Phúc và đức luôn gắn với nhau để trở thành phúc đức. Hễ có đức là có phúc. Hiểu như thế thì phải chăng chúng ta có thể nói đức là nhân còn phúc là quả ? Thật sự thì trong tính chất nhân quả buộc ràng chằng chịt này không ai có thể nói đâu là nhân đâu là quả. Phúc cũng là đức mà đức cũng là phúc. Chẳng vậy mà có những câu phương ngôn như phúc đức tại mẫu hoặc cha mẹ hiền lành để đức cho con v.v…Đáng lẽ trong câu này phải là để phúc cho con mới đúng ? Tuy nhiên để phúc hay để đức cho con đó là vấn đề của thế gian. Ở đây chúng ta bàn về mối quan hệ giữa Phúc và Đức trong lãnh vực tâm linh xuất thế.
Ở đời ai cũng muốn có một cuộc sống đầy đủ tiện nghi và cho đó là hạnh phúc. Thế nhưng Đức Ki Tô lại đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác khi cho rằng hạnh phúc chân thật chỉ có được cho những ai có lòng khó khăn “ Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật. Vì chưng Nước ĐCT là của họ” ( Mt 5, 3 ). Trong các bản Kinh Thánh khác, thay vì lòng khó khăn lại dịch là tâm hồn nghèo khó. Xét ra lòng khó khăn hay tâm hồn nghèo khó thì ý nghĩa cũng chẳng khác nhau gì mấy. Tuy nhiên với Kinh Tám Mối Phúc Thật mà tín hữu chúng ta vẫn tụng đọc trong các ngày Lễ Trọng hoặc Chúa Nhật thì lòng khó khăn xem ra có tính bao quát hơn nhiều. Lòng khó khăn Giáo Hội vẫn đề cao như là một thứ nhân đức bởi lẽ nó làm cho tâm hồn có được sức mạnh tâm linh hầu chống lại chước cám dỗ của ba thù = Thế gian ma quỷ xác thịt.
Con người là hợp thể của xác và hồn. Về thân xác thì cần phải đáp ứng cho nó những nhu cầu tối thiểu như cơm ăn áo mặc nhà cửa v.v…Tuy nhiên khác với con vật, nhu cầu của con người ngày càng tăng tiến thêm mãi không bao giờ ngừng. Có cơm ăn áo mặc người ta chưa lấy đó làm đủ mà còn muốn được ăn ngon mặc đẹp, nay mốt này mai mốt khác. Có nhà có xe nhưng còn muốn nhà lầu xe hơi. Có điện thoại để thông truyền tin tức cho nhau vẫn chưa lấy thế làm đủ mà còn muốn có màn hình màu để để được thấy rõ mặt nhau trong khi liên lạc v.v…
Ước muốn thì vô cùng nhưng chính ước muốn ấy đã khiến cho con người bị vong thân đánh mất mình. Đức Ki Tô xuống thế chỉ có một mục đích là để tỏ cho con người nhận biết mình đích thật là Hình Ảnh của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Để nhận biết mình tức nhận ra cái giá trị cao cả ở nơi mình thì điều kiện tiên quyết là phải có sự từ bỏ. Chúa nói với người thanh niên giàu có “ Nếu ngươi muốn được nên trọn lành thì hãy trở về bán hết của cải ngươi mà phân phát cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có của báu ở trên trời rồi hãy đến theo Ta “ ( Mt 19, 21).
Của cải thế gian đem lại cho con người mọi thứ tiện nghi. Bán hết của cải để theo Chúa có nghĩa con người đành chấp nhận sống mà không có tiện nghi. Điều này rất khó và còn khó hơn nữa là nhân đức khó khăn đòi buộc phải yêu mến sự khó khăn. Thánh Giu Se Calasanxio nói “ Yêu thích sự khó khăn tức là yêu thích những sự khốn khó bởi sự khó khăn sinh ra như là rét mướt là đói khát nhất là chịu hèn hạ bị khinh rẻ mà kẻ khó khăn thường gặp hơn cả” ( Thánh Alphongso de Liguori – Kẻ Nữ Tu Thánh Thiện ).
Đối với thế gian thì nhân đức khó khăn là điều không sao hiểu được và cũng chính vì thế họ cho rằng Đạo Công giáo chủ trương sự nhu nhược. F. Nietzche ( 1844 – 1900 ) ông tổ của triết hiện sinh vô thần thoá mạ “ Thực ra nhiều khi tôi đã phải phì cười khi thấy bọn bệnh tật kia. Họ nghĩ họ tốt lành chỉ vì chân tay họ bất toại” ( T. T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).
Nietzche chủ trương thuyết Thực Hành ( Praxis ) và thuyết này đã ảnh hưởng rất lớn đến chủ nghĩa CS. Mác phê phán các triết gia vì cho rằng từ trước đến nay chỉ biết giải thích thế giới thế này thế khác nhưng điều cần yếu là phải thay đổi nó. Còn Thần học Giải Phóng thì lại theo đuôi CS để đưa ra một thứ giải phóng chính trị hoàn toàn chối bỏ công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô.
Giải phóng thực sự chỉ đến với con người khi quyết tâm đi theo con đường bỏ mình tức bỏ “ Cái Tôi” đi. Bao lâu còn thấy “ Có Tôi” thì vẫn còn bị thế gian trói buộc không thể siêu thoát được mình để bước vào cõi hằng sống bất diệt như Đức Ki Tô đã hứa “ Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 2 -3)..
Một chỗ mà Đức Ki Tô hứa đó là Nước Thiên Đàng đời sau. Lời hứa của Chúa luôn kèm theo điều kiện đó là phải bỏ mình tức có lòng khinh chê thế gian. Sở dĩ thế gian cần khinh chê bởi vì chẳng những nó không đem lại hạnh phúc chân thật mà còn lôi kéo con người vào con đường dữ là xa cách Thiên Chúa. Thánh Phao Lô trước biến cố Đamat tỏ ra là một con người nhiệt thành trong việc bắt bớ giết hại Đạo Thánh nhưng khi được ơn trở lại, ngài đã tha thiết muốn được kết hợp với Chúa “ Những gì trước đây tôi cho là có lợi thì nay vì Chúa Ki Tô tôi cho là thiệt hại ( lỗ vốn ). Hơn nữa tôi coi tất cả mọi sự là thiệt hại so với mối lợi tuyệt vời là được nhận biết Chúa Giê Su Ki Tô, Cứu Chúa của tôi. Vì Người tôi đành chịu mất hết và tôi coi tất cả như rác rến để được Chúa Ki Tô và kết hợp với Người” ( Pl 3, 7 -9).
Suy cho cùng tất cả nhân đức trong Đạo Chúa chỉ có một mục đích là làm sao kết hợp với Chúa Giê Su Thánh Thể bởi vì Ngài là sự sống đời đời “ Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ có sự sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống thế gian ấy là thịt Ta” ( Ga 6, 51). Lời mời gọi của Chúa Giê Su = Hãy …ăn thịt Ngài hầu có được sự sống đời đời thật khó để mà tin. Ngay cả một số môn đệ Chúa cũng đã bỏ Ngài mà đi vì cho rằng = Lời này khó, ai có thể nghe được ? ( Ga 6, 60 ).
Tin Chúa Giê Su ngự trong Phép Thánh Thể là điều rất khó nhưng nếu ai thật sự có lòng tin sẽ là người có phúc; chẳng thế mà sau khi truyền phép vị linh mục chủ tế khi nào cũng tuyên đọc lời này = Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Hành vi Rước Lễ được gọi là dự tiệc Chiên Thiên Chúa bởi vì Thánh lễ diễn lại hiến tế của Chúa Giê Su trên thập giá. Sự hiến tế của Chúa được thực hiện vì Tình Yêu “ Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 15, 13). Do đó Rước Lễ phải được coi là việc chúng ta đáp trả lại Tình yêu hiến mình của Chúa Giê Su. Ngày nay trong thời Tục Hoá, việc Rước Lễ chỉ được coi như một thứ nghi thức và vì thế người ly dị tái hôn, người đồng tính kết hôn cũng được cho phép Rước Lễ …thoải mái mà chẳng biết đó là tội tội phạm Thánh nặng nề “ Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình và như thế mới ăn và uống chén ấy được. Vì người nào không phân biệt Thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó tức là ăn uống án phạt cho mình” ( 1C 11, 28 -29).
Phải tự xét lấy mình có xứng đáng hay không thì mới được rước lễ. Sự xứng đáng ấy trước hết là phải sạch tội trọng, tiếp đó là phải có lòng ước ao muốn được kết hợp với Chúa. Sự ước ao này là hết sức cần thiết bởi vì nó rất đẹp lòng Chúa. Ước ao điều gì tất sẽ được điều đó, ước ao điều thiện hảo sẽ được điều thiện hảo. Ngược lại ước ao điều xấu ác sẽ gặp điều xấu ác. Ước ao Chúa đến ngự vào linh hồn mình thì chắc chắn rằng Chúa sẽ đến. Chẳng những ta ước ao mà Chúa cũng rất ước ao được “Ở” trong ta “ Hãy cứ ở trong Ta, Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không cứ ở trong cây nho thì không thể tự kết quả được. Nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta thì cũng vậy. Ta là cây nho các ngươi là nhành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được” ( Ga 15, 4 -5).
Chúa nói ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được có nghĩa nếu không có Chúa ở cùng thì chúng ta không thể có cho mình bất cứ một thứ nhân đức nào cả. Tại sao thế ? Bởi vì do nơi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ mà loài người tất cả đã hoá ra hư hỏng “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này. Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong tôi vẫn vui thích luật pháp của ĐCT. Nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi bắt tôi làm phu tù cho luật của tội lỗi vẫn ở trong chi thể tôi. Ôi tôi là người khốn nạn dường nào. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân thể của sự chết này. Cảm tạ ĐCT nhờ Chúa Giê Su Ki Tô Chúa chúng ta” ( Rm 7, 21 -25).
Con người sinh ra là để…chết đó là sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên còn có một sự thật khác đó là ai cũng mong mỏi hạnh phúc thế nhưng lại gặp toàn là bất hạnh. Lý do tìm hạnh phúc mà không được là bởi không nhận biết đâu là hạnh phúc chân thật. Người ta cố kiếm ra thật nhiều tiền để được ăn uống thoả thuê sơn hào hải vị nhưng những của ăn đó chỉ ngon ngọt khi còn ở trong miệng, trên lưỡi nhưng khi vừa qua khỏi cuống họng thì đã trở thành vật bất tịnh hôi thối. Người ta lo lắng kiếm tìm danh vọng quyền thế chức quyền nhưng biết bao tấm gương cho thấy từ cổ chí kim từ đông sang tây tất cả chỉ là hão huyền chóng qua, có chăng chỉ còn lại vài ba phế tích…
Người đời lo lắng quá nhiều cho sự đời nhưng Đức Ki Tô nói “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Người” ( Mt 6, 33). Tìm kiếm Nước Trời nhưng Nước Trời ấy quả thật lại chẳng ở đâu xa ngoài mình tức có ngay ở nơi Tâm mình ( Lc 17, 20 ).Nước Trời có ở nơi Tâm, chính vì vậy mà việc tìm kiếm không phải là tìm ở bất cứ nơi nào khác mà là quay về với chính bản tâm mình. Để có thể thực hiện cuộc hành trình quay về này thì nhất thiết cần phải có phương tiện là các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể. “ Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời. Ta sẽ khiến cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 54 -56).
Chúa đã dùng chính cái chết của Ngài để làm bảo chứng cho lời hứa được sống đời đời cho kẻ nào rước Mình Máu Thánh. Về phần mình chúng ta chỉ cần có lòng tin và thật lòng yêu mến sốt sắng đón nhận lấy Bí Tích Tình yêu cực trọng ấy./.
Phùng Văn Hoá