Nước Trời đã … gần đến

          Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng và Ngài nói: Nước Trời đã gần đến: “ Thời đã mãn, Nước ĐCT đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Chúa nói Nước Trời đã gần đến kèm theo hai điều kiện. Một là lòng ăn năn, sám hối và hai là tin vào Tin Mừng. Giữa hai điều kiện ấy có một mối liên hệ khăng khít với nhau. Có ăn năn sám hối tội lỗi mình thì mới có thể có được lòng tin vào Tin Mừng. ngược lại thì không.

          Sở dĩ  cần  ăn năn sám hối  mới có được lòng tin nơi Tin Mừng bởi  đây là Tin Mừng về Nước Trời nội tại…” Ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ). Chính bởi Nước Trời là…nước nội tại như thế  nên Chúa  mới đòi buộc chúng ta  cần có lòng tin. Tuy nhiên, để có thể  tin  một Thực Tại vô cùng mầu nhiệm ấy  hiện hữu  ở nơi mình là  điều rất khó.

          Phải chăng cũng bởi không có lòng tin nơi Tin Mừng của Đức Ki Tô  thế nên thần học hiện nay  đã bước vào con đường Tục Hóa Nước Trời ? “ Loan báo Tin Mừng  cũng là một thành phần của công trình giải thoát. Nội dung của nó là Nước Thiên Chúa đã đến, đến cho người nghèo khổ và bị áp bức. Nền tảng của nó là các mối phúc ( Lc 6, 20 ). Nước Thiên Chúa này ở ngay giữa trần gian khi người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức  thoát ách khốn khổ…

      …Lời rao giảng của Đức  Giê Su  về Nước Thiên Chúa làm cho người ta hy vọng. Nhưng lúc ấy, niềm hy vọng này không liên quan gì đến Cõi Trời, ít nhất được hiểu như một cõi hạnh phúc ở đời sau. Vì sao ? Vì trời là của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa ngự. Con người không thể  tới đó được. Sauk hi chết người ta  phải vào Sheol, thế giới dưới mặt đất, một dành cho người tốt, một dành cho người xấu ( Lc 16, 23 -25 ). Niềm tin vào  Cõi Trời chỉ bắt nguồn từ sau cái chết của Đức Giê Su vì nghĩ rằng Ngài đã được lên ngự bên hữu Thiên Chúa…

        …Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Ki Tô rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Lm Micae Trần Đình Quảng – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô giáo. Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giê Su lịch sử ).

          Với Đức Ki Tô thì Nước Trời đã gần đến. Còn với thần học thì Nước Trời đã đến và…đến cho những người nghèo khổ, bị áp bức.!!!. Nói rằng Nước Trời đã đến  tức là thần học đã ngang nhiên  bác bỏ Tin Mừng của  Đức Ki Tô  để chủ trương một thứ Tin Mừng…khác và như thế sẽ không cách chi tránh khỏi án phạt nặng nề:

          “ Tôi lấy làm lạ cho anh em sao lại vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng của Đức Ki Tô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin Mừng nào khác đâu. Chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em, muốn canh cải Tin Mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ từ trời xuống rao giảng cho  anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng cho anh  em  thì người ấy đáng bị  luận  phạt” ( Gl 1, 6 -12 ).

          Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng  đó là Tin Mừng về Nước Trời nội tại. Đồng thời truyền dạy  quay về với chính mình để nhận biết và sống với Nước Trời đó: “ Luật pháp và tiên tri  đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng của Nước  ĐCT được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Chúa nói…nỗ lực mà vào thì cái hành vi “ Vào” ấy chỉ có thể là trở về với nội tâm mình chứ chẳng phải điều chi khác. Nhận ra như thế để cho thấy Sống Đạo  chỉ là sống cuộc trở về trong đức tin và lòng sám hối ăn năn tội lỗi mình.

          Đức tin chỉ thật sự cần thiết cho việc trở về, ngược lại đức tin ấy chỉ là vu vơ, không thật. Mùa Chay chính là thời gian của sự trở về với Thiên Chúa  là  Đấng Cha ở nơi mình.” Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé ao các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì  Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai họa” ( Ge 2, 12 ).

          Con người chỉ có thể trở về cái nơi mà nó   đã ra đi. Nơi đã từ đó ra đi ấy Sách Sáng Thế  gọi cách biểu tượng là Vườn Địa Đàng. Thật vậy hai ông bà nguyên tổ sau khi phạm tội, không vâng lời   Đức Chúa Giê hova cố tình…ăn Trái Cấm và đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng: “  Vậy, Ngài  đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông Vườn E Đen các thần chê rubin với gươm lưỡi chói lòa để giữ con đường đi đến Cây Sự Sống” ( St 3, 24 ).

          Đọc Kinh Thánh, nhất là Sách Sáng Thế, cần nhìn ra tính chất biểu tượng  của nó. Nếu không sẽ chẳng bao giờ có thể  hiểu được Tội  Nguyên Tổ là…tội gì ? Giê hova Thiên Chúa cấm không được…ăn Trái Cấm Phân Biệt Thiện Ác  bởi đó chính là Tâm Phân Biệt. Còn Cây Sự Sống đó là biểu tượng của Tâm Vô Phân Biệt.

          Tâm Vô Phân Biệt  cần được hiểu như là Đấng Chúa nhân lành, từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót. Ngài không hề phân biệt kẻ lành, người  ác “ Soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho  người công chính cũng như kẻ bất chính” ( Mt 5, 45 ).

          Bản tâm con người  vốn dĩ là  Tâm Vô Phân Biệt nhưng do ảnh hưởng của Tội  Nguyên Tổ nên đã thành ra Tâm Phân Biệt, thấy có Ta có Người, thấy có Ta khác với vật, vật không phải là Ta, do đó mà có yêu, ghét, lấy, bỏ, giàu, nghèo, sang, hèn, hơn, thua, trái, phải v.v…

          Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng chính là để cho con người  trở về với Bản Tâm Vô Phân Biệt cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm ở nơi mình. Chính vì Nước Trời cùng với  Tâm Vô Phân Biệt là một, không khác  thế nên Ngài nói: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Hễ ai chẳng nhận lấy Nước Trời như một con trẻ thì không vào được Nước Trời” ( Lc 18, 17 ).

          Cái Tâm con trẻ ( Xích tử chi tâm ) tức cái Tâm không có sự phân biệt và  vì thế  Chúa nói cần phải có cái Tâm  Con Trẻ mới vào được Nước Trời. hễ cứ bỏ đi Tâm Phân Biệt  tất sẽ được Tâm Vô Phân Biệt. Về nguyên lý nó là như vậy nhưng trong thực hành đó là việc rất khó vì lẽ cần phải Bỏ Mình ( Vô Ngã ) đi.

          Bỏ Mình là khó nhưng nếu không bỏ được mình thì không thể vào được Nước Trời. Đức Ki Tô nói Nước Trời đã…gần đến có nghĩa con người sẽ gặp gỡ, nhận biết ( Giác ngộ ) được Thực Tại mầu nhiệm ấy nếu thực lòng ăn năn, sám hối tội lỗi  và có lòng tin nơi Tin Mừng  mà Ngài rao giảng.

          Tin vào Tin Mừng cũng có nghĩa là tin vào một Thực tại vốn đã sẵn có ở nơi mình. Nếu Thực Tại ấy đã không sẵn đủ ở nơi mình  thì  không một ai có thể trở về. Thế nhưng  Đức Ki Tô đã nói cho chúng ta biết Nước Trời  quả thật là Thực  Tại hằng hữu…ở trong ta chỉ cần nhất tâm quay về là gặp.

          Chỉ khi nào tin nhận được Tin Mừng của Đức Ki Tô thì khi ấy cuộc trở về  của chúng ta mới thực lòng diễn ra trong chay tịnh, nước mắt và  ăn năn. Sự thống hối, ăn năn trên  Con Đường Trở Về  khi ấy không còn mang tính chất sầu khổ, tiếc nuối nhưng là lòng hy vọng tràn trề của người con về với Cha mình./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts