Càng ngày số người tin vào Thuyết Luân Hồi kể cả người Công Giáo càng nhiều “ Qua một cuộc điều tra thực hiện tại Achentina trong giới Công Giáo, viện Gallup cho biết có 33% người tin vào sự Luân Hồi. Tại Âu Châu có 40% dân số rất tin vào sự Luân Hồi này. Tại Brazin có 70% dân số tin là họ đang được đầu thai. Vì thế niềm tin vào sự luân hồi đã làm thành một hiện tượng lan tràn khắp thế giới. Từ đó ai ai cũng chú tâm vào vấn đề này. Nhiều đài phát thanh, truyền hình, nhật báo, tạp chí và cả rạp chiếu bong cũng lien tục phát tán không công về vấn đề luân hồi này” ( Nguồn: Học viện Đa Minh – Ariel Alvarez Valdes – Kinh Thánh nói gì về sự luân hồi ).
Nhiều người vẫn nghĩ Luân Hồi xuất phát từ Đạo Phật. Thế nhưng không phải vậy. Dù niềm tin vào Luân Hồi còn rất mơ hồ nhưng nó đã bang bạc khắp nơi trên thế giới từ Đông phương tới Tây phương qua các tôn giáo cổ đại như Ai Cập, Babilon, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo v.v… Nhà triết học Schopenhauer đã ghi nhận rằng các dân tộc Mỹ Châu da đen và cả người Úc Châu cũng đã biết khá nhiều về luân hồi. Giáo phái Hồi ở Hindoustan ( giáo phái Bohrahs ) đã rao giảng về Thuyết Luân Hồi cũng như cổ xúy vấn đề ăn chay không ăn thịt. Một số lớn dân vùng hoang đảo, những người dân Fijii cũng tin vào luân hồi ( Nguồn Đoàn Văn Thông – Tiền Kiếp và Hậu Kiếp ).
Luân Hồi không những là tín ngưỡng của nhiều tôn giáo mà còn được các triết gia lớn như Pythagor, Platon…đề xướng trong các tác phẩm của mình. Nhìn nhận như thế để cho thấy niềm tin vào Luân Hồi chẳng những mang tính phổ quát mà còn được giới triết gia hâm mộ…
Vấn đề đặt ra ở đây đó là niềm tin vào Luân Hồi có thực sự trái ngược với Kinh Thánh nói chung và Đạo công Giáo nói riêng hay không ? Theo nhiều người hiện nay thì họ không sao chấp nhận được Luân Hồi vì nó hoàn toàn trái với giáo lý của Giáo Hội “Mỗi người lãnh nhận trong Linh Hồn bất tử của mình phần trả công muôn đời cho mình ngay sau khi chết trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Ki Tô để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện. Hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời. Hoặc lập tức bị án phạt muôn đời” ( GLGHCG Số 1023 ).
Giáo lý Công Giáo dạy rằng con người được Thiên Chúa phú cho một linh hồn bất tử và chỉ có một kiếp sống mà thôi, không còn kiếp sống nào khác. Nếu quả thật niềm tin ấy là đúng thì làm sao có thể giải thích được các vấn nạn rất ư quan hệ đến cuộc sống tâm linh. Chẳng hạn như con người bởi đâu sinh ra ? Chết rồi đi đâu ? Do đâu mà có khổ đau ? v.v…
Nếu bảo rằng Thiên Chúa phú cho con người linh hồn bất tử thì linh hồn ấy có từ lúc nào, phải chăng từ khi mới đầu thai trong lòng mẹ ? Lại nữa một khi Thiên Chúa đã phú cho linh hồn bất tử thì hết thảy linh hồn của con người phải giống hệt như nhau có nghĩa đều sáng láng tốt lành ?
Ấy vậy mà thực tế chẳng phải như vậy, có người ngay từ khi mới sinh ra đã được đầy đủ sung sướng cả về thân thể lẫn trí năng. Trái lại có người sinh ra trong bất hạnh, tật nguyền, thiểu năng trí tuệ v.v…Chẳng lẽ Thiên Chúa lại có thể …bất công như vậy sao ?
Lại nữa nếu cho rằng con người bị giới hạn chỉ trong một kiếp sống cực kỳ ngắn ngủi so với vô biên này thôi mà lại bị phán xét công tội để rồi bị đọa đày trong Hỏa Ngục đời đời hoặc hưởng hạnh phúc bất tận trên Thiên Đàng thì thật không sao hiểu được ?
Người Công Giáo sở dĩ không chấp nhận Luân Hồi vì nó trái với giáo lý. Tuy nhiên đấy mới chỉ là một lý do. Nhưng còn một nguyên nhân sâu xa khác đó là tin vào Luân Hồi có nghĩa là đã chối bỏ…Đấng Tạo Hóa, trong khi đó chối bỏ Đấng Tạo Hóa là tội lớn nhất của loài thụ tạo: Thiên thần bị thành quỷ. Loài người phải đau khổ và phải chết. Có hàng tỷ bằng chứng buộc chúng ta phải tin có Đấng Tạo Hóa” ( Nguồn: Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót Liên Giáo Phận – Nguyễn Hy Vọng – 10 Sai Lầm của Thuyết Luân Hồi ).
Tin có Đấng Tạo Hóa chẳng những không bao giờ có thể chấp nhận Thuyết Luân Hồi mà còn bác bỏ lẽ Nhân Quả Báo Ứng. Sao có thể nói thế ? Bởi vì với quan niệm Tạo Hóa này thì tất cả mọi sự mọi vật đều do Tạo Hóa sinh ra. Tạo Hóa quyết định hết kể cả đau khổ cũng như hạnh phúc của con người.
Vì những quan niệm sai lầm ấy thế nên để có thể chấp nhận Thuyết Luân Hồi thì điều kiện tiên quyết là phải thoát ra ngoài quan niệm Đấng Tạo Hóa. Tại sao ? Bởi vì đó chỉ là một quan niệm thần học nó không hề dính dáng chi đến một Đấng Thiên Chúa Cứu Độ là Đấng muốn độ thoát con người bằng Con Đường Tình Yêu “ Vậy nên phải nhận biết rằng Giehova ĐCT ngươi ấy là ĐCT thành tín, giữ sự Giao Ước và nhân từ đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến, vâng giữ các giới răn của Người và báo ứng nhãn tiền cho những kẻ nào ghét bỏ Người mà hủy diệt chúng nó đi. Người chẳng trì hoãn cùng những kẻ ghét bỏ Người đâu. Sẽ báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ấy” ( Đnl 7, 9 -10 ).
Yêu mến Thiên Chúa thì được sống, ghét bỏ thì phải chết. Đây là cái lẽ nhân quả báo ứng xét trên phương diện tâm linh. Còn về lẽ nhân quả nói chung dành cho cả giới hữu tình lẫn vô tình thì có thể nói nó là một với Luân Hồi. Thật vậy Luân Hồi dịch ở tiếng Phạn là Samsara nghĩa là sự lưu chuyển. Theo Hán Tự thì Luân là bánh xe còn Hồi là xoay tròn là trở về.
Sự lưu chuyển hay xoay vần ở đây chính là một quá trình từ Nhân sang Quả và rồi từ Quả lại sang Nhân. Một hạt giống được gieo xuống đất nếu có đủ điều kiện, thời gian sẽ mọc thành cây. Cây lớn lên lại sinh hoa kết quả. Quả gieo xuống đất mọc lên thành cây rồi kết quả v.v..
Sự lưu chuyển luân hồi ấy diễn ra trong thiên nhiên như một quy luật bất biến không bao giờ thay đổi. Nước gặp sức nóng bốc lên thành mây, mây tụ lại thành mưa rơi xuống đất ….
Ở nơi vạn vật sự biến đổi từ Nhân sang Quả cần trải qua một quá trình gọi là Duyên Khởi còn ở nơi con người thì quá trình ấy gọi là Nghiệp Báo. Nghiệp báo được tạo thành là do thói quen, học tập, lao động có chủ ý ( Tác Ý ). Một thiếu niên lúc còn nhỏ không biết hút thuốc nhưng lớn lên thấy người lớn hút có vẻ điệu nghệ sành điệu thành ra một thói quen ( nghiện ) không thể bỏ được. Một sinh viên y khoa sau nhiều năm học hành nghiêm chỉnh trở thành bác sĩ. Một người chuyên cần trồng trọt chăn nuôi kinh nghiệm nhiều năm trở thành nông gia v.v…
Đối với nghề nghiệp đã vậy thì trong lãnh vực đạo đức cũng không khác cũng là do huân tập thói quen mà thành. Một thanh niên cứ tụ tập bạn bè ăn nhậu ngày này sang ngày khác trở thành bợm nhậu phá nát gia đình làng xóm. Trái lại một người thích nghe băng đĩa các cha các đại đức thuyết giảng, tham dự Thánh Lễ, lần hạt Mân Côi mỗi ngày sẽ trở thành con người đạo đức tốt lành.
Làm việc thiện, việc ác có nghĩa là đã tạo nghiệp nhân ác, nghiệp nhân thiện. Tạo nghiệp nhân nào sẽ có nghiệp quả đó không bao giờ sai chạy. Đức Ki Tô nói “ Không có cây tốt lại sanh trái xấu cũng không có cây xấu lại sanh trái tốt. Vì xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi lùm gai cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).
Chứa cái gì sẽ có cái ấy đó gọi là Nghiệp và tạo Nghiệp nào sẽ lãnh quả đó. Tuy nhiên thế nào là thiện thế nào là ác, đây quả thật là một vấn đề không phải …dễ để luận bàn. Nhà Phật đã giải quyết vấn đề thiện ác và hậu quả của thiện ác một cách rốt ráo bằng cách đưa ra Học Thuyết Lục Đạo Luân Hồi.
Con người từ vô thỉ vì vô minh nên đã phải trôi lăn trong Sáu Nẻo Luân Hồi gồm có Thiên, Nhân, Atula, Súc Sinh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục. Chúng sinh ở cõi Thiên là những người đã thi hành đầy đủ mười thiện nghiệp. Được làm thân người ( Nhân ) là do đã thực hành ngũ giới. Atula cũng có phước báo như người nhưng còn nhiều sân hận nóng nảy. Bị đọa trong vòng Ngạ Quỷ là vì khi sống kiếp người đã tham lam bỏn sẻn chỉ biết có mình. Phải sống trong kiếp súc sinh là do cái nhân ngu si biếng nhác. Phải sống trong Địa Ngục là vì đã phạm những trọng tội như cướp của giết người hãm hiếp…mà không hoán cải trong lúc lâm chung.
Trong sáu nẻo đường luân hồi này thì ba nẻo trên thuộc về nẻo thiện ( Thiện Đạo ) còn ba nẻo dưới thuộc về nẻo ác ( Ác Đạo ). Dù là nẻo ác hay thiện thì vẫn còn ở trong vòng trói buộc của Luân Hồi. Dù có được sinh lên cõi trời ( Không phải Nước Trời theo quan niệm Công Giáo ) thì khi hưởng hết phước báo cũng phải đọa xuống các cảnh giới khác.
Tất cả chúng sinh từ kiếp này đến kiếp khác cứ phải lăn lộn trong sáu nẻo luân hồi ấy không có ngày ra khỏi. Tôn giáo hiểu như một con đường Giải Thoát có mục đích là để giải thoát chúng sinh ra khỏi Luân Hồi. Đạo Chúa là con đường giải thoát hay còn gọi là Cứu Rỗi “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng giống Apraham và là kẻ kính sợ ĐCT trong anh em. Đạo về sự Cứu Rỗi nay đã truyền đến chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).
Xưa nay chúng ta vẫn hiểu Rỗi Linh Hồn là được lên Thiên Đàng, điều ấy hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên do ảnh hưởng của Tục Hóa mà niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng của Hỏa Ngục đã không còn và như vậy người ta không thể nào có ước nguyện về Thiên Đàng cũng như hãi sợ Hỏa Ngục nữa !
Đang khi đó một khi đã có lòng tin và ước nguyện được về Thiên Đàng là nơi vĩnh phúc thì phải sống đời từ bỏ “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập giá mình mà theo Ta” ( Lc 9, 23 ). Theo Chúa thì phải bỏ mình. Không bỏ mình thì không thể theo Chúa. Thế nhưng bỏ mình là điều hết sức khó khăn, không thể nói bỏ mình là …bỏ ngay được.
Con người hết thảy đều sinh ra trong tội và dù có muốn cũng không thể làm thiện “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này. Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong tôi vẫn vui thích luật Chúa. Nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một luật chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm nô lệ cho luật của tội lỗi. Ôi ! Tôi là kẻ khốn nạn dường nào. Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ Chúa nhờ Chúa Giê Su Chúa chúng ta” ( Rm 7, 21 -25 ).
Có thể nói đời sống đạo là đời chiến đấu và cuộc chiến ấy chẳng phải là chiến đấu với kẻ thù nào khác mà là với chính mình. Cuộc chiến với chính mình ấy chắc chắn sẽ thất bại nếu không biết cậy dựa vào vào Chúa Ki Tô bởi vì Ngài là ánh sáng soi đường cho thế gian “ Ta là sự sáng của thế gian. Ai theo Ta hẳn chẳng đi trong tối tăm nhưng có sự sáng của sự sống” ( Ga 8, 12 ).
Thế gian là chốn tối tăm. Không có Chúa là ánh sáng dẫn đường thì chúng ta vẫn cứ ở trong chốn mịt mù ấy không thể thoát ra được. Có nhận ra thân phận yếu đuối tội lỗi của mình thì mới biết đường cậy trông vào Chúa để mà gắng sức theo Ngài. Thế nhưng một khi đã có được lòng cậy trông ấy thì chắc chắn chúng ta sẽ có được điều mình ước muốn. Tại sao ? Bởi như vậy là chúng ta đã tạo cho mình được một thứ nghiệp lành tối thượng và khi đã có nghiệp nhân lành tất sẽ có quả nghiệp lành “ Kẻ gieo cho xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư mất. Song kẻ gieo cho Thánh Linh sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời” ( Gal 6, 8 )./.
Phùng Văn Hóa