Những tấm biển báo hiệu

Cuộc sống con người rất cần đến những biển báo hiệu, nhờ đó mà chúng ta biết đường đi nước bước, tránh những nguy hiểm đang rình rập trên mọi nẻo đường đời.

Nội dung của những biển báo hiệu rất phong phú đa dạng: có biển báo cho an toàn giao thông; có lời cảnh báo về thức ăn ngộ độc; có cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo. Trong thời đại kỹ thuật số hôm nay, còn có lời cảnh báo virus và tin tặc tấn công hệ thống máy điện toán.

Hình thức của những biển báo hiệu cũng thuộc nhiều chủng loại khác nhau. Nhờ những thoả thuận quy ước, mà chúng mang một ngôn ngữ đặc biệt. Những chiếc biển báo chỉ có giá trị khi chúng được đặt vào đúng vị trí của mình: biển báo giao thông không thể đặt ở bãi tắm; những chỉ dẫn ở trung tâm giải trí không thể đặt trong khuôn viên thánh đường. Đặt sai vị trí, những biển báo kia sẽ trở thành vô duyên và mất tác dụng.

Trong cuộc sống, có nhiều người nghiêm túc thực hiện những gì được hướng dẫn và nhắc nhở trong những biển hiệu hướng dẫn, nhưng tiếc thay cũng có những người cố tình làm ngơ, bất chấp mọi luật lệ, gây nên bao tai hại khôn lường.

Một tác giả nào đó đã nói: Cứ nhìn xem người ta tham gia giao thông trong đường phố, thì có thể đánh giá mức sống và trình độ văn hoá của xã hội nơi đó. Phương tiện giao thông hiện đại cho thấy đây là một quốc gia vững mạnh về kinh tế. Người đi lại biết tuân thủ luật lệ chứng tỏ trình độ văn hoá và ý thức xã hội cao. Cách đi lạng lách và coi thường luật lệ là bằng chứng của một lối sống cẩu thả, vô trách nhiệm và bon chen, lường gạt.

Cuộc sống quanh ta cũng có biết bao nhiêu “biển báo hiệu”, nhằm tạo nên một xã hội có trật tự, giúp cho con người hoàn thiện hơn. Tuy thế, do vô tình hoặc hữu ý, nội dung của những biển báo hiệu đó không được đón nhận, nên vẫn liên tục xảy ra những vụ việc để lại hậu quả khôn lường.

Căn bệnh SIDA huỷ hoại con người về tinh thần cũng như thể xác, như lời cảnh báo nhắc nhở hãy tránh xa lối sống ăn chơi sa đọa; vậy mà vẫn còn rất nhiều bạn trẻ lao vào ma tuý chơi bời, như con thiêu thân mù quáng bởi những ảo tưởng, đam mê.

Tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày cướp đi sinh mạng của biết bao người, như lời cảnh báo mọi người hãy thận trọng, kẻo “nhanh một phút, chậm cả đời”; vậy mà vẫn còn những bạn trẻ đua xe, lạng lách, trở thành nỗi kinh hoàng và tai hoạ cho người đi đường.

Nước mắt và sự hối hận muộn màng khi đứng trước vành móng ngựa của những người gây nên tội ác, như lời cảnh báo cho mọi người hãy cố gắng sống sao để khỏi vướng vào vòng lao lý; vậy mà vẫn liên tục xảy ra những vụ cướp của giết người dã man, gây nên những hậu quả tang thương.

Những đứa trẻ lang thang bụi đời, đêm về nằm co ro “như những dấu chấm hỏi” đặt ra cho người lớn suy nghĩ và như lời nhắc nhở về trách nhiệm của người cha người mẹ đối với gia đình; vậy mà ngày càng nhiều những gia đình tan vỡ chia ly do phản bội hoặc ích kỷ.

Những cảnh báo về nguy hiểm do trái cây, rau cỏ và thực phẩm nhiễm độc, nhằm thức tỉnh lương tâm những người đang vì lợi nhuận mà làm ăn bất chính, nhắc họ nghĩ đến tương lai của cả một dân tộc; vậy mà các loại hàng nhiễm độc ở mức độ cao vẫn len lỏi đến mọi gia đình, đến mọi bàn ăn, làm cho biết bao người nhiễm bệnh và tử vong.

Biết bao tiếng chuông cảnh tỉnh đã vang lên mà không được đón nhận. Biết bao lời nhắc nhở khuyên can mà chẳng được lắng nghe. Và thế là, cuộc sống đang trở thành một mớ bát nháo, hỗn loạn trong vòng xoay của cơn lốc hưởng thụ, và kết quả là đạo đức xuống cấp, luân lý suy đồi.

Trong Cựu ước, “cảnh báo” là công việc chính yếu của các ngôn sứ, khi họ được Chúa sai đến với dân Israel. Nội dung của những lời cảnh báo nhằm lên án, nhắc nhở, trách cứ những tội ác đang tồn tại trong dân. Đây là nhiệm vụ Chúa trao cho ngôn sứ Isaia: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33,7-9).

Không chỉ dừng lại ở những lời lên án gay gắt, nội dung những lời cảnh báo của các ngôn sứ còn là sự vỗ về, an ủi, khích lệ và mở ra một chân trời hy vọng. Chúng ta có thể thấy rải rác trong sách các ngôn sứ lời mời gọi phó thác cậy trông nơi Chúa quan phòng. Đây là một ví dụ: “Thiên Chúa anh em phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Ðức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm” (Is 40,1-4).

Vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, Gioan Tẩy Giả, cũng được sai đến với sứ mạng cảnh báo này. Sứ thần Gabriel đã nói với ông Giacaria về người con ông sắp sinh ra: “Ðược đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17-18). Những lời phê phán mạnh mẽ, ngay cả đối với vua Hêrôđê, cho thấy ông là một ngôn sứ can đảm và trung thành.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian đóng vai trò “người chỉ đường” để giúp con người đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Nơi Đức Giêsu, giáo huấn của các ngôn sứ và của toàn bộ Cựu ước đã được hoàn tất. Nội dung lời giảng dạy của Người gồm những lời cảnh báo, nhắc nhở, phê phán, đồng thời cũng là những lời an ủi, tha thứ, đỡ nâng con người giữa bao truân chuyên của kiếp phàm nhân. “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, lời tuyên bố ấy đã nói lên sứ mạng cao cả của Người. Nhờ Người, với Người và trong Người, con người có thể vươn tới trời cao, để gặp gỡ và tôn vinh Thiên Chúa Cha, là nguồn gốc của muôn vật muôn loài. Được giới thiệu như “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29), Đức Giêsu đã mang nơi mình mọi yếu đuối và tội lỗi của nhân loại. Cuộc khổ nạn thập giá vừa là bằng chứng của tình yêu thương đến cùng, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho nhân loại hãy ngưng bạo lực, thực thi bác ái và cùng nhau kiến tạo nền văn minh của tình thương.

“Tấm biển báo kỳ diệu” có tên là Giêsu mời gọi những ai muốn được cửu rỗi hãy bước qua cửa hẹp (x. Lc 13,22); hãy sống công bình và quảng đại tha thứ cho nhau; hãy nhận ra nhau cùng là anh em của một Cha trên trời. Tuy vậy, “cờ hiệu chiến thắng” mang hình chữ thập, cũng là nguyên nhân khiến nhiều người khước từ theo Chúa, vì đối với họ, thập giá là điều ô nhục và điên rồ (x. 1 Cr 1,22-26). Và thế là, trong suốt 20 thế kỷ đã qua, có biết bao người đã trở nên môn đệ Đức Giêsu, bất chấp mọi khó khăn nghịch cảnh; và cũng có biết bao người vẫn dửng dưng với sứ điệp mà Người đã rao truyền.

Người môn đệ của Đức Giêsu phải luôn nhận ra những dấu chỉ của thời đại, như những tấm “biển báo hiệu” giúp họ khám phá sự hiện của Chúa cũng như chương trình cứu độ của Ngài. Những ai đã được gặp gỡ Đức Giêsu cũng được chia sẻ nhiệm vụ ngôn sứ của Người, để rồi đến lượt họ trở nên những “biển báo hiệu” cho môi trường xã hội xung quanh. Thật vậy, một cuộc sống tốt lành trong lời nói, trung thực trong hành động, sẽ giúp người khác tìm thấy niềm hy vọng và lẽ sống, nhờ đó mà họ đạt tới sự hoàn thiện. Nếu mỗi người công giáo Việt Nam biết cố gắng để trở thành một biển hiệu dẫn người khác đến với Chúa, thì cuộc sống này sẽ bớt đi tối tăm và hận thù, nhường chỗ cho ánh sáng diệu kỳ của Chúa và lòng bao dung nhân ái của con người. Mong sao điều tốt đẹp ấy được thực hiện nơi mỗi người chúng ta.

“Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa,
xin dạy bảo con về lối bước của Ngài.
Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con,
vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con” (Tv 24,4-5).

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: WHĐ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment