NƯỚC  TRỜI  ĐÃ…  GẦN  ĐẾN ( 2 )

          Vào lúc đương thời, có người Pharisi hỏi Chúa Giê Su: “ Nước Trời chừng nào đến ? Ngài không trả lời thẳng câu hỏi mà đáp: Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói: Đây này  hay đó kia, vì này Nước Trời ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Câu trả lời của Chúa cho thấy Nước Trời không đến cách mắt thấy được bởi lẽ, đó là thực tại Tâm mầu nhiệm. Thế nhưng ngày nay thần học lại nói Nước Trời đã  đến gần qua con đường giáo hội hữu hình ở nơi trần gian: “ Nước Trời đã đến gần là sứ điệp quan trọng Chúa Giê Su mang đến cho nhân loại. Nước Trời còn được biểu hiện nơi chính con người Đức Giê Su vì Ngài là hiện thân của Chúa Cha đến trần gian để minh chứng tình yêu Cha dành cho nhân loại. Vâng, sứ điệp ấy đã được Chúa Giê Su thông truyền lại cho các môn đệ để các ngài tiếp nối công trình của Ngài nơi trần gian qua giáo hội. Khi được chuyển trao sứ điệp quan trọng này, các môn đệ cũng được  Chúa Giê Su ban cho những năng quyền  để khắc phục sự dữ đồng thời Ngài cũng đòi hỏi người môn đệ phải thật nghèo khó, thanh thoát để hết mình phục vụ Nước Trời” ( Nguồn Conggiao. Info 07/7/2021 Huệ Minh – Nước Trời đã đến gần ).

          Khi nói Nước Trời đã đến gần qua con đường giáo hội, thần học đã mắc phải hai sai lầm nghiêm trọng. Một là đã tục hóa Nước Trời. hai là đã phủ nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô. Trước hết Đức Ki Tô đến không phải để thiết lập Nước Trời ở nơi trần gian khi Ngài trả lời Philato: Nước Ta chẳng thuộc về thế gian này. Ví bằng nước Ta thuộc về thế gian này thì  thần bộc Ta chắc sẽ chiến đấu để Ta khỏi bị nộp cho người Do Thái nhưng nay nước Ta chẳng thuộc đời này” ( Ga 18, 36 ).

          Thứ đến, khi nói Nước Trời được biểu hiện qua con người Chúa Giê Su, người ta đã mặc nhiên phủ nhận sứ mạng của Ngài: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp muốn giữ Ngài lại không muốn Ngài đi khỏi họ. Nhưng Ngài nói: Ta còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho các thành thị khác vì cốt vì việc ấy mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Nguyên nhân khiến thần học đã phủ nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô đó là vì họ không có lòng tin nơi Tin Mừng: “ Thời đã mãn, Nước Trời đã đến gần. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Giữa lòng tin vào Tin Mừng và sự ăn năn sám hối có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Có thực lòng ăn năn, chừa cải tội lỗi mình thì mới có thể có lòng tin vào Tin Mừng, trái lại thì không !

          Sở dĩ cần có sự ăn năn, sám hối mới có được lòng tin  bởi  lẽ đơn giản là vì đó là cái Tin được loan ra để cho những ai nghe và chấp nhận thì sẽ phát khởi được lòng Mừng Vui lớn lao. Điều này có thể được ví như  có người nghèo kia vất vả lang thang xin ăn lại được cho biết trong túp lều tranh rách nát của y có chôn giấu một kho châu báu, hãy về chịu khó đào lên sẽ được !

          Người nghèo đó là mỗi người trong chúng ta. Còn kho báu chính là Nước Trời:“ Nước Trời ví như của báu chôn trong ruộng. Có người tìm được thì yểm đi, vui mừng mà đi bán hết của cải mình rồi mua ruộng đó” ( Mt 13, 44 ).

          Qua ví dụ này cho thấy của báu tức Nước Trời…chôn trong ruộng và ruộng ấy chỉ có thể là tâm hồn mỗi người. Bởi vậy Đức Ki Tô nói: “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng  về Nước Trời được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời và Ngài đòi buộc mỗi người phải nỗ lực mà…vào tức vào nơi nội tâm của chính mình. Thế nhưng kể từ khi Tin Mừng của Đức Ki Tô được truyền giảng ra suốt gần hai mươi thế kỷ, thần học chưa hề đề cập tới con đường thực hiện tâm linh này. Tại sao ? Bởi vì giáo hội ngay trong những thế kỷ đầu  đã chịu ảnh hưởng sâu đậm  bởi triết Duy Lý Hy Lạp: “ Clement d’Alexangdrie ở đầu thế kỷ thứ III đã viết: Nhiều Ki Tô Hữu sợ triết học Hy Lạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục.  Nếu đức tin của chúng ta là như thế…nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận thì hãy để cho nó sụp đổ, bởi lẽ qua đó chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý” ( Giáo Phụ Tập I ( Từ TK 1 đến TK 4 ).

          Sợ, nhưng rồi ảnh hưởng của triết học Hy Lạp  dù trải qua bao biến thiên  hầu như đã  thống ngự giáo hội trong suốt hai ngàn năm qua và cho đến hiện nay vẫn chưa thể thoát ra được. Sự thống ngự ấy  được khởi đầu  bởi  Philon Le Juif, một triết gia Do Thái nhưng sống tại Hy Lạp: “ Với ý định tổng hợp của Philon nhằm dung hòa mạc khải với lý trí. Kinh Thánh với Platon. Có thể nói vấn đề vĩ đại nhất  trong Kinh Viện Học Trung Cổ  tức vấn đề dung hòa tín ngưỡng và lý trí chính là vấn đề đã thừa hưởng được từ tinh thần của Philon. Do đó triết sử gia Wilfson mới nói rằng: Tất cả triết lý trung cổ đều mang bản chất Philon” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP – Q.2 ).

          Cái gọi là …mạc khải ở đây chẳng qua chỉ là cách giải Kinh Thánh Do Thái còn gọi là Sách Luật Moise theo nghĩa…mặt chữ ( Sens Litteral ) về Đấng Tạo Hóa. Như vậy, Đấng Tạo Hóa chỉ có thể là quan niệm triết học có nghĩa thuần túy đó là một Ý Niệm. Thần học St Thomas đưa ra năm chứng lý ( Quinze Viae ) để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và chứng lý quan trọng nhất đó là không thể quan niệm một cái gì lớn hơn nó được ( Quo majus nihil cogitari protest ). Theo đó phải hiểu rằng Thiên Chúa là một ý niệm vĩ đại vô cùng, trí khôn ta không thể quan niệm một ý niệm nào vĩ đại hơn nữa. Một ý niệm như thế không thể chỉ có trong trí óc ta mà phải có thực sự trong thực tại” ( L. T. Nghiêm – LSTHTP Q.2 ).

          Một ý niệm dù có…vĩ đại đến đâu thì đó vẫn chỉ là ý niệm và ý niệm này chẳng có liên quan gì đến mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết  Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Biết Cha ở đây không phải là cái biết của tri thức phân biệt  nhưng là của trí tuệ vô phân biệt. Cái lầm mang tính chí tử của thần học  trong bấy lâu nay đó là đã lầm quan niệm với thực tại. Quan niệm về Thiên Chúa đó hoàn toàn không phải là Thiên Chúa của thực tại như Ngài Là ( Ego sum qui sum – Xh 3, 15 ). Điều này giống như ta có quan niệm …một tỷ đồng nhưng nó chẳng có giá trị gì so với chỉ…một ngàn đồng  có trong túi !

          Chính bởi đã lầm lẫn như thế  cho nên thần học không bao giờ có thể nhận ra Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm  nội tại để rồi đã…xuyên tạc Kinh Thánh ( Lc 17, 20 -21 ) bằng cách thay chữ “ Ở trong” bằng…Ở giữa với câu  chú thích ( b) thế này: “ Có người  dịch ở trong các ông  nhưng dịch như thế có thể làm người ta lầm tưởng rằng Triều Đại Thiên Chúa chỉ là một việc nội tâm và riêng tư. Đối với Đức Giê Su, Triều Đại Thiên Chúa dành cho toàn  Dân Chúa và đã là một thực tại đang hoạt động  để cứu độ loài người, các ông có thể đạt tới được” ( Xem bản dịch của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh – Kinh Thánh Tân Ước – Tòa TGM giáo phận TP HCM ).

          Toàn bộ Kinh Thánh cả Cựu lẫn Tân Ước đều xiển dương một Đấng Thiên Chúa…nội tại chưa ai từng thấy biết ( Deus Abconsditus ). Chính với Đấng Thiên Chúa…ẩn giấu đó chúng ta mới cần tìm kiếm nhưng sự tìm kiếm đó  không phải là tìm cái chi ở bên ngoài nhưng là trở về với Đấng ở nơi mình như một Ơn Gọi: “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh  cũng như trong sự kêu gọi mình  mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).

          Chỉ có một thân mầu nhiệm Chúa Ki Tô tức giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Đồng thời cũng chỉ trong giáo hội ấy, chúng ta mới có được niềm hy vọng là Nước Thiên Đàng đời đời. Đạo Công giáo là Đạo Cứu Rỗi:“ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng dõi Apraham và là kẻ kính sợ Thiên Chúa trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).

          Có hai điều quan trọng chứng minh cho Đạo Cứu rỗi: Một là thuộc dòng dõi Apraham. Hai là  có lòng kính sợ Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình. Thiếu, dù chỉ một trong hai đó cũng chẳng phải Đạo Cứu Rỗi tức Đạo Công giáo do Đức Ki Tô thiết lập.

          Thuộc dòng dõi Apraham đó không ám chỉ cho người Do Thái nhưng là những ai có lòng kính sợ Thiên Chúa ở nơi mình: “ Cũng không phải vì họ là dòng giống Apraham mà hết thảy đều là con cái đâu. Bởi duy kẻ ra từ Isaac mới gọi là dòng dõi Người. Nghĩa là  chẳng phải con cái thuộc xác thịt là con cái của Thiên Chúa. Duy con cái thuộc Lời Hứa mới được kể là dòng dõi vậy” ( Rm 9, 7 -8 ).

          Người Công giáo thuộc con cái của Lời Hứa và Lời Hứa ấy trong Cựu Ước là Đất Hứa Canaan nhưng đó chỉ là hình bóng của Nước Trời trong Tân Ước  do Đức Ki Tô rao giảng. Lòng tin vào Tin Mừng đòi buộc chúng ta phải có lòng sám hối, ăn năn tội mình. Tại sao ? Bởi vì tội lỗi làm khuất lấp Nước Trời ở trong ta giống như mây đen che khuất mặt trời. Mặt trời Chân Tính luôn có đó, đầy tràn sức sống và ánh sáng, chỉ cần đánh tan  lớp mây mù che khuất  thì nó sẽ tỏ rạng.

          Con người sở dĩ không thể nhận biết Chân Bản Tính mình là do hai thứ vô minh che lấp. Một là dục vọng, hai là những kiến thức sai lầm. Dục vọng thể hiện qua việc ham mê ăn uống và sắc dục, tuy nó có bề ngoài sôi nổi và dữ dội nhưng lại không nguy hiểm cho bằng những kiến thức sai lầm ví như triết và thần học đủ loại. Chính những kiến thức được gọi là khôn ngoan thế gian ấy đã khiến con người  ngày càng xa rời chân lý: “ Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng do sự khôn ngoan Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa cho nên Thiên Chúa vui lòng dùng sự ngu dại của đạo chúng ta  rao giảng mà cứu rỗi những kẻ tin” ( Rm 1, 21 ).

          Khôn ngoan thế gian tức sự phân biệt. Còn khôn ngoan Thiên Chúa thì vô phân biệt. người đời  lấy sự phân biệt giàu, nghèo, xấu, tốt, khen chê là khôn ngoan. Trái lại với Thiên Chúa thì cho đó là điên đảo, giả lại cho là thật, thật lại cho là giả !!!

          Thiên Chúa dùng sự ngu dại để cứu những kẻ có lòng tin bởi vì chỉ những con người ấy mới có thể làm được những điều  thế gian  cho là dại khờ vì  không tham lam tiền bạc, không tranh dành danh vọng, chức tước, quyền lực …Thiên Chúa dùng sự ngu dại để thắng thế gian. Đây chính là một thứ minh triết thế gian không sao mà hiểu cũng chẳng làm được: “ Nhu thắng cương. Nhược thắng cường. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành” ( Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh. Dưới trời không ai không biết  nhưng không ai có thể làm được – Lão Tử ĐĐK – chương 78 ).

          Cái lẽ…mềm thắng cứng ấy, dân gian gọi là lạt mềm buộc chặt còn trong lãnh  vực tâm linh  đó chính là  lấy khiêm nhu thắng hung bạo. Cuộc chiến  giữa Người Nữ và  con rắn trong Sáng Thế Ký ( St 3, 15 ) diễn tả  cuộc giao chiến giữa Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và rắn Sa Tan  tượng trưng cho Lý Trí và kết quả sẽ là gót chân nơi thấp nhất của người nữ ( phái yếu ) sẽ đạp giập đầu rắn là chỗ cứng cỏi nhất !

          Cuộc chiến ấy đã mở đầu Ơn Cứu Chuộc với tiếng Xin Vâng ( Fiat ) của Đức Nữ Trinh Maria và tiếng Xin Vâng ấy sẽ được dòng dõi của  Người  tiếp  nối với Tràng Chuỗi Mân Côi là thứ vũ khí vô địch sẽ  mang lại chiến thắng cho những ai kiên trì cầu nguyện ( Mt 10, 22 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts