ÔNG  Đà THẤY  VÀ  Đà TIN

          Đã nhiều lần, Chua Giê Su tỏ cho các Tông Đồ rằng Ngài sẽ phải chịu khổ nạn nhưng  sau ba ngày sẽ sống lại nhưng các ông không tin. Mặc dù  mới được Chúa hết lời khen ngợi và hứa sẽ trao chìa khóa Nước Trời nhưng khi Ngài nói sẽ bị giết bởi tay người Do Thái  thì Phê Rô đã đưa ra lời can ngăn: “ Chúa ôi !  ĐCT nào có nỡ vậy. sự đó hẳn chẳng xảy đến cho Chúa đâu !” ( Mt 16, 22  )

          Ngay trước giờ tử nạn, Chúa Giê Su nói về sự chết và sống lại của Người  nhưng các Tông đồ  vẫn thắc mắc không hiểu:“ Bấy giờ có mấy Tông Đồ nói với nhau: Ngài muốn nói gì khi bảo chúng ta: Còn ít lâu nữa  các ngươi sẽ chẳng thấy Ta, rồi ít lâu nữa, các ngươi lại thấy Ta  vì Ta về cùng Cha là nghĩa gì ? Vậy họ nói rằng: Ngài nói ít lâu nữa  nghĩa  là gì ? Chúng ta không hiểu Ngài muốn  nói gì ? Chúa Giê Su biết họ muốn hỏi Ngài, bèn nói rằng: Các ngươi  bàn luận với  nhau về điều Ta nói: Ít lâu  nữa  các ngươi sẽ chẳng thấy Thầy  rồi ít lâu nữa các ngươi lại thấy Thầy ? Quả thật, quả thật Ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ khóc lóc, than van nhưng thế gian sẽ vui mừng. Các ngươi sẽ buồn sầu  nhưng sự buồn sầu  của các ngươi sẽ đổi ra sự vui mừng” ( Ga 16, 17 -20 ).

          Những lời Chúa nói chỉ ít ngày sau  đã được ứng nghiệm. Tuy nhiên ngay cả khi Chúa  đã sống lại các Tông Đồ  cũng vẫn  chưa tin  duy chỉ có Gioan là tin:

          “ Ngày đầu tuần, Maria Madalena đi ra mồ từ lúc sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Si Mon Phê Rô và người môn đệ kia được Chúa yêu mến. Bà nói với các ông rằng: Người ta đã lấy  xác Thầy khỏi mồ và chúng tôi không biêt  người ta để Thầy ở đâu ? Phê Rô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phê Rô và đến trước. Ông cúi xuống thấy những  khăn liệm để đó nhưng ông không vào trong. Vậy Simon Phê Rô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những giây băng nhỏ để đó và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với giây băng nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mộ trước. Ông đã  thấy và  tin” ( Ga 20, 1 -8 ).

          Gioan đã thấy và tin, mặc dù chỉ thấy những…vật chứng. Còn Phê Rô tuy cũng thấy  như vậy nhưng không tin rằng Chúa đã sống lại. Bằng cớ cho thấy Phê Rô  chưa tin  là vì khi ấy  ông trở về nhà với tâm trạng rối bời, chán nản…thôi thế là việc đi theo Chúa bấy lâu bỗng chốc  chẳng còn nghĩa lý gì nữa, lại trở về với nghề chài lưới thôi ?. “ Simon Phê Rô nói với các Tông Đồ khác: Tôi đi đánh  cá đây ! Họ đáp: Cho chúng tôi đi với” ( Ga 21, 3 ).

          Ngoại trừ Gioan đã thấy và tin, còn các Tông Đồ khác vẫn chưa tin. Lý do khiến  các vị ấy  không tin là vì  chưa nhận ra Chúa Giê Su là Đấng Cứu Chuộc nhân trần. Trước lúc Chúa Ki Tô phục sinh về trời, các Tông Đồ  nhóm lại và hỏi: “ Có phải lúc này là lúc Ngài khôi phục  Nhà Itsraen  chăng ? ( Cv 1, 6 ).

          Tin việc Chúa đã  chết và sống lại là điều hết sức khó khăn vì nó vượt khỏi  nghĩ suy của con người. Chúa Ki Tô Phục Sinh thấu hiểu điều này và trong suốt 40 đêm ngày trước khi rời bỏ thế gian mà về cùng Cha thì Ngài đã dùng hết cách  để chứng tỏ  rằng  mình đã sống lại thật.

          Việc Chúa Giê Su chết và sống lại là một biến cố lớn gây hoang mang  cho toàn thể Giêrusalem. Các Tông đồ khi ấy cũng rất sợ, nơi các ông trú ngụ, cửa đóng then cài. Nghe các  bạn kể về việc Chúa sống lại, Thomas nói: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người. Không thọc ngón tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin. Cách tám ngày sau Chúa Giê Su lại hiện đến, khi ấy có Thomas ở đó, Chúa nói với ông: Hãy đưa ngón tay ngươi ra đây mà xem tay Ta. Hãy đưa ngón tay mà rờ vào cạnh sườn Ta, chớ có nghi, song hãy tin. Thomas đáp: Ôi lạy Chúa tôi ! Ôi ĐCT tôi. Chúa Giê Su phán: Vì ngươi đã thấy Ta nên mới tin. Phúc cho kẻ chẳng thấy mà tin” ( Ga 20, 24 -29 ).

          Sau lần ấy, Chúa Giê Su lại hiện ra với các Tông Đồ tại bờ biển Tiberia và lần này sau khi làm phép lạ để các ông đánh được một mẻ cá lớn Chúa lại còn ngồi ăn với họ: “ Khi vừa lên bờ thì các ông thấy có lửa than, trên đó  để cá và bánh. Chúa bảo họ: Hãy đem cá các ngươi mới đánh được lại đây…

          ….” Ngài bảo họ: Hãy lại ăn bữa sáng và không một ai dám hỏi ông là ai vì biết rằng ấy là Chúa. Chúa Giê Su lấy cá và bánh cho họ và cùng ăn với họ. Ấy là lần thứ ba Chúa hiện ra với các Tông Đồ sau khi từ kẻ chết sống lại” ( Ga 21, 9 -14 ).

          Những lần Chúa  hiện ra với các Tông Đồ  sau khi sống lại chứng tỏ Tình  Yêu lớn lao của Ngài  đồng thời cũng để củng cố lòng tin  còn yếu kém của họ. Nhưng lòng tin ấy chỉ thực sự  đem lại lòng can đảm  cần có với ơn Chúa Thánh Thần: “ Vào ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các Tông Đồ nhóm lại. Thình lình có tiếng từ trời đến như gió lốc thổi ào ào đầy cả nhà họ ngồi. Lại có lưỡi như  lửa  hiện đến đậu trên đầu mỗi người. Hết thảy đều được đầy rẫy Ơn Thánh Thần. Khởi sự nói các thứ ngôn ngữ khác theo như Thánh Thần cho họ nói” ( Cv 2, 1 -4 ).

          Tin Chúa đã chết và sống lại là điều hết sưc cần thiết để được cứu nhưng chưa đủ mà còn cần  có lòng can đảm thì mới có thể làm chứng nhân cho Chúa: “ Các con hãy làm chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 24, 48 ).

          Tin và làm chứng, hai việc ấy cần gắn với nhau. Nếu chỉ tin mà không…làm chứng  về điều mình tin, đó chưa thực sự là tin. Tin Chúa đã sống lại  và làm chứng cho điều mình tin ấy  luôn luôn là điều khó. Khi nghe Phao Lô giảng về sự sống lại thì giới trí thức, quan quyền thành Athen  nhạo báng, mỉa mai: “ Khi chúng nghe đến sự sống lại của kẻ chết, người thì nhạo cười, kẻ khác thì nói: Thôi để khi khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói  về việc đó” ( Cv 17, 32 ).

          Không những nhạo báng, người ta còn nộp cho quan: “ Tôi bị thẩm vấn đây  là vì hy vọng về sự sống lại của kẻ chết” ( Cv 23, 6 ). Các chứng nhân của Chúa đã phải cam chịu mọi sự chế diễu, đòn vọt và cả cái chết để chứng minh cho điều mình tin rằng có một sự sống thần linh khác ngoài sự sống  vật chất hữu hình này. Nếu không có sự sống ấy thì lời chứng của các Tông Đồ chỉ là…chứng dối hay sao, đời nào có vậy ?.

          Trong bài giảng của Thánh Phao Lô khi kể về biến cố thành Đa Mat, ngài nhắc lại lời Chúa Giê Su nói về mục đích của việc làm chứng: “ Ta cũng sẽ giải cứu ngươi khỏi dân này và người ngoại bang mà Ta sẽ sai ngươi đến để mở mắt họ, khiến họ xoay khỏi tối tăm mà hướng về sự sáng. Khỏi quyền lực của Sa Tan mà hướng về ĐCT hầu cho họ nhận được ơn tha tội và cơ nghiệp trong vòng những kẻ được nên Thánh bởi đức tin đến Ta” ( Cv 26, 17 -18 ).

          Tin Chúa sống lại dẫu là điều rất khó nhưng tin Chúa sống lại thì có ích gì nếu chính chúng ta chẳng được sống lại ? Tôn giáo có mặt là để giải quyết về cái chết của con người  hay nói cách khác nếu  không có cái chết  thì cũng chẳng cần chi  đến tôn giáo  cũng như triết lý, nghệ thuật v.v…

          Về cai chết và sống lại của Chúa Giê Su Ki Tô có liên hệ mật thiết đối với cái chết của mỗi người. Lý do khiến người đời và…có lẽ kể cả người có đạo nữa cũng chẳng tin việc Chúa sống lại là vì họ không liên hệ đến cái chết của chính mình: “ Vì nếu kẻ chết chẳng  sống lại thì Đưc Ki Tô  cũng chẳng đã sống lại. Còn nếu  Đức Ki Tô chẳng đã được sống lại thì đức tin của anh em thật hão huyền và  anh em vẫn còn sống trong tội lỗi mình. Hơn nữa cả những ngươi đã an nghỉ  trong Đức Ki Tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta chỉ có hy vọng trong Đức Ki Tô ở đời sống này mà thôi thì trong hết mọi người, chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” ( 1C 15, 16 -19 ).

          Nếu Đức Ki Tô không sống lại thì chúng ta cũng chẳng được sống lại  và như thế cũng chẳng làm gì mà có Giáo Hội cùng với các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể ? Thật vậy Bí Tích Thánh Thể chính là hiện thân của Chúa Ki Tô Phục Sinh. Ngài  ở đó như một thứ của ăn dưỡng nuôi linh hồn  con  người: “ Ta là bánh của sự sống. Ai đến cùng Ta  sẽ  chẳng hề đói. Ai tin Ta  sẽ  chẳng hề khát. Nhưng Ta đã nói cùng các ngươi, các ngươi đã thấy Ta mà còn chẳng tin. Phàm những kẻ Cha ban cho Ta, hẳn sẽ đến cùng Ta. Còn kẻ nào đến cùng Ta  thì Ta chẳng bỏ ra ngoài đâu” ( Ga 6, 35 -37 ).

          Có sự thật này là, rồi ra ai ai  cũng phải chết. Ấy vậy nhưng con người lại hay…quên mất điều ấy để rồi cứ mải mê  sống trong tội cho đến một ngày không sao tránh khỏi là phải lãnh lấy cái hậu quả kinh khiếp trong chốn khốn nạn đời đời, khi ấy dù  có hối cũng chẳng kịp !!!

          Có suy về cái chết  không thể tránh của chính mình, chúng ta mới thấy công ơn trời biển của Chúa Giê Su Ki Tô. Đấng đã chết  để cho ta được trở nên bạn hữu với Người: “ Chẳng ai có sự thương yêu  lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử  các ngươi làm theo những điều Ta truyền thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ chẳng biết  việc chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu  vì Ta từng tỏ  cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 15 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts