Nhiệm Thể Chúa Kitô

Thần học hiện nay cho rằng có ba mô hình Cứu Độ, một là Dĩ Giáo Hội Vi Trung. Hai là Dĩ Đức Ki Tô Vi Trung và ba là Dĩ Thiên Chúa Vi Trung. Theo quan điểm Dĩ Giáo Hội Vi Trung tức lấy Giáo Hội làm trung tâm điểm thì “ Chỉ có một mạc khải một vị Cứu Tinh duy nhất  và một tôn giáo đích thực. Ơn Cứu Độ vì vậy chỉ gặp thấy trong Đức Ki Tô và ngang qua Giáo Hội của ngài. Giả sử chúng ta gặp thấy một phần mạc khải trong  các tôn giáo khác đi chăng nữa nói cho cùng mạc khải này không bao giờ đưa đến  Ơn Cứu Độ. Suốt dọc nhiều thế kỷ kết luận trên trở thành quá  hiển nhiên và tất yếu dựa vào một số bản văn của  Thánh Kinh và Thánh truyền. Lập trường cố cựu  này được đúc kết qua một công thức đã trở thành cổ điển “ Ngoài Giáo Hội không thể có Ơn Cứu độ” ( Extra Ecclesiam nulla salus)”.

          Trải qua hai mươi thế kỷ Giáo Hội vẫn coi mình là trung tâm điểm của Ơn Cứu Độ để rồi qua đó hướng dẫn đời sống đức tin cho Dân Chúa. Thế nhưng quan điểm này gần đây đã bị thần học phi bác bởi cho rằng “ Đức Ki Tô vẫn luôn luôn là Đấng Cứu Độ định chế nhưng Ơn Cứu Độ của Ngài vượt khỏi giới hạn chật hẹp của Giáo Hội hữu hình và của Ki Tô giáo. Nói cách khác Đức Ki Tô luôn luôn là Đấng Cứu Độ phổ quát. Tuy nhiên không nhất thiết bó buộc phải thuộc về Giáo Hội hữu hình để được Ơn Cứu Độ. Một Thiên Chúa, một Đức Ki Tô …nhưng nhiều cách thế  cứu độ khác nhau”.Một khi đã nhìn nhận Ki Tô là đấng Cứu Độ phổ quát thì tất nhiên Ơn Cứu Độ cũng phải phổ quát nghĩa là dành cho hết thảy mọi người không phân biệt người có hay không có tôn giáo “ Trong mấy thập niên gần đây một số tác giả đã bước từ quan điểm lấy Đức Ki Tô làm trung tâm để tiến tới chủ trương lấy Thiên Chúa làm trung tâm. Quan điểm này cũng thường được gọi là đa nguyên tôn giáo; theo đó chỉ duy Thiên Chúa mới  là trung tâm điểm của một tiến trình cứu độ nhiêu khê và phức tạp khởi đi từ công cuộc sáng tạo ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể và vẫn tiếp diễn cho đến tận cùng lịch sử. Qua những ngả đường dị biệt ngoằn ngoèo chồng chéo nhau nữa, nhân loại đang lần mò tiến về cùng một cứu cánh duy nhất”.

          Lý do được đưa ra khiến thần học cần thay thế quan điểm lấy Ki Tô làm trung tâm điểm bằng quan điểm lấy Thiên Chúa làm trung tâm điểm là bởi “ Một cách sâu xa hơn đối với tri thức về Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể nhận thức được  những gì Ngài mạc khải cho ta trong một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó chứ không bao giờ có thể hiểu thấu bản thể tự tại của Ngài. Do đó không thể phân tích các hình ảnh và phẩm tính khác nhau của Thiên Chúa để đạt tới chân lý  khách quan về Ngài. Nếu chỉ còn những ý tưởng, quan niệm hình ảnh và lý tưởng tương đối về thực tại thần linh có khả năng dẫn đưa chúng ta tới chân lý siêu việt như vậy rõ rệt là Ki Tô giáo rất khó biện minh cho vị thế độc đáo và tuyệt đối của mình trong lịch sử Cứu Độ. Và nếu lấy Thiên Chúa làm trung tâm điểm  Cứu Độ thì Đức Ki Tô không còn giá trị quy phạm và cũng chẳng còn tính cứu độ phổ quát. Hệ luận tất nhiên là phải chấp nhận đa dạng về con đường Cứu Độ và cần xác định lại vai trò trung gian Cứu Độ duy nhất của Đức Ki Tô” ( Nguồn Lamhong.Org 28/9/2014 – Đgm Phao Lô Nguyễn Thái Hợp – Vai trò của các tôn giáo trong chương trình Cứu Độ).

          Đúng như  nhận định của thần học, một khi đã lấy Thiên Chúa làm trung tâm  thì đương nhiên phải gạt bỏ vai trò trung gian duy nhất của Đức Ki Tô trong công  trình Cứu Độ. Đang khi đó Giáo Hội từ trước đến nay vẫn xác tín về vai trò có tính trung gian duy nhất “ Chỉ có một ĐCT và chỉ có một Đấng Trung Gian ở giữa ĐCT và loài người là Đức Giê Su Ki Tô cũng là người” ( 1Tm 2, 5).

          Xác tín Đức Ki Tô là Đấng Trung Gian duy nhất là điều vô cùng hệ trọng. Bởi có thể nói chính vì sự xác tín ấy mới làm nên Giáo Hội và có Giáo Hội thì mới có các Bí Tích nhất là  Bí Tích Thánh Thể. Ngược lại phủ nhận vai trò trung gian Cứu Độ duy nhất của Đức Ki Tô thì Giáo Hội không còn là Giáo Hội Tông Truyền do Chúa thiết lập. Tại sao ? Bởi vì Giáo Hội được lập ra chính là để thực hiện con đường Cứu Độ là đường về với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6).

          Đường Cứu Độ là đường về với Chúa Cha hay nói cách khác Đấng Cha chính là cứu cánh của con đường Cứu Độ. Cứu cánh ấy chỉ có thể đạt được thông qua con đường  trung gian  Cứu Độ duy nhất của Đức Ki Tô chứ hoàn toàn không phải  như thần học nói đó là “ Những con đường dị biệt chồng chéo và nhiều khi còn tương phản nhau nữa, nhân loại đang lần mò tiến về cùng một cứu cánh duy nhất”. Cái gọi là cứu cánh duy nhất mà nhân loại đang…lần mò tiến về ấy đó thuần túy chỉ là những ảo tưởng. Có thể nói con người sống là sống trong và cho các ảo tưởng. Ảo tưởng ấy có thể là thời vua Nghiêu vua Thuấn xa xôi nào đó; người ta sống hòa đồng với thiên nhiên và với nhau. Ảo tưởng ấy cũng có thể là những tiêu chí của cách mạng Pháp 1789 = Tự Do ( Liberte’) Bình Đẳng ( E’galite’ ) Bác Ái ( Fraternite’ ) và gần đây nhất là Thế giới Đại Đồng  CS. Ảo tưởng trước sau gì cũng chỉ là ảo tưởng thế nhưng  con người đâu có biết để rồi cứ tiến hành hết cuộc cách mạng này đến cách mạng khác hòng thay đổi vận mạng của mình = Từ chỗ bị áp bức bất công trở thành xã hội bình đẳng tự do. Từ chỗ đói  khổ trở thành ấm no hạnh phúc  v.v…Cách mạng thì đương nhiên phải chấp nhận hy sinh gian khổ phải đổ máu hàng triệu sinh linh,  nhưng rồi  kết quả ra sao ? Cách mạng Pháp 1789 sau những hỗn loạn cuồng nhiệt trong giai đoạn đầu còn về sau cho đến tận thời nay ba tiêu chí Tự Do Bình Đẳng Bác Ái  đó  phải chăng vẫn chỉ là một thứ ảo tưởng xa vời ? Cách mạng Bôn Sê Vich 1917 với lời hứa tiến lên thế giới đại đồng không còn cảnh người bóc lột người  thì nay trong thế giới ấy người ta  thấy chỉ toàn là dối trá bất công…

          Tất cả những con đường của nhân loại  dù mang danh cách mạng, tất yếu chỉ đưa đến thất vọng. Lý do bởi vì ảo tưởng không bao giờ đưa đến Thực tại là cái không tách lìa thế gian nhưng thế gian lại không thể cảm nghiệm cũng như suy tưởng được, mặc dầu vậy đây mới chính là cái mà các bậc Thánh nhân đông tây kim cổ hết lòng tìm kiếm. Bên trời Đông đức Khổng Phu Tử thành thật tin rằng ĐẠO ( Thực tại ) ấy là chí thiện chí mỹ và cho rằng hễ ai đã nghe ( biết) được một lần rồi thì dẫu có chết cũng không uổng một đời “ Triêu văn ĐẠO tịch tử khả hỹ” ( buổi sáng mà nghe được ĐẠO buổi tối dù có chết cũng cam – Luận Ngữ ). Bên trời Tây Thánh Augustino khẩn nài “ Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa. Nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi  được nghỉ yên nơi Chúa”. Nguyên nhân sâu xa khiến con người cứ còn xao xuyến mãi như thế là vì tất cả chúng ta đều được tạo dựng nên là Hình Ảnh  của Thiên Chúa ( St 1, 26 ).

          Được dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa nhưng con người bởi vô minh che lấp nên đã không nhận biết được Sự Thật vô cùng cao cả ấy. Đức Ki Tô từ trời xuống thế cũng không ngoài mục đích rao giảng Sự Thật “ Chúa Giesu bèn phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng = nếu các ngươi cứ ở trong đạo của ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32).

          Chúa nói những ai muốn nhận biết Sự Thật thì phải ở trong đạo của Ngài và đạo ấy chính là Đạo Công giáo Tông  Truyền do Ngài thiết lập. Chúa nói với Phê Rô = “ Simon con Giona, ngươi thật có phước vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng, ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi, hễ điều gì ngươi cầm  buộc dưới đất thì trên  trời cũng cầm buộc. Hễ điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 16 -20).

          Chúa lập Giáo Hội chỉ trên một con người đồng thời trao trọn quyền bính cho con người ấy. Điều này hẳn nhiên là phải có mục đích vậy mục đích ấy là gì nếu chẳng phải là để bảo đảm cho việc nhận biết Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người ? Từ khi lãnh nhận Bí Tích  Rửa Tội, tất cả Ki Tô hữu chúng ta bất kể là giáo sĩ hay giáo dân đều có ơn gọi làm Con Chúa “ Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một Phép Rửa một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người  suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6).

          Chỉ có một thân thể đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô. Trong thân này Chúa Ki Tô là đầu còn hết thảy Ki Tô Hữu đều là những chi thể của Ngài “ Ta là cây nho các ngươi là cành. Ai cứ Ở trong ta và Ta Ở trong họ thì kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. nếu ai chẳng cứ Ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6).

          Cành phải gắn với thân  mới được thông phần  nhựa sống của thân. Cũng vậy là Ki Tô Hữu chúng ta cần phải Ở trong Chúa mới có thể sinh hoa kết quả  tức có ơn phúc được. Để Ở trong Chúa thì trước hết cần phải tin Ngài là Đấng Cứu Độ mình. Trải qua nhiều thế hệ, người Do Thái vẫn mong chờ Đấng Messia Cứu Độ nhưng khi Ngài đến họ lại không tin “ Người Do Thái nhóm quanh Ngài mà nói rằng = Thầy để chúng tôi vơ vẩn cho đến chừng nào ? Nếu thầy là Đấng Ki Tô thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi biết. Chúa Giesu đáp = Ta đã nói cho các ngươi mà các ngươi không tin. Những việc Ta nhân danh Cha Ta mà làm đều làm chứng cho Ta. Nhưng các ngươi không tin Ta vì các ngươi chẳng thuộc về  đoàn chiên Ta. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo ta. Ta ban cho chúng sự sống đời đời nó hẳn chẳng hư mất bao giờ. Chẳng ai có thể giựt nó khỏi tay Ta” ( Ga 10, 24 -28).

          Những người tin thì thuộc đoàn chiên của Chúa nhưng chiên thì phải nghe được tiếng của chủ chiên. Có nghe được tiếng chủ chiên là Đức Ki Tô thì mới biết đường biết nẻo mà theo  Ngài. Sở dĩ chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa bởi vì Chúa luôn  Ở trong ta không một phút giây nào ngừng “ Về phần anh em há không biết rằng Chúa Giesu Ki Tô ở trong anh em sao ? “ ( 2C 13, 5). Qua Bí tích  Rửa tội mỗi  Ki Tô Hữu chúng ta từ vị giáo hoàng cao trọng đến các tín hữu bình thường đều có chúa ở nơi mình. Thế nhưng  Đấng Chúa ấy chỉ như một cái mầm sống yếu ớt mỏng manh rất  cần được  chăm sóc dưỡng nuôi mới có thể lớn lên được. Công việc chăm sóc dưỡng nuôi ấy tự thân mỗi người không một ai có thể nếu không có Giáo Hội. Thật vậy Giáo Hội chính là Người Mẹ  cưu mang sinh ra và dưỡng nuôi chúng ta bằng ơn sủng của các Bí Tích. Giáo Hội mà không có các Bí Tích thì đó không phải là Giáo Hội của Chúa Ki Tô tức Thân Mầu Nhiệm.

          Dấu chứng rõ ràng nhất cho thấy Chúa Ki Tô hiện diện trong Giáo hội đó là Bí Tích Thánh Thể hay còn gọi là Bí Tích Tình yêu. Ngay khi còn đương thời Chúa  Giesu đã nói lên tính chất khó tin của Bí Tích này nhưng lại vô cùng cần thiết cho sự sống đời đời “ Ta là bánh của Sự Sống, tổ phụ các ngươi đã ăn man na trong đồng vắng rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống hầu cho ai ăn đến thì chẳng chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là thịt Ta. Bởi đó người Do Thái tranh luận với nhau rằng = người này lấy thịt mình cho chúng ta ăn thế nào được ? Chúa Giesu bèn phán cùng họ rằng = Quả thật  quả thật Ta nói cùng các ngươi  nếu các ngươi không ăn thịt của Con Người và uống huyết của Người thì chẳng có sự sống trong các ngươi” ( Ga 6, 48 -53).

          Đang khi còn sống trong thân xác mà Chúa Giesu lại nói cần phải ăn thịt và uống máu Ngài  để có sự sống thì thật khó tin quá. Còn ngày nay về phần chúng ta những chi thể của Chúa Ki Tô chúng ta có tin được lời ấy  không ? Lời Chúa là lời hằng sống, một khi Chúa đã nói  tin thì được sống, trái lại không tin sẽ phải chết  thì  hẳn nhiên là phải đúng như vậy.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment