rất nhiều người trên khắp thế giới. Lý do khiến người ta muốn được vào đất Mỹ bởi họ tưởng nơi đó giống như một thứ Thiên Đàng trần gian hoặc chí ít đó cũng là một quốc gia giàu có thịnh vượng bậc nhất với chế độ an sinh xã hội ưu việt v.v….

          Thế nhưng thực tế thì sao ? Theo số liệu được cơ quan thống kê Mỹ công bố hồi tháng 9/2017, hơn 40 triệu người tức hơn 1/8 dân số Mỹ đang sống trong cảnh nghèo đói. Hơn một nửa trong số họ đang sống ở mức rất nghèo với thu nhập thấp hơn một nửa so với ngưỡng nghèo. Những người nghèo đa số nằm trong nhóm sắc tộc thiểu số. Song đáng lưu ý số lượng người người nghèo da trắng lại nhiều hơn người Mỹ gốc Phi” ( Nguồn Vietnamplus – 16/12/2017 – LHQ cảnh báo tình trạng đói nghèo tại Mỹ đang ở mức báo động.).

          Tình trạng nghèo đói ở Mỹ theo như cảnh báo của LHQ thật ra đó mới chỉ là một khía cạnh. Ngoài ra còn tình trạng người dân xứ ấy phải thường trực sống trong cảnh bất an với nào là khủng bố nào là bắn giết hàng loạt kể cả học sinh nơi các trường học. Rồi thì  siêu bão, cháy rừng khủng khiếp….

          Nghèo đói, bệnh tật, xã hội bất an v.v….Tất cả những điều ấy  dẫu sao người ta vẫn hy vọng sẽ có ngày giải quyết. Thế nhưng có một vấn đề sẽ không bao giờ có thể  đó là thực tại khổ đau ở cõi thế gian này.

          Có tám nỗi khổ không  ai có thể tránh đó là: Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Yêu  thương  phải xa lìa. Oán cừu không muốn gặp lại gặp. Cầu mong  không được  và cuối cùng là sự mê lầm về thân, tâm.

          Trong tám nỗi khổ thì khổ vì mê lầm thân, tâm là sâu nặng nhất và đồng thời cũng chính vì sự mê lầm ấy con người đã không thể nhận ra đúng đối tượng của niềm hy vọng.

          Cũng bởi vì mê chấp xác thân nên mới hy vọng khỏi bệnh  và  khi không khỏi lại sinh thất vọng mà không biết rằng bệnh tật chính là dịp để cho ta nhận ra sự mong manh của sinh mạng  mình.

          Cũng bởi vì mê nên mới  hy vọng sự giầu sang phú quý mà không biết rằng chính sự giàu sang phú quý  là  trở ngại lớn cho sự giải thoát.

          Cũng bởi vì mê nên mới hy vọng thoát khỏi…án chết và khi không thoát lại tuyệt vọng mà không biết rằng chết là quy luật của muôn đời.

          Người Công giáo cũng là những con người mang nơi mình niềm hy vọng nhưng khác với đời ở chỗ đối tượng của niềm hy vọng ấy đặt  trong đời sau  bất diệt “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh  em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một Phép Rửa, một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).

          Người Công giáo được ơn kêu gọi sống niềm hy vọng nhưng để có thể…sống niềm hy vọng ấy thì điều cần thiết nhất là phải có đức tin. Tại sao ? Bởi vì niềm hy vọng ấy đặt trong đời sau chứ không phải đời này “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng  nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).

          Hy vọng  điều mình chưa thấy và điều chưa thấy đó chính là Nước Thiên Đàng đời đời. Lý do khiến chúng ta tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng là vì đã  căn cứ vào lời hứa của Đức Ki Tô “ Lòng các ngươi chớ bối rối. Đã tin ĐCT  thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để  sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại để tiếp các ngươi về với Ta. Hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

          Chúa không bao giờ  lại đi hứa cái điều…không có. Một khi Ngài  hứa sẽ đón tiếp  chúng ta vào Thiên Đàng thì ắt nhiên là phải có Thiên đàng. Tin có Thiên Đàng đồng thời nguyện ước thiết tha được về sinh sống ở nơi ấy. Đó là tất cả niềm hy vọng của người Công Giáo chúng ta.

          Mặt khác lời hứa của Chúa  cũng chính là Đại Nguyện Cứu Độ của Ngài. Đại Nguyện ấy dành cho hết thảy mọi người nhưng đặc biệt là những kẻ tội lỗi yếu hèn “ Vì Ta đến không phải  để kêu gọi người công chính bèn là kẻ có tội” ( Mt 9, 13 ).

          Tại sao Chúa đến không để kêu gọi kẻ công chính nhưng là kẻ tội lỗi ? Bởi vì người công chính ỷ lại vào công đức của mình nên thiếu lòng tin. Đang khi đó kẻ tội lỗi biết thân phận mình nên khi được Chúa kêu gọi liền đặt trọn niềm tin vào Ngài.

          Đức tin là điều trọng yếu của Đạo. Thế nhưng nó cần phải có việc làm và việc làm ở đây chính là lòng kiên trì cầu nguyện “ Ngài lại phán cùng họ rằng: Ai trong các ngươi có bạn hữu nửa đêm đến nói rằng: Bạn ơi ! Cho tôi mượn ba ổ bánh vì bạn hữu tôi đi đường xa  mới tới không có chi đãi người mà người ở trong nhà đáp lại rằng: Chớ quấy rầy tôi, cửa đóng rồi, con cái tôi cùng tôi đều đã nằm trên giường, tôi không thể dậy được để cho bạn đâu. Ta nói cùng các ngươi: Dẫu người ấy không chịu dậy cho vì cớ người kia là bạn hữu mình nhưng bởi sự quấy rầy của bạn chắc sẽ dậy cho bạn đủ số cần dùng. Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin sẽ cho. Hãy tìm sẽ gặp. Hãy gõ sẽ mở cho” ( Lc 11, 5 -9 ).

          Việc cầu nguyện luôn bao hàm hai yếu tố: Một là Cầu, hai là Nguyện. Chỉ có cầu xin ơn này ơn khác mà không có Nguyện, điều ấy không thể đẹp lòng Chúa. Lý do là vì Đại  Nguyện của Chúa muốn cứu giúp ta mà ta lại không Nguyện Về  thì làm sao Ngài có thể cứu ?.

          Nguyện về bên Chúa đó là mục đích cốt yếu của việc cầu nguyện. Tuy nhiên để có thể kiên trì trong cầu nguyện là điều rất khó nếu không có ơn Chúa và ơn Chúa ấy  được thể hiện qua hai phương thế thực hành. Một là Kinh Mân Côi và hai là Bí Tích Thánh Thể.

          Cả hai phương thế này có sự liên quan mật thiết với nhau. Chuyên cần thực hành Kinh Mân Côi giúp ta ngày càng có lòng tin nơi Bí Tích Thánh Thể. Ngược lại Thánh Thể lại giúp ta có được lòng kiên trì cầu nguyện. Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy có mục đích sâu xa để  ta nhận biết Chúa Giê Su, Con Chí Thánh của Mẹ. Nhận biết và yêu mến Chúa Giê Su đó chẳng phải là niềm hy vọng lớn lao của mỗi người chúng ta sao ?

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts