Đến thăm cha xứ có chút việc, xong tôi ghé nghĩa trang Tân Bình thắp nhang cầu nguyện cho ông bà cụ. Ông bà mất cách đây khá lâu thấm thoát đã ngoài ba chục năm. Còn nhớ ngày ấy mộ phần xây bằng gạch, tô xi măng nên hàng năm cứ vào mỗi dịp lễ Các Đẳng Linh Hồn tôi lại phải …trần thân ra cọ rửa quét vôi một lần. Nay thì đời sống cũng …khấm khá nên mộ của hai cụ đã được đúc bằng đá đen tuyền bóng lưỡng.
Hồi đó mộ phần xây bằng gạch thấp lè tè lại chẳng có hình ảnh gì cả. Còn nay thì có bậc tam cấp lại có cả hình ảnh lồng trong khung kính đàng hoàng. Ông cụ với chòm râu bạc phất phơ trông khá sinh động còn bà cụ thì nét mặt hiền từ, cổ đeo cỗ tràng hạt màu gỗ gụ…chắc là thợ ảnh …đã làm cho ?
Vừa đọc kinh cho ông bà vừa hồi tưởng lại dĩ vãng xa xưa. Thuở ấy ông cụ làm phó chương của mấy họ lẻ làng Vĩnh Thọ ven sông Hồng. Vốn là làng…tề nên sống vào cái thời tao loạn ấy những người có chút chức vụ gì của bên giáo là hết sức nguy hiểm bị Việt Minh bắt đi tù hoặc sát hại là thường….Ban ngày không sao còn ban đêm thì ông cụ khi ấy mới ngoài bốn mươi không dám ngủ ở nhà. Vào cái quãng thời gian gay go nhất khoảng bốn chín hay năm mươi gì đó ông cụ phải dẫn tôi là con trai út ( ông anh đi lính pạc ti giăng ) vào trong bốt Kim Lũ ngủ nhờ….
`Nói sao cho hết những vất vả khổ nhọc của ông cụ, một người vừa lo việc đạo vừa lo việc gia đình trong hoàn cảnh nghèo túng thuở ấy mà thương cho ông cụ quá chừng. Biết lấy chi đền đáp công ơn ấy ngoài việc cầu nguyện trong các Thánh Lễ hàng ngày và trong giờ kinh gia đình mỗi tối. Tôi rất mực tin tưởng vào lòng Chúa nhân từ đã ban thưởng cho ông bà trên Thiên Đàng không phải vì có công lênh gì nhưng chỉ vì các ngài luôn vững lòng cậy trông nơi Chúa và Đức Mẹ.
Buổi chiều nghĩa trang thật buồn, ánh nắng vàng nhạt tỏa trên các ngôi mộ khiến cảnh vật nơi đây đượm vẻ buồn thê thiết….Mỗi ngôi mộ là một con người mà trước đây hẳn nhiên họ đã từng sống trên cõi dương gian này với nào là những tên tuổi những người ông người bà người chồng người vợ nào là những buồn vui, dự tính này nọ v.v…Nhưng giò đây tất cả chỉ còn là những nắm xương rời rạc hay có khi chỉ là chút mùn đất thế thôi !!!
Theo dòng miên man suy tưởng tôi lững thững rảo quanh các ngôi mộ. Đọc tên tuổi trên các tấm bia và thấy cuộc đời họ dường như sống lại như những thước phim quay chậm, đứt quảng. Chồng Nguyễn Công Tân sinh năm 1943 chết 1986. Vợ Nguyễn Thị Xuân Phi sinh 1945 chết 1984. Vợ chồng này tôi có quen trong một thời gian ngắn. Tân là đại úy quân đội VNCH, sau khi đi tù cải tạo về , không nhà cửa thân thích mới dạt về nơi này, ở nhờ nơi nhà một người bạn cũ. Cả hai vợ chồng cùng với hai đứa con một trai một gái đều ốm o gầy mòn có lẽ vì suy dinh dưỡng. Trong hoàn cảnh ấy Tân sống cam chịu, ngày ngày đi làm cỏ mì thuê kiếm mấy đồng bạc nuôi người vợ ốm yếu và hai đứa con thơ dại.
Tân rất ít nói chỉ hay thở dài, người vợ có tính nghệ sĩ, biết chơi đàn ghi ta và làm thơ. Thế rồi cả hai lần lượt chết để lại hai đứa con nhỏ, chẳng biết sau khi cha mẹ qua đời hai đứa nhỏ ấy sống ra sao lưu lạc phương nào. Chỉ có điều là cho đến nay chúng vẫn còn sống và sống khá giả là đàng khác. Cách đây mấy năm chúng đã về xây cho cha mẹ hai ngôi mộ khang trang đẹp đẽ ….
Ngôi mộ thứ hai mà tôi dừng lại khá lâu là của Nguyễn Hữu Lai sinh 1939 chết 1977. Ông này ở sát bên rẫy của tôi trước đây là lính chức vụ thượng sĩ, một vợ và năm đứa con. Có tật hay rượu nhưng hiền không làm mất lòng ai bao giờ. Trong những giờ nghỉ trưa Lai hay tạt qua lều hút thuốc lào và nghe tôi tán chuyện đông tây kim cổ rất lấy làm thích chí. Trong một lần đi lấy lá buông, trên đường về gần tới nhà ở dưới dốc Suối Đỉa thì bị đụng xe chết tươi không kịp trối trăng gì cả. Ngày ấy tôi buồn mất mấy ngày, nghĩ ngợi về lẽ sống chết ở đời xót xa phận mình phận người sao mà phi lý đến vậy ?
Cái chết là một phi lý. Thế nhưng tính chất phi lý ấy lại là một cái khâu then chốt của đời sống không những chỉ có ở nơi con người nhưng là chung cho muôn loài vạn vật, chim chóc cỏ cây muông thú. Nói chết là cái khâu then chốt bởi lẽ nếu không có chết thì làm gì có sống ? Chết và sống là một chuỗi nối tiếp nhau không ngừng và trong cái chuỗi sinh diệt diệt sinh ấy con người như bị đẩy vào một vòng xoay bất tận không có cách chi thoát khỏi ?
Có vấn đề không thể không được đặt ra ở đây đó là cái gì làm nên chuỗi sinh tử tử sinh mà con người bị trói buộc không thể thoát ra khỏi đó ? Thắc mắc về lẽ siêu hình là một đặc trưng của con người hơn nữa lại chỉ có ở nơi những con ngươi suy tư. Một thi sĩ trong thời đại chúng ta là Vũ Đình Liên ( 1913 – 1996 ) đã có một bài thơ …để đời và trong bài thơ ( Ông Đồ ) nổi tiếng ấy ông có nêu lên thắc mắc thế này “ Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ ?
Hỏi “ Hồn ở đâu bây giờ ?”tức là hỏi con người ta sau khi chết thì linh hồn sẽ đi đâu, về đâu ? Đối với vấn nạn này chúng ta thấy có nhiều quan điểm khác nhau. Duy vật biện chứng phủ nhận không có linh hồn và như vậy có nghĩa chết là hết chuyện thế nên câu hỏi trở thành vô nghĩa. Còn Khổng Tử thì tuy công nhận có hồn “ Người sinh ra có khí có hồn có phách. Khi hồn phách hội lại gọi là sinh’. Nhưng lại tránh né bàn về cái chết “ Chưa biết được việc sống thì biết thế nào việc chết ? ( Vị tri sinh, an tri tử – Luận Ngữ ). Vì không muốn bàn về ý nghĩa sự chết thế nên Nho Giáo ngày càng đi vào chỗ hủ bại, chỉ lấy cái học từ chương hòng thi đỗ để ra làm quan mà thôi.
Triết học kể cả Siêu Hình Học Tây phương nói riêng hầu như không bàn về ý nghĩa sự chết. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến Đạo Công Giáo là đạo mà đáng lẽ ra cần bàn sâu về cái chết vì chưng đây là Đạo Cứu Rỗi Linh Hồn ‘ Hỡi anh em là dòng giống Apraham và là kẻ kính sợ ĐCT trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).
Xét về mặt thần học thì không thấy bàn về vấn đề sống chết nhưng nên nhớ Thánh Phao Lô hơn một lần đã nói và nói một cách chi tiết cụ thể về vấn đề này “ Nhưng có kẻ sẽ hỏi rằng = Người chết sống lại thể nào ? Ớ kẻ ngu dại kia, vật gì ngươi gieo nếu không chết đã thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo ấy không phải là hình thể sẽ có, đó chỉ là cái hột như hột lúa mì hay là giống gì khác. Nhưng ĐCT cho nó hình thể tùy ý Ngài. Mỗi giống cho một hình thể riêng. Mọi xác thịt chẳng phải đồng một xác thịt nhưng xác thịt của loài người khác của loài thú, khác của loài chim, khác của loài cá lại khác nữa. Lại có hình thể thuộc về trời cũng có hình thể thuộc về đất” ( 1Cr 15, 35 -40 )
Qua trích đoạn này cho thấy con người ta chết ví như cái hột gieo xuống đất thì không phải cái hột nhưng là tinh chất ( mầm sống ) của cái hột ấy sẽ mọc lên. Nói cách khác một hột giống gieo xuống đất thì cái mọc lên sẽ là cái chồi cây chứ không phải là cái hột nữa. Cùng một ý nghĩa đó con người sau khi chết ( chôn vào lòng đất ) thì cái sống lại phải là linh hồn chứ không thể là cái xác bởi vì cái xác thân vật chất ấy đã thối rữa tan hoại mất rồi. Nếu bảo rằng cái xác sẽ sống lại thì chẳng khác nào nói cái hột gieo xuống đất để rồi lại…trồi lên cũng một cái hột ấy thì thật vô lý ?
Sự sống lại chỉ có thể là linh hồn và Thánh Phao Lô nói cái linh hồn sống lại ấy mang những hình thể khác nhau là do tùy ý ĐCT. Ở đây chúng ta cẩn giải ra cái ….tùy ý ĐCT ấy là như thế nào ? Nếu theo nghĩa ĐCT là Đấng thần linh ngoại tại thì sẽ không sao hiểu được vì đó là …thần quyền độc đoán. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại có thể ban ơn giáng họa một cách tùy tiện như vậy được sao ?
Nếu không thể giải nghĩa Kinh Thánh theo…nghĩa đen về một Đấng thần linh như vậy được thì trong trường hợp ở đây chúng ta có thể nói sao về việc ĐCT ban các hình thể tùy theo ý Ngài ? Theo tôi để có thể giải một cách đúng đắn nhất thì cần theo định luật Nhân Quả Nghiệp Báo. Tùy theo cái nghiệp nhân mình tạo để rồi nhận lấy cái kết quả tương ứng. Tạo nghiệp lành sẽ có quả báo lành. Tạo nghiệp ác sẽ có quả báo ác.
Nghiệp nói cách dễ hiểu đó là những hành động có chủ ý ( Tác Ý ) cứ được lập đi lập lại nhiều lần thành ra một thứ tập quán thói quen. Chính thói quen ấy đã tạo nên cái Nghiệp của mỗi người chứ chẳng phải điều chi khác. Một bác thợ mộc hay ông bác sĩ, kỹ sư v.v. cứ làm công việc của mình hết ngày này tháng khác sẽ thành nghiệp thợ hay nghiệp bác sĩ kỹ sư v.v.. Những người cùng làm một nghề người ta gọi đó là đồng nghiệp….
Có nhiều thứ nghiệp khác nhau nhưng với bất cứ thứ nghiệp nào dù nghiệp thế gian hay xuất thế gian cũng đều từ nơi tư tưởng mà xuất phát. Có tư tưởng lành thì mới làm được việc lành. Trái lại tư tưởng ác sẽ làm việc ác. Cứ tạo lập ( huân tập ) mãi những tư tưởng thiện lành sẽ tạo cho mình một thứ nghiệp thiện lành mà có được nghiệp lành thì tất sẽ được hưởng quả thiện lành.
Để hưởng được quả lành tối thượng thì cần phải tạo cho mình một thứ nghiệp lành tối thượng. Nghiệp lành tối thượng ấy không phải điều chi khác mà là biết vâng theo Thánh Ý Chúa mọi đàng “ Không phải những kẻ nói cùng Ta, lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành theo Thánh Ý Cha Ta mà thôi. Trong ngày ấy nhiều người sẽ thưa với Thầy. Lạy Chúa nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà đuổi quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Nhưng Ta tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy cút xéo đi hỡi những quân gian ác” ( Mt 7, 21 -23 ).
Biết tuân theo Thánh Ý Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày đó chính là một cách tạo nghiệp lành tối thượng. Tuy nhiên tuân hành Thánh Ý để tạo nghiệp lành là việc khó mà không khó. Khó là bởi không có đức tin và đức tin ở đây là tin vào lời hứa của Đức Ki Tô “ Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta.” ( Ga 14, 2 -3 ).
Đã tin có Nước Thiên Đàng thì phải có lòng ước nguyện về đó. Đi theo Chúa, vâng theo Thánh Ý Chúa mà không ước nguyện về Thiên Đàng thì đó chẳng phải là đã phụ công ơn cứu chuộc của Chúa hay sao ?
Một khi đã tin và ước nguyện về Thiên Đàng thì cần làm cách sao thực hành thì mới có thể về được nơi ấy. Phương thế thực hành thì cũng không ngoài việc thực thi các giới răn và giới răn trọng yếu nhất đó là Mến Chúa và Yêu người “ Cả luật pháp và tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn ấy” ( Mt 22, 40 ).
Chúng ta, những người hiện nay đang sống trên cõi dương gian này vẫn còn nhìn thấy ánh mặt trời vẫn còn hít thở khí trời cũng như vẫn còn đầy tràn ước mong cũng như nhiều nỗi lo toan đủ thứ. Thế nhưng có thể chỉ trong một tích tắc bởi những duyên cớ nào đó mà đã trở thành “ Những người muôn năm cũ” và khi ấy mỗi người trong chúng ta có thể xác định được nơi mình sẽ đến hay lại vẩn vơ không biết “ Hồn ở đâu bây giờ ?”.
Phùng Văn Hóa