Việc ăn chay trong các tôn giáo đã có từ ngàn xưa và nay vẫn còn tiếp tục. Tuy nhiên ý nghĩa và mục đích việc ăn chay ấy, tùy thời tùy nơi lại có nhiều khác biệt. Mục đích của Phật giáo là để trưởng dưỡng lòng từ bi. Của Công giáo là để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối và tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giê Su. Với Hồi giáo là để quy tụ các tín đồ trong việc đặt hết lòng tin nơi giáo chủ Mohamet.
Mục đích khác thì phương thế thực hiện dĩ nhiên cũng phải khác. Phật giáo bởi mục đích để trưởng dưỡng lòng từ bi thế nên giới luật hàng đầu là cấm sát sanh. Với Hồi giáo thì việc ăn chay diễn ra trong một tháng gọi là Tháng Ramadan áp dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên: Không ăn, không uống, không quan hệ tình dục trong suốt thời gian từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.
Sau nữa là việc ăn chay của người Công giáo. Mùa Chay kéo dài trong suốt 40 đêm ngày bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro đến Lễ Phục Sinh. Việc giữ chay của người Công giáo có những quy định sau đây:
Thứ Tư Lễ Tro: Ăn chay và kiêng thịt.
Những ngày Thứ Sáu kế tiếp ( 06 lần ) sau Lễ Tro chỉ kiêng thịt chứ không phải ăn chay. Như vậy sự kiêng thịt chỉ bắt buộc trong 02 ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, còn các ngày khác trong năm thì được…miễn.
Luật Chay của người Công giáo mặc dầu chỉ mang tính…chiếu lệ nhưng vẫn còn có những…nố trừ: Người già trên 70 tuổi, đàn bà cho con bú, người lao động nặng nhọc thì không phải ăn chay, kiêng thịt…?
Việc ăn chay nếu chỉ mang tính…chiếu lệ như thế thì thật sự chẳng giúp ích gì cho đời sống tâm linh. Lý do là vì mục đích của đời sống tâm linh chính là để trở về với Đấng Chúa ở nơi mình: “ Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành, từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai họa” ( Ge 2, 12 -13 ).
Hãy xé lòng chứ đừng xé áo có nghĩa việc ăn chay ấy cần phát xuất từ ở nơi Tâm tức từ trong tư tưởng. Phải nhận biết tội thì mới có thể thực lòng sám hối, ăn năn quay về với Đấng Chúa vẫn luôn hiện hữu ở nơi mình. Việc trở về ấy cũng chính là Cuộc Vượt Qua của dân D0 Thái từ đất Ai Cập trở về nơi Đất Hứa Canaan.
Với biết bao phép lạ Chúa làm nhưng cuối cùng Cuộc Vượt Qua cực kỳ gian khổ của dân Do Thái đã thất bại mặc dầu đã vào được đất Canaan: “ Đức Giehova phán cùng Mai Sen rằng: “ Kìa, ngươi sẽ an giấc với các tổ phụ ( Trước khi vào Canaan ) còn dân sự này sẽ dấy lên và thông dâm với các thần khác trong xứ mà họ sẽ vào, bỏ Ta và Giao ước Ta đã lập cùng họ” ( Đnl 31, 16 ).
Nguyên nhân khiến Giao Ước Cũ ( Cựu Ước ) không được thực hiện đó là vì Dân Chúa đã có cái nhìn sai lạc về Canaan Đất Hứa: “ Cho nên Ta chán phiền về dòng dõi này và phán rằng trong lòng họ lầm lạc luôn, chúng chẳng từng biết đến đường lối của Thiên Chúa. Ta bèn thề trong thịnh nộ Ta rằng: Họ sẽ không thể vào Sự Nghỉ Ngơi của Ta” ( Dt 3, 10 -11 ).
Để vào được Chốn Nghỉ Ngơi Sabat tức Cõi Sống Đời Đời ấy thì cần có lòng tin chắc thật. Ngược lại không tin thì không thể…vào: “ Ta bèn thề trong thịnh nộ Ta rằng: Họ sẽ chẳng thể vào Sự Ngỉ Ngơi của Ta. Dẫu rằng công việc đã xong từ buổi Sáng Thế” ( Dt 4, 3 ).
Sự Nghỉ Ngơi đã xong từ buổi Sáng Thế đó chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại mà Đức Giê Su Ki Tô rao giảng đòi hỏi cần có lòng tin và sự ăn năn sám hối: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần. Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Tin vào Tin Mừng có nghĩa quả thật Nước Trời chẳng ở đâu xa mà hiện hữu ngay tại cõi lòng mỗi người. Có tin thực như thế thì mới có được quyết tâm trở về. Lòng tin yếu kém hoặc không có, đó là trở ngại không thể vượt qua trên con đường Trở Về đầy chông gai thử thách.
Chúa Giê Su, Đấng dẫn đường chỉ lối để cho ta vào được Nước Trời, chính Ngài cũng phải vượt qua những cơn cám dỗ bằng cách dấn thân vào trong sa mạc, nhịn ăn, uống trong suốt bốn mươi đêm ngày.” Bấy giờ Thánh Linh đưa Chúa Giê Su đến đồng vắng để chịu ma quỷ cám dỗ. Ngài đã kiêng ăn suốt bốn mươi đêm ngày rồi sau đó thì cảm thấy đói. Quỷ cám dỗ bèn nói với Ngài: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì hãy bảo hòn đá này thành bánh mà ăn đi. Ngài đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống không nguyên bởi bánh. Song bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Đoạn ma quỷ đem Ngài vào thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ nói rằng: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi vì có lời chép rằng: Chúa vì ngươi sẽ truyền lệnh cho thiên sứ Người sẽ nâng đỡ ngươi trong tay kẻo phải vấp chân vào đá. Chúa Giê Su phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi. Ma quỷ lại đem Người lên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian cùng sự vinh hoa của nó mà rằng: Nếu Ngài xấp mình thờ lạy ta thì ta sẽ cho Ngài hết thảy mọi sự ấy. Chúa Giê Su bèn phán rằng: Ớ Sa Tan, hãy lui đi vì có lời chép: Ngươi hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ một mình Người thôi” ( Mt 4, 1 -10 ).
Chúa Giê Su đã vượt thắng được ba cơn cám dỗ. Một là về bánh ăn. Hai là về quyền lực và ba là về vinh hoa thế gian. Ba cơn cám dỗ ấy có một mối liên hệ khăng khít với nhau. Bao lâu con người còn bị cái ăn, cái uống khống chế thì vẫn còn cần đến quyền lực mà còn cần đến quyền lực thì sẽ không thể nào phụng sự Thiên Chúa cách chân thật được.
Trong ba cơn cám dỗ ấy, cái ăn cái uống xem ra có vẻ…dễ thắng vượt nhất nhưng thật sự không phải vậy. Tại sao ? Bởi vì đó chính là một nhu cầu có tính bản năng của muôn loài muôn vật. Sự sống có được là nhờ ăn nhờ uống. Không uống chỉ trong dăm ba ngày sẽ chết vì khát, các cơ quan, tạng phủ không thể có được sự chuyển hóa. Còn về việc không ăn, theo lẽ thường tình, người ta rất khó thể chịu được trong vài ngày, cơ thể bủn rủn, đầu óc bấn loạn không sao làm việc !
Người ta khó thể nhịn ăn trong vài ngày nếu không có quyết tâm theo đuổi đời sống tâm linh vì cái lẽ…sợ chết. Lại nữa con người vì …sợ chết không thể nhịn ăn mà còn vì một nhu cầu muốn thỏa mãn những nhu cầu xác thân. Không những ăn cơm, ăn rau để sống mà còn phải có thịt cá, bia rượu này nọ. Nhu cầu thịt cá, bia rượu của con người ngày nay đã trở nên như một thứ …văn hóa, gọi là văn hóa ẩm thực được cổ xúy, tuyên truyền trên khắp các phương tiện truyền thông.
Cũng chính vì cái việc ăn, việc uống ngày càng trở nên như một thứ …cao trào như thế nên đủ mọi thứ bệnh tật nan y như ung thư, tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, trầm cảm, stess phát sinh khó bề chữa trị. Sống chỉ để thỏa mãn các nhu cầu ăn, uống thì khi chết sẽ phải chết trong thống khổ, bi ai !!!
Ăn uống thay vì để có năng lượng sống thì ngày nay con ngưới lại thu nạp vào người đủ loại chât độc hại và vì thế có thể nói sự diệt vong của nhân loại gây nên chính là do con đường ăn, uống mà ra. Người xưa nói “ Bệnh từ miệng mà vào. Họa từ miệng mà ra” quả không sai.
Chẳng những do con đường ăn, uống đưa đến bệnh tật mà còn khiến cho đời sống tâm linh bị trở ngại, bế tăc. Tại sao ? Bởi như đã biết con đường tâm linh là Đường Trở Về nhưng trở về sao được nếu vẫn cứ chấp lấy xác thân là …mình ? Một khi đã chấp xác thân…làm mình thì sao tránh được mọi cách để thỏa mãn nó ?
Đức Ki Tô truyền dạy đạo lý “ Bỏ Mình” chính là để cho ta bỏ được hai cái chấp. Một là chấp lấy xác thân làm mình và hai là chấp cho tâm tưởng làm mình. Một khi đã chấp xác thân làm mình thì cũng không sao bỏ đi cái chấp cho tâm tưởng, ý riêng là mình. Còn chấp lấy ý riêng là mình thì sao có thể cầu nguyện để vâng theo Ý Cha ?
Lời Chúa nói với quỷ Sa Tan: Con người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Đó không phải là một…ẩn dụ bóng gió nhưng là sự thật. Đang khi Chúa Giê Su trò chuyện cùng người đàn bà Samari bên bờ giếng Gia Cóp thì các môn đệ ra phố mua đồ ăn trở về. Họ không dám hỏi Ngài điều gì nhưng nói: Xin mời Thầy dùng bữa. Ngài nói với các ông: Thầy đã dùng một thứ thức ăn mà các ngươi không biết. Các môn đệ mới hỏi nhau: Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ? Đức Giê Su nói với họ: Thức ăn của Thầy là thực thi Thánh Ý Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” ( Ga 4, 27 -34 ).
Đối với Chúa Giê Su thì lương thực nuôi sống Ngài chính là thực thi Thánh Ý Cha. Chính cái…lương thực Ý Cha nhà Phật gọi là …Thiền Thực ấy đã giúp Chúa Giê Su sống mà không cần ăn, uống trong suốt bốn mươi đêm ngày trong hoang địa.
Có thể người Công giáo chúng ta vẫn nghĩ Chúa Giê Su có thể sống mà không cần ăn, cần uống như thế bởi vì Ngài….là Chúa và Ngài có thể làm phép lạ hóa bánh ra nhiều ! Thế nhưng không phải vậy. Quả thật Chúa không ăn, không uống gì trong những ngày ở trong sa mạc và thay vào đó là thức ăn của Thiền Định.
Cũng với …thức ăn Thiền Định này, hòa thượng Quảng Khâm ( 1892 – 1986 ) đã vào ẩn tu trong hang núi Thanh Nguyên cùng với quyết tâm: “ Nếu đời này không Ngộ Đạo thì suốt đời ta sẽ chôn thân trong động, quyết không ra ngoài”.
Với quyết tâm ấy, ngài Quảng Khâm đã nhiều lần nhập định trong thời gian cả mấy tháng trời liền, không ăn, không uống và không cả thở nữa. Để có được cái quyết tâm…Ngộ Đạo ấy, Quảng Khâm đã phải trải qua vô vàn gian lao khổ cực người đời khó ai kham nổi” Ăn cái người ta không thèm ăn.Làm những việc người khác không chịu làm. Phàm những việc thô nặng, bần tiện như phụ hồ, bửa củi, nấu cơm, quét dọn, chùi rửa cầu tiêu, ngài đều làm tất mà không so bì, không hề than oán v.v…
Những việc làm ấy của hòa thượng Quảng Khâm đó chẳng phải là Bỏ Mình tức bỏ đi cái tham chấp xác thân ảo tưởng, ý riêng này là mình sao ? Bỏ đi cái chấp xác thân ảo tưởng như vậy không phải là không còn gì nữa nhưng là để lấy lại cái Chân Ngã mà con người vì mê muội, ám chướng đã khiến cho mất đi.
Đức Ki Tô nói đường vào Nước Trời là đường hẹp: “ Hãy gắng sức vào cửa hẹp vì Ta nói cùng các ngươi, nhiều kẻ sẽ tìm vào mà không thể được” ( Lc 13, 24 ).
Để qua được Cửa Hẹp ấy, nhất định cần có ý chí dũng mạnh. Tuy nhiên chỉ ý chí thôi chưa đủ mà cần có lòng yêu mến Chúa Giê Su, Đấng đã hiến mình chịu chết vì ta. Ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, đền tội đó không phải là những gì con người phải chịu đựng…cho qua thời qua buổi nhưng đó quả là một ơn phúc lớn lao Chúa đã dành cho những người được tuyển chọn. Hãy nói và cảm nghiệm như Thánh Phao Lô: “ Còn về phần tôi, tôi hẳn chẳng khoe khoang điều gì chỉ khoe khoang về thập giá Chúa chúng ta là Chúa Giê Su Ki Tô đó thôi. Vì nhờ thập giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh và tôi đối với thế gian cũng vậy” ( Gl 6, 14 )./.
Phùng Văn Hóa