NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI TRẺ “CÙNG NHAU MẠO HIỂM”…

Bạn trẻ thân mến,

Gì chứ “mạo hiểm” mà có nhau – người già bên người trẻ, người trẻ bên người già – thì thật là tuyệt, bởi họ dựa vào nhau để cùng cất bước trong một sự hỗ tương có thể nói là ăn khớp…

Thế nhưng cuộc mạo hiểm nào đây, thưa bạn? Cuộc mạo hiểm trong cuộc đời này – nơi vẫn được ví von là biển đời…

+ Đức Thánh Cha cho chúng ta biết Một tình yêu hiến thân và hành động nhiều lúc – cũng có thế có – sai lầm”… Và Kẻ mạo hiểm thường mắc sai lầm”… Nghĩa là con người – ở bất cứ giai đoạn sống nào – đều có thế có những “sai lầm”… Thế nhưng “sai lầm” không vật ngã, không đánh gục chúng ta được, ngược lại – giữa những “bầy nhầy của cuộc sống” – Thiên Chúa vẫn có thể làm cho “mặt bên kia” của “đống bầy nhầy” có được sự mỹ mãn của một tấm thảm “tuyệt đẹp đầy hài hước”… Ngài nêu lên một “chứng tá” – trường hợp của bà Maria Gabriella Périn… Bà bị mồ côi cha ngay sau khi sinh ra… Thế rồi lớn dần lên – và với một mối quan hệ tình cảm không dài lâu – bà trở thành mẹ… và sớm thành bà… Nghĩa là một cuộc đời đầy “sóng gió”… Thế nhưng bà chia sẻ: “Những gì tôi biết đó là Thiên Chúa là Đấng đã làm ra những câu chuyện Trong quyền năng và lòng thương xót của Ngài, Ngài dùng những chiến thắng cũng như những thất bại của chúng ta… để dệt nên một tấm thảm tuyệt đẹp đầy hài hước. Mặt trái tấm thảm trông có vẻ lộn xộn với những sợi chỉ rối rắm – tức các sự kiện xảy đến trong cuộc sống chúng ta – và có lẽ đây là phía mà chúng ta cảm thấy mất bình an khi có những nghi ngờ. Nhưng mặt phải của tấm thảm thì cho thấy một câu chuyện tuyệt vời. Đây chính là mặt Thiên Chúa nhìn thấy”. Và Đức Thánh Cha kết luận: Khi những người già chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, họ thường “trực giác” thấy những gì phía sau mớ chỉ rối rắm đó. Họ nhận ra những gì Thiên Chúa có thể thực hiện sáng tạo ngay cả từ những sai lầm của chúng ta [198]…Và thưa bạn, phải chăng công cuộc cứu chuộc được Thiên Chúa dốc công thực hiện không là sự “sáng tạo” sau sa ngã của nguyên tổ loài người?

Ôn lại quá khứ để học bài học lịch sử và chữa lành những vết thương cũ đôi khi còn tái phát” – “Hướng tới tương lai để nuôi dưỡng lòng hăng hái, để làm cho những giấc mơ nảy mầm, khơi lên những viễn tượng và làm cho hy vọng nở hoa”: đấy là hai hướng của một hành trình mà người già và người trẻ có thể cùng nắm tay nhau để bước tới từ  sự việc cắm rễ sâu trong hiện tại”, bởi – trong hiệp nhất – chúng ta – già và trẻ – chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm con tim của nhau, khơi động tâm trí nhau với ánh sáng của Phúc Âm, và thêm sức mạnh mới cho đôi tay của mình [199]…

+ Đức Thánh Cha dạy: “Cội rễ không phải là những mỏ neo cột chặt chúng ta vào quá khứ, ngăn cản không cho chúng ta nhập thể” trong thế giới hiện tại để sáng tạo điều gì đó mới mẻ”… Nhưng “ngược lại, chúng – tức cội rễ – là một căn cứ điểm xuất phát, cho ta lớn lên và đương đầu với thách thức”… Và vì thế, Đức Thánh Cha khuyến cáo: “Chỉ ngồi đó mà hoài niệm thời đã qua”… thì chẳng ích gì… Ngược lại – cả người già lẫn người trẻ – chúng ta phải đón nhận nền văn hóa  của chúng ta cách thực tế với tình yêu, và làm đầy nó bằng Phúc Âm”… Ngài nhắn nhủ: “Ngày hôm nay chúng ta được sai đi loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho thời đại mới”… thì điều tối quan trọng là “Chúng ta phải yêu thời đại này, với tất cả cơ hội và rủi ro, với những niềm vui và những nỗi buồn, những sự giàu có và những giới hạn, những thành công và những thất bại của nó”… Đức Thánh Cha nhắc lại những gì Ngài đã nói qua Thông Điệp cho Giới Trẻ Argentina tại Hội Nghị Giới Trẻ Quốc Tế ở Colorado (12–15/ 09/ 1985) [200]… Yêu thời đại này” nghĩa là yêu cái “hôm nay” của cuộc sống này… với tất cả vui và buồn – an bình và thử thách – ánh sáng và bóng tối… để cùng nhau tìm cho ra và làm cho thành “thiên đàng” ở đây…

Bạn trẻ thân mến – thỉnh thoảng người viết có lang thang và tình cờ được đọc một vài bản dịch khác của Tông Huấn “Đức Kitô Đang Sống”… Dĩ nhiên cách dịch và ngôn từ sử dụng có khác nhau đôi chút giữa các bản dịch… và đấy là chuyện bình thường… Người Pháp từ rất xa xưa đã có câu “Traduire c’est trahir!” – nghĩa là “Dịch là phản!”… và chuyện làm một bản dịch… để người bản địa hiểu được… là một chuyện khó… Người viết chọn bản dịch của Hội Đồng Giám Mục để  “cùng đọc lại” với bạn trẻ và có những cách sắp xếp câu nói cũng như uyển chuyển đôi chút trong ngôn từ là có mục đích giúp bạn hiểu rõ hơn…Và đấy cũng là cách “làm” bản dịch mà người viết vẫn dùng… để dòng văn “ít Tây và Việt hơn”… mục đích giúp bạn đọc có thể hiểu… Trước đây, mỗi khi làm việc với một tác phẩm nào đó, người viết có thói quen dịch “thô”… và sau đó viết lại theo lối diễn tả của tiếng Việt…

+ Và Đức Thánh Cha đã nhắc lại với chúng ta ý tưởng và phát biểu của một bạn trẻ đến từ đảo Samoa rằng: Hội Thánh như một chiếc thuyền nhỏ, trong đó, người già giúp dẫn đường chỉ lối, bằng việc định vị các ngôi sao, trong khi người trẻ tiếp tục chèo, và hình dung những gì đang chờ họ phía trước… Một chia sẻ thật hay – phải không bạn? Hầu hết các bậc cao niên rất quen thuộc với bầu trời đầy sao… và biết rất rõ ngôi hay chòm sao nào ở đâu và hướng nào… nên – dẫu không có hải bàn trong tay – thì họ vẫn có thể làm “hoa tiêu” cho con tàu vượt biển… Còn tay chèo… thì đương nhiên là của sức trẻ rồi… và sự nhanh nhạy của đầu óc trẻ cũng giúp nhìn thấy và nhìn ra phía trước là những gì… Đức Thánh Cha khuyến cáo về một suy nghĩ thiển cận và có thật, đấy là người trẻ thì cho rằng người lớn chỉ là một quá khứ không còn ý nghĩa gì”… và người lớn thì gia trưởng cho rằng mình luôn biết  người trẻ cần phải hành động như thế nào”… Đứng ở hai bờ của dòng sông để chỉ nghĩ về nhau như thế thôi… thì quả thực là vô ích… Cho nên Đức Thánh Cha rất thực tế: Thay vào đó, tất cả chúng ta hãy bước lên cùng một chiếc thuyền và cùng nhau tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn, với sức năng động luôn luôn mới của Chúa Thánh Thần [201]… Giáo Hội là con thuyền ấy đấy…

Vâng lời Đức Thánh Cha, các thế hệ – già và trẻ – chúng ta cùng nắm tay nhau hò vang :

Dô ta – dô ta – là hò dô ta – dô ta…

 

Ông cha – dô ta,

con cháu cùng nhau – dô ta

tay chèo tay lái – dô ta

vượt qua biển đời – dô ta – dô ta – là hò dô ta – dô ta…

 

Trời thanh – dô ta,

biển lặng an lành – dô ta…

Cùng nhau cất tiếng – dô ta,

tạ ơn Chúa Trời – dô ta – dô ta – là hò dô ta – dô ta…

 

Và khi – dô ta

vần vũ  bão giông – dô ta,

cùng nhau  góp sức – dô ta

niềm tin vững vàng – dô ta – dô ta – là hò dô ta – dô ta… (Nhạc sinh hoạt)…

Và thưa bạn, ngày 25/7/2021 này – tức Chúa Nhật XVII/TN/B tới đây – là ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần I… Đức Thánh Cha sẽ ban Ơn Toàn Xá cho tất cả những người Ông, người Bà và Người Cao Tuổi trên thế giới… Mong bạn tìm cách tạo điều kiện để Ông – Bà – và Người Cao Tuổi được nhận Ơn Toàn Xá đặc biệt này… qua các việc đạo đức theo thông lệ  hoặc Thánh Lễ trực tuyến thời Đại Dịch…

Lm Giuse NGÔ MẠNH ĐIỆP
Giáo phận Nha Trang

Hẹn gặp lại

Chia sẻ Bài này:

Related posts