(Lời đầu bài hát “Tìm lại màu xanh” của Lm. Thành Tâm,CSsR. và Lm. Trần Sĩ Tín, CSsR.)
Trong tuần lễ vừa qua tôi có dịp trở lại miền cao nguyên Lâm Đồng, nơi mà trước kia tôi có một số năm sinh sống phục vụ anh em người dân tộc. Bây giờ trở lại đã đổi khác quá nhiều, dù mỗi năm tôi vẫn thường có đôi ba dịp đến, nhưng mỗi lần đến là mỗi lần niềm tiếc nhớ rừng xanh năm cũ lại trỗi dậy trong tôi. Cảm giác đi qua những tán rừng rợp mát, tiếng động vang vọng dội lại từ xa của tiếng xe, con cáo con chồn chạy ngang mặt, con thỏ ngơ ngác nhìn rồi lủi mất vào rừng sâu, … Những hình ảnh đó như mới hôm qua, vuột đi như sự thay đổi trên màn chiếu của một phim truyện, để hôm nay chỉ còn ánh nắng chói chan, những gương mặt bơ phờ bê bết mồi hôi, những mảnh đồi khoe da đỏ lòm khô khốc.
Những buổi sáng thức dậy trong hơi sương, mở miệng thở là phả ra làn khói, những nhánh lan rừng long lanh trong ánh nắng, cái lạnh dịu dàng nhẹ nhàng đậm tình quê bên tách cà phê nóng. Một chuyến đi rừng về lan đầy giỏ, gùi lan về treo khắp chung quanh nhà, để mỗi sớm được ngằn nhìn lan thỏa thích, để mỗi chiều thưởng ngoạn những điệu vũ của lan rừng trong gió nhẹ hoàng hôn, những cảm xúc đó chỉ còn trong tiếc nhớ.
Tôi đứng giữa những tán phượng ở sân nhà thờ R’lơm, ngôi nhà thờ lưu giữ của tôi nhiều kỷ niệm, làng mạc chung quanh đã thay đổi hết rồi, cái làng R’lơm năm xưa với những túp lều lúp xúp không còn nữa, dòng suối lớn uốn quanh chiều chiều vang tiếng cười hồn nhiên của các sơn nữ đi tắm suối không còn nữa, bây giờ là dòng nước đục ngầu thay cho làn nước trong vắt ngày xa cũ, bây giờ là những ngôi nhà bê tông thay cho những chiếc lều ám đen lúc nào cũng có những sợi khói trắng nhẹ nhàng lãng đãng luồn ra trên nóc mái. Cái may mắn là những gốc phượng già hai người ôm vẫn còn đó trong sân nhà thờ, những đám rễ nổi lên bò ngoằn ngoèo trên mặt đất như những đám vòi của con bạch tuộc vươn ra tìm sức sống, tán rộng che mát một khoảng sân. Tôi tha thiết xin anh em đừng chặt ngang gốc phượng, cố giữ lại như giữ chút gì còn sót lại của rừng xưa, của chút gì là kỷ niệm thời các thừa sai khai sơn phá thạch, rồi hình ảnh đám trẻ nô đùa chạy quanh gốc phượng sống động trong tôi. Chúng tôi đang bàn định làm ngôi nhà thờ mới cho buôn làng này, ngôi nhà thờ cũ đã mục nát, hơn nữa bây giờ trở nên quá nhỏ so với số tín hữu tại đây. Làm sao giữ được hình ảnh ngôi nhà thờ đã 50 năm hiện diện (1963 – 2013), làm sao giữ đươc bóng mát của những tàn phượng đầy ắp yêu thương ?
Rời giáo điểm R’lơm tôi về thăm giáo điểm Đ’Pao (Đà : nước, suối, Pao : mơ, Đ’Pao : suối mơ), con cầu sắt cũ kỹ với hai tấm ván dọc theo chiều dài cầu – ngày xưa mỗi lần lái xe đến đây cố định hai bánh xe vào hai tấm ván rồi “nhắm mắt” mà qua – không còn nữa, dòng suối lững lờ mộng mơ cũng không còn nữa, thay vào đó là cây cầu bê tông, dòng suối gần khô cạn chảy trên cái mương xây gạch nghe như vô hồn vô mệnh. Dòng suối “chị em” mang tên Đ’Nung (suối thiêng) song song cách đó một cây số cũng đươc “lên đời” chung một cách với Đ’Pao.
Nhà thờ Đ’Pao đã gần xong, chung quanh nhà thờ cô quạnh không một bóng cây, duy nhất cây sanh cổ thụ ngay giữa sân trước nhà thờ hình như đang bị âm thầm lên án. Ngồi giữa những anh chị em dân tộc quanh gốc cây, tôi vui mừng trò chuyện với bà con, một ghè rượu cần được mang ra, mọi người vui vẻ “nhộ tờ nờm” (uống rượu cần), các sơn nữ mang những vòng dây màu sắc sặc sỡ choàng vào cổ anh em chúng tôi, đó là những nghi thức dành cho khách quí đến thăm làng. Khi đã ngà ngà, trong lúc “nhun” (say) K’Nga, một ông người dân tộc trong ban chức việc nói với tôi xin chặt cây sanh vì nó cản tầm nhìn ngôi nhà thờ mới, tôi cố giải thích cho K’Nga hiểu cái quí của mảnh cây xanh còn sót lại từ rừng xưa. Hiểu ý tôi, cha Th. nói nhỏ với tôi, cha đừng buồn, ở đây họ nhiều cây qúa rồi nên họ không quí cây nữa. Nhiều đâu mà nhiều, Đà Lạt ngày nay có đồi thông nào còn nguyên vẹn đâu!
Đất nước mình mỗi năm có hàng ngàn hecta rừng bị phá bỏ, ngồi trên máy bay, bay qua vùng trời cao nguyên, từng con suối nếu không đỏ quạch thì cũng đục ngầu đất cát, quằn quại lăn lộn trên những mảnh núi đồi loang lổ lở lói ngổn ngang. Còn gì đau xót hơn những vết thương ngày một phát triển trên da thịt người con gái Việt Nam vàng da. Từng vết thương mưng mủ, hoại tử, cày nát quê hương.
Chiều hôm nay, một số bạn đã cùng nhau học hỏi về Học thuyết Xã hôi của Giáo hội Công giáo trong nhiều năm qua, anh chị em muốn cùng tôi suy nghĩ về chương Bảo vệ Môi trường. Bảo vệ Môi trường là một trong 12 chương sách Tóm lược Học thuyết Xã hội, nhưng là một trong 6 chương chuyên đề của cuốn Tóm lược đó. Bảo vệ Môi trường xếp hàng sánh vai cùng các chương: Gia đình, Lao động, Kinh tế, Cộng đồng Chính trị, Công đồng Quốc tế, và Cổ vũ Hòa bình.
Khi đưa ra quan điểm của mình về môi trường, Giáo Hội dựa trên mặc khải về tạo dựng, sự tốt đẹp của nguyên thủy do mối tương quan thân thiện với Thiên Chúa và trách nhiệm quản lý thiên nhiên của con người trong kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa. Khi nói về sự bảo vệ môi trường, Giáo Hội dựa trên Tin Mừng cứu độ do Đức Kitô mang lại nhờ mầu nhiệm Chết và Phục Sinh của Người, ơn cứu độ trước tiên dành cho con người và qua con người mọi thụ tạo được tái tạo lại trong Chúa Kitô.
Thật cần thiết cho chúng ta hôm nay, cần có cái nhìn đúng đắn được hướng dẫn bởi giáo huấn của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxico đã khai mạc triều đại mục tử của Ngài với định hướng “người nghèo, hòa bình và bảo tốn thiên nhiên” (Buổi gặp gỡ giới truyền thông vào ngày thứ ba bắt đầu triều đại (http://www.chuacuuthe.com/2013/03/17/ngay-thu-3-cua-trieu-dai-giao-hoang-phanxico/ ), ắt hẳn chúng ta cần phải có cái nhìn tích cực hơn trong sứ mạng này.
Lê Quang Vinh đã có một bài viết rất sâu sắc “như một lời tiên tri” khi nhận ra trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, Đức Hồng y Tôi tớ Chúa Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã trích một đoạn trong diễn văn của Đức Chân Phúc Giáo hoàng Gioan Phalo II nói “tiên tri” về “linh đạo Benedicto và Phanxico” (HTXH số 464) trong việc bảo vệ thiên nhiên. (http://www.chuacuuthe.com/2013/04/17/nhu-mot-loi-tien-tri/ ).
Tạ ơn Chúa.
Lm. Vĩnh Sang, dcct.
21/04/2013