SAO LẠI ĐUỔI

 Hùng trở về từ chuyến đi cắm trại với các bạn cùng lớp trung học. Lần này, ba của cậu thấy có nét gì đó buồn buồn trên mặt con. Ông hỏi con mọi sự ổn cả chứ. Hùng trả lời:

“Dạ, ổn cả. Nhưng…”

“Nhưng gì con?” ba Hùng hỏi.

“Con bị mấy đứa bạn đánh bại.”

“Bị đánh bại là sao con?”

“Tụi nó đố con giải thích Kinh Thánh. Nhưng con không thể. Thật là quê quá đi.”

“Sao lại phải quê chứ? Đó là một cơ hội nữa cho con học hỏi thôi, con trai ạ.”

“Nhưng ba ơi, tụi nó phê bình con thiếu hiểu biết về Kinh Thánh.”

“Con à, bản thân ba cũng đâu biết nhiều thứ đâu. Ba cũng phải học hỏi mà.”

“Được rồi ba. Ba biết con không phải là một người dễ bực mình. Nhưng cái làm con khó chịu là: lời phê bình đó không chỉ riêng về con mà về tình trạng của Giáo Hội chúng ta.”

“Thật vậy à? Sao lại thế?”

“Chuyện là thế này ba: họ nói rằng nhiều những người Công Giáo trẻ thiếu hiểu biết vì ngừng học hỏi về đức tin sau khi được Thêm Sức như thể Thêm Sức là lễ tốt nghiệp khỏi trường dạy đức tin vậy. Con lý luận với họ rằng chúng ta vẫn đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, cả khi trời mưa tuyết, để nghe cha xứ giảng dạy.”

“Đúng rồi con trai. Đó là điều chúng ta vẫn làm.”

“Nhưng ba ơi, họ cười chọc con là suy nghĩ ngây ngô quá. Một huynh trưởng nói những gì con học trước khi Thêm Sức chỉ là mấy bài học của đám trẻ con. Với kiến thức ấy, con sẽ không thể vững vàng trong đức tin và sẽ không có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Đúng vậy không ba?”

“Xem ra họ nói có lý đấy con. Hmm…” Ba của Hùng thở dài.

“Ba biết không, mới tối hôm qua, chúng con thảo luận với nhau về đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan, chương 2, câu 13 đến 25, nói về cảnh Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán súc vật và đổi tiền ra khỏi khu vực Đền Thờ Giêrusalem. Huynh trưởng nhóm con mới trở về từ chuyến đi hành hương Đất Thánh. Chị nói rằng những gì chúng ta đọc trong đoạn Kinh Thánh này mô tả một nếp sống bình thường thời ấy. Ai cũng thích như vậy, đặc biệt là các người Do Thái hành hương. Hàng năm, trong dịp lễ Vượt Qua của họ, nhiều người đến Giêrusalem mừng lễ và dâng cúng của lễ. Thật là thuận tiện khi có những người buôn bán súc vật vì người hành hương sẽ không phải mang vác súc vật từ nơi ở xa xôi của họ. Những người đổi tiền cũng giúp họ có loại tiền thích hợp để xoay sở trong thời gian mừng lễ ở Giêrusalem. Tại sao Chúa Giêsu lại đuổi mấy người này ra khỏi đó? Chị huynh trưởng bảo con chia sẻ cảm nghĩ của mình. Lúc đó con không thấy tự tin chút nào ba ạ!”

“Thế con chia sẻ gì vậy?”

“Con nói: Chúa Giêsu đuổi họ ra ngoài có lẽ vì họ làm ồn quá người khác không cầu nguyện được. Nhưng mọi người cười con. Con tự hỏi tại sao lại cười con chứ?”

Hùng nhìn ba và thấy ba mình cũng đang cười.

“Ba cũng đang cười kìa. Có gì buồn cười vậy ta?”

“Ồ, ba xin lỗi. Nhưng con còn nói gì nữa không?”

“Con không nói gì nữa. Quá thất vọng nên con im luôn. Rồi con có một ý tưởng, nhưng nó vừa lóe lên trong đầu thì có một bạn khác mở miệng nói y chang mà còn rất hay nữa. Thế là con lỡ mất cơ hội!”

“Ý tưởng đó là gì vậy con?”

“Con nghĩ Chúa Giêsu hành động như vậy có thể là vì có điều gì đó sai trái trong cách người ta buôn bán.”

“Ý con là có sự bất công?”

“Dạ, chính xác là vậy. Có lẽ Chúa Giêsu biết họ đang lấy giá quá cao đối với những người hành hương nghèo khổ.”

Ba Hùng gật đầu nói: “Ba đồng ý với con. Chúa Giêsu không quan tâm đến tập tục hoặc súc vật dùng để hiến tế nhưng Người quan tâm đến hoạt động mua bán bất lương. Một nơi thánh thiêng dành cho cầu nguyện không thể nào chấp nhận việc khai thác bóc lột được. Rất tốt, con trai. Nhưng con có nghĩ liệu còn một lý do nào sâu xa hơn cho hành động này của Chúa Giêsu không?”

“Hmmm…”

Hùng tập trung suy nghĩ cao độ. Nhưng cuối cùng lắc đầu. Ba cậu mỉm cười và nói:

“Con có nhớ Chúa Giêsu gọi Đền Thờ này là gì không?”

“Hmm… Người gọi nó là… nhà Cha ta, phải không ba?”

“Chính xác. Khi ta mới đọc đoạn này, ta có thể có một ấn tượng tiêu cực rằng Chúa Giêsu chống lại hoạt động kinh tế và tôn giáo của Đền Thờ, hoặc chính cơ cấu của nó. Nhưng nếu ta đọc sâu hơn, ta sẽ thấy rằng Chúa Giêsu đang khẳng định một điều tích cực quan trọng: khi Người gọi Đền Thờ là nhà Cha mình, Người đang mạc khải căn tính mình là Con Thiên Chúa; là Con Thiên Chúa thì Người cũng chia sẻ quyền làm chủ nơi này. Người có quyền trên cả Đền Thờ.”

“Làm sao ba biết những điều này nhỉ?”

Ba của Hùng mỉm cười, nói: “Ba đã nghiên cứu. Nhưng biết những kiến thức này thôi thì chỉ mới được một nửa đầu của niềm tin, con trai ạ. Nửa kia phải là việc áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống thực tế của ta. Con nghĩ sao?”

“Con nghĩ ít nhất có một áp dụng ở đây: Con nhớ Thánh Phaolô nói chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Linh. Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình, được không ba?”

“Rất xuất sắc, con trai ạ. Ba tự hào về con!” Ba cậu vừa nói vừa đưa cao hai ngón cái lên.

Sinh Nhật năm nay của Hùng đang đến gần. Tuần trước, ba cậu đặt mua một món quà ý nghĩa cho con: một cuốn Kinh Thánh và một cuốn chú giải. Ông hy vọng sẽ đem lại ích lợi cho con trai yêu quý.

BCT ( St )

Chia sẻ Bài này:

Related posts