Chắc hẳn chưa bao giờ người Công Giáo lại mang một tâm trạng vừa hoang mang vừa buồn đau như Thánh Lễ Phục Sinh năm nay. Thánh Lễ trọng thể nhất trong năm mà giáo dân lại không được tham dự ! Tâm trạng ấy, Madalena cũng đã trải qua trong một sáng tinh mơ sau ngày lễ Vượt Qua, bà vội vã ra thăm mộ Chúa Giê Su, thấy tảng đá bị dời đi và xác Người Thầy thân yêu không còn ở đó . Hốt hoảng và sợ hãi bà vội chạy về báo tin cho các Tông Đồ.
Hai ông Phê Rô và Gioan cùng chạy ra nhưng Gioan thì chạy mau hơn, đến mộ trước:“ Cúi xuống, dòm vào thấy vải gai mịn còn đó nhưng không vào. Si Mon Phê Rô theo sau cũng đến và vào trong mộ, thấy vải gai vẫn còn đó và cái khăn trùm đầu Ngài chẳng để chung với vải liệm nhưng gấp lại để riêng ra một nơi khác. Bấy giờ môn đệ kia ( Gioan ) đến mộ trước cũng vào thì ông đã thấy và tin” ( Ga 20, 1- 8 ).
Qua trình thuật Phục Sinh này cho thấy có ba trường hợp. Bà Madalena vội vã ra mộ, thoạt đầu chỉ là để…viếng Chúa. Nhưng khi thấy tảng đá lấp mộ đã bị dời đi và không còn xác Chúa ở đó nữa thì hốt hoảng chạy về báo tin cho các ông. Còn Gioan, khi thấy hiện tượng đó thì tin chắc là Chúa đã sống lại. Riêng với Phê Rô thì cũng thấy như Gioan nhưng ông…không tin. Sở dĩ nói Phê Rô…không tin là vì dường như ông chán nản, muốn bỏ cuộc để trở về với nghề đánh cá trước đây. Khi đang cùng ở với Thomas, Nathanael và hai môn đệ khác, Phê Rô nói: Tôi đi đánh cá đây. Họ đáp: Cho chúng tôi đi với, họ đều ra đi nhưng đêm đó họ chẳng đánh được gì” ( Ga 21, 2 -3 ).
Trường hợp của Madalena, giả dụ bà thấy tảng đá lấp mộ vẫn…còn đó thì chắc hẳn…yên trí rằng xác Người Thầy mình rất mực tôn kính và yêu mến vẫn còn đó. Có thể bà sẽ ngồi đó khóc thương, kể lể một hồi lâu rồi đành…lủi thủi ra về ?.
Giả dụ trên đây ứng với nhiều người Công Giáo chúng ta hôm nay trong cơn dịch bệnh đáng sợ này. Không có Thánh Lễ thì kể như cũng không có Chúa hoặc Chúa …đã chết rồi !. Người ta cũng có thể …buồn chán, than thở với nhau một thời gian ngắn rồi thôi để trở lại với những mối lo toan cơm, áo, gạo, tiền giống như Phê Rô xưa kia với nghề đánh cá ?
Thế nhưng sự thật Chúa đã sống lại và trong khoảng thời gian còn ở lại trần gian, Ngài đã tích cực hoạt động để vực dậy đức tin cho các Tông Đồ hầu trao phó cho họ sứ mạng mà chính Ngài đã nhận lãnh từ nơi Chúa Cha.
Trước một biến cố đau thương, kinh hoàng như thế, các môn đệ đều hoảng sợ, dường như mất hết cả lòng tin. Chúa hiện ra với các ông nhiều lần để an ủi và tỏ cho biết quả thật Ngài đã sống lại: “ Lúc họ đang nói về những việc ấy, chính Chúa Giê Su đứng giữa họ mà phán: Bình an cho các con. Nhưng họ đều kinh hoàng sợ hãi, tưởng là thấy ma. Ngài phán: Sao các ngươi bối rối và sao trong lòng các con nổi lên ý tưởng như vậy ? Hãy xem chân tay Ta, thật chính là Ta. Hãy rờ Ta xem, vì ma đâu có thịt xương như các ngươi thấy Ta có đây. Nói xong Ngài chỉ cho họ xem tay và chân Ngài. Đương khi họ chưa dám tin vì cả mừng và lấy làm lạ thì Ngài phán tiếp: Ở đây các con có chi ăn không ? Họ trao cho Ngài một miếng cá nướng, Ngài nhận lấy mà ăn trước mặt họ” ( Lc 24, 36 -42 ).
Để chứng minh Ngài đã sống lại và hiện hữu trước mặt các Tông Đồ như một con người bằng xương bằng thịt, Chúa Giê Su đã…ăn cá nướng như khi Ngài còn sống với các ông. Những cử chỉ đơn sơ đầy tính nhân văn của Chúa đã chứng tỏ tình yêu thương vô bờ bến của Chúa Ki Tô Phục Sinh.
Thực hiện những việc ấy Chúa chỉ muốn thể hiện Tình Yêu Thương đối với nhân loại trước hết là các Tông Đồ, những con người sau này sẽ là những chứng nhân cho Ngài. Cũng chính vì tình yêu thương cao cả đó mà sau ba lần vặn hỏi, Chúa đã trao phó đoàn chiên cho Thánh Phê Rô. Ngài lại còn hỏi lần thứ ba rằng: Si Mon Phê Rô, con Gioan ơi ! Con có kính mến Ta chăng ? Phê Rô buồn rầu vì Ngài đã hỏi tới lần thứ ba, bèn đáp: Thưa Chúa, Chúa biết mọi sự, Thầy biết con kính mến Thầy. Chúa phán: Hãy chăn dắt đoàn chiên Thầy” ( Ga 21, 15 -27 ).
Vào lúc đương thời, Chúa Giê Su đã đặt Phê Rô làm đầu cai quản Hội Thánh và trao cho quyền bính tối thượng. Trải qua quãng thời gian theo Chúa, Phê Rô mặc dù có nhiều vấp váp nhưng vẫn một lòng một dạ theo Ngài: “ Bỏ Thầy, con biết theo ai ?” ( Ga 6, 68 ).
Xác định theo Chúa đó là một ơn gọi không phải do mình nhưng là do Chúa. Phê Rô và các bạn chài cũng như Mattheu, Nathanael, Phao Lô sau biến cố Đa Mat, mỗi người trong những hoàn cảnh, thời điểm khác nhau đều được Chúa kêu gọi và trung thành với ơn gọi ấy đến cùng.
Người Công Giáo cũng có ơn gọi làm Con Chúa: “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một ĐCT là Cha mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).
Ơn gọi của mỗi người giống như tiếng gọi giữa đêm tối mịt mùng. Tiếng gọi ấy nhiều khi bị…mất hút hầu như chẳng…nghe được gì ! Trong cơn đại dịch đáng sợ hiện nay, nhà thờ thì đóng cửa cùng với tiếng chuông quen thuộc vang lên sớm chiều,người Công Giáo chúng ta như bị hụt hẫng, không biết đời sống sẽ ra như thế nào, có còn được đi lễ, đi nhà thờ nữa hay không v.v…?
Thế nhưng trong nỗi niềm hoang mang lo lắng ấy Chúa vẫn có đó theo như lời hứa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Chúa… ở cùng nơi các Bí Tích và cụ thể là Bí Tích Thánh Thể. Nhưng nay Thánh Lễ không còn thì Chúa có thể ở đâu bây giờ ?
Thật sự thì Chúa vẫn…ở cùng nếu chúng ta có lòng tin nơi Ngài. Madalena đến tìm Chúa và không thấy Chúa ở trong mộ nữa thì bà…khóc. Tiếng khóc ấy biểu lộ tình yêu thương của bà đối với Chúa. Nhưng tình yêu thương ấy có phải chỉ là với một cái xác chết nếu Chúa quả thật không…sống lại ?
Việc tìm kiếm Chúa không phải để tìm một Đấng Chúa không có sự sống nơi mình nhưng là tìm Đấng đã phục sinh. Chúa hiện ra trong hình dạng một con người và hỏi Madalena: “ Bà kia, sao bà khóc, bà tìm ai ? ( Ga 20, 15 ).
Nếu chúng ta tìm Chúa giống như Madalena chỉ để thấy Chúa khi còn ở trong mồ thì làm sao có thể gặp được Ngài ? Sống đạo mà chỉ có cái hình thức thôi thì cũng như vậy, không bao giờ gặp được Chúa, Đấng là Sự Thật và là Sự Sống của mỗi người.
Trong những ngày này, khi diễn biến của cơn dịch còn khó lường, chúng ta vẫn cầu mong cho cơn dịch mau qua để nhân loại bớt khổ. Nhưng điều cầu mong còn khẩn thiết hơn đó là mong cho được tìm thấy Chúa và hễ có tìm thì ắt sẽ được.
Tại sao tìm Chúa thì ắt sẽ gặp ? Bởi vì Chúa là Đấng Hằng Hữu ở trong ta, chỉ cần quay về là gặp: “ Ngày đó, các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Ai có các giới răn của Ta và giữ lấy, ấy là kẻ thương yêu Ta, Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 20 -21 ).
Thực thi các giớ răn nhất là giới răn yêu thương đó là mối giây ràng buộc mọi điều thiện hảo sẽ được Chúa tỏ mình ra như chính Ngài Là. Madalena khóc lóc vì không thấy Chúa nhưng khi nghe được Tiếng Chúa gọi đích danh “ Maria” thì bà quay lại, thưa: Rabbi nghĩa là Lạy Thầy thì ngay lúc ấy bà nhận ra Thầy chính là Đấng Phục Sinh.
Chúa Giê Su bảo bà: “ Đừng động chạm đến Ta vì Ta chưa về cùng Cha. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta và bảo với họ rằng: Ta về cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi. Về cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi. Maria Madalena đi báo tin cho các môn đệ rằng: Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy” ( Ga 20, 11 -18 ).
Gioan khi nhìn vào trong mộ không thấy Chúa còn ở đó thì ông đã thấy và tin. Còn Madalena không thấy Chúa trong mộ thì khóc lóc tưởng người ta đã lấy mất xác Thầy mình. Nhưng sau khi nghe Chúa gọi tên thì bà đã hết sức vui mừng và theo lệnh truyền loan tin Chúa Phục Sinh cho các anh em mình.
Chúng ta là những người trên đường tìm Chúa và có thể cũng như Madalena khóc lóc vì không thấy Chúa. Thế nhưng việc tìm kiếm ấy chắc chắn sẽ gặp được một khi Chúa gọi tên và mình đáp trả lại Tiếng Ngài: “ Lạy Chúa này con đây. Con đến đến để làm theo Ý Chúa” ( 1Sm 3, 10 )./.
Phùng Văn Hóa