NGƯỜI  CÔNG  GIÁO  SỐNG  THỜI…GIÃN  CÁCH

            Quả thật, chưa bao giờ kể cả trong thời chiến tranh khốc liệt, người dân Sài Gòn lại phải sống trong tình cảnh hoang mang, lo lắng như  thời…giãn cách này. Nhà nhà cửa đóng then cài, đường sá vắng hoe, thành phố bị cô lập, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chợ búa không họp; các  chùa chiền, nhà thờ, thánh thất vắng bóng  tín đồ lai vãng !

            Đọc trên mạng thấy có người nói: Sài Gòn hoa lệ, nhưng hoa chỉ dành cho người giàu còn…lệ là của người nghèo. Theo tôi thì câu này có phần đúng nhưng cũng có phần không đúng. Tại sao ? Bởi vì người giàu  có thể không mấy lo về cái ăn cái mặc  nhưng  vẫn bị bức bách  do sự giãn cách, không được tự do đi lại, không có những tụ điểm vui chơi, giải  trí v.v…Còn người nghèo thì  cái lo trước mắt là bị thất nghiệp, không có cái ăn hàng ngày, con cái nheo nhóc, vợ chồng cắn cấu nhau…

            Thế nhưng trên tất cả những cái lo toan ấy  cả người giàu lẫn người nghèo  đều có một mối lo chung đó là sự bất an, không biết tương lai rồi sẽ ra sao ? Xét cách sâu xa  thì lo về tương lai đó  là…lo về cái chết của chính mình ! Cái chết  đối với mỗi người, tuy rất mơ hồ nhưng  ai cũng sợ.

            Sợ cái chết  dù nó chưa đến  là điều tưởng như phi lý. Tuy nhiên cũng chính vì cái nỗi sợ  đó mà đã làm nên tôn giáo. Ngược lại giả như không  có cái chết  thì cũng chẳng làm gì có…tôn giáo ?

            Bởi cái chết đã làm nên tôn giáo, thế nên chúng ta thấy ngay từ thời tối cổ cho đến ngày nay, tôn giáo luôn xuất hiện  với đủ mọi  hình thức tín ngưỡng  kể cả ở nơi những người tự nhận là duy vật vô thần…

            Tôn giáo khác với triết học ở chỗ, một đàng  mục đích là để giải quyết cái chết, một đàng là để truy nguyên nguồn gốc  sinh thành  vũ trụ, vạn vật. Phải chăng cũng chính vì không nhận ra sự khác biệt ấy  nên Đạo Công Giáo xét trên phương diện thần học đã không còn là Con Đường Thực Hiện Tâm Linh để đi vào Con Đường Tục Hóa, chỉ biết lo cho cái đời này  thôi ?

            Chính vì mục đích của tôn giáo là để…lo cho cái chết thế nên Đức Ki Tô  nói: “  Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết Chúa các ngươi đến nhằm ngày nào. Nhưng hãy biết điều này, nếu chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm đến  thì tỉnh thức không để cho nó đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy nên các ngươi hãy chực sẵn. Vì  Con người đến trong giờ các ngươi không ngờ” ( Mt 24, 42 -44 ).

            Có điều nghịch lý,  ai cũng sợ chết nhưng lại sống như mình…không bao giờ chết. Bởi nghĩ mình không bao giờ chết hoặc còn lâu mới chết  thế nên mới lo lắng cho sự nghiệp tương lai không những cho mình mà còn cho cả con cái cháu chắt…Lại nữa  cũng  bởi  nghĩ mình không bao giờ chết  nên mới mặc tình ăn chơi thỏa thích hoặc liều lĩnh nghĩ rằng  chết…là hết chuyện có gì phải lo ?

            Rất ít người biết lo cho cái chết của chính mình ngoại trừ  bậc Thánh nhân: “ Ngày kia, tại thành La mã, thánh Philliphe Nery  gặp một chàng trai trẻ khôi ngô, thông minh tên là Phan Xi Co Dacdera, một người say mê danh vọng, thánh nhân đã nói cùng chàng trai trẻ đó rằng: Hỡi con, ta thấy con đam mê quyền cao chức trọng. Con được làm một trạng sư nổi tiếng…rồi có thể làm giám mục, có khi cả giáo hoàng nữa, ai biết ? Rồi còn cái gì nữa ? Phan Xi Co đã suy nghĩ thật nhiều về lời nói đó “ Còn cái chi nữa ?” Cuối cùng chàng bị khuất phục để rồi từ bỏ mọi sự, hiến thân theo Chúa” ( Thánh An Phong – Đường Rỗi Linh Hồn ).

            “ Rồi còn gì nữa ?” Đó là câu hỏi nhất thiết cần đặt ra cho mỗi người. Những ai không đặt ra câu hỏi ấy cho  mình và tìm  phương  giải quyết thì đời sống ấy quả thật vô nghĩa.  Nhà văn Albert Camus nói những người sống như thế  thì chẳng khác nào  sống mà như đã chết rồi. Họ chỉ biết lo cho đời sống này nào nhà cửa, vợ con, cơm ăn, áo mặc. Người nghèo  thì suốt đời lao nhọc. Còn người giàu  thì mải lo làm giàu mà chẳng nghĩ giàu có như thế để chi, chết có mang theo được không ?

            Trong cơn đại dịch nguy khốn này thì những mối lo lắng ấy còn tăng gấp nhiều lần, việc nhiễm  bệnh chẳng biết lúc nào, suốt ngày phải khư khư cái khẩu trang…bịt mũi, bịt miệng. nghe ai bày cái gì thì vội làm ngay: Uống  nước gừng, xả, nhỏ nước muối vào mũi ngày nhiều lần v.v…

            Chỉ vì sợ chết mà ai  mách bảo cái gì cũng vội làm ngay. Duy có điều cần, Chúa dạy hãy sẵn sàng tỉnh thức thì lại không làm ! Làm sao để có thể sống tỉnh thức trong cơn đại dịch ?

            Tỉnh thức có nghĩa là …biết rõ từng hành vi của mình. Đi thì biết là đi, đứng thì biết là đứng, nằm thì biết là nằm, ngồi thì biết là ngồi. Tóm lại trong tất cả mọi oai nghi, mình đều biết rõ, trái lại là …mê.

            Người đời không ai là không sống trong mê  tức  sống với vọng tưởng, chợt nghĩ về quá khứ, tương lai mà không sống trong hiện tại. Đang khi đó chính giây phút hiện tại ấy mới là  …sống. Điều này ví như  bánh xe quay tròn, cái hiện tại chính là điểm tiếp xúc của bánh xe với mặt đất, nó chỉ diễn ra trong giây phút ngắn ngủi. Cái điểm bánh xe chưa lăn tới  là tương lai còn cái điểm đã lăn qua thuộc về quá khứ.

            Người ta ai cũng nghĩ  mình sống bằng, sống với thân xác  nhưng không phải vậy, chúng ta sống bằng, sống với tư tưởng mình. Có nghĩ tới  ăn mới…ăn. Có nghĩ đi sang bên phải thì mới đi sang bên phải, nghĩ đi sang bên trái mới đi sang bên trái v.v…

            Tư tưởng không những là cái quyết định cho mọi hành vi mà còn cho cả đời sống tâm linh.  Có luôn nghĩ về điều thiện thì mới có thể làm được điều thiện. Trái lại cứ nghĩ về điều ác, tất sẽ làm ác…

            Chính tư tưởng quyết định cho mọi việc thế nhưng vì bản chất  u mê, ám chướng, con người không làm chủ được mình. Thánh Phao Lô nói: “ Vậy tôi thấy trong tôi  có luật này: Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn vui thích luật pháp của ĐCT. Nhưng tôi thấy trong tôi có một luật khác chiến đấu  với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi  làm nô lệ của tội lỗi vẫn ở trong  chi thể tôi. Ôi ! Tôi là kẻ khốn nạn dường nào. Ai  sẽ giải thoát tôi ra khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ ĐCT, nhờ Đức Giê Su Ki Tô, Chúa chúng ta” ( Rm 7, 21 -25 ).

            Điều tôi muốn lại không làm còn điều không muốn …lại làm. Tất cả là do không làm chủ được mình. Đang khi đó muốn làm chủ mình thì phải  sẵn sàng tỉnh thức nhất là trong  cái gọi là…giãn cách này. Muốn đi  chợ thì phải có giấy phép, mỗi tuần chỉ đi được 02 lần v.v… Cái sự…giãn cách ấy không những hạn chế người ta đi lại, gặp gỡ nhau  mà còn khiến người Công Giáo không được đến gặp gỡ với Chúa Giê Su Thánh Thể  là Đấng  có lời hứa…ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế( Mt 28, 20 ).

            Xưa nay đức tin của người Công Giáo  vẫn cho rằng  Chúa Giê Su chỉ… ngự trong Nhà Tạm nơi nhà thờ và vì thế chúng ta đi lễ, rước lễ  nhiều khi chỉ là một thứ hình thức  mà không cảm nghiệm được  gì ! Đang khi đó Chúa lại mong muốn luôn được…ở cùng với con cái luôn luôn: “ Về phần anh em há không biết rằng Chúa Giê Su Ki Tô là Đấng ở trong anh em sao ?” ( 2C 13, 5 ).

            Hình thức là điều  không thể thiếu nhưng nếu chỉ có cái hình thức thôi thì điều ấy  chẳng thể đem lại lợi ích gì về mặt tâm linh. Ơn ích thật sự  Chúa Giê Su muốn đó là qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài muốn được…ở cùng với mỗi một người  chứ không phải chỉ…ở trong các Nhà Tạm.

            Trong cơn đại dịch đang hoành hành trên khắp thế giới hiện nay thì việc đóng cửa các nhà thờ  để…giãn cách xã hội là điều không tránh khỏi  nhưng không vì thế  Chúa Giê Su không thể đến được với các tâm hồn. Đức tgm Giu Se  Nguyễn Năng nói: “ Chúng ta đóng cửa các nhà thờ  chứ không…đóng cửa lòng”

            Như vậy, vấn đề ở đây không phải là đóng cửa nhà thờ nhưng là…đóng cửa lòng. Thật vậy một khi đã đóng cửa lòng thì dù nhà thờ có mở hàng ngày thì cũng chẳng ơn ích gì, Chúa Giê Su chẳng thể làm được gì cho ta.

            Cần…mở cửa lòng ra  để …đón Chúa, thế nhưng trong thời giãn cách này, mọi sự dường như đều trở ngại  đối với người Công Giáo: Không được đến nhà thờ  để lãnh nhận các Bí Tích, không được nghe Tin Mừng của Chúa, các hội đoàn ngưng hoạt động, không có công tác Tông Đồ v.v…

            Những điều  bất lợi cho việc sống đạo như thế  chắc chắn không khỏi không ảnh hưởng đến đức tin và lòng đạo ?  Nhưng như Thánh Phao Lô nói, dù trong những  lúc khó khăn  hay  trót sa ngã cũng hãy trông cậy ở nơi Chúa: “  Ơn Ta đủ cho ngươi vì sức mạnh của Ta được biểu lộ hoàn toàn trong sự yếu  đuối” ( 2C 12, 9 ).

            Trong cơn đại dịch kéo dài hết đợt này đến đợt khác, đức tin của người Công Giáo  hầu như bị chao đảo, dường như Chúa  không còn hiện hữu để mặc cho Sa Tan và bè lũ hoành hành, các  tiên tri giả  nổi lên lừa dối  cả những người  vốn  xưa nay…ngoan đạo v.v…Lời Chúa hứa:  “Cửa Hỏa Ngục chẳng thể thắng  ( Mt 16, 18 ) không biết có …hiệu nghiệm hay không  ?

            Sợ hãi với cơn đại dịch chẳng qua cũng chỉ là…sợ chết. Thế nhưng dù có sợ  thì cũng chẳng giải quyết được gì, chi bằng hãy đón nhận nó với sự tỉnh thức. Ai ai rồi chẳng phải chết nhưng chết rồi…đi  đâu đó mới là vấn đề !

            Lời đáp cho vấn đề chết rồi đi đâu hoàn toàn có thể  giải quyết cách dễ dàng lại bảo đảm chắc chắn bằng Kinh Mân Côi. Hãy  quyết tâm thực hành kinh nguyện này cho mình và gia đình với tất cả lòng sùng mộ và đơn sơ  phó thác  ngay trong ngày hôm nay: “ Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” ( Tv 39, 9 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts