Người lái đò làm tôi phải suy nghĩ

Thứ Tư tuần rồi, tôi có dịp qua Phát Diệm thăm quan. Từ giáo xứ tôi đang làm việc qua Phát Diệm, tôi phải qua hai bến đò: một bến đò qua sông Ninh Cơ và một bến đò qua sông Đáy. Trên đường về và qua đò, người lái đò thực sự làm tôi phải suy nghĩ.Khi tôi xuống đò, đò chỉ có hai chiếc xe máy và ba người: tôi và một người đi cùng và một người khác. Người lái đò là một phụ nữ chạc ba mươi tuổi, nhưng vì có lẽ chịu đựng nhiều sương gió nắng mưa, vất vả nên trông chị có vẻ già hơn tuổi rất nhiều. Tôi bước xuống đò, chị niềm nở chào hỏi và nói chuyện vui vẻ. Tôi hơi bất ngờ vì đáng lẽ lái đò phải là đàn ông chứ không phải là phụ nữ bởi công việc sông nước khá nặng nhọc. Chị không chỉ lái đò mà còn bán rau cỏ trên đò nữa.

Chị nói với tôi: Rau nhà trồng được, rau sạch nhà dùng không hết, đem lên đò bán, ai có nhu cầu mua thì bán, chứ không có kinh doanh buôn bán gì. Kiếm được đồng nào hay đồng đó, con cái còn phải đi học. Tôi hỏi: Một ngày chở được bao nhiêu khách? Ngày nào nhiều được khoảng năm sáu chục người, ngày nào ít thì được vài ba chục. Mỗi người chị thu bao nhiêu tiền? Mỗi người thu bảy nghìn. Tôi nhẩm tính nếu một ngày có khoảng năm chục khách qua đò, trừ chi phí dầu mỡ và hao mòn đò, chị kiếm hơn vài trăm ngàn đồng. Nếu hai ba chục chị kiếm được trên dưới trăm ngàn.

Qua trao đổi nói chuyện và nhìn tôi mặc chiếc áo có cổ côn, chị biết tôi là một linh mục. Sang tới bờ, tôi trả tiền cho chị. Chị đã vui vẻ nói với tôi: Thưa cha, con biếu cha tiền đò. Rau sạch nhà con trồng được đó cha, nếu cha về nhà ngay và nhà cha không trồng được rau, con biếu cha một ít. Tôi thực sự cảm động trước tấm lòng của chị: một phụ nữ nghèo, một ngày chẳng kiếm được bao nhiêu, vậy mà chị vẫn muốn dành tặng cho các linh mục của Chúa sự tôn trọng và một phần công sức của mình.

Tất nhiên tôi nói với chị: Không được, chị kiếm một ngày không được bao nhiêu. Chị không chỉ lo cho chị mà còn phải lo cả gia đình. Tôi cám ơn chị, tôi nhận tấm lòng của chị rồi. Tôi xin gửi lại chị số tiền đò và một chút quà cho các cháu của chị ở nhà. Chị thực sự cảm động và tôi cũng biết ơn chị thật nhiều. Chị, một người tôi không quen biết đã dành cho tôi món quà dù không lớn về vật chất, nhưng lại có giá trị lớn về tinh thần. Chị cho tôi hiểu rằng các linh mục của Chúa thật đẹp trong mắt của các tín hữu Chúa Kitô, các linh mục luôn được thương mến, nhất là nếu các ngài sống đúng căn tính của mình là nên giống Đức Giêsu linh mục đời đời, người mục tử tốt lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Không phải riêng chị, thỉnh thoảng qua đò, tôi vẫn nhận được những tấm lòng như vậy. Không phải chỉ có tôi mà còn nhiều linh mục, tu sĩ khác nữa cũng qua đò, vẫn nhận được sự đối xử cách trân trọng như vậy. Có một lần kia, tôi với Đức cha cố Giuse Hoàng Văn Tiệm vào một quán ăn ven đường. Tôi luôn xưng hô với ngài là Đức cha và con. Nghe được tôi xưng hô như vậy, chủ quán biết ngài là giám mục, tôi là linh mục. Ăn xong, tôi đi thanh toán. Tôi đã nhận được câu trả lời: Thưa cha, chúng con biếu cha, chẳng mấy khi cha ghé quán ăn của chúng con. Thật ra giữa chúng tôi và họ đều là những người xa lạ. Giữa chúng tôi với họ có liên hệ chẳng qua vì chúng tôi là linh mục của Chúa, còn họ là con cái tốt lành của Chúa.

Trong cuộc đời linh mục, tôi vẫn gặp những con người tốt lành. Họ nhắc nhở tôi là linh mục của Chúa ,hãy sống cho xứng đáng, đừng bao giờ đánh mất căn tính linh mục của mình, đừng bao giờ làm phai nhạt phẩm cách linh mục, sự thiêng thánh mà Chúa đã ban tặng qua bí tích Truyền chức. Tôi cũng được nhắc nhở hãy dùng khả năng và ân huệ Chúa ban để phục vụ đoàn chiên bằng đức ái mục tử hầu qua đời sống mình, người khác nhận ra người mục tử Giêsu để cũng tin yêu và dấn thân sống hết mình cho Ngài.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Gp. Bùi Chu

Chia sẻ Bài này:

Related posts