NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT NAM NHI

“Bằng những giọt nước mắt, những giọt nước mắt nam nhi nóng hổi, anh em có thể thanh tẩy được quá khứ và siêu nhiên hóa cuộc sống hiện tại của mình” (Thánh José Escriva)

Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi, một tân tòng, là một người khô khan, nguội lạnh đức tin. Chỉ biết theo đạo Thiên Chúa là được diện chỉnh tề, lịch sự để mỗi Chúa Nhật đến nhà thờ dự Thánh Lễ mà không hề biết những ý nghĩa trong phụng vụ, không hề hiểu những bài đọc trong Thánh Lễ. Lời Chúa, lời đáp, lời ca, chả biết chi cả…chả hiểu chi cả. Chỉ thấy mình đi lễ thì vui, được nhìn ngắm bàn thờ trang hoàng bông hoa đèn nến lung linh đẹp. Các em giúp lễ dễ thương, có em đẹp như thiên thần. Được nghe ca đoàn hát hay, vui vẻ… được nhìn một cộng đoàn dân Chúa có đủ sắc thái của con người, giàu nghèo, già trẻ lớn bé, người vui tươi, người sầu muộn, kẻ ăn mặc bình thường, người chải chuốt diện đẹp v.v… đều ngoan ngoãn cung kính trước Chúa. Nhưng sau một thời gian cứ lập đi lập lại mãi như thế thì tâm hồn tôi nó trở chứng, nó thắc mắc đủ điều này nọ…

Đã từ lâu, trong thâm tâm tôi có nhiều thắc mắc về Chúa, về Mẹ Maria về những nghi lễ trong thánh lễ. Khi quỳ khi đứng khi ngồi là ý nghĩa gì??? Khi hát khi đọc, khi cha giảng v.v… mà những thắc mắc như vậy nó thỉnh thoảng  lởn vởn trong trí óc, đôi khi tôi mở lời hỏi vài người mà ai cũng cho là rất đạo đức. Nhưng cũng không được giải thích cho thỏa đáng… thế là tôi cứ theo chủ nghĩa „mackeno“ (mặc kệ nó), thành ra mình cứ là người ngu.

Khi ra Hải Ngoại, cuộc sống từ từ được ổn định thì nhu cầu tâm linh đòi hỏi nhiều hơn, khi các con bắt đầu lớn, bổn phận của mình là phải hiểu biết để giải thích và trả lời những thắc mắc cho các con, lúc này những thắc mắc nằm ngủ yên lâu ngày, nó sống dậy một cách mãnh liệt. Tôi tìm sách báo đọc mà sách tiếng Việt thì làm gì có, vào những năm đầu đi tị nạn. Sách tiếng Đức thì đầy dẫy mà mình thì abc cũng chưa thấm nhuần… Tìm đến hỏi linh mục VN thì cũng không được giải thích thỏa đáng, mà lúc đó cũng chỉ có một linh mục người Việt Nam, hai tháng mới đến thăm dân tị nạn và dâng Thánh Lễ cho người Việt thôi.

Tôi được dự một khóa tĩnh tâm theo phương pháp Linh Thao của Thánh Inhazio, ở một quốc gia hàng xóm, tạ ơn Chúa, những thắc mắc được giải tỏa thật thỏa mãn mà còn hơn thế nữa, tôi hiểu được Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng trời đất muôn vật. Ngài ban con một của Ngài là Chúa Giêsu xuống thế làm người trong cung lòng của một trinh nữ, chịu khổ chịu nạn để chuộc tội lỗi mà ông tổ loài người là Adam và Eva đã phạm và truyền thừa cho nhân loại, và Ngài yêu thương tôi vô vàn, Ngài chết cho tôi dù tôi bất toàn, dù tôi tội lỗi… Thế có tuyệt vời không cơ chứ!.

Thiên Chúa cho Thần Khí Ngài chạm đến trái tim chai đá của tôi và biến đổi thành trái tim mềm dịu, biết yêu thương mọi người. Lần đó tôi khóc sướt mướt như chưa bao giờ được khóc.  Những giọt nước mắt hạnh phúc, những giọt nước mắt biết ơn, những giọt nước mắt ăn năn, những giọt nước mắt hối tiếc vì mình được biết Ngài quá trễ… Tạ ơn Chúa, vị mặn trong nước mắt đã tẩy rửa linh hồn con trở nên trong sạch, tâm trí con sáng suốt để từ nay con biết sống theo ánh sáng của Ngài.

 Nước mắt của Thánh I-nhã Loyola:

Thánh lễ là thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô ôm trọn nhân loại trong sự thương xót cứu rỗi. Thánh Inhã rất quý Thánh Lễ nên khi được nhậm chức linh mục, Ngài không dâng lễ mở tay ngay như những linh mục khác mà Ngài chuẩn bị cả một năm trời cho Thánh Lễ mở tay của Ngài, đủ biết Thánh Lễ quý trọng và cao cả biết bao với Ngài.

Chuẩn bị cho Thánh Lễ, khi vào phòng thay áo, lúc khoác áo Alba, Ngài cũng khóc. Lúc dâng lễ cũng khóc, dâng lễ xong cũng khóc, lúc thay áo cũng khóc, vì Ngài luôn nhận thấy mình bất xứng với tình thương bao la của Thiên Chúa trao cho mình. Mình đang được Thiên Chúa bao phủ tràn đầy ân sủng và trong hoàn cảnh hiện hữu này. Ngài luôn sống với tâm tình biết ơn và nước mắt ấy là sức sống nâng đỡ Ngài trong suốt cuộc đời.

Một lần, khi đang thong dong cầu nguyện ngoài trời, trên bậc tam cấp một tu viện, thánh nhân bất chợt nghe tiếng Ba Ngôi Chí Thánh như tiếng nhạc của ba phím đàn đang hòa thanh (ba nốt nhạc cấu thành một hợp âm). Toàn thân Ngài rung động, trái tim thổn thức và nước mắt không ngừng rơi…

Một lần khác, Thánh nhân được thị kiến về cách thức Thiên Chúa sáng tạo thế giới. Thánh nhân thấy một vật thể trắng phát ra những tia sáng, và Thiên Chúa làm thành ánh sáng. Thánh nhân không biết giải thích những việc này như thế nào. Ngài đáp trả bằng con tim. Nước mắt tràn ra, kẻ ấy thổn thức không sao kìm hãm được.

Nước mắt của Chúa Giêsu:       

Trong ba năm đi rao giảng khắp nơi Chúa Giêsu đã rơi nước mắt khóc thương khi thấy dân chúng lầm than, nghèo khổ, về tinh thần tâm linh thì không người chăn dắt, khóc thương trong lòng khi thấy bà góa nghèo khổ đang khóc sau quan tài con trai duy nhất của bà, bà sẽ không còn nơi nương tựa độc nhất của bà.

Nhưng Kinh Thánh chỉ dùng chữ khóc trong những trường hợp:

  1. Ngài khóc thương Lazaro „Thấy cô khóc, và những người Do Thái đi với cô cũng khóc,Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến……  Đức Giêsu liền khóc.“, (Ga 11, 33; 35)
  2. Ngài khóc cho nhân loại khi cầu nguyện tại vườn Gietzêmanê: „Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi người như những giót máu rơi xuống đất“ (Lc22,44)
  3. Ngài khóc thành Gierusalem: „Khi đến gần Gierusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!…“ (lc 19, 41-42a)

Nước mắt của Thánh Phêrô:

Ông Phêrô là một trong 12 môn đệ của Chúa Giêsu. Ông làm nghề chài lưới, ông chân thật, hiền lành, thẳng thắn, bộc trực, sôi nổi nên nông cạn. Ông rất yêu thương và kính trọng Thầy mình, vị Thầy mà ông và các bạn đã đồng lao cộng khổ với Thầy ba năm nay. Ba năm chan chứa ân tình dù rất nhiều lúc ông bị Thầy mắng những lời nặng nề: „Satan, lui ra đàng sau“ hoặc „Sao nhát thế? Làm sao mà anh em chưa có lòng tin“ (Mc 4,40).

Vì tánh tình sôi nổi bộc trực nên khi Thầy Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn trên núi Ôliu thì ông lập tức phản ứng ngay: Bấy giờ Đức Giêsu nói với các ông: „Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác“ (Mt 26,31)… ông khẳng định với Thầy lòng trung thành và yêu thương của mình, ông liền thưa: „Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã. Đức Giêsu bảo ông: Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần. Ông Phêrô nói: „dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.“. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy“ (Mt 26, 33-35).

Khi Thầy Giêsu của ông bị bắt, ông thể hiện lòng yêu thương và muốn bảo vệ Thầy mình ông bèn tuốt gươm ra, nhằm người đầy tố vị thượng tế mà chém đứt tai của y. Người đầy tớ ấy tên là Mancho. Đức Giêsu nói với ông Phêrô: „Hãy xỏ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?“.(Ga 18,10-11)

Họ bắt Đức Giêsu rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha. Trong khi các môn đệ khác trốn hết, chỉ riêng một mình ông Phêrô thương Thầy hết mực nên mon men theo Thầy ở xa xa, khi „ông Phêrô còn đang ngồi ngoài sân, thì có một người tờ gái đến bên ông và nói: „Cả bác nữa, bác cũng theo ông Giêsu, người Galilê đó chứ gì?“. Ông liền chối: Tôi không biết cô nói gì! Ông đi ra đến cổng thì, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: „Bác này cũng theo ông Giêsu người Nazareth đấy“. Nhưng ông lại thề mà chối: „Tôi không biết người ấy“. Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phêrô mà nói: Đúng là bác cũng thuộc bọn họ, cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay. Bấy giờ ông Phêrô liền thốt lên lời độc địa và thề rằng: „Tôi không biết người ấy“. Ngay lúc ấy tiếng gà gáy. Ông sực nhớ lời Thầy đã nói: „Gà chưaa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần“. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết“ (Mt 26,69-75) Những giọt nước mắt ăn năn hối hận cho sự nông nổi của mình hòa lẫn lòng thương yêu, kính trọng Thầy mình, trộn lẫn những giọt nước mắt  thất vọng, tuyệt vọng, buồn bã …

Qua kinh nghiệm của những vị mục tử chia sẻ, những giọt nước mắt đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc biến đổi một con người nên tốt đẹp, hơn nữa biến đổi người đàn ông được nên thiện hảo hơn.

Bàn tay kỳ diệu của Thiên Chúa chạm đến trái tim, được đánh dấu bằng nước mắt. Khi Chúa Thánh Thần ngự đến trong thâm sâu tâm hồn chúng ta, phản ứng tự nhiên là những giọt nước mắt cảm động từ đáy lòng tuôn ra, những giòng nước mắt hạnh phúc, lay động tâm hồn, nếu không rơi xuống thì sẽ không bao giờ nhận ra mình vấp ngã và cần phải đứng lên, lay đổ hàng rào bướng bỉnh, chai đá nhường chỗ cho sự lành mạnh và toàn thiện. Khi những điều này xảy ra, nó biến đổi một tâm hồn trở nên mới như được tái sinh./-

Elisabeth Nguyễn

Chia sẻ Bài này:

Related posts