Quy hướng vào Lòng Thương Xót Chúa

Cũng tại nơi đây, quãng trường Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, đêm thứ Sáu 16/03/2018 tôi đã đến tiễn biệt Đức cố tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đến nơi an nghỉ cuối cùng. Lòng trí thổn thức nên những vần thơ: “Con bước theo dòng người. Tiễn cha về an nghỉ. Mênh mang đêm phố thị. Vang vọng tiếng kinh cầu. Ngọn nến thắp niềm đau. Dãi khăn tang ly biệt. Ngấn lệ trào thương tiếc. Cõi lòng con lặng câm. Bao năm trên đường trần. Đoàn chiên người dẫn dắt. Nay cha đã lịm tắt. Ôi! Luyến lưu phận người.”

 Giờ này xế trưa Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh ngày 08/04/2018 mừng đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, tôi đang cùng với bao người say mê hát vang ngợi ca Chúa Giàu Lòng Thương Xót: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Vì ngoài Lòng Chúa Xót Thương, không còn nguồn hy vọng nào. Chúng con đặt vào Chúa, lòng tín thác của mỗi chúng con. Nhân loại hôm nay đang trải qua bao là sự dữ. Con người hôm nay đang sống trong tuyệt vọng lo âu. Chúng con đến kêu cầu Chúa giàu lòng xót thương. Ngài mở ra con đường, đưa đến tận nguồn sống yêu thương…”

Một khoảng không gian lắng đọng và thời gian tưởng chừng khựng lại nơi đây trong giờ phút này. Giờ phút tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá để cứu độ nhân trần. Quãng trường Trung tâm Mục vụ  rộng lớn đủ bao bọc hàng ngàn người giáo hữu thập phương về đây kêu cầu Lòng Chúa Thương Xót. Những cánh tay nhịp nhàng lên xuống. Những chuỗi hạt xoay xoay. Những lời kinh vang vọng khẩn nài: “Vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.” Hẳn trong đời mình, mỗi người con của Chúa đã không ít lần đi tìm  Lòng Thương Xót của Chúa. Nhưng như Chúa Giêsu dạy: “Ở đâu có hai, ba người hợp lại nhân danh Thầy thì nơi đó có Thầy.” Những người con của Chúa một năm một lần tề tựu trong ngày đại lễ, hợp lòng hợp trí với nhau, suy tôn, cảm nghiệm và quy hướng vào Lòng Thương Xót của Chúa.                                           

Tiếng kèn thánh thót, điệu trống dồn dập, lúc nhặt lúc khoan hòa quyện cuốn hút lòng người, thúc giục những bước chân. Giọng dẫn  MC ngọt ngào quen thuộc của vị linh mục, những lời ca thánh, hoạt cảnh diễn nguyện, tâm tình chia sẻ…Tất cả đều quy hướng vào Lòng Thương Xót của Chúa trong ngày đại hội Lòng Chúa Thương Xót lần thứ 11 này tại Trung tâm Mục vụ TGP. Sài Gòn. Quy hướng vào Lòng Thương Xót của Chúa, những tòa giải tội được đặt  chung quanh bên trong quãng trường trung tâm. Trong cuốn Nhật Ký của mình, thánh nữ Faustina Kowalska viết về một lần mặc khải của Chúa Giêsu với chị: “Thơ ký của Cha, con hãy viết rằng: Cha rộng lượng với các tội nhân hơn những người công chính. Vì họ, Cha đã từ trời xuống. Vì họ, Cha đã đổ máu ra. Chớ gì họ đừng sợ hãi khi đến gần Cha; Họ rất cần Lòng Thương Xót của Cha.” (NK 1275)

 Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” công bố ngày 30/11/1980 của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị có đoạn viết: “Sứ mệnh của Giáo Hội càng được tập trung vào con người thì sứ mệnh đó càng được khẳng định và thực hiện theo cách thức tập trung vào Thiên Chúa, nghĩa là trong Đức Giêsu, quy hướng về Chúa Cha…Sự mặc khải đầy đủ cho con người chỉ có thể thực hiện đầy đủ bằng cách quy hướng sâu sắc hơn mãi về Chúa Cha và về tình thương của Ngài.”   

Quy hướng nhưng không vụ lợi vào Lòng Thương Xót của Chúa, như huấn từ “Đức Tin Trong Việc Tôn Sùng Lòng Chúa Thương Xót” của Đức cha giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa Anphongsô Nguyễn Hữu Long: “Có khi chúng ta đến với Chúa chính là để vụ lợi. Để được hưởng lòng thương qua việc cầu khẩn…Mở miệng là xin, hết ơn này đến ơn khác. Và nhiều khi xin những điều vô lý, xin những điều không đúng, xin những điều không đáng…” Đức cha bày tỏ cảm tưởng rằng nhiều người tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót chỉ là để được ơn này, ơn nọ chứ không thực sự có lòng mến Chúa cho đúng đắn.

Quy hướng và tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa, như chia sẻ của cha tổng linh hướng CĐ. LCTX. TGP. Sài Gòn Ernest Nguyễn Văn Hưởng qua chủ đề “Tâm Tình Tín Thác Trong Việc Sùng Kính Lòng Chúa Thương Xót”: “Nếu chúng ta hiểu tất cả sẽ qua đi, nay vầy mai khác. Hôm nay là đại gia, mai chỉ còn nhà tranh. Hôm nay thì đầy quyền lực, hét ra lửa, mai thì vào nhà tù, bị giam trong bốn bức tường. Hôm nay thì sắc nước hương trời, ngày mai thì thân tàn, ma dại. Vậy người khôn nhất là người đặt niềm tin vào một điều vững bền đời đời. Người công giáo chúng ta hiểu rằng điều quan trọng là ở bên Thiên Chúa…Nếu tôi tín thác vào Chúa, tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta không phải thất vọng.” 

Quy hướng và chứng từ Lòng Thương Xót của Chúa. Trong bài giảng lễ, Đức cha phụ tá TGP. Sài Gòn Luy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Cộng đoàn Lòng Thương Xót của chúng ta chiều hôm nay ở đây bao gồm nhiều cộng đoàn Lòng Thương Xót của Chúa nhỏ bé, thường xuyên gặp gỡ nhau, sống hiệp thông, chia sẻ với nhau. Lấy Đức Kitô làm trung tâm, qua việc sống Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa. Qua việc cầu nguyện với Lòng Thương Xót của Chúa. Chính đó là chứng từ sống động của mầu nhiệm Hội Thánh Hiệp Thông và mầu nhiệm của sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh hằng ở với Hội Thánh, đi giữa thế gian và loan báo Tin Mừng bằng chứng từ yêu thương…Chứng từ của chính những người tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh sẽ trở nên là lời loan báo Tin Mừng thuyết phục nhất.”   

Cuối thánh lễ, Đức cha chủ tế Luy long trọng ban phép lành tòa thánh với ơn toàn xá cho mọi người, khép lại một ngày đại hội kính Lòng Chúa Thương Xót trang trọng, sốt sắng và mỹ mãn. Những bước chân thập phương đến đây với cõi lòng nao nức quy hướng vào Lòng Thương Xót của Chúa giờ ra về hớn hở bình an, tràn đầy thẩn khí của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

               Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa

Chia sẻ Bài này:

Related posts