Thường người ta vẫn ghép hai từ Phúc và Đức gọi chung là Phúc Đức nhưng nếu phân tích thì ý nghĩa của nó có sự khác biệt. Phúc hay phước là cái mà người ta được hưởng sau khi đã làm lợi ích cho người, cho đời. Cái phúc ấy có thể lớn hay nhỏ cũng như ngay trong đời này hoặc đời sau. Còn Đức hay công đức là do việc tu tập đúng chánh pháp .
Chính bởi lẽ đó, khi tổ Đạt Ma đến hóa độ cho vua Lương Võ Đế, vua hỏi: Suốt đời trẫm làm những việc lập chùa, cúng tăng, bố thí, lập đàn trai như vậy có công đức chi không ? Tổ Đạt Ma nói: Thật không có công đức.
Tại sao suốt cả đời làm những việc lớn lao như lập chùa, cúng dường chư tăng, bố thí v.v…lại không có công đức ? Để trả lời câu hỏi này, tổ Huệ Năng nói: Thật không có công đức. Đừng nghi lời nói của tiên thánh. Bởi vì vua Võ Đế còn tâm vọng, chưa rõ pháp chơn. Việc lập chùa, cúng tăng, bố thí, lập đàn trai là tu phước, chẳng nên nhận phước làm công đức. Vì công đức ở trong pháp thân chớ không phải ở chỗ tu phước” ( Kinh Pháp Bửu Đàn – Phẩm Quyết Nghi ).
Theo quan niệm Thiền Tông ( Đại Thừa ) thì Phúc và Đức không phải một nhưng là hai bình diện khác nhau. Lý do cần phân biệt như thế bởi nếu không sẽ đưa đến sự lầm lẫn cho rằng hễ cứ tạo phúc là có đức mà không biết rằng phúc nếu không do đức tạo lập thì đó chỉ là phúc tạm bợ thế gian chứ không phải.…phúc thật.
Cần phân biệt hai thứ phúc. Một là phúc thế gian, hai là phúc xuất thế gian và chỉ có thứ phúc sau mới là…phúc thật. Đạo Chúa chủ trương tìm kiếm…phúc thật chứ không phải như phúc của người thế gian ( Phú, quý, thọ, khương, ninh ). Có hiểu như thế mới nhận ra và biết quý trọng Tám Mối Phúc Thật.
Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê Su đã hấp dẫn không ít danh nhân thế giới và một trong số họ là Thánh Gandhi của Ấn Độ. Trong Hồi Ký, ngài kể khi làm luật sư tập sự tại Nam Phi đã có ý định …theo Ki Tô giáo nhưng vì không chấp nhận lối giải nghĩa Sách Sáng Thế theo…nghĩa đen của mấy ông mục sư Tin Lành nên lại thôi.
Cũng vì cái lối giải nghĩa Sách Sáng Thế theo …nghĩa đen về Đấng Tạo Hóa thế nên người ta ( Thần Học ) đã không cách chi hiểu được các mối phúc thật nói chung và mối phúc thứ nhất nói riêng: “ Phúc cho ai có lòng khó khăn vì Nước Trời là của họ” ( Mt 5, 3 ).
Tại sao Nước Trời lại là của những ai có lòng khó khăn ? Lòng khó khăn thì có quan hệ chi tới Nước Trời ? Có bản khác, thay vì lòng khó khăn lại dịch là có tâm hồn nghèo khó và rồi có lẽ cũng chẳng hiểu thế nào là tâm hồn nghèo khó nên đã đổi thành Nước Trời là của những người nghèo khó: “ Loan báo Tin Mừng cũng là một thành phần của công trình giải thoát. Nội dung của nó là Nước Thiên Chúa đã đến, đến cho người nghèo khổ và bị áp bức. Nền tảng của nó là các mối phúc ( Lc 6, 20 ). Nước Thiên Chúa này ở ngay giữa thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức thoát ách khốn khổ.( Nguồn: Lm Trần Đình Quảng –Đức Giê Su Trước Khi Có Ki Tô Giáo – Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giê Su Lịch Sử ).
Chính vì chủ trương Nước Trời là của người nghèo thế nên Giáo Hội cần đi đến với người nghèo, cùng với họ đấu tranh cho công bằng xã hội ? Đang khi đó Giáo Hội Công Giáo do Đức Ki Tô thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ chỉ có một mục đích là để lo phần rỗi cho các linh hồn với mệnh lệnh của Chúa Ki Tô Phục Sinh: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị định tội” ( Mc 16, 15 -16 ).
Đức Ki Tô truyền cho các môn đệ ra đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng và đòi buộc cần có lòng tin để được cứu chứ có phải đấu tranh cho người nghèo đâu ? Nếu Nước Trời là của người nghèo thì cần chi phải chịu phép rửa và tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô làm chi ?
Tôn giáo là con đường thực hiện tâm linh và Giáo Hội được lập ra chỉ có thể là vì mục đích ấy: “ Trong khi đó số môn đệ càng thêm lên, xảy ra có người Do Thái nói tiếng Hy lạp lằm bằm người Hê breu vì những người góa bụa của họ bị bỏ rơi trong sự cung ứng hàng ngày. Mười hai sứ đồ bèn gọi tất cả môn đệ đến và nói rằng: Chúng tôi bỏ qua Đạo ĐCT mà lo về bàn ăn thật chẳng xứng hợp. Vậy anh em hãy chọn trong vòng mình bảy người có chứng tốt, đầy Thánh Thần và sự khôn ngoan để chúng tôi lập họ lên lo việc này, còn chúng tôi thì cứ chuyên lo cầu nguyện và giảng dạy” ( Cv 6, 1 -3 ).
Với quyết định của các Tông Đồ như thế, chứng tỏ ngay từ ban đầu, Giáo Hội đã xác định sứ mạng của mình là để chăm lo hạnh phúc đời đời ( Phúc Thật ) cho Dân Chúa. Việc chăm lo ấy đã được thể hiện qua các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể là của ăn nuôi sống linh hồn con người. Mặt khác chỉ trong sứ mạng đó Giáo Hội mới xứng đáng là môn đệ Chúa Ki Tô, Đấng là ánh sáng soi đường cho thế gian: “ Ta là sự sáng thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 ).
Chúa Giê Su đòi buộc chúng ta cần đặt hết lòng tin nơi Ngài bởi vì Ngài là con đường dẫn đến Chúa Cha cũng là Sự Sống Đời Đời: “ Còn sự sống đời là nhận biết Cha cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Chỉ trên con đường nhận biết Cha, Đấng Chân Thần duy nhất đó, chúng ta mới có được hạnh phúc chân thật. Tuy nhiên con đường ấy là một nghịch lý. Những gì thế gian khinh chê ghét bỏ thì Chúa lại nói đó là…có phúc. Người đời rất ư coi trọng kiến thức triết học này nọ nhưng Chúa nói: “ Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật, vì Nước ĐCT là của họ”.
Lòng khó khăn ám chỉ tấm lòng đơn sơ, chất phác, dễ tin, dễ nhận. Chính cái lòng đơn sơ, chất phác như trẻ thơ ( Xích tử chi tâm ) ấy mới có thể tiếp nhận được Nước Trời.
Người đời có mấy ai không có tính hơn thua, tranh cạnh, so bì, hơn thua. Nhưng Chúa nói: “ Ai hiền lành ấy là phúc thật vì chưng sẽ được Nước ĐCT làm của mình vậy”
Đất ám chỉ sự nhẫn nhục, chịu đựng và chỉ như thế hạt giống Nước Trời mới có thể được gieo xuống và tiếp nhận.
Người đời ai cũng ưa thích vui chơi, ca hát tiệc tùng nhưng Chúa nói: “ Ai khóc lóc ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy’. Người ta khóc lóc đó là vì cảm thấy đau khổ vì nghèo túng, bệnh tật, bị áp bức nhưng vì biết cậy trông vào lượng Chúa khoan dung nhân từ nên được yên ủi.
Người đời ra công ra sức kiếm tiền bạc, danh vọng, chức quyền, địa vị nhưng Chúa nói: “ Phúc cho ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật vì chưng sẽ được no đủ vậy”.
Tiền bạc, danh vọng, chức quyền…ở đời suy cho cùng đều là những thứ độc hại… giống như một thứ nước mặn, càng uống vào càng khát. Ngược lại với những ai khao khát nhân đức trọn lành sẽ càng ngày càng được bình an no đủ Ơn Chúa.
Người đời sống trong vòng trói buộc của tham lam, sân hận nên đối với người khó thể hiện được lòng thương xót. Nhưng Chúa nói: “ Ai thương xót người ấy là phúc thật vì chưng mình sẽ được thương xót vậy”
Gặp những hoàn cảnh khổ đau, bất hạnh, không nơi nương tựa…Dù không có tiền bạc, vật chất nhưng nếu có lòng thương xót dù chỉ một ánh nhìn hay một lời nói an ủi vỗ về thì cũng được Chúa dủ lòng thương xót trong ngày sau hết bởi vì Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can.
Người đời chạy theo ham mê dục lạc khiến cho Tâm ngày càng ô nhiễm, si mê. Vì thế Chúa nói: “ Ai giữ lòng trong sạch ấy là phúc thật vì chưng sẽ được thấy mặt ĐCT vậy”.
Giữ lòng trong sạch tức là làm lắng trong tâm thức bằng sự chuyên chăm cầu nguyện,làm việc bác ai, yêu thương người như chính mình ta vậy. Thấy Mặt ĐCT phải hiểu đó là nhận ra Bộ Mặt Xưa Nay ( Bản Lai Diện Mục ) của chính mình.
Đời sống hôm nay hầu như chỉ thấy toàn là chia rẽ, bất hòa, từ trong các quốc gia, đảng phái cho đến từng gia đình. Bởi đó Chúa nói: “ Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật vì chưng sẽ được gọi là Con ĐCT vậy”.
Nguyên nhân khiến con người không thể sống thuận hòa với nhau bởi vì họ không nhìn nhận Thiên Chúa như là Đấng Cha của mình. Thiên Chúa quả thật là Cha bởi vì Ngài đã tác tạo con người giống hình ảnh mình ( St 1, 26 ).
Tình trạng bách hại đạo ngày nay thật hết sức bạo ngược, dữ dằn như tại các nước Hồi Giáo cũng như Trung Cộng. Điều này khiến Giáo Hội cũng như các tín hữu lo lắng sợ hãi. Nhưng Chúa nói: “ Ai chịu khốn nạn vì Đạo Ngay ấy là phúc thật vì chưng Nước ĐCT là của mình vậy”.
Suy cho cùng thì ai mà chẳng chết, nhưng chết cách nào đó mới là điều quan trọng. Chúng ta vẫn gọi tử vì đạo là một thứ phúc và quả là như vậy. Thế nhưng vấn đề là chúng ta có ở trong tâm thế sẵn sàng hay không ? Chịu đựng một chút nóng nực mà đã kêu rêu, nhịn đói một buổi để giữ chay mà cũng lấy làm…khó thì làm sao có thể lãnh phúc tử đạo được đây ?
Trong muôn vàn sinh linh vạn vật, được làm người là một cái khó nhưng được có phúc ở trong Giáo Hội làm Con Chúa lại còn khó hơn. Thế nhưng có phúc mà không có Đức tức là biết vâng theo Thánh Ý Chúa thì cái phúc ấy chẳng những sẽ mất đi theo năm tháng mà còn phụ bạc công ơn Cứu Chuộc đến nỗi khó tránh khỏi trầm luân trong ác đạo. Lý do là vì như trong Dụ ngôn Nén Bạc Chúa nói: “ Ta nói cùng các ngươi, ai có sẽ cho thêm. Nhưng ai không có, dẫu điều họ đã có cũng sẽ bị cất đi luôn nữa” ( Lc 19, 26 ).
Ai… có ở đây là có tri thức, có sức khỏe, tiền tài, vật chất v.v.. Người nào có những thứ ấy mà không đem ra phụng sự Thiên Chúa, trợ giúp Giáo Hội. Ngược lại còn xuyên tạc, bóp méo Lời Chúa, phá đổ Tin Mừng của Đức Ki Tô hòng triệt phá Giáo Hội thì chắc chắn không sao tránh khỏi án phạt trầm luân trong Ngày Chúa Đến !
Còn như nếu biết dùng tri thức, tài trí mình để củng cố đức tin cho Dân Chúa, giữ vững giềng mối xưa nay của Giáo Hội thì đó thật là có phúc vì đã biết sử dụng nén bạc Chúa trao giống như người đầy tớ trung thành./.
Phùng Văn Hóa