“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”

Sống vâng phục là nét đặc trưng của người môn đệ, người tông đồ, người đã lãnh nhận Thánh Thần. Sống vâng phục là đi theo con đường của Thầy Giêsu, Đấng đã vâng lời Cha cho đến tận cùng, vâng lời cho đến vườn Cây Dầu”. (Đức Thánh Cha Phanxicô) 

Thời của Chúa Giêsu, giới hữu trách là các tư tế, kinh sư, biệt phái, họ có quyền thế, họ điều khiển tất cả từ tôn giáo đến xã hội. Họ sống theo phong cách của thế gian, họ thi hành theo hệ thống kỷ luật rất chi ly, rất khít khao, nghiêm ngặt, mà cha ông họ đã áp đặt trên dân chúng từ đời này qua đời khác. Chúa Giêsu nhìn ra những khắt khe và sai trái với luân lý và tình thương của Thiên Chúa nơi họ, Người đã thẳng thắn lên án họ: “Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Mose mà giảng dạy, vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà mà làm vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào”. (Mt 23,1-4)  
 

Chúa Giêsu biết Ngài là con Thiên Chúa, là Đấng từ trời xuống, được làm người từ cung lòng của một người nữ đức hạnh là bà Maria, người mà Thiên Chúa tuyển chọn, ban cho nàng tràn đầy ân sủng của Thần Khí Ngài. Thai nhi trong bụng nàng được lớn lên đủ chin tháng mười ngày, ra đời nhu những thai nhi khác và được Mẹ Maria cùng bố Giuse nuôi dưỡng, cho bú mớm, dạy ăn, dạy nói, dạy học, dạy đọc kinh, dạy cầu nguyện, dạy đọc Sách Thánh, dạy đàng nhân đức… Thiên Chúa sai Ngài đến thế gian để thi hành ơn cứu độ, Ngài đã chết đi, chôn trong mồ đá, đã sống lại trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và hiện đang sống, đang hiện hữu cách thiêng liêng vô hình với chúng ta.

 “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”(Mt 6,24b).  Chúng ta, những con người có khuynh hướng bẩm sinh ích kỷ, chỉ nghĩ về mình, chỉ muốn lo cho cá nhân mình, vì thế ai cũng ham thích giàu có và quyền thế. Những thứ đó phong tỏa cuộc sống của họ, chiếm hết thời giờ và tâm trí, họ say mê tiền bạc, của cải và những vinh dự thế trần, họ hãnh diện khi người đời xu nịnh, tâng bốc. Những con người này, dù là Kitô hữu, họ cũng gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời họ.
 

Phần đông Kitô hữu cũng thường hay mắc phải bệnh kém tin, nên bị Chúa Giêsu mắng hoài: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin”  (Mt 8,26a), hoặc “người đâu mà kém tin vậy! sao lại hoài nghi” (Mt14,31b). Là con cái Thiên Chúa, chúng ta được tái sinh với Ngài trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta phải luôn xác tín với chính mình rằng, khi nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được mặc chiếc áo tinh tuyền là “Áo Giêsu” chúng ta được nên đồng thừa tự với Ngài, vì thế chúng ta có bổn phận: “Giữa một thế hệ gian tà và sa đoạ, anh em phải chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian” (Pl 2,14). 

Các tông đồ và môn đệ Đức Giêsu, các ông là những người tầm thường, ít học, làm nghề chài lưới v.v… các ông là những người nông nổi, nhát đảm, nên khi Thầy mình bị lên án oan, bị đánh đập, bị giết chết treo trên thập tự, các ông hoảng hốt, sợ hãi chạy trốn tứ tán. Nhưng khi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Sống Lại ban Thần Khí của Ngài trên các ông, thì các ông trở thành những chứng nhân đích thực cho Tin Mừng Phục Sinh. Nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu và các tông đồ đã khẳng định, chính Thầy và các môn đệ  đều đã vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta, dù có phải đánh đổi mạng sống. Các Ngài chính là những bậc chính nhân quân tử, những người công chính đích thực.

Nhìn lại chính mình, trong cuộc sống, nhiều lúc tôi hèn nhát chạy trốn chính mình, dù biết mình là con cái của Thiên Chúa, có tự do, được Ngài dạy dỗ, thế mà vẫn để cho những yếu đuối của mình nó chạy theo cám dỗ, lướt thắng mình.

Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh của Thánh Thần để con biết sống xứng đáng làm chứng nhân cho Chúa . Amen. 

Elisabeth Nguyễn

Chia sẻ Bài này:

Related posts