PHÚC CHO ANH EM…KHỐN CHO CÁC NGƯƠI…

(Luca 6,17-26)

Phúc cho người nghèo, khốn cho người giàu… Sẽ là sai lầm nếu tóm tắt các mối phúc theo Luca theo cách biếm họa như thế. Bởi vì bài diễn từ, dù mang vẻ mỉa mai hoặc thậm chí dụ dỗ, lại  mang một thông điệp tinh tế hơn và hứa hẹn hơn nhiều như bối cảnh đã gợi ý.

Dân chúng kéo đến cùng Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đi xuống cùng với các ông, Ngài dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Ngài, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Ngài, vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra, chữa lành hết mọi người” (Luca 6: 17-19)

Chỗ bằng phẳng

Trong Matthêu, các mối phúc là một phần của diễn từ thường được gọi là: Bài giảng trên núi (Mt 5-7 ). Chúng ta sẽ không thể gọi như vậy trong Tin Mừng này. Luca ưa thích chỗ bằng phẳng. Luca muốn đặt Chúa Giêsu, vốn đứng gần Simon Phêrô, giữa một đám đông và giữa đủ thứ người, điều này có thể gợi lại một nơi diễn ra những phép lạ. Vì thế, lời của Chúa Giêsu được liên kết với Tin mừng đang hoạt động: chữa lành và lấy lại sức khỏe , một dấu chỉ của ơn cứu độ và Nước Trời sắp đến.

Nghe Lời Ngài và được chữa lành … Lời Ngài là sự chữa lành là nhờ quyền năng này, quyền năng này gợi lên quyền năng của Đấng Tối Cao trong cuộc Truyền Tin: “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Luca 1,35) hay Thần Khí của Ngài: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy…” (Luca 4,14). Lời của Ngài là Lời của Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ. Nhưng nếu người ta đến để chữa bệnh về thể chất, thì đó là để chữa lành toàn bộ con người, được gọi là sự hoán cải, mà bây giờ mọi người đều được kêu mời như vậy.

Như vậy, các mối phúc và phần còn lại của bài diễn từ (Lc 6,27-38; 39-45) sẽ được mọi người lắng nghe: từ nhóm các tông đồ đang xuống núi, đến đám đông đến từ các vùng biên giới khác. Chính nhắm tới những môn đệ này mà Chúa Giêsu lên tiếng trong Tin Mừng Luca. Cho dù đó là một tông đồ được tuyển chọn hay một quidam – ai đó chất phác có bộ dạng xấu xí giữa đám đông, thì việc trở thành môn đệ của Ngài là tập họp nhau lại để lắng nghe Lời Thiên Chúa, Lời mặc khải và mời gọi đến một hạnh phúc nhất định…

Các mối phúc theo Luca (6,19-26)

Chúa Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” (Luca 6: 20-26).

 

Phúc và họa

Ba lời đầu tiên, gọi phúc bằng từ Phúc cho anh em, tương ứng với ba lời cuối cùng bắt đầu bằng Khốn cho các ngươi. Những câu này đối nhau: hoàn cảnh nghèo khó đối với có nhiều của cải, đói so với no, đau khổ đối với hạnh phúc, sự ngược đãi đối với người được kính trọng, người ta có thể tóm tắt như thế. Nhưng có thể có thứ hạnh phúc nào khi nghèo nàn, đói khát và đau khổ? Người ta không mơ được giàu có, thành đạt và được vinh quang đó sao?

Phúc cho anh em… Đó không phải là chuyện một lời hứa về một hạnh phúc tương lai, mà là ở hiện tại. Ở đây, Chúa Giêsu tôn vinh những người không còn hạnh phúc như vậy trong mắt loài người, bởi vì họ gặp cảnh nghèo đói và những thảm trạng. Theo suy nghĩ của một số người: nghèo đói và khốn khổ thậm chí là dấu hiệu của sự khinh miệt của Thiên Chúa đối với những người có lẽ là tội nhân. Diễn từ về các mối phúc đã lật ngược những định kiến ​​này. Những người nghèo này là những người đầu tiên đón nhận Tin Mừng của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (4,18). Nước Trời mà Ngài đến để khai mạc, kể từ hôm nay, đối với họ, là để thỏa mãn cơn đói của họ, để xóa đi những giọt nước mắt của họ. Lời của Chúa Kitô có ý định tôn vinh họ. Nếu họ không có gì trong mắt loài người, thì họ không phải là không có gì trong mắt Thiên Chúa, Đấng hành động vì họ.

Thật khốn !

Kiểu nói Khốn cho các ngươi là người giàu, không nên được hiểu như một lời nguyền rủa từ Chúa Giêsu hay từ Thiên Chúa, cũng không phải là biểu hiện của một cuộc đấu tranh giai cấp. Thay vào đó, Luca muốn chỉ ra rằng sự nghèo đói thực sự, hay nói đúng hơn là sự ô nhục, nằm ở những người sống trong sự giàu có, nhưng thờ ơ với cuộc sống của những người nghèo đói. Những người nghĩ rằng họ có một hoàn cảnh thoải mái, và những người đôi khi cảm ơn Chúa về “phúc lành” này; những người “cảm tạ Thiên Chúa”, cảm thấy được che chở khỏi mọi thứ, trong một pháo đài tài sản và danh vọng… không có khả năng sống theo Tin Mừng và chào đón Nước Trời. Chúa Giêsu chỉ trích sự giàu có, chứ không phải những người giàu như vậy, mà là chỉ trích sự giàu có mù quáng này, chỉ trích tài sản không được chia sẻ này, ảo tưởng về hạnh phúc chỉ dựa trên sự giàu có và vinh quang của chính mình.

Những môn đệ tội nghiệp …

Chúng ta hãy nhớ rằng bài giảng này được ngỏ một cách rõ ràng với các môn đệ của Chúa Giêsu (kể cả các độc giả). Một số người trong họ có thể đã quên đi công việc đánh cá, quên mất lưới của họ, để quên bàn thuế của họ ở đó … hoặc tìm kiếm danh vọng trong mắt người đời … tất cả những điều này khiến người tín hữu, dù giàu hay nghèo, đều quay lưng với điều thiện hảo và phúc thật.

Trong Luca, người ta nhận thấy rằng những người được hưởng ơn cứu độ, ở cùng một nơi, thường đi thành cặp với nhau, đàn ông và phụ nữ, nhưng cũng có người giàu và người nghèo: người bại liệt từ Galilê và Lêvi người thu thuế (Luca 5), đến Giêricô nơi người ta thấy ông Giakêu giàu có và người ăn mày mù lòa (Luca 18-19), nhưng cũng có viên quan bách quản và bà góa thành Naim (Luca 7), người đàn bà băng huyết và ông Giairô trưởng hội đường (Luca 8), ông Simon người Pharisêu và người đàn bà tội lỗi. (Luca 7), v.v… Nước Trời được ban cho mọi người, chủ và tôi tớ, người Galilê, người Giêrusalem hay dân thành Siđon, Nhóm Mười Hai cũng như những người khác… tất cả đều được mời gọi để hưởng lòng thương xót của Chúa Cha (6, 36). Ít ra người ta phải nghe và chào đón Lời Ngài cho đến khi người ta được Lời đó biến đổi chứ? Những gì được gọi là các mối phúc là một lời kêu gọi  hoán cải thực sự.

Cho đi bản thân để có được sự nghèo khó và giàu có

Dù đối với người nghèo hay người giàu, lời của Chúa Giêsu kết thúc bằng việc gợi lên sự khinh miệt và bắt bớ vì Con người. Người nghèo hay người giàu thậm chí có thể là điểm mấu chốt của đoạn văn này. Sự gắn bó với Chúa Giêsu Kitô và Vương quốc của Chúa Cha, chứ không phải với danh dự và của cải trần thế, trở thành của cải đích thực và phần thưởng tốt nhất. Bởi vì sự trung thành này tượng trưng cho lời chứng của người môn đệ biết yêu thương trên hết mọi sự, theo hình ảnh của Chúa của mình, và sống đức tin của mình bất chấp các giá trị của thế gian. Tất nhiên, phải gánh chịu sự thù hận, xúc phạm, khinh miệt và những sự ngược đãi khác, điều này không phải dành cho tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo, ngay cả khi người nghèo đã nếm trải điều đó trong hoàn cảnh riêng của họ. Nghịch lý thay, chính khi gợi lên việc các môn đệ bị ngược đãi mà các lời rao giảng, vốn liên kết với niềm vui, được nhân lên gấp bội: phúc cho anh em, hãy vui mừng lên, hãy reo mừng …

Bởi vì việc đón nhận Tin Mừng gian khổ là một niềm vui sống khi nó kín múc sức mạnh của nó từ sức mạnh của Chúa Kitô, khi chứng tá cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa là gì khi đối mặt với hận thù, lòng thương xót của Ngài là gì khi đối mặt với sự khinh miệt, lòng nhân từ của Ngài là gì khi đối mặt với sự xúc phạm, sự tha thứ của Ngài là gì khi đối mặt với sự phẫn uất của con người. Cũng chính trong chứng tá sống động này, các môn đệ, dù nghèo hay giàu, đều là anh em… cùng hướng về một Cha được Con Người mặc khải. Căn tính con cái này của người môn đệ sẽ xuất hiện nhiều hơn trong phần sau (6,27-38).

 

Phêrô Phạm Văn Trung,

chuyển ngữ từ aularge.eu.

Chia sẻ Bài này:

Related posts