Người Công Giáo với việc đọc Thánh Kinh

          Việc  đọc Kinh Thánh của người Công Giáo Việt Nam diễn ra trong hai thái cực. Trước CĐ Vatican II  giáo dân  bình thường  hầu như …mù tịt về Kinh Thánh. Điều này xem ra cũng chẳng có gì khó hiểu bởi vì trong các Thánh lễ các cha  đều đọc …Evan bằng tiếng La Tinh. Tiếp đến hình như ngày ấy chưa có bản dịch tiếng Việt nào? Trái lại sau Công Đồng thì càng ngày việc đọc Kinh Thánh càng phổ biến. Sách được in ra nhiều. Trong các Thánh Lễ đều có các bài Thánh Thư dành cho giáo dân. Các lớp học được mở ra khắp các giáo xứ. Có thể nói không nhà nào lại không có ít nhất một cuốn Kinh Tân Ước. Sở dĩ như vậy là vì  mỗi em khi chịu Phép Thêm Sức đều được phát  cho một cuốn.

          Chẳng những Kinh Thánh  đọc trong các Thánh Lễ mà trong các buổi đọc kinh gia đình  hay…giỗ chạp đều được đọc một cách trang trọng và thậm chí ngay trong phiên họp hàng tuần của Legio ở đây có đội vẫn đọc !!!

          Có cha xứ trên tòa giảng còn tỏ ý khen ngợi người Tin Lành  rất chịu đọc  và hiểu biết Kinh Thánh  còn người Công Giáo thì…không được như vậy. Lời khen ấy có thể  khiến người Công Giáo …phật ý. Thế nhưng xét trong thực tế thì  quả thật  cũng có…phần đúng. Cứ thử nhớ lại  xem hễ gặp bất cứ người Tin Lành nào qua vài câu  chuyện thời sự mưa nắng là họ bắt ngay qua chuyện Kinh Thánh. Họ nhớ từng đoạn, từng câu và đọc vanh vách. Đồng thời cũng không quên vạch ra những…cái sai của Đạo Công Giáo  chẳng hạn việc thờ thần tượng hoặc gọi các linh mục là…cha v.v…

          Trong những trường hợp như thế thì phản ứng và  cách ứng phó của người Công Giáo thế nào ? Có thể có người  có thái độ …đánh trống lảng  hoặc giải thích  cách nào đó theo sự hiểu biết của mình..v.v…

          Dầu muốn dầu không thì cuộc sống hôm nay đòi hỏi sự hội nhập, gặp gỡ với đủ mọi hạng người: Có  đạo hay không có đạo, đạo Phật hay Tin Lành….Nếu hiểu…đạo là những con đường tâm linh thì đương nhiên phải nhìn nhận mỗi tôn giáo là một con đường mà người ta có quyền lựa chọn cho mình con đường để đi.

          Như vậy Đạo Công Giáo cũng là một con đường và chúng ta đã và đang đi trên con đường ấy. Một khi đã bước đi trên đường  thì nhất định cần phải biết con đường ấy sẽ dẫn mình đi đâu. Đi đường mà không biết đường ấy dẫn về đâu thì làm sao có thể đến được cái nơi mà mình sẽ đến ? Không biết cái nơi mình sẽ đến thì càng đi càng…lạc mà đã lạc đường thì khó tránh khỏi…sa hầm sụp hố.

          Vấn đề quan trọng ở chỗ  đi đường thì phải biết cái đích mà mình sẽ đến. Cái đích ấy chính là Ơn Gọi của người Công Giáo chúng ta “ Chỉ có một thân thể. Một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một Phép Rửa, một ĐCT  là Cha của mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” (Eph 4, 4 -6).

          Được gọi đến một hy vọng và hy vọng ấy chính là  sau khi chết được về  Thiên Đàng hưởng Nhan Thánh Chúa đời đời. Niềm tin có Nước Thiên Đàng có Hỏa Ngục và sự thưởng phạt đời đời dường như đã ăn sâu vào tận cốt tủy của người Công Giáo. Thế nhưng niềm tin ấy nguy hại thay hầu như  đang bị phá hủy  bởi chính  …thần học.

          Thật vậy kể từ sau CĐ Vatican II, các cha trong các bài giảng  hoặc ngay cả trong các buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay, trước đây gọi là Tuần Làm Phúc  cũng chẳng thấy có…đấng nào giảng về …tội, về phúc hay làm cách sao để về Thiên Đàng tránh Hỏa Ngục mà chỉ  nói về  tình yêu, Lòng Thương Xót chung chung của Chúa. Hoặc  cụ thể hơn là làm sao để có được hạnh phúc  gia đình giữa con cái cha mẹ vợ chồng v.v…

          Đi sâu vào đời sống Giáo Hội cho thấy có một chuyển biến về tư tưởng còn  sâu sắc hơn đó chính là ảnh hưởng của nạn Tục  Hóa cùng với chủ trương Đại  Kết, Hội Nhập Văn Hóa khiến Đạo Công Giáo  ngày càng đánh mất  bản sắc  Tông Truyền của mình.

          Bản sắc Tông Truyền  đó chính là Đạo Cứu Rỗi  phần Linh Hồn “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng dõi Apr a ham và kẻ kính sợ ĐCT ở trong anh em. Đạo về Sự Cứu Rỗi nay đã truyền đến chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ). Đạo Cứu Rỗi đã  truyền đến cho mỗi một tín hữu  qua Bí Tích Rửa Tội để cho ta được làm Con Chúa. Được làm Con Chúa điều ấy có nghĩa Thiên Chúa đích thực là  Đấng Cha của mình. Một khi Thiên Chúa đã là…Cha thì đương nhiên Ngài phải…nội tại ở trong ta làm sao có thể khác  được ?

          Kinh Thánh luôn xiển dương  Thiên Chúa là Đấng Cha nội tại “ Ngài vượt trên mọi người. Suốt qua mọi người và ở trong mọi người. Hoặc : Anh em là dòng dõi Ap raham và là kẻ kính sợ ĐCT ở trong anh  em…v.v…

          Thiên Chúa quả thật là Đấng…nội tại ở trong ta nhưng do ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thế nên  con người chẳng những đã…quên mà còn giết chết Ngài bằng một thứ thần học  gọi là cái chết của Thiên Chúa “ The’ologie de la mort de Dieu”.

          Nguyên nhân nào mà chính thần học lại đến nỗi…giết bỏ Thiên Chúa như thế ?  Tất cả đó là do hậu quả của việc giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ (Sens Litteral). Với nghĩa này  thì không  cách chi…đọc được Kinh Thánh mà đã không…đọc được thì thật sự cũng không thể biết Kinh Thánh được  viết ra cho mục đích gì? Đang khi đó Thánh Phao Lô  nói rất rõ về mục đích ấy “ Song con hãy cứ ở trong những điều con đã học, đã tin chắc vì con biết đã học những điều đó với ai và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được Cứu Rỗi bởi đức tin trong Chúa Giê Su Ki Tô” ( 2Tm 3, 14 -15 ).

          Học Kinh Thánh  cho ta được ơn khôn ngoan nhưng nên nhớ ơn khôn ngoan ấy có mục đích là để cho ta được Ơn Cứu Rỗi nhờ tin vào Chúa Giê Su Ki Tô. Người ta có thể để cả đời, cố công nghiên cứu Kinh Thánh hoặc lập viện này viện kia nhưng nếu không nhắm đến việc Rỗi Linh Hồn  nhờ tin nơi Chúa Giê Su  thì những việc ấy  chẳng những  vô bổ  mà  còn  gây trở ngại cho việc giải thoát tâm linh.

          Thu thập cho thật nhiều…kiến thức Kinh Thánh thật chẳng ơn ích gì. Tuy nhiên nói như thế  không có nghĩa  phủ nhận việc  đọc Kinh Thánh nhưng chỉ có ý nói  khi…đọc Kinh Thánh, điều cốt yếu cần nhắm đến mục đích  là làm cho ta được Rỗi Linh Hồn. Sở dĩ ông bà, cha mẹ ta trước đây không hề đọc cũng như…nghe Kinh Thánh mà vẫn sống đạo rất tốt đó là nhờ vào gương lành và lời giảng dạy của các đấng các bậc mà họ đã có được một đức tin vững chắc.

          Dẫu vậy cuộc diện  hôm nay đã đổi thay. Nạn Tục Hóa tôn giáo đã và đang   lan tràn trong Giáo Hội và vì thế  việc  Sống Đạo nói chung và  học Kinh Thánh nói riêng  chỉ mang tính  hình thức khiến đức tin ngày càng thui chột và …biến mất “ Vẫn học luôn song không bao giờ nhận biết lẽ thật. Xưa kia Giannet và Giambe chống cự Mai Sen thế nào thì những kẻ này cũng chống cự lại Lẽ Thật  thể ấy. Tâm trí họ bại hoại, đức tin hóa ra vô dụng” ( 2Tm 3, 7 -8 ).

          Toàn bộ Kinh Thánh là Lời Chúa có mục đích dẫn đưa con người đến với Sự Thật. Bởi đó cho nên học Kinh Thánh nhất thiết cần đi đôi với thực hành có nghĩa áp dụng Lời  Chúa vào trong chính cuộc sống mình và cũng  chỉ khi ấy thì ta mới biết Lời Chúa là  Lời Hằng Sống “ Những lời Ta phán cùng các ngươi  đều là thần khí và  sự sống” ( Ga 6, 63 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts