Có quan niệm cho rằng đức tin Công giáo hoàn toàn không chấp nhận Thuyết Nhân Quả của Phật giáo: “ Thuyết nghiệp quả theo nhà Phật là một vận hành tuyệt đối. Không điều gì có thể thoát ra ngoài luật ấy. Theo thuyết nghiệp quả của nhà Phật, không nhất thiết phải tin có một Đấng Tuyệt Đối nào. Trong khi đó với niềm tin Công giáo, điều tuyệt đối không phải là một luật nhưng là Đấng làm chủ mọi luật. Niềm tin Công giáo không chỉ dạy người ta làm lành lánh dữ vì giá trị tuyệt đối của luật Nhân Quả nhưng là để xây dựng một tương quan cá nhân thiết thân và bền chặt giữa mình với Đấng Tuyệt Đối là Thiên Chúa của mình…” ( Nguồn HĐGM – Lm Giu Se Cao Gia An S.J – Nghiệp Quả từ góc nhìn đức tin Công giáo ).
Lý do nói: Đức tin Công giáo không chấp nhận thuyết Nhân Quả bởi cho rằng Thiên Chúa là Đấng làm chủ mọi luật tức ám chỉ Đấng Tạo Hóa sinh nên trời đất muôn vật. Thế nhưng đây chỉ là quan niệm…lỗi thời và đã bị chính thần học bác bỏ khi tuyên bố …cái chết của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ).
Với việc…khai tử Thiên Chúa dù đó chỉ là quan niệm thôi nhưng cũng đã đẩy giáo hội vào cuộc khủng hoàng toàn diện cả về đức tin lẫn đạo đức. Đức tin là đèn soi bước cho cuộc hành trình nhưng khi đức tin không còn thì con người làm sao biết đường để đi, để sống ?
Phải chăng cũng chính vì không còn biết đường nào để đi, để sống thế nên tình trạng xuống cấp về đạo đức trong hàng ngũ giáo sĩ ngày càng thê thảm ?.
+ Có giám mục Tây Ban Nha đã bỏ nhiệm sở để đi theo người đàn bà vừa ly dị chồng, chuyên viết tiểu thuyết khiêu dâm mang màu sắc Sa Tan.
+ Dòng Phan Xi Cô tại Đức mới đây đã bầu một linh mục sống công khai đồng tính làm bề trên giám tỉnh !
+ Tgp Santa Fe ( Mỹ ) đã phải quyết định bán Vương Cung Thánh Đường để trả án phí lên tới hơn một trăm triệu USD cho hàng trăm linh mục bị kết án về tội ấu dâm mà vẫn chưa đủ !
Hơn ai hết, các linh mục và một số hồng y, giám mục lại hư hỏng thậm tệ như thế thì thử hỏi giáo hội sẽ ra như thế nào ? “ Các con phải là muối cho đời. Nhưng muối mà đã nhạt đi thì biết lấy gì ướp cho mặn lại ? Nó không thể dùng chi được nữa, chỉ còn cách quẳng ra ngoài cho người ta giày đạp” ( Mt 5, 13 ).
Hoàn cảnh của giáo hội hiện nay quả đã ứng nghiệm Lời Chúa một khi không còn là muối ướp cho đời ! Thay vì là những chứng nhân lại đã trở thành những Phản Ki Tô trong thời cuối Ơn Cứu Độ: “ Hỡi các con bé mọn, giờ cuối cùng là đây, các con đã nghe nói rằng Antichrist phải đến mà nay đã có nhiều Antichrist dấy lên rồi, bởi đó chúng ta biết rằng nay là giờ cuối cùng. Họ từ chúng ta mà ra nhưng chẳng thuộc về chúng ta. Vì nếu họ thuộc về chúng ta thì hẳn cứ ở với chúng ta. Song họ đã đi hầu tỏ ra họ thảy đều chẳng thuộc về chúng ta đâu” ( 1Ga 2, 18 -19 ).
Antichrist là những kẻ tuy vẫn nhận mình là Ki Tô Hữu nhưng đã phản bội Đức Ki Tô, chống lại đường lối của Ngài. Nếu “ Đức Ki Tô, hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn chỉ là một” ( Dt 13, 8 ) thì đường lối của Ngài cũng vậy, cũng vẫn là con đường siêu xuất thế gian: “ Ví bằng thế gian ghen ghét các ngươi thì hãy biết rằng, họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng các ngươi không thuộc về thế gian. Song Ta đã chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghen ghét các ngươi” ( Ga 15, 18 -19 ).
Sự lựa chọn của Đức Ki Tô không có nghĩa là để dẫn đưa chúng ta đến một nơi nào khác nhưng đòi buộc mỗi người cần sống cuộc đời từ bỏ: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Đức Ki Tô nói…Bỏ Mình tức bỏ “ Cái Tôi” đi. Điều ấy không có nghĩa trước đó vẫn có “ Cái Tôi” nhưng theo Chúa thì phải bỏ. Bởi vì thực chất không hề có “Cái Tôi”. Nó được hình thành là do hai cái chấp, một là chấp xác thân là mình, hai là chấp tâm tưởng là mình.
Do bởi chấp thân là mình thế nên không thể hy sinh hoặc tuân giữ các giới răn của Chúa. Lại nữa cũng vì chấp tâm tưởng là mình thế nên chỉ theo ý riêng mà không theo Ý Chúa. Chính vì hai cái chấp căn bản đó, con người đã phải trôi lăn trong biển đời sinh tử cho đến khi nhận biết Sự Thật.
Chúa Giê Su phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng: “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Đức Ki Tô không nói Ngài đến để giải thoát nhưng là Sự Thật. Nếu Chúa đến để giải thoát thì đó chẳng phải là điều bất công hay sao ? Tại sao Ngài không cứu tất cả mà chỉ cứu những kẻ tin và nhận biết sự thật ? Bởi để được cứu thoát thì nhất thiết cần phải bước theo Chúa trên con đường về với Chúa Cha:“ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Chúa Giê Su nói Ngài là con đường duy nhất, ngoài Ngài ra không có bất cứ đạo giáo hay triết học nào có thể dẫn đưa chúng ta đến được với Cha. Bởi chưng Đấng Cha ấy là Đấng nội tại, hiện hữu trong mỗi người. Mặt khác, Đức Ki Tô nói Ngài là con đường và con đường này khác hẳn với…đường cái ( Đường đất hay đường nhựa ) Đường cái dễ đi dễ đến, có khoảng cách rõ rệt, bao nhiêu cây số là bấy nhiêu thời gian tương ứng. Có điểm khởi hành có điểm đến hẳn hoi. Nhưng với đường tâm linh thì không như thế. Khi bắt đầu đi gọi là khởi điểm cũng ở tại Tâm mà đích đến cũng ở tại Tâm chứ không phải ở nơi nào khác.
Bởi trong cuộc hành trình tâm linh, điểm khởi hành cũng như điểm đến đều ở trong Tâm thế nên điều quan trọng là cần làm sao tạo cho mình một khởi điểm tốt. Nếu ngay từ đầu mình tạo… sai tức Tu lạc đường thì không bao giờ có thể đến đích mình muốn. Người ta nói sai một ly, đi một dặm là vậy.
Khởi điểm tốt ở đây chính là một cái…Nhân mà đã có Nhân tốt cộng với duyên lành ( Ơn Chúa ) thì ắt sẽ có Quả tốt là Nước Thiên Đàng Đời Đời. Về lẽ Nhân Quả của Đạo Phật, hoàn toàn khác với thế gian hoặc các tôn giáo khác chính là ở Lý Duyên Khởi. Không phải hễ có Nhân tất có Quả mà cần có những điều kiện gọi là…Duyên. Một hạt giống gieo xuống đất để có thể mọc lên thành cây thì cần có nhiều điều kiện như: Hạt giống tốt, độ ẩm, ánh sáng, không khí, không bị sâu bọ ăn nuốt v.v…Thiếu các điều kiện thì Nhân không thể thành Quả …
Định lý Duyên Khởi áp dụng cho cả đời thường lẫn đời tâm linh. Một ly nước trắng nếu bỏ vào muỗng đường sẽ trở thành ly nước đường. Ly nước đường ấy nếu vắt vào vài múi chanh sẽ thành ly nước chanh đường. Ly nước chanh đường bỏ vào vài cục đá lạnh sẽ thành ra ly nước đá, chanh đường…
Tính chất Duyên Khởi trong lãnh vực tâm linh Chúa Giê Su gọi là…chất chứa: “ Không có cây tốt lại sinh trái xấu cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt. Vì cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi lùm gai cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện. Người ác do chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).
Chứa thiện thì phát ra điều thiện. Chứa ác thì phát ra điều ác. Chứa ở đây là tư tưởng. Có tư tưởng thiện thì mới có thể làm được điều thiện. Ngược lại có tư tưởng ác sẽ làm việc ác. Tư tưởng là cái quyết định cho mọi hành vi thiện, ác, đồng thời nó cũng tạo ra cái Nghiệp của mỗi người. Nghiệp là do hành vi lập lại nhiều lần thành thói quen. Chính cái thói quen đó gọi là nghiệp.
Một cậu thiếu niên 14, 15 tuổi ban đầu chưa biết hút thuốc, uống rượu nhưng theo bạn bè xấu rủ rê mãi trở thành…ghiền đến nỗi muốn bỏ cũng không được. Tập tành theo thói quen xấu sẽ trở thành nghiệp xấu. Trái lại tập theo thói quen tốt lành như siêng năng đi dự lễ, lần hạt Mân Côi, nghe giảng pháp biết đạo lý cao siêu v.v… sẽ tạo cho mình một thứ nghiệp lành.
Tạo nghiệp nhân nào sẽ có nghiệp quả đó. Tất cả có hai thứ nghiệp, một là nghiệp thế gian hai là nghiệp xuất thế gian. Đạo Công giáo như lời Đức Ki Tô là Đạo Xuất Thế, bởi vậy người tín hữu phải sống tinh thần từ bỏ có nghĩa không còn thấy…có mình ( Tôi, Ta ) trong mọi lời nói, việc làm. Yêu người thì phải yêu thương cả kẻ thù nghịch: “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù nghịch cùng các ngươi. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu kẻ thù nghịch cùng mình và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” ( Mt 5, 43 -44 ).
Hoặc “ Còn ngươi khi bố thí thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm hầu cho việc bố thí của các ngươi được ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 3 -4 ).
Hoặc: “ Còn ngươi khi cầu nguyện, hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).
Đấng ở nơi ẩn mật thì nơi ấy chẳng phải là Tâm Chân Thật là gì ? Chính Chân Tâm ấy, nhà Thiền gọi là Bộ Mặt Xưa Nay ( Bản Lai Diện Mục ) của mỗi người. Để nhận biết cái Tâm Chân Thật ấy thì cần có Tâm Vô Phân Biệt ( Yêu kẻ thù nghịch, bố thí, cầu nguyện ).
Cứ làm tất cả với Tâm Vô Phân Biệt như thế thì Đấng Cha thể hiện, ngoài ra không còn gì khác. Có câu chuyện Thiền cho thấy lần kia lục tổ Huệ Năng được trao y bát đi về phương nam. Vị tăng tên Huệ Minh đuổi theo muốn dành lại và khi thấy y bát để trên tảng đá muốn cầm lên nhưng không thể bèn sợ hãi nói với Huệ Năng khi ấy vẫn còn trốn trong bụi cây gần đó: Cư sĩ, tôi vì pháp mà đến chứ không phải…vì y. Tổ Huệ Năng nói ông đã vì pháp đến đây nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi sẽ vì ông nói. Huệ Minh im lặng giây lâu, Huệ Năng bảo: Không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Chính khi ấy cái gì là Bản Lai Diện Mục của thượng tọa Minh ? ( Pháp Bảo Đàn Kinh – Phẩm Hành Do ).
Còn có các duyên đó là theo nghiệp thế gian, trái lại dứt bỏ các duyên là nghiệp xuất thế gian. Người đời thì sống theo duyên đời tức chỉ nhớ đến những chuyện thế gian thất tình, lục dục…Còn người theo đạo xuất thế thì không như vậy có nghĩa cần dứt bỏ các duyên. Người Công giáo khi đọc kinh, dự lễ nhất là khi lần Chuỗi Mân Côi thường hay chia lòng chia trí và sự chia trí ấy chính là…nhớ đến chuyện thế gian. Nghe cha chủ tế đọc hết đoạn Phúc Âm cũng nghiêm chỉnh thưa: Lạy Chúa Ki Tô, ngợi khen Chúa nhưng không hề biết nội dung đoạn Phúc Âm ấy nói gì !
Nhớ cái gì sẽ có cái đó, nhớ đến thế gian thì bị thế gian lôi cuốn mà bị thế gian lôi cuốn, đó là sống trong si mê, điên đảo. Thế nhưng muốn tránh khỏi bị thế gian lôi cuốn là điều rất khó. Thánh Phao Lô nói: “ Vả tôi biết rằng trong tôi tức trong xác thịt tôi chẳng có điều gì lương thiện. Vì lòng muốn thì ở nơi tôi nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có. Cho nên điều thiện tôi muốn thì tôi không làm. Còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn thì chẳng còn phải là tôi nữa bèn là tội lỗi ở trong tôi” ( Rm 7, 18 -20 ).
Thánh Phao Lô nói: Tội ở trong tôi tức tội phân biệt thiện, ác ( St 3, 2 -5 ). Bao lâu còn phân biệt Ta – Người là còn sống trong tội, bởi đó cho nên vấn đề quan trọng bậc nhất của Đạo Xuất Thế là phải làm sao dứt bỏ được Tâm phân biệt có nghĩa không còn…nhớ đến chuyện thế gian.
Điều này nói thì dễ nhưng trong thực hành thì khó vạn nan, cần có phương pháp và kiên trì thực hiện. Phương pháp đó chính là Phép Lần Hạt Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy. Rất nhiều tín hữu có thiện chí muốn áp dụng thực hành Kinh Mân Côi nhưng kết cục đều thất bại vì sự chia lòng chia trí không thể khắc phục.
Như đã nói để theo đuổi thực hành Kinh Mân Côi đòi hỏi lòng kiên trì. Chỉ có sự kiên trì mới có thể bớt lần được sự chia trí và nếu vẫn cứ chia trí thì cũng chẳng sao, điều cần nhất là không chiều theo sự chia trí ấy chứng tỏ con đường xuất thế của ta.
Tạo lập cho mình phương pháp cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và kiên trì thực hiện cộng với Ơn Chúa, đó chính là đã tạo cho mình một thứ Nghiệp Lành tối thượng: “ Thế thì các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng Trọn Lành” ( Mt 5, 48 )./.
Phùng Văn Hóa