Chức quyền vẫn là điều gì đó làm cho con người thèm thuồng. Có khi người ta đánh đổi lương tâm cũng như chà đạp người khác để có chút chức quyền trong tay.
Từ những cuộc xung đột giữa con người sống bầy đàn thời nguyên thủy, đến cảnh chiếu trên, chiếu dưới ở làng xã và cảnh chạy chức chạy quyền ngày hôm nay trong xã hội con người vẫn cứ tranh giành chức vụ. Ngay trong chính hàng ngũ thân cận của Thầy Giêsu là Nhóm Mười Hai cũng không thoát khỏi sức hút của quyền lực. Họ đã từng cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18, 1). Và rồi ta thấy bi đát nhất là ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ Nạn, họ lại có chuyện xích mích với nhau cũng về chuyện chức quyền.
Thật sự, trong nhóm Mười Hai, hai con ông Dêbêđê là hai môn đệ được Đức Giêsu yêu quý hơn. Chẳng rõ có phải vì thế mà họ nuôi tham vọng chiếm được chỗ hai bên tả hữu của Thầy trong Nước Thầy (Mt 19, 28). Họ khéo léo nhờ mẹ của mình xin Thầy Giêsu ban cho ơn lớn đó (c. 20-21).
Ông Giacôbê và Gioan chắc chắn không quá đơn sơ và khờ khạo : hai người đã nghe tiếng gọi, tự do từ bỏ lưới, thuyền, gia đình để đáp lại tiếng gọi (Mt 4, 21-22) ; họ đã đi theo Chúa Giêsu được một thời gian đáng kể và Chúa Giêsu đã loan báo cuộc thương khó của Người đến lần thứ ba với nhiều chi tiết nhất. Như thế, hai ông thực sự có ý muốn, có suy tính và có cả một kế hoạch để thực hiện : hình ảnh lẽo đẽo theo mẹ minh hoạ điều này ; hơn nữa, mười người còn lại sẽ tức tối với hai anh này, chứ không tức tối với người mẹ. Như thế, tham vọng kiểu này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong hành trình người môn đệ theo Thầy Giêsu.
Đức Giêsu chắc không vui vì môn đệ vẫn chưa được giải thoát khỏi cái trần tục, Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” (c. 22-23)
Các môn đệ quá xa lạ với nẻo đường Thầy sắp đi, dù Thầy vừa mới cho họ biết con đường ấy, con đường bị chế diễu, bị đánh đòn và bị đóng đinh cho đến chết (Mt 20, 18-19).
Trong khi hai môn đệ thân tín còn loay hoay với những tham vọng thế gian thì Ngài kéo họ vào hiệp thông với cuộc Khổ nạn gần đến của mình. Thầy Giêsu mời họ chia sẻ với Thầy cùng một chén đắng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (c. 22). “Thưa uống nổi”, đó là câu trả lời đầy tự tin và mạnh dạn của Giacôbê, Và ông đã thực hiện lời hứa này bằng cái chết (Cv 12, 2). Nhưng Thầy cũng khiêm tốn cho biết Cha mới có quyền sắp chỗ ngồi (c. 23).
Như thế, Đức Giêsu không quan tâm đến điều họ xin, thậm chí Người cũng không có quyền. Ngài chỉ quan tâm đến chén Người sắp uống. Có lẽ hai vị tông đồ tưởng là chén rượu nho thơm ngon, nên trả lời mau mắn : “Thưa uống nổi”. Nhưng chén Người sắp uống là chén nộp mình cho sự dữ ; và khi biến cố xẩy ra, tất cả sẽ bỏ chạy !
Sẵn sàng theo Thầy không chỉ là từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, mà còn có nghĩa là sẵn sàng sống theo cách Thầy sống, sẵn sàng nghe theo lời Thầy dạy. Khi thấy các tông đồ ganh tị với nhau, Chúa Giêsu nói ngay: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải là người phục vụ anh em”. Rồi Ngài lấy ngay gương của Ngài mà dạy các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Gương mẫu cho các tông đồ, chính là Chúa Giêsu. Ngài là Con Người, tức là vị thẩm phán tối cao Thiên Chúa đã chỉ định để phán xét thế gian và lập Nước cánh chung (Dn7,13-14), nhưng ở trần gian, Ngài lại trở thành người hầu hạ và sau cùng hy sinh cả mạng sống để cho nhân loại tội lỗi được sống.
Đức Giêsu không có quyền bính kiểu này : thống trị, lãnh đạo, điều khiển, áp đặt… Đúng là Ngài có quyền bính, nhưng quyền bính của ngài không như kiểu quyền bính thế gian : “thủ lãnh thế gian thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền cai quản dân” (c. 25). Quyền bính của Đức Giêsu là quyền bính của ánh sáng, của sự thật và của sự sống ; và ánh sáng, sự thật và sự sống được diễn tả tốt nhất bởi sự hiền lành, khiêm nhường, phục vụ, bởi hy sinh và dâng hiến mạng sống.
Chúa muốn nói đến ý nghĩa sứ vụ của người tông đồ là đến phục vụ người khác, làm chứng tá cho Chúa, loan báo ơn cứu độ của Chúa cho muôn người. Các ông đã nhận ra sứ vụ đặc biệt của mình, từ đó biến đổi lối suy nghĩ để cá ông chuyên tâm cho việc loan báo Tin Mừng. Chính vì tình yêu dành cho Chúa nên thánh nhân đã trở nên người tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo vì danh Chúa. Chén đắng mà Chúa dành cho Ngài và Ngài đã uống chén Chúa trao cho, để vinh quang của Chúa luôn hiển trị đến muôn đời và triều thiêng dành cho ai vì danh Chúa mà hy sinh chính bản thân mình. Chúng ta những người Thừa Sai đang bước theo Chúa, được Chúa trao cho những sứ mạng khác nhau, dù đó là gian nan thử thách hãy biết phó thác, cậy trông ơn Chúa để trở nên xứng đáng là con cái Nước Trời.
Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc đời của ta, ta “lầm địa chỉ” và ta coi Thiên Chúa như một thứ “Thần Tài”. Ta hãy nhìn lại ta để ta xem ta thường cầu nguyện thế nào: Lời cầu xin của ta có nhằm để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” không? Hay chúng đang phản ảnh những nhu cầu và ước muốn đậm màu thế tục của ta? Và khi đó, ta nhớ lời dạy của Chúa Giêsu: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Cuộc đời của ta bị nhiễm nhiều hoen ố; hoen ố bởi danh vọng, bởi chức quyền…nhất là trong xã hội hôm nay, ai ai cũng coi trọng địa vị. Nhưng cũng chính vì địa vị nhiều khi đã kéo ta xa rời tình Chúa, thiếu vắng tình người. Xin Chúa thức tỉnh ta. Xin dùng tình yêu Chúa mà hoán cải cuộc đời ta, nhất là mỗi khi chúng ta rước lấy Mình Máu Thánh Chúa.
Xin Chúa cho ta một khi đã cảm nhận được tình yêu Chúa, hãy biết sống chết cho tình yêu Ngài bằng việc phục vụ anh chị em của ta và làm chứng cho tình yêu Chúa ngay cả mạng sống mình.
Huệ Minh