Nhớ về … vườn rau Lộc Hưng thuở ấy

          Xem đoạn clip Vườn Rau Lộc Hưng bị các lực lượng công an, dân quân cho máy xúc đập phá, ủi xập nhà cửa và hôm sau có đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, cha Phạm Trung Thành ( DCCT ) đến thăm bà con dân oan mình bỗng nhớ da diết cái nơi mà mình đã sống cùng với bố mẹ, bạn bè trong suốt  hai mươi năm thời  thanh, thiếu niên từ năm một chin năm năm cho đến biến cố bảy lăm….

          Còn nhớ vào khoảng tháng tám năm…năm tư, đoàn người di cư được tàu buôn Pháp chở thẳng vào bến cảng Sài Gòn rồi lên xe GMC nhà binh đến khu Nangcy ( Chợ Quán ) trong một đêm gió mưa tơi tả…

          Ở khu Nangcy hơn một tháng rồi về ở trại tạm cư nhà bạt Tân Thông ( Cử Chi ) có đến gần năm trời rồi chia ra phần lớn thì về Cái Sắn định cư. Còn một phần gồm những họ Vĩnh Thọ, Ổ Thôn ( Bách Lộc ) Mông Phụ, Nỗ Lực…thì về Chí Hòa sinh sống từ đó đến nay.

          Gia đình mình ở tại trại Lộc Hưng nơi có Vườn Rau…nổ tiếng từ mấy năm nay. Sở dĩ nó…nổi tiếng là vì có sự tranh chấp giữa bà con làm rau đã sinh cơ lập nghiệp ở đó từ ngày …chạy nạn vào Nam từ hơn nửa thế kỷ nay.

          Những con người hiện sống ở đó có lẽ thuộc về thế hệ thứ  ba thứ tư gì đó. Ông bà cha mẹ và cả bạn bè mình hôm nay cũng chẳng còn người nào ở đó. Dân di cư ngày đó đều do các cha dẫn dắt  lập  thành các trại liền khít nhau. Cạnh bên  Lộc Hưng là hai trại Nghĩa Hòa và Nam Hòa. Riêng trại Lộc Hưng thì kế bên khu đất ruộng khoảng hai hecta ( Trong đó gồm cả nhà thờ, nhà xứ ) thuộc sở hữu của  địa phận Sài Gòn. Phía bên ngoài sát bên đường Lê Văn Duyệt là chi nhánh của đài phát thanh Pháp Á mà dân gian gọi là Nhà Giây Thép Gió Chí Hòa.

          Mới đầu các trại ngay cả nhà thờ cũng dựng bằng vách gỗ lợp lá dừa. Mãi về sau dân cư ngày càng đông. Đời sống phát triển khấm khá mới có nhà xây, mái tôn mái bằng…Cha Trình rồi đến cha Vịnh, Cha già Hân, cha Thu, cha Hiệu…lần lượt coi xứ.

          Bố mẹ mình là dân trồng rau từ ngoài Bắc. Thế nên có lẽ là người đầu tiên khai phá, cuốc đất dọn cỏ để làm nên những luống rau xanh tốt…Đời sống xứ đạo cứ êm đềm trôi qua. Kinh hạt lễ lạy sớm chiều nhộn nhịp, ấm áp…Trong mấy năm sau Xứ nào các cha  cũng cho  xây trường học phần lớn chỉ dạy cấp tiểu học rồi dần dà mới có bậc trung học cho đến lớp đệ tứ…

          Ngay trong niên khóa 55 -56, mình vào lớp nhất trường tiểu học Thánh Tâm do frère Alexis  Dòng Cái Nhum làm hiệu trưởng. Trong lớp có Bùi Hồng Trướng, Kiều Trí Cửu, Kiều Trí Cường ( Sau này di tản qua Mỹ được phong phó tế ). Tức cười khi điểm danh thì thầy gọi tên Bảo thành Bửu khiến anh chàng ngơ ngác. Được mấy  ngày sau tên này đã…bỏ học. Sau này Bảo học giỏi có tiếng. Đậu hạng Bình ( Năm đó không có thủ khoa ) đứng đầu HĐ thi Gia Định, được một vé du ngoạn cố đô Huế. Khi về được chuyển thẳng vào lớp đệ tam Chu Văn An. Thi đậu cả hai trường đại học nhưng chọn Quốc Gia Hành Chánh. Tốt nghiệp làm quận phó một quận ở miền Tây.

          Cũng năm đó Tịnh đậu Bình Thứ còn mình đậu hạng Thứ…Nên nhớ tỷ lệ học sinh đậu thường chỉ ở mức trên dưới 20% chứ không phải 100% như bậy giờ. Nói về Bảo, mình còn nhớ gần nhà hắn có con kênh nước xanh trong không biết chảy từ đâu về dẫn qua cống ngầm đường Lê Văn Duyệt sang một con kinh…lớn khác đó là Kinh Nhiêu Lộc bây giờ. Bọn trẻ con  vào buổi chiều mát hay làm những …con thuyền gỗ lớn hơn bàn tay có gắn…buồm bé tý thả xuống cho nó chạy …vèo vèo. Có những con..thuyền bị đổ nhào cả bọn la hét rầm rĩ….thật vui.

          Về sau dân cư  khắp nơi đổ về càng đông. Người ta đã lấp đất làm nhà hai bên dòng kênh làm nhà cầu…xả rác xuống con kênh đen đặc hôi thối. Sau bảy lăm thì..con kênh đó bị …mất tăm mất tích chỉ còn những nhà là nhà chen cứng, ngột ngạt.

          Trong nhóm bạn bè ngày đó tính ra có tới chin mười đứa nhưng thân nhất chỉ có bốn người,  mình, Tịnh, Bảo, Ái. Ái thì chăm học ít khi tụ tập sau buổi kinh tối. Còn mình với Tịnh, Bảo thì hay gặp gỡ chỗ này chỗ khác khi thì ở bên ngoài vòng rào cư xá SQ Chí Hòa. Khi thì ở Đền Thánh Thi sát cạnh Vườn Rau. Cũng ..lạ là  nhưng câu chuyện…vớ vẩn ngày đó  thường là không giống bọn khác  mà có khi  chêm vào là những câu chuyện…thơ văn Tự Lực Văn Đoàn, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Hồ Zếnh ….vừa chuyền tay nhau đọc vội.

          Ngày nay khi tuổi đã…về già trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống mình  nhớ mãi kỷ niệm có lần cùng với Tịnh mặc chung một chiếc áo mưa cứ thế lặng lẽ đi bộ trong Sở Thú dưới trời mưa rì rầm trên các ngọn cây không ai nói với ai lời nào…

          Có lần, bốn năm đứa giữa buổi trưa nắng rong ruổi  đạp xe lòng vòng trong rừng cao su rợp bóng tìm đến ngôi biệt thự cổ bỏ hoang có lẽ xây dựng từ thời Pháp xa xưa mang tên thái tử  Bảo Long. Có hai cây đại thụ Ngọc Lan tỏa hương thơm ngát một vùng.

          Rừng cao su ấy sau này bị cắt ngang thành đường Thoại Ngọc Hầu và hai bên đường mau chóng mọc lên những khác sạn những quán Bar làm nơi vui chơi trác táng cho lính Mỹ. Rừng cao su dần dần biến mất để thành ra phố phường đông đúc….mất đi lá phổi của thành phố.

          Nhớ lại Giáng Sinh năm 61. Ái đang dạy học tại Phước Long  nghỉ phép ra nhà Khiên  tại Rạch Dừa có việc gì đó. Ái rủ mình cùng đi. Hôm sau hai đứa đạp xe ra Bãi Ô Quắn ngắm biển. Ôi ! Một lần nữa sau nhiều năm rời TCV Phước Tỉnh mình mới lại được giang rộng hai tay thở hít làn gió đại dương lồng lộng từ khơi xa đưa về.

          Lần đó trở về để kịp tổ chức Reveillong tại nhà Tịnh có sự tham dự gần hai chục người cùng nhau hát vang bài Đêm Đông do mình chuyển lời.Những ngày sau đó  trên các nẻo đường đời hình bong người em gái của Khiên ngày đó mới khoảng mười hai nười ba gì đó cứ trở đi trở lại trong đầu mà thật ra mình cũng chẳng muốn…gạt đi. Mình  đã …yêu chăng người con gái thùy mị ấy ?

          Nhà văn Văn Quang có một tiểu thuyết mang tên Ngày Vui Qua Mau. Cái thời thanh thiếu niên ở Lộc Hưng cũng thật là vui nhưng rồi…ngày vui ấy cũng qua mau.Mỗi người mỗi ngả, đứa thì dạy học mãi tận Phước Long đứa thì Mỹ Tho, Long An….Đứa thì đóng lính tại Phei Ku, Quảng Đức, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Bùi Hồng Trướng cao to đẹp trai mang danh Thanh Tú Ông Tạ thuyên chuyển về Sài Gòn làm HLV Quân Sự Học Đường. Cải tạo về theo diện H.O mới chết tại Mỹ, bệnh ung thư. Nguyễn Minh Liễu cùng vợ vượt biên ngay năm bảy sau. Sau có năm năm đang làm ở công ty bị cái quạt trần rơi xuống đâu mấy ngày sau thì chết.

          Đại úy Diễn sau bảy lăm khi đã ngoài năm mươi mới lấy vợ. Diện H.O  sang Mỹ giờ cũng chẳng có tin tức gì. Trung Úy Thái ( Còm ). Trung Úy Thế, Thiếu tá Cảnh sát Thanh vượt biên chết mất xác ngoài biển..cho cá ăn. Còn Trung Úy Phạm Nguyên Hà không chịu đi H.O ở lại có nhà hàng lớn đường Võ Tánh mới chết bệnh ung  thư máu….Ở đây, đất Hố Nai này không biết duyên nợ nào mình với Tịnh với Trần Văn Xuân Tiến ( Anh vợ Ái ) lần lượt tụ hội về xứ Trà Cổ này. Kẻ trước người sau nhưng cùng một chí hướng muốn tìm về cội gốc. Cái cội gốc ấy  về phần mình  đã…biết rồi. Hữu duyên thì gặp, hết duyên thì tan. Tất cả đều do Duyên nhưng  cái …duyên mà bọn mình  thản hoặc mỗi khi gặp gỡ nhau không ai lại không nhắc  đến  cái thời cùng ở quanh cái Vườn Rau Lộc Hưng rất mực  thân tình đó./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts