Ai đó đã từng định nghĩa: “Cuộc đời là những chuyến đi”. Những ngày đầu đời, ai ai cũng tập đi. Rồi những nơi chốn thân quen, quan trọng trong cuộc đời ta cũng “đi” như “đi đến trường”, “đi về nhà”,… Ai cũng đi nhiều như thế. Ai cũng đi hằng ngày như thế. Nhưng mấy ai tự hỏi: tôi đang đi đâu? Đi để làm gì? Đi cách nào?
Con đường trong cuộc đời dài ra theo những quãng thời gian ta trải qua. Ngày nhỏ là những quãng đường đến trường, đến nhà thờ, đến nhà ông bà,… Đến tuổi lớn khôn là quãng đường đến với bạn bè, đến những vùng đất mới. Khi trưởng thành là quãng đường đi làm và…hình như là hết rồi. Những con đường cần đi trong cuộc đời ta dễ đưa vào những “lối mòn” đặt sẵn ra thế thôi. Và hình như đến một thời điểm nào đó, ai ai cũng nghĩ họ đã đi đủ những quãng đường cần thiết cho cuộc đời rồi.
“Đi” là động từ, chỉ cho một hành động để thay đổi, di chuyền về không gian và thời gian. Nhưng “đi” cũng để cho thấy một tinh thần thay đổi, một tinh thần đổi mới, một tinh thần hy sinh,… Ngày xưa Chúa Giê-su đã kêu gọi các môn đệ ra đi, chứ không phải ở lại ( “Anh em hãy ra đi” – Lc 10,3). Đi khỏi những con đường quê ta để đến với những vùng đất mới. Ra đi khỏi con đường đến trường cấp I, cấp II để đến với con đường đi đến với trường cấp III, Đại học,… Ra đi để thấy cái mới hơn. Ra đi để được nhiều hơn.
Tinh thần “ra đi” ấy ở nơi đâu và ở lĩnh vực nào cũng cần thiết. Ra đi khỏi tầm kiến thức của bản thân để học hỏi được nhiều kiến thức khác. Ra khỏi những định kiến của bản thân để tìm được những hướng đi mới trong suy nghĩ và hành động. Ra khỏi “vùng an toàn” để biết được bản lĩnh của mình như thế nào. Những đột phá của những công trình vĩ đại phải chăng cũng bắt đầu từ những cuộc “ra đi”? Liệu ta sẽ có những bóng điện sang không, nếu Ê-đi-sơn không “ra đi” khỏi những định kiến đương thời để thất bại và cuối cùng là thành công với nó? Liệu ta có biết đến Trái Đất xoay quanh Mặt Trời không nếu Ga-li-lê không “ra đi” khỏi những định kiến sai lầm đương thời? Những bước đi đầu tiên ấy của họ đã đưa đến cho nhân loại những thành tựu to lớn biết chừng nào. Và còn đó bao cuộc “ra đi” nữa mà ta không biết hết được.
Với người môn đệ Chúa Giê-su thì càng phải “ra đi” nhiều hơn nữa để trở nên giống Người Thầy của mình. Ra đi khỏi tầm nhìn của bản thân, mới thấy được cánh đồng truyền giáo còn rộng lớn biết chừng nào. Ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân mới thấy còn biết bao anh chị em cần mình như thế nào. Khi xưa, chính Chúa Giê-su cũng đã ra đi và ra đi liên tục trong quãng đời rao giảng của Ngài. Có ra đi thì mới đến được với nhiều nơi và nhiều con người mà ta chưa từng biết đến hơn được. Có ra đi thì mới biết mình nhỏ bé biết bao với thế giới rộng lớn này. Ra đi để phục vụ. Ra đi để yêu thương. Ra đi khỏi bản ngã con người mình để đến với anh em, để “phục vụ anh em” chứ không phải để “được phục vụ”. Nghe theo tiếng Chúa gọi và ra đi. Ra đi để biết mình nhỏ bé biết chừng nào.
Quang Hải
Gp. Bùi Chu