Ơn gọi Kitô hữu

Ơn gọi của Kitô hữu là những người được Chúa chọn qua bí tích Thánh Tẩy để làm môn đệ Chúa. Trước hết ta phải xác định mình được Chúa Giêsu chọn, gọi, chỉ có môn đệ Chúa là do chính Chúa chọn: „Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá“ (Mc 1,17); Khi chọn môn đệ, Chúa Giêsu không theo tiêu chuẩn thế gian là chọn những người tài giỏi, giàu có, tiếng tăm nổi trội v.v… Chúa Giêsu chỉ chọn những con người yếu đuối, bất toàn của một thụ tạo để biến đổi họ nên tốt lành, nên nhân hậu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Chúa chọn những người lao động chài lưới, ít học như Simon, Andre, Giacôbê…, người thu thuế, như Matthêu (Mc 2,14b), Dakêu ( Lc 19,5-6).

 Chúa chọn những người riêng làm linh mục, là men là muối cho Ngài như các tông đồ tiên khởi. Ơn gọi linh mục được coi là một ơn gọi cao cả, họ mang trong mình Chúa Giêsu hiện diện thiêng liêng vô hình. Họ là hiện thân Giêsu giữa đời trên mọi nẻo đường, mọi văn hóa của mọi dân tộc.

Để trở thành người của Thiên Chúa, họ phải luôn luôn ở trong tình yêu của Đức Giêsu, dù họ vẫn còn nhiều khuyết điểm của con người trần gian. Họ là thợ gặt thánh thiện phản ánh dung mạo Chúa Giêsu, biết thắp lên ngọn lửa tin yêu trong trái tim con người. Lòng Thương Xót của Chúa Cha đồng hành với họ trong mọi lúc, trên mọi nẻo đường. Đây không phải là một sự nghiệp, chức linh mục Công Giáo rất quý giá, là người được Chúa Giêsu xức dầu, được Hội Thánh Công Giáo chăm sóc để các ngài chăm sóc những con chiên của Chúa Giêsu.

Xã hội thời Chúa Giêsu, phụ nữ bị rẻ rúng, bị khinh thường, Chúa yêu thương nâng họ lên, cho họ được giúp đỡ cộng đoàn các môn đệ của Ngài trên đường đi rao giảng: „Cùng đi với Người, có nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Magdala, người được giải thoát khỏi bẩy quỷ, bà Gio-an-na, vơi ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-dê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà đã lấy của cải của mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ“ (Lc 8,1b-3). 

Làm môn đệ Chúa Giêsu, trước hết chúng ta phải xác nhận “Thầy là Đấng Kitô“ (Mc 8,29b) và đặt lòng tin tuyệt đối phó thác vào Thầy như anh mù được Chúa chữa cho sáng mắt: „Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh“ (Mc 10,52a), Làm môn đệ Chúa Giêsu là sẵn sàng yêu tha nhân bằng tình yêu tự hiến, vô điều kiện, vô giới hạn „Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu“ (Ga 15,12-13). Làm môn đệ Chúa Giêsu thì phải nên giống Ngài, từ bỏ mọi sự, của cải vật chất, từ bỏ cái tôi để sống khiết tịnh vì Nước Trời.(x. Mt 19,11-12),  để đi sâu vào trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, (x. Pl 3,8-11), vào cuộc hành trình từ cõi chết đến sự sống của Người. Theo Chúa là vác thập giá mình mà theo con đường của Chúa, „Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì tôi và vì Tin Mừng  thì sẽ cứu được mạng sống ấy“ (Mc 9,34b).

Với những Kitô hữu được gọi sống đời sống hôn nhân, khi nhận bí tích hôn phối đã có lời thề hứa „Tôi xin nhận (…) làm vợ/chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em/anh khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như khi khỏe mạnh, để yêu thương và tôn trọng em/anh mọi ngày suốt đời tôi“. Những lời giao ước trong bí tích này lâu dần bị quên lãng trong cuộc sống thường ngày, bận rộn với đời sống cơm áo gạo tiền và bổn phận chăm sóc dạy dỗ con cái, vì thế thường xảy ra những bất đồng, nếu cả hai không đặt tình yêu người bạn đời trong tình yêu Chúa thì rất dễ đổ vỡ. Không yêu đủ thì không thể bao dung, tha thứ cho nhau. Trong đời sống gia đình: người vợ chỉ sống cho chồng và con, người chồng chỉ sống cho vợ và con. Con cái chỉ sống cho cha mẹ thì là một gia đình lý tưởng và sống đúng theo bí tích hôn nhân mà mình đã thề hứa. Chứng tỏ gia đình này sống Lời Chúa, Ngài hiện diện từng giây phút trong gia đình. “Hôn nhân không phải là một bí tích hai vợ chồng lãnh nhận, cho bằng là một bí tích hai người phải trở nên” (jacque Philippe).

Dạ vâng, tình yêu của người vợ, người chồng sống đời hôn nhân phải được luôn luôn nhìn lại mình dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần, vì cả hai đều đã là những thụ tạo mới trong Đức Kitô, để làm mới tình yêu, khám phá nhau, nhận ra những khuyết điểm của nhau để yêu thương hơn, cảm thông hơn, đón nhận nhau hơn về những thiếu sót, và những hạn hẹp của nhau. Để sống được như vậy mỗi người hãy hy sinh cho nhau, bao dung tha thứ cho nhau và dành thời giờ cho nhau. Khi gặp khốn khó cả hai hãy đọc lại những kỷ niệm yêu thương thuở ban đầu thì mới có thêm sức mạnh mà vác người bạn đời của mình. Cả hai phải trưởng thành trong đức tin hầu có thể giáo dục, sửa trị, hướng dẫn con cái trong tình yêu của Chúa Kitô.

  Hội Thánh được kêu gọi tất cả Kitô hữu hãy nên thánh, dù sống trong vị trí nào, giám mục, linh mục, phó tế, các cặp vợ chồng, người độc thân, người lao động, kẻ nghèo, người giàu, kẻ bịnh, người khỏe. „Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh“ (1Tx 4,3a). Nên thánh là sống làm chứng nhân cho sự trọn lành, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta phải thích nghi với đời sống đức tin, đức cậy, đức mến trong đấng bậc của mình, tùy theo sức lực, tuổi tác, khả năng, công việc, bổn phận trong môi trường sống. “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu“ (1Tx 5,16-18).

Chúng ta hãy học Chúa Giêsu: „Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, (…), Người sẽ thêm cho“ (Mt 6,33) nghị lực và can đảm sống tâm hồn nghèo khó, hiền lành, trong sạch, khao khát công chính, xây dựng hòa bình và vì Thầy mà bị bách hại.

 

Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con biết sống đẹp ơn gọi, để chúng con can đảm làm chứng nhân cho Chúa bằng cách sống: „anh em hãy yêu thương nhau nhau Thầy yêu thương anh em“. Amen.

Elisabeth Nguyễn

Chia sẻ Bài này:

Related posts