PHÙ HOA NỐI TIẾP PHÙ HOA

Lời Bạn Đọc:

Anh Duyệt thân mến,

Nghe bài giảng của Cha Michael tối qua và trước sự ra đi đột ngột của chị bạn, vợ của một bác sỹ rất nổi tiếng trị bệnh Azheimer, tôi càng thấy câu “phù vân, ôi phù vân. Tất cả chỉ là phù vân…” thật thấm thía.

Nếu câu nầy có thể là một gợi ý để anh viết một bài để độc giả suy nghĩ về sự ngắn ngủi của kiếp người, và để chúng ta, từ đó, biết hoàn toàn phó thác vào Tình yêu Chúa Giêsu giàu lòng thương xót?

 Chúc anh và gia đình một cuối tuần vui vẻ và tràn đầy Ơn Chúa.

Augustinô

****** 

Trên đây là email mà tôi vừa nhận được từ một người bạn. Đối với tôi, nó cũng “thấm thía” và mang ý nghĩa như bài giảng mà chúng tôi đã nghe trong thánh lễ hôm ấy. Điều làm tôi cảm động hơn là tâm tình của người nghe với những suy tư ứng dụng vào cuộc sống. Đó chính là “Sống Thánh Lễ”, vì Thánh Lễ được chia thành hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Không  biết có mấy ai khi tham dự Thánh Lễ đã để tâm lắng nghe, suy nghĩ và cảm thấy mình được thúc đẩy sống đời sống tâm linh bởi ý nghĩa của Lời Chúa?

VANITAS VANITATUM, OMNIA VANITAS

 Đây là những lời rất bóng bẩy, thâm thúy của sách Giảng Viên (Gv 1:2) đã được Thánh Giêrônimô dịch ra Latin trong bản dịch Thánh Kinh Vulgata. 

“Vanitas vanitatum, omnia vanitas.”

“Phù hoa nối tiếp phù hoa, của đời hết thảy chỉ là phù hoa.”

Nhưng vấn đề được nêu lên là có mấy ai đã đọc, đã hiểu, đã suy ngẫm, và nhất là thực hành được ý nghĩa của những dòng chữ ngắn ngủi này?

 Đọc, nghe hoặc nói về câu nói ấy chắc có thể là nhiều người. Hiểu và suy ngẫm thường là ít hơn. Còn sống và thực hành thì còn ít hơn nữa! Tại sao?

 “Tham, sân, si” trong Kinh Pháp Cú, theo Phật Giáo, là những nguyên nhân gây ra bất hạnh và phiền não, ưu tư cho con người. Đó cũng là bản tính chung của con người. Mấy ai có dịp làm giầu, trèo cao trên nấc thang danh lợi, và quyền uy mà lại bỏ lỡ. Cứ nhìn những cảnh thanh toán nhau trong lịch sử về việc tranh đoạt ngôi thứ. Cảnh tranh cử, đấu đá, bêu xấu nhau với mục đích dành được chiếc ghế thị trưởng, nghị sỹ, dân biểu, thủ tướng, tổng thống trong các cuộc bầu cử hiện nay. Hoặc cảnh luồn cúi, đút lót để được chức chủ tịch, giám đốc, viện trưởng, khoa trưởng, giảng sư…  thì mới biết sức hấp dẫn và thu hút của “Cái vòng danh lợi cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào” như thế nào.  

 Dựa trên ý nghĩa của bài giảng hôm ấy, và dựa trên hai nhân vật được nêu lên trong bài giảng, chúng ta thử tìm hiểu xem “phù hoa là gì?” Và của đời là “phù hoa” như thế nào?

GIÊSU NAZARETH

 Đối với những Kitô hữu thì Ngài là Đấng Thiên Sai do Thiên Chúa sai xuống trần cứu chuộc nhân loại. Ngài là người đã được tiên báo qua những tiên tri trong Cựu Ước, và được ghi lại qua Tân Ước. 33 năm sống trên trần gian, đặc biệt, 3 năm sau cùng của hành trình truyền giảng Tin Mừng, khi có người thanh niên muốn theo Ngài, Ngài đã nói trước với anh thế này: “Cáo có hang, chim có tổ. Con Người không có chỗ gối đầu.” (Mt 8:20; Lc 9:58)

 Ngài sống như thế không phải vì Ngài không có khả năng làm giầu, không có khả năng kiếm tiền, hoặc kiếm được một việc làm mang lại nhiều lợi nhuận, một địa vị danh giá trong xã hội. Trên thực tế, Ngài chỉ là con một bác phó mộc, sống bằng nghề thợ mộc tại làng quê nghèo Nazareth (Mt 13:55; Mk 6:3).

Và trong Thánh Kinh đã có một lần, Ngài được cơ hội sở hữu “tất cả”, đó là khi Satan đem Ngài lên núi cao, cho thấy tất cả vinh quang trần thế, rồi nói với Ngài: “Tất cả đều thuộc về tôi, và tôi sẽ cho ông, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi.” (Mt 4:9).

 Được tất cả, ở đây hiểu theo đúng nghĩa đen của giầu có, danh giá, và quyền bính. Nhưng những thứ đó không phải là cùng đích của cuộc đời. Và dĩ nhiên là Chúa Giêsu đã từ chối. 

 ALEXANDER ĐẠI ĐẾ

 Alexander III of Macedon, thường được biết như Alexander Đại Đế, vị hoàng đế của đế quốc cổ Hy Lạp thuộc Macedon. Ông lên ngôi thay cho cha mình là Philip II năm 336 BC ở tuổi 20. Suốt đời ông chinh chiến từ Tây Á sang Đông-Bắc Phi Châu. [Wikipedia].

 Ông sinh tháng Bẩy 356 BC tại Pella, và qua đời tháng Sáu 323 BC tại Babylon hưởng dương 32 tuổi. Cái chết của ông là một cái chết bí mật. Một số sử gia bảo ông chết vì sốt rét, hoặc những nguyên nhân khác. Một số khác thì cho là ông bị đầu độc. 

Nhưng những gì ông để lại sau những chiến thắng vang dội, với hào quang của một đại đế bách chiến, bách thắng là ba câu nói (ba lời trối trăn).

 Khi biết mình sắp chết, ông gọi các vị đại tướng lại quanh mình và nói với họ: “Ta sẽ sớm ra đi khỏi thế giới này. Ta có ba ước nguyện, các ngươi đừng quên thực hiện.”

  1. “Các vị y sỹ của ta phải khiêng quan tài ta.”
  2. “Ta muốn rằng khi quan tài của ta được khiêng tới nơi an táng,trên đường đi, hãy rải vàng bạc, tiền của mà ta có.” 
  3. “Lời trăn trối thứ ba và sau cùng của ta là hai tay của ta phải để thò ra ngoài quan tài.” 

 Rồi ông nói với họ: “Ta muốn thế giới hiểu ba bài học mà ta vừa học.”

 “Ta muốn các vị danh y của ta khiêng quan tài để người đời biết rằng không có vị bác sỹ nào trên trái đất có thể thực sự cứu được bất cứ ai. Họ không làm gì được trước sự chết.”

Cắt nghĩa lời trối thứ hai, vị hoàng đế nói: “Ta đã bỏ cả đời ta để đạt được sự giầu có, nhưng lại không thể mang theo được gì với ta. Hãy để cho mọi người biết rằng, sự giầu có của thế gian chỉ là bùn đất.”

Còn câu thứ ba ta mong mọi người biết điều này “ta đến thế gian này tay trắng, và ta cũng sẽ ra đi trắng tay.” [Last three wishes of Alexander The Great – The Siasat Daily… https://archive.siasat.com › News]

HAI CON NGƯỜI HAI BÀI HỌC

Qua hai hình ảnh vừa kể, chúng ta liệu có rút ra được bài học gì trong cuộc sống?

Với Chúa Giêsu Kitô bài học về sự phù hoa trần thế là một bài học mang tính cách tâm linh, một bài học đạo đức, và mang giá trị đời đời. Vì đối với cuộc sống trần gian này, con người chúng ta tất cả chỉ là những lữ khách trên đường về quê hương vĩnh cửu. Con đường mà cuộc đời mang lại nhiều gập ghềnh, khó đi, và dài ngắn bao lâu không lệ thuộc vào mỗi người. Như vậy nếu mang theo những của cải vật chất, chẳng khác gì tự mang những gánh nặng chồng chất trên vai một cách vô nghĩa. Bởi vì, tất cả những thứ đó sẽ không là gì khi chạm ngưỡng cửa đời đời.

Sống phó thác. Sống khiêm tốn và bằng an với những gì mình có để dễ hướng lòng về quê hương vĩnh cửu, và nhẹ nhàng bước đi trên hành trình cuộc sống. 

Trong quan phòng của Thượng Đế, Ngài biết chúng ta cần gì? Và bao nhiêu? Sự tham lam của con người đến từ tâm lý nghi ngờ và lo sợ về ngày mai.   

Khác với Chúa Giêsu, Alexander Đại Đế chỉ miễn cưỡng bỏ lại những gì mà ông ky cóp và chiếm đoạt. Những gì ông nói chỉ phản ảnh tâm trạng tiêu cực của một người trước ngưỡng cửa sự chết. Và trên thực tế, ông đã không làm gì được với những của cải mà ông có khi hai tay ông thò ra khỏi quan tài.

Nhưng chúng ta phải cám ơn ông, vì trước giờ chết ông đã ngộ ra chân lý, và chân lý đã giúp ông biết bỏ lại tất cả vì biết rằng sẽ không có cái gì thuộc về trần thế được đem vào Thiên QuốcCám ơn ba lời trối trăn của ông. Và cám ơn ba lời giải thích của ông về cái giá trị phù vân đời này.

 “Phù hoa nối tiếp phù hoa.

Của đời hết thảy chỉ là phù hoa”.

Trần Mỹ Duyệt

Chia sẻ Bài này:

Related posts